Cầu Triệu Châu, tác phẩm khéo léo tựa tuyệt phẩm của Thần



Tác giả: Ý Văn

Ảnh: Cầu Triệu Châu.

[Chanhkien.org] Tọa lạc tại nơi ngày nay là sông Giao, huyện Triệu, thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, cầu Triệu Châu trước đây còn được gọi là cầu An Tế. Nó có lẽ được xây dựng giữa triều Tùy và triều Đường, và đã tồn tại khoảng 1.300 năm. Cầu Triệu Châu không chỉ là cây cầu vòm bằng đá cổ nhất Trung Quốc, mà còn là cầu vòm cổ xưa nhất có thể tra thấy trong lịch sử thế giới.

Cầu Triệu Châu dài 37,37 mét, cộng thêm hai đầu cầu Nam, Bắc thì dài 50,82 mét. Cầu rộng 9 mét, cao 7,23 mét. Các nhà nghiên cứu kiến trúc cầu hiện đại lưu ý những đặc điểm sau của cầu Triệu Châu:

Có hai vòm nhỏ hơn ở mỗi đầu cầu Triệu Châu; chúng được gọi là “vòm hông” (side arch). Bốn vòm hông này giảm một cách hiệu quả tác động của nước lên cầu trong trường hợp có lũ, bởi vì nước có thể chảy qua các vòm hông. Một giá trị khác của vòm hông là tiết kiệm chi phí. Xây bốn vòm hông này tiết kiệm xấp xỉ 700 tấn đá. Vòm hông cũng giảm tổng trọng lượng của cầu 15,3%, và do đó đẩy hệ số an toàn thêm 11,4%.

Trong 1.300 năm qua, kể từ khi cầu Triệu Châu được xây dựng, nó đã hứng chịu 10 trận lụt, 8 cuộc chiến tranh, và vô số trận động đất. Tháng 3 năm 1966, một trận động đất 7,2 độ Richter đã xảy ra tại Hình Đài, chỉ cách Triệu Châu gần 40 dặm. Tất cả công trình gần cầu Triệu Châu đều bị hư hại nghiêm trọng, chỉ duy cầu Triệu Châu là không hề hấn gì, minh chứng tính đàn hồi mạnh mẽ của cầu trong động đất. Kể từ trận động đất Hình Đài, nhiều chuyên gia đã thích thú nghiên cứu cầu Triệu Châu.

Móng của cầu Triệu Châu là rất chắc chắn và việc đo đạc trọng lượng cũng là cực kỳ chính xác. Sau 1.300 năm, cả hai đầu cầu chỉ lún xuống chưa đầy 5 cm. Không chuyên gia hiện đại nào có thể khám phá được phương pháp trắc định chính xác đáng kinh ngạc như vậy vào thời Trung Quốc cổ đại từ 1.300 năm trước.

Hầu hết những cây cầu vòm xây dựng cùng thời đều có vòm hình bán nguyệt, bởi vì rất khó để xây một vòm hình vòng cung. Cầu Triệu Châu có vòm rất thoải và thanh nhã, giúp người và xe ngựa dễ dàng băng qua cầu. Cầu Triệu Châu cũng có tạo hình rất trang nhã, tựa như vầng trăng non nhô lên. Các hình điêu khắc rồng và thú trên cầu là rất sinh động và độc đáo.

Như vậy ai đã xây dựng kỳ tích kiến trúc thời cổ đại này? Ở dưới chân cầu Triệu Châu có một khối bia đá, trên đó khắc: “Cầu đá bắc qua sông Giao huyện Triệu, do thợ thủ công triều Tùy là Lý Xuân xây”. Đây là ghi chép lịch sử duy nhất trên cầu. Khối bia đá đã thất lạc trong nhiều năm và mới được phát hiện gần đây. Tuy nhiên, những chữ khắc trên bia đá đã bị mờ đi. Một viên quan triều Đường tên là Trương Gia Trinh đã viết như sau: “Chữ khắc trên cầu An Kiều là của Lý Xuân, thợ thủ công triều Tùy. Đây là một tuyệt phẩm khéo léo, và không ai biết bí ẩn đằng sau nó”.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2004/4/29/26919.html
http://pureinsight.org/node/2303



Ngày đăng: 03-06-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.