Vào thời Trung Quốc cổ xưa, kết nơ là một loại hình nghệ thuật



Tác giả: Maria Zheng

Những chiếc nơ kết như thế này được tạo ra từ các kỹ thuật Trung Quốc cổ xưa, và đồng thời thể hiện văn hóa truyền thống nghệ thuật tuyệt vời của Trung Quốc. (The Epoch Times)

Đẹp mắt, công phu và cầu kỳ trong khi tuân theo các nguyên tắc đơn giản, những chiếc nơ kết là một phần của lịch sử 5.000 năm Trung Quốc, và những ghi chép từ thời cổ đại chính là bằng chứng cho việc sử dụng những chiếc nơ để ghi lại tất cả các sự kiện quan trọng.

Có rất nhiều câu tục ngữ Trung Quốc giải thích về vai trò của những chiếc nơ kết trong thời Trung Quốc cổ xưa, ví dụ như “kết thăng ký sự” (kết nơ để ghi lại sự kiện), và “đại sự đại kết kỳ thăng, tiểu sự tiểu kết kỳ thăng” (việc lớn kết nơ lớn, việc nhỏ kết nơ nhỏ)

Vào thời kỳ đầu của văn minh Trung Quốc, người ta coi một đoạn dây nhỏ cũng quý giá không khác gì danh dự, vì bản thân từ “thăng” (dây) được phát âm giống với từ “thần” (thần thánh). Nét viết chữ “thăng” cũng hướng người Trung Quốc – được gọi là “long nhân” – tới sự sùng kính, vì nét viết chữ “thăng” được cho là giống với một con rồng đang bay lượn.

Những chiếc nơ kết còn mang những ý nghĩa ẩn dụ bắt nguồn từ ngôn ngữ: chữ “kết” (cái nơ) được chiết tự từ chữ “ty” và chữ “cát”, trong đó “ty” có nghĩa là lụa hoặc là dây, còn “cát” nghĩa là thịnh vượng, một địa vị cao trong xã hội, cuộc sống trường thọ, may mắn, của cải, sức khỏe và sự bình an.

Nét viết chữ “kết” miêu tả một chiếc thắt nơ. Chính vì thế, nó còn tượng trưng cho những mối quan hệ, có thể mở rộng ra là sức mạnh bao trùm, sự hài hòa và những cảm xúc của con người. Những ý nghĩa này có được là nhờ khả năng phản ánh cụ thể của các bộ chữ tượng hình Trung Quốc. Ví dụ, “kết thực” nghĩa là ra quả, “kết giao” nghĩa là làm bạn, “kết duyên” nghĩa là đến với nhau vì duyên phận, “kết hôn” nghĩa là lập gia đình với nhau, và “đoàn kết” nghĩa là hợp lại cùng nhau.

Nhờ mối liên hệ khăng khít của những chiếc nơ kết với văn hoá Trung Quốc, nghệ thuật kết nơ tiếp tục được lưu truyền như một loại hình văn hóa dân gian được yêu thích. Thú vui này đã trở thành một loại hình nghệ thuật phổ biến trong suốt triều đại nhà Đường (618-907) và triều đại nhà Tống (960-1279), và đã từng chứng kiến thời hoàng kim trong thời kỳ chuyển giao giữa triều đại nhà Minh và triều đại nhà Thanh (1368-1911), khi mà những chiếc nơ kết thường tô điểm cho các bộ trang phục truyền thống. Môn nghệ thuật này có mặt từ trong những mục đích sử dụng đơn giản, cho đến những vật dụng trang trí trong các đám hội hè – như các chuỗi hạt, trâm cài đầu, và hoa tai. Một số loại nơ kết nhất định, chẳng hạn như “Nơ kết may mắn”, được dùng như một tấm bùa hộ mệnh, để xua đuổi những điều xấu xa, tránh tai họa và mang lại may mắn.

Những chiếc nơ Trung Quốc ban đầu được dùng để ghi lại các sự kiện, rồi sau đó, chúng được dùng cho nhiều mục đích khác. (The Epoch Times)

Những chiếc nơ kết Trung Quốc được làm từ một sợi dây dài ít nhất 1 mét, và được tạo ra theo các phương pháp, quy tắc và các động tác đã định sẵn. Các sợi dây được gấp lại, chồng lên nhau , cuộn tròn, thêu và trở thành những tác phẩm lôi cuốn. Mặc dù nhiều chiếc nơ kết có vẻ như rất phức tạp và mang tính nghệ thuật cao trong mẫu vẽ và thiết kế, tất cả chúng đều được tạo ra theo 20 kỹ thuật cơ bản. Những chiếc nơ kết Trung Quốc đích thực có hai mặt trước và sau giống hệt nhau.

Tên gọi của một chiếc nơ kết cụ thể phụ thuộc vào hình dáng, công dụng, nơi nó được tạo ra, và ý nghĩa của chiếc nơ. Lấy ví dụ, chiếc nơ “nhân đôi tài lộc” có tên gọi từ những đồng tiền xu cổ bằng đồng của Trung Quốc xếp chồng lên nhau. Tên gọi “nơ cúc áo” hàm ý nói đến công dụng cuối cùng của nó là một chiếc cúc áo. Chiếc nơ “thập thiên” không chỉ trông giống như biểu tượng chữ Vạn mà người Trung Quốc thường dùng để tượng trưng cho thập thiên (mười nghìn), mà nó còn thường được thấy trên các bức tượng Bồ Tát Quán Âm, vị Bồ Tát từ bi vô lượng. Chiếc nơ “trường cửu” lấy hình mẫu từ hình tượng bát tiên (8 vị tiên), tượng trưng cho sự thường chuyển vĩnh cửu mà từ đó vạn vật được sinh thành. Chiếc nơ này tượng trưng cho những mối tương quan bất diệt và là nền tảng của sự biến hóa.

(Theo The Epoch Times)



Ngày đăng: 14-02-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.