“Thiện” phiến kết duyên



Tác giả: Bối Ngọc

[Chanhkien.org] Chiếc quạt {người Trung Quốc gọi là “phiến” (扇)} có một lịch sử lâu đời trong nền văn hóa Trung Hoa. Thuở xưa, cùng với sự thay đổi của các triều đại, công dụng của nó cũng thay đổi theo. Chiếc quạt ban đầu được dùng để che chắn trước sự nhòm ngó, ánh mặt trời hoặc gió và để quạt mát. Họa phiến (quạt với hình họa) bắt đầu xuất hiện từ thời Tam Quốc. Theo «Lịch Đại Danh Họa Ký» của Trương Ngạn Nguyên đời Đường, Bộ Dương, người giữ chức quan cao nhất thời đó, đã vẽ cho Tào Tháo một chiếc họa phiến. Một lần, do sơ suất làm rớt một giọt mực lên chiếc quạt, ông đã tận dụng màu đen và vẽ một chú ruồi lên đó. Dù không được đẹp nhưng nó giúp ẩn giọt mực đi. Bắt đầu từ thời Ngụy Tấn, viết thơ và vẽ quạt đã trở thành thời thượng và tồn tại qua nhiều triều đại.

Họa phiến Trung Hoa. (Ảnh: Epoch Times)

Có một câu chuyện về nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn là Vương Hy Chi. Vương Hy Chi là người đầu tiên vận dụng thư pháp vào vẽ quạt, và điều này đã được ghi chép vào sử sách. Sách «Tấn Thư: Vương Hy Chi Truyện» có kể rằng ông lên thành Thiệu Hưng và thấy một lão nương định bán hơn mười cây quạt tre hình lục giác đang mang theo mình. Vương Hy Chi cảm thấy bà lão thật tội nghiệp và hỏi: “Quạt giá bao nhiêu?” Bà đáp: “Hai mươi đồng”. Vương Hy Chi bèn lấy bút viết lên mỗi cây quạt năm chữ và nói: “Khi bán chỉ cần nói với mọi người rằng là Vương Hữu Quân viết, bà sẽ được một trăm đồng mỗi chiếc quạt.” Lão nương bèn mang tất cả số quạt ra chợ bán, mặc dù bà hơi nghi ngờ lời ông nói. Trước sự ngạc nhiên của bà, nhiều người muốn mua những chiếc quạt đó và tất cả số quạt mau chóng được bán hết. Ngày nay có một cây cầu được gọi là “Đề Phiến Kiều” gần núi Trấp ở thành Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Tương truyền, đây là nơi Vương Hy Chi viết thư pháp lên chiếc quạt.

Trong thời Tùy Đường, quạt được chế tác rất thanh tao. Chúng cũng có nhiều chủng loại. Thời bấy giờ gồm có hoàn phiến, vũ phiến và chỉ phiến (quạt lụa, quạt lông và quạt giấy). Hoàng đế Thái Tông triều Đường vốn nổi tiếng về thư pháp. Nhân dịp Tết Đoan Ngọ, ông vẽ thư pháp lên những chiếc quạt của mình và tặng chúng cho các cận thần. Theo quyển «Đường Thư ký tái», một tư liệu về đời Đường, vào dịp Tết Đoan Ngọ, quạt không chỉ được dùng làm quà, mà còn được dùng để tưởng nhớ người đã khuất. Sau triều Đường, các triều Tống, Minh, Thanh vẫn giữ truyền thống này. Trong suốt những triều đại đó, vẽ thư pháp lên quạt đã trở nên rất phổ biến.

Họa phiến Trung Hoa với thư pháp. (Ảnh: Epoch Times)

Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng chiếc quạt Trung Hoa giống như chiếc áo dài (trường bào), tranh sơn thủy và “hiếu”, “nghĩa”, “tín”… đã đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa Trung Hoa. Ngoài việc được dùng làm vật dụng sinh hoạt hằng ngày, đồ trang trí dành cho phụ nữ và chuyên dùng cho các học giả, quạt cũng được dùng như vật kịch cho bình đàn (chuyện kể Trung Quốc thường dùng kèm với một hoặc nhiều nhạc cụ), hí khúc, vũ đạo, và khúc nghệ (kể chuyện bằng nhạc kèm biểu diễn). Ngoài ra, cũng có rất nhiều bài thơ nói về quạt. “Vũ phiến luân cân, tiếu đàm gian, tường lỗ hôi phi yên diệt, những từ ngữ xuất ra sự tự tin với phong thái tự nhiên không trói buộc. “Ấp nhượng nguyệt tại thủ, diêu động phong mãn hoài” cho thấy sự chuẩn xác và tao nhã. Những bài thơ đã minh họa công dụng cũng như nét văn hóa nho nhã của chiếc quạt trong lịch sử Trung Hoa năm nghìn năm.

