Một vài phân tích «Thôi Bối Đồ» (III): Bắc Tống
Tác giả: Lưu Thiên Hồng
[Chanhkien.org]
Lời ban biên tập: Có rất nhiều dự ngôn nổi tiếng đã được lưu truyền qua hàng ngàn năm, dự đoán phi thường chuẩn xác, thế nhưng vẫn khiến con người cảm thấy thật thần bí. Dự ngôn đã trở thành đề tài được nghiên cứu trong suốt lịch sử nhân văn, thế nhưng chúng cũng đề xuất một vấn đề khoa học: Liệu có khả năng dự đoán tương lai? Tại chuyên mục này, chúng tôi và quý độc giả cùng nhau dần dần khám phá các dự ngôn này.
Trong số các dự ngôn của Trung Quốc, «Thôi Bối Đồ» có thể nói là “nhà nhà đều biết”. Đây là cuốn sách sấm do quan Tư Thiên Giám Lý Thuần Phong và ẩn sĩ Viên Thiên Cang đồng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán triều đại nhà Đường (năm 627-649 SCN). Cuốn sách tổng cộng có 60 hình vẽ (đồ tượng), mỗi đồ tượng ở bên dưới lại có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ, dự ngôn từ triều Đường cho tới nay, tới tận tương lai, về các đại sự phát sinh tại Trung Quốc qua các triều đại.
Ngũ Đại: từ Tượng 10 đến Tượng 14; Bắc Tống: từ Tượng 15 đến Tượng 20
Trong lịch sử Trung Quốc, thời Ngũ Đại (năm 907-960 SCN) là thời kỳ của sự hoán chuyển liên tục các triều đại. Chỉ trong 53 năm ngắn ngủi mà xuất hiện tới 5 triều đại là Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu, lịch sử quen gọi là Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu. «Thôi Bối Đồ» từ Tượng 10 đến Tượng 14 chính là dự ngôn giai đoạn thời gian này. Ở đây xin lấy Tượng thứ 14 làm ví dụ, giới thiệu sơ qua.
Tượng 14 Đinh Sửu
Sấm viết:
Thạch lựu mạn phóng hoa
Lý thụ đắc căn nha
Khô mộc phùng Xuân chỉ nhất thuấn
Nhượng tha thiên thủy tự vinh hoaTụng viết:
Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ dĩ chung
Thập tam đồng tử ngũ vương công
Anh minh trùng kiến thái bình nhật
Ngũ thập tam tham vận bất thông
Tạm dịch:
Sấm rằng:
Cây lựu nở đầy hoa
Cây mận mọc mầm ra
Củi khô gặp Xuân chỉ nháy mắt
Nhường lại nước trời tự vinh hoaTụng rằng:
Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ đã xong
Mười ba đồng tử năm vương công
Anh minh lại thấy thái bình nhật
Năm mươi ba xem vận bất thông
Thời Ngũ Đại có tổng cộng 13 Hoàng đế, Chu Thế Tông là vị Hoàng đế cuối cùng. Thế Tông họ “Sài” (khô cằn), trong văn ví von là “khô mộc” (củi khô). Nghe nói Thế Tông là bậc quân chủ anh minh, chỉ tiếc là thời gian tại vị không dài, sau chết vì bệnh. Âu Dương Tu sống vào triều Tống trong «Tân Ngũ Đại Sử» đã miêu tả: “Mà Thế Tông chỉ trong 5, 6 năm đã lấy được Tần Lũng, bình định hữu ngạn sông Hoài, thu phục ba quan ải, tiếng tăm uy vũ chấn động thiên hạ; bên trong lại thỉnh mời kẻ sĩ Nho học, mở khoa thi, tu «Thông Lễ», định «Chính Nhạc», nghị «Hình Thống», toàn là những điều lưu lại cho hậu thế. Là người anh minh quả quyết, quả đúng như vậy”. “Củi khô gặp Xuân chỉ nháy mắt, Nhường lại nước trời tự vinh hoa” đã miêu tả rất xuất sắc điều này. Trong đồ hình là một bó củi khô bao quanh một gốc cây tươi, ám chỉ khí số của thời Ngũ Đại đã hết.
Từ Tượng 15 trở đi, thời gian bắt đầu tiến nhập vào triều Tống. Từ lúc Tống Thái Tổ lên ngôi đến khi Nam Tống diệt vong là 300 năm, ở phương Bắc trước sau xuất hiện vài triều đại do dân tộc thiểu số kiến lập, đó là Liêu (tộc Khiết Đan), Tây Hạ, Kim (tộc Nữ Chân), và sau này là triều Nguyên (tộc Mông Cổ). Giữa nhà Tống và các triều đại do dân tộc thiểu số kiến lập ở phương Bắc thường xảy ra chiến sự liên miên. Ở đây chỉ xin lấy Tượng thứ 17 làm ví dụ.
Tượng 17 Canh Thìn
Sấm viết:
Thanh hách hách
Can qua tức
Tảo biên phân
Điện bang ấpTụng viết:
Thiên tử thân chinh sạ độ hà
Hoan thanh bách lý khởi âu ca
Vận trù hạnh hữu hoàn toàn nữ
Tấu đắc kỳ công tại nghị hòa
Tạm dịch:
Sấm rằng:
Âm chói lọi
Can qua hết
Vào vai phụ
Đặt bang ấpTụng rằng:
Thiên tử thân chinh mới vượt hà
Hoan hô trăm lý nổi ngợi ca
Trù tính may có hoàn toàn nữ
Tấu được kỳ công tại nghị hòa
Tượng này nói về chiến dịch Thiền Uyên của Tống Chân Tông. Chân Tông là vị Hoàng đế thứ 3 của triều Tống, là bậc quân chủ tương đối anh minh. Vào thời Bắc Tống, tộc Khiết Đan không ngừng xâm phạm triều Tống; năm Cảnh Đức đầu tiên, Khiết Đan ồ ạt xâm nhập, Tống Chân Tông dẫn quân thân chinh. Quân Tống chiến thắng dồn dập, Khiết Đan bị buộc phải nghị hòa.
Trong đồ hình, ở bên kia dòng sông, đứng quay mặt về phía độc giả là một người có dáng dấp quan viên người Hán, chính là Tống Chân Tông, rất có dáng vẻ uy nghi của Thiên tử. Ở bên này dòng sông, đứng quay lưng về phía độc giả là một người Hồ, chỉ người Khiết Đan xâm lược. Bởi vì Tống Chân Tông thân chinh ra tiền tuyến, binh sĩ Tống vô cùng phấn chấn, trên dưới một lòng, nhiều lần phá địch. Bên Khiết Đan thì chột dạ không dám tái chiến, chủ động cầu hòa. Đây chính là người Hồ trong đồ hình đang chắp tay hướng về phía người có dáng dấp quan viên người Hán để tỏ lòng kính trọng.
(Còn tiếp)
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/zj/articles/2002/12/11/19556.html
Ngày đăng: 30-03-2011
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.