Chính thuyết về Văn hóa tu luyện Thần truyền (Phần 5): Thần thoại diễn nghĩa



Tác giả: Tống Minh

[ChanhKien.org]

Ký ức có thể truy ngược dòng lịch sử đời người, còn sử sách thì truyền tải lại văn minh dân tộc. Nhưng khổ một nỗi đời người ngắn ngủi bất quá chỉ kéo dài tới trăm năm, rất nhiều trải nghiệm của bản thân thời thơ ấu có lẽ khi về già cũng không nhớ nổi, huống chi là những năm tháng dài đằng đẵng, trên dưới 5000 năm. Trung Quốc là quốc gia có ghi chép lịch sử dài nhất và đầy đủ nhất trên thế giới, với 25 bộ sử huy hoàng đã ghi chép lại nền văn minh Thần truyền Trung Hoa gần 5000 năm, nhưng sử sách cũng không thể bao quát hết các nền văn hóa của dân tộc Hoa Hạ, đặc biệt là lịch sử ba nghìn năm kể từ trước triều Tần. Những câu chữ ít ỏi mà con cháu ngày nay đọc được trong sử sách cũng chỉ là một cái nhìn thoáng qua về xã hội lúc bấy giờ.

Ngoài chính sử, còn có dã sử, kinh điển tôn giáo, câu chuyện truyền thuyết dân gian, những giai thoại truyền thuyết ít ai biết đến được truyền miệng cũng như các bài thơ từ, khúc phù, tiểu phẩm, truyện truyền kỳ, truyện ngụ ngôn, tiểu thuyết… và các tác phẩm văn tự khác. Chúng cùng với nền văn hóa do dân tộc Hoa Hạ sáng tạo ra trong các loại hình nghệ thuật đời sống khác, cùng nhau trình diễn ra cho thế hệ sau thấy một đất nước có nền văn hóa Thần truyền phong phú đa nguyên, đó chính là nền văn hóa trên mảnh đất Hoa Hạ Thần Châu.

Tại sao cổ nhân lưu lại những ghi chép này? Mà so với các dân tộc và nền văn minh khác trên thế giới, tại sao người Trung Quốc xưa lưu lại nhiều ghi chép đến như vậy? Đây là câu hỏi khiến nhiều học giả trăn trở và không thể giải đáp. Người xưa dùng văn chương để truyền tải đạo lý làm người, chức năng cơ bản nhất của nó chính là lưu lại cho hậu thế đọc, đặc biệt là để cho con người ngày nay đọc. Đọc điều gì đây? Chính là đọc những gì đã từng xảy ra trong lịch sử, văn hóa khác nhau, từ ngữ khác nhau, quan niệm khác nhau, nội hàm biểu hiện ra là gì? Người xưa đã làm thế nào khi đối mặt với những sự việc khác nhau, đâu là bài học giáo huấn chính diện, đâu là lời cảnh tỉnh phản diện, cũng như đâu là dự ngôn có chủ ý? Những nền văn hóa này làm phong phú tư tưởng của hậu thế, cũng như trong vô thức hình thành quan niệm và hành vi cụ thể khác nhau của con người, từ đó để lại cho người đời sau một nền văn minh phồn vinh thịnh vượng và có thể lấy đó làm gương mà học hỏi.

Từ một góc độ khác mà nhìn thì con người dễ quên và cần được nhắc nhở liên tục. Nhìn từ lịch sử, con người liên tục đối mặt với những vấn đề giống nhau và liên tục phạm những sai lầm giống nhau. Vì thế, sự tồn tại của lịch sử có thể gợi mở cho các thế hệ tương lai trên nhiều phương diện. Hoàng đế Đường Thái Tông nói rằng: “Lấy lịch sử làm gương soi có thể biết sự hưng vong của một triều đại”. Đối với mỗi người, đứng ở những góc độ khác nhau có thể có những gợi ý khác nhau. Chúng ta ở đây chỉ luận bàn về thần thoại truyền thuyết.

