Giai điệu đầy sức lan toả của cây đàn Cầm
Tác giả: Trí Chân
Đàn Cầm Trung Hoa (còn gọi là đàn Cổ Cầm, hay Tam Thập Lục) không chỉ là một nhạc cụ âm nhạc để biểu diễn. Nó có một lịch sử lâu đời, mang những ý nghĩa văn hóa phong phú và uyên thâm. Các học giả và các nhà lãnh đạo cổ đại coi nó là thể hiện của những điều lý tưởng về tu dưỡng bản thân, sự hài hòa trong gia đình, tài thao lược và ổn định xã hội. Nó là biểu tượng của đời sống tri thức. Trong cuốn “Lễ Ký” có chép rằng: “Kẻ văn sỹ không tự nhiên mà rời chiếc Cầm hay chiếc đàn Sắt [một loại nhạc cụ âm nhạc lớn có dây] của mình.” Khổng Tử cũng từng nói: “Say mê trong thi ca, nguyên tắc trong lễ tiết, tài hoa trong âm nhạc”.
Chơi đàn Cầm là luôn hướng đến quan điểm nghệ thuật – thưởng thức ý nghĩa nội hàm hơn là chỉ dừng lại ở sự hoàn hảo trong kỹ thuật. Nó vượt ra khỏi biên giới của âm nhạc; hiện thân cho sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, cho khái niệm về vũ trụ giữa mối quan hệ của Trời và người, quan niệm về cuộc sống và đạo đức. Bởi thế nó trở thành một công cụ để để tu dưỡng phẩm chất đạo đức của một người, giác ngộ tới những chân lý cao hơn, và khai sáng cho con người. Các học giả gọi đó là Đức hạnh của đàn Cầm hay là Đạo của đàn Cầm. Trong cuốn “Chỉ dẫn về đàn Cầm” của Thái Ung, ông nói: “Thời xưa, Phục Hy làm ra cây đàn Cầm để kiềm chế bản thân khỏi lầm lạc và chống lại sự tăng trưởng của dục vọng, như vậy một người có thể tu luyện một cách có lý trí và trở về bản nguyên đích thực của mình”. Trong “Nhạc Ký”, một bản ghi chép cổ về âm nhạc có đoạn viết: “ Đạo hạnh là ngay thẳng nhất trong tự nhiên, và người chơi nhạc là cao quý nhất trong đạo hạnh”. Đạo hạnh là bản tính tự nhiên của con người, và âm nhạc là sự thăng hoa của đạo hạnh. Âm nhạc trong một cảnh giới cao chính là hiện thân của Đạo Trời. Khi thưởng thức âm nhạc, người ta được thấm nhuần trong đạo đức và được nâng lên một trình độ triết học khác.
Thời cổ, đàn Cầm là một nhạc cụ không thể thiếu được mà một người nam nhi phải học và rèn luyện. Người nhạc công phải chơi đàn với một tư tưởng chính trực và suy nghĩ ngay thẳng để đạt tới sự hài hoà giữa bản thể và tâm hồn. Trong lịch sử, nhiều người chơi đàn Cầm có được những phẩm cách cao quý, tiết hạnh và liêm khiết. Họ thường thể hiện sự lịch thiệp cao quý, và chơi đàn với sự kính trọng trong một khung cảnh thiên nhiên trang nhã. Tâm hồn của họ thanh tĩnh, khiến họ có thể đạt tới sự hài hoà với tự nhiên và giác ngộ tới chân lý cao hơn, giống như ông Kê Khang đã miêu tả trong một bài thơ:
Mục tống phi hồng,
Thủ huy ngũ huyền.
Phủ ngưỡng tự đắc,
Du tâm thái huyền.Tạm dịch:
Mắt tiễn hồng bay,
Tay gẩy năm dây.
Cúi ngửa tự đắc,
U huyền thích thay.
Dù trong một khung cảnh hỗn loạn, một người vẫn có thể giữ được tâm thanh thản, ung dung chơi đàn. Giống như Đào Uyên Minh (220 – 589 SCN) đã miêu tả:
Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ?
Tâm viễn địa tự thiên.Diễn nghĩa:
Dựng lều tranh ở cõi người ta.
Nơi không có tiếng xe ngựa huyên náo.
Hỏi bạn có thể làm gì được?
Tâm ở xa thì đất tự dời theo.
Tâm hồn là trung tâm để chơi đàn Cầm. Một tâm hồn chính trực sẽ làm nên âm nhạc chính trực. Một tâm hồn cao cả làm nên âm nhạc với ý tứ sâu xa, rung động tới tận tâm can của người thưởng thức, khiến người ta cảm động, làm cho họ hiểu và hòa vào giá trị đạo đức của âm nhạc, tâm tình và sự phóng khoáng của người nhạc công. Nó là một thứ nghệ thuật của tự nhiên.
(Theo The Epoch Times)
Ngày đăng: 12-02-2011
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.