Ngày nay, những chuyến lưu diễn toàn cầu của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận đã đem đến sự hứng khởi phi thường trên toàn thế giới. Từ phản hồi của khán giả, chúng ta biết rằng những màn trình diễn đẳng cấp thế giới ấy đã khai mở thiên môn {cánh cửa thiên đình} cho những khán giả có duyên. Thần Vận giới thiệu nghệ thuật từ thiên đình cho những khán giả may mắn.

Nhiều người thích chương trình «Hỉ nghênh xuân», khi những chiếc quạt chuyển động vô cùng duyên dáng trong tay các vũ nữ. Khi múa, những chiếc quạt trong tay các vũ công biến thành những đóa hoa tiên đẹp đẽ. Nhiều người nhận ra rằng tất cả những điều tốt đẹp sinh đều ra từ thiện tâm. Thiện tâm là món quà mà bạn nên gìn giữ và mang đến cho mọi người. Chúng ta nên luôn luôn xem xét bản thân để tự hỏi liệu chúng ta có thể dùng thiện tâm đối đãi với người khác hay không. Chúng ta không nên trông mong người khác đối xử tốt với mình trong khi bản thân lại đối xử tệ bạc với họ.

Khi xem Đoàn Nghệ thuật Thần Vậận cùng những biểu đạt thú vị về cảm xúc chân thật của họ, tôi từng nghĩ đến các chữ tượng hình Trung Quốc, đó là “Thiện” và “Phiến”. Ở Trung Quốc, những chữ này được phát âm giống nhau, và không phải là ngẫu nhiên. “Phiến” (扇) là nói về chiếc quạt dùng trong sinh hoạt hằng ngày và để trang trí. Từ lâu người ta đã thường mang chúng bên mình và điều đó đã trở thành một nét văn hóa. “Thiện” (善) là chân tính bàn nguyên của nhân loại. Nó là phần sâu thẳm trong tâm hồn và cũng là phần vi tế nằm trong mỗi tế bào. Vì bị ô nhiễm trong xã hội hiện đại, phần chân tính trong chúng ta đã bị che phủ. Hôm nay, lòng ích kỷ đã bao phủ toàn nhân loại, nó đang  ngăn chặn lương tâm và thiện niệm trong chúng ta.

Ngày nay, những chiếc quạt với lịch sử lâu đời trong nền văn hóa Trung Hoa đang tự do nhảy múa trong tay các vũ công của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận. Chúng hòa với điệu múa để trở thành làn gió tươi mát quét sạch bụi trần đang che lấp chân tính của khán giả. Muôn vạn đóa hoa nở rộ, xua tan ưu phiền. Các vũ công Thần Vận đã kết hợp những bước nhảy nhẹ tựa lông vũ với chiếc quạt kỳ ảo trong tay, giống như những đóa hoa quét sạch bụi trần từ hàng ngàn năm khiến chân tính khán giả được hiển lộ. Ngoài ra, họ cũng không ngừng truyền đạt các thông điệp, thiện niệm và thiện ý đến con người.

Những vũ điệu bồng bềnh như mây và uốn lượn như nước, cùng với những chiếc quạt khi khai khi hợp thật là thanh lịch. Thiện quả mà họ gieo xuống sẽ bắt đầu đâm chồi nảy lộc trong mỗi người. Sự đan xen hài hòa giữa những chiếc họa phiến Trung Hoa có liên quan đến đặc tính tốt đẹp trong Hán ngữ, những khán giả có tiền duyên sẽ vô thức được mang đến mùa xuân. Sử dụng hình thức vũ đạo, các vũ công Thần Vận đã rải trường từ bi thần thánh to lớn và mạnh mẽ, trường từ bi này nằm trong mỗi bài hát, mỗi từ ngữ, và mỗi điệu múa để đánh thức những tâm hồn đã bị mê lạc, xua tan những quan niệm biến dị, chính lại ngôn từ và hành vi.

Và cuối cùng, tôi nhớ lại các phong tục cưới hỏi trong tỉnh tôi. Có một tục lệ là sau khi cô dâu và chú rể chia tay cha mẹ và lái xe ô tô đi, khi xe bắt đầu đi, vào ngay lúc ấy, họ sẽ làm một chuyện: họ lặng lẽ để lại cây quạt trước nhà mình. Theo thổ ngữ Mân Nam, từ “quạt” {phiến (扇)} và “họ” {tính (姓)} là đồng âm. Sau đó, người vợ sẽ đặt tên họ của người chồng lên trước tên của mình để ngụ ý rằng họ sẽ sống bên nhau trọn đời.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org:80/zj/articles/2009/1/16/57282.html
http://pureinsight.org/node/5708



Ngày đăng: 31-10-2010

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.