Thần thoại truyền thuyết hiếm khi xuất hiện trong chính sử mà đa phần hay bắt gặp trong dã sử, những tác phẩm tiểu thuyết và câu chuyện dân gian, đây thực ra là sự an bài có chủ ý của Thần. Bởi vì nhân gian không phải là thế giới của Thần, chính là có tồn tại hai mặt tín và không tín, ngộ và không ngộ. Chính vì con người ở trong mê lầm khổ đau mới có thể tu luyện, cũng vì thế mà Thần Phật mới để lại cho con người một đường thiên cơ – chính là con đường tu luyện. Vậy Thần Phật là gì? Tu luyện là gì? Làm thế nào để tu luyện? Tu luyện biểu hiện ra như thế nào? Ai đã từng tu luyện? v.v… Những bí ẩn này trong giới tu luyện trong quá khứ vốn thuộc về thiên cơ mật truyền, không thể dễ dàng trực tiếp truyền đạt ra cho con người, bởi vì con người không dễ lý giải được, mà còn vì dễ dàng đạt được thì cũng dễ đánh mất. Do đó, thông qua phương thức truyền thuyết thần thoại này để triển hiện những hình tượng, hình ảnh cho hậu thế, điều này không chỉ mang lại cho con người niềm hy vọng mà còn đặt định ra một nền văn hóa để con người có thể nhận thức được về Thần Phật, nhận thức được văn hóa tu luyện. “Tây Du Ký”, “Phong Thần Diễn Nghĩa” và “Bát Tiên Đắc Đạo Ký” là ba cuốn tiểu thuyết đại diện tiêu biểu trong số đó.

Ba cuốn tiểu thuyết thần thoại này được lần lượt sáng tác vào thời nhà Minh và nhà Thanh. Trong số này, ngoài Ngô Thừa Ân – tác giả của “Tây Du Ký” có thông tin về cuộc đời có thể kiểm chứng được thì Hứa Trọng Lâm – tác giả của “Phong Thần Diễn Nghĩa”, và Ngô Vô Đạo Nhân – tác giả của “Bát Tiên Đắc Đạo”, chỉ có một số ghi chép tiểu sử, không thể kiểm chứng. Thực ra, từ góc độ tu luyện mà nhận thức, ba cuốn tiểu thuyết này đều do những người tu luyện viết ra, Ngô Thừa Ân tự hiệu Xạ Dương Sơn Nhân, Hứa Trọng Lâm tự hiệu Trung Sơn Dật Tẩu, Ngô Vô Đạo Nhân trực tiếp thẳng thắn xưng mình là một Đạo nhân và trong lời giới thiệu của mình, ông kể từ khi còn nhỏ đã vào chùa Thanh Vân Quan ở Thành Đô xuất gia tu hành, tu luyện 28 năm mới đạt được thành tựu. Bộ “Bát Tiên Đắc Đạo Ký” này là một cuốn sách giáo khoa vỡ lòng phỏng theo Nho giáo và được để lại như một tài liệu tham khảo nhập môn cho những người đến sau.

“Tây Du Ký” thể hiện quá trình tu luyện của Phật gia một cách đầy đủ và sinh động nhất. Nhiều từ ngữ trong số này đều được con người ngày nay sử dụng hàng ngày mà không biết rằng, thực ra chúng đều có nguồn gốc từ tu luyện, chẳng hạn như: Tâm viên ý mã, Linh đài phương thốn, Tà nguyệt tam tâm (1) phản ánh ra đều là nội hàm của tu luyện. Và câu chuyện về bốn vị thầy trò đã trải qua chín chín tám mươi mốt kiếp nạn để lấy kinh thành công đã ăn sâu vào lòng người. Trư Bát Giới pháp danh Ngộ Năng, Sa hòa thượng pháp danh Ngộ Tịnh, Tôn Hành Giả pháp danh Ngộ Không, Đường Huyền Trang pháp danh Tam Tạng cùng với việc lấy kinh thành công, tu luyện đắc được quả vị cho thấy một cách sinh động các tiêu chuẩn và biểu hiện khác nhau của sự tu luyện, đồng thời cũng triển hiện một thế giới Thần Phật bao la rộng lớn cho các thế hệ tương lai.

Còn tiểu thuyết “Phong Thần Diễn Nghĩa” giúp cho hậu nhân biết rằng, ít nhất vào thời điểm nhà Chu khai quốc, Trung Quốc vẫn là một thời kỳ Thần nhân đồng tại. Mà trong diễn nghĩa đã biểu hiện ra vô số điển cố, như Thái Công câu cá; Nguyện giả thượng câu; Văn Vương bị giam cầm, diễn giải Chu Dịch; Thần Tiên lịch kiếp, ứng kiếp mà ra, ứng vận mà sinh… đều từ những góc độ khác nhau mà phản ánh nội hàm tu luyện khác nhau. Mà người ta cũng thông qua hình tượng của tiểu thuyết để miêu tả hoàn chỉnh khái niệm về việc thành lập thể hệ Thần Tiên của Đạo gia.

“Bát Tiên Đắc Đạo Ký” thì bắt đầu từ rất lâu trước khi Đại Vũ trị thủy, kể về một câu chuyện Bát Tiên đắc đạo nổi tiếng, nhà nhà đều biết của người Trung Quốc. Từ Thiết Quải Lý, người đầu tiên đắc đạo vào thời điểm chuyển giao của hai triều đại Hạ – Thương cho đến Tào Quốc Cữu, người đắc đạo cuối cùng ở triều đại nhà Tống, trước sau đã trải qua hàng ngàn năm văn hóa. Hình tượng nam, nữ, già, trẻ, giàu, nghèo, sang, hèn được thể hiện trong Bát Tiên nói cho hậu nhân biết, tu luyện không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp và giai cấp xã hội, chỉ nhìn nhân tâm. Trong những màn diễn dịch thần thoại xuyên suốt mấy nghìn năm này, chúng ta cũng đã thấy được nguồn gốc sâu xa của tu luyện thông qua những câu chuyện quá đỗi quen thuộc với người Trung Quốc như Nhị long hý châu, Mạnh Khương Nữ tuẫn phu, Hằng Nga bay lên cung trăng, Đông Phương Sóc bày kế hái trộm đào, Phí Trường Phòng bắt quỷ, Bạch Nương Tử, Thủy Mạn Kim Sơn, chó cắn Lã Động Tân, Vương Thái chẻ núi cứu mẹ, Hàn Tương Tử cứu độ Văn Công v. v… hay như canh Mạnh Bà, làm đạo tràng trong vỏ ốc, cá chép vượt long môn, nước triều lên ở sông Tiền Đường v.v… Lai lịch nguồn gốc các điển cố, kỳ cảnh (những cảnh sắc kỳ diệu) cùng nguồn gốc uyên nguyên của tu luyện. Điều này cũng chứng minh tính xác thực của văn hóa do các vị Thần truyền lại từ một khía cạnh khác.

Cho dù có bao nhiêu thần thoại truyền thuyết được truyền lại từ xưa đến nay, người tin tưởng sẽ luôn tin vào chúng, người không tin cũng rất khó chuyển biến quan niệm của họ. Kỳ thật mỗi người đều có chí riêng, từ xưa đến nay cũng chưa từng có thuyết cưỡng cầu phải tu luyện, chẳng qua con người là do Thần tạo ra, con người cũng có cội nguồn, đứng từ góc độ tu luyện mà xét thì không nỡ nhìn con người mê lạc trong hồng trần mà tiếp tục trầm luân, xuất phát từ tâm từ bi chỉ có thể khuyến thiện mà thôi, cũng chỉ mong có thể giữ được thiện niệm của con người, lưu lại cơ duyên của tương lai. Trong tiểu thuyết thần thoại đều biểu hiện ra quan điểm này.

Thực ra, chính tín vào Thần Phật có quan hệ trực tiếp liên quan đến mặt bằng đạo đức chung của xã hội, chuẩn mực đạo đức chung của xã hội càng cao thì con người càng tin vào Thần Phật, Thần Phật càng xuất hiện nhiều. Ngược lại, chuẩn mực đạo đức càng thấp, con người càng ngày càng không tin vào Thần Phật, Thần Phật càng không dễ dàng hiển hiện, tu luyện sẽ càng gian nan. Thần thoại truyền thuyết trở thành đề tài trong những câu chuyện tầm phào, trà dư tửu hậu, con người nói đến Thần Phật khó lòng thể hiện ra lòng thành kính, đây cũng là một biểu hiện của sự băng hoại đạo đức toàn xã hội. “Người làm quan chẳng ngó tới việc công, chỉ biết ăn hối lộ, lại hối lộ công khai, bất kể ngày đêm, có khác gì lũ quỷ tranh ăn? Ở người dân thường, thì hiếu đạo bị phế bỏ, dâm phong (giải phóng tình dục) được đề xướng, người ta chỉ cầu có lợi ở mình, không màng tới lễ nghĩa, liêm sỉ. Thứ lòng dạ của quỷ, mưu trí của quỷ đó, dần dần truyền cho người sống, đến một lúc, người và quỷ không còn phân biệt. Những thói xấu tràn ngập vũ trụ, biến thế giới của người thành thế giới của quỷ nhưng đó đều là chuyện trong tương lai. Theo nhãn quang của bần đạo, đại khái từ nay tới 1500 năm sau, tất sẽ bày ra cảnh tượng đó”. Đoạn dự ngôn này của Trương Quả trong phần 80 của tác phẩm “Bát Tiên Đắc Đạo Ký” càng là lời cảnh tỉnh cho thế hệ mai sau.

Trong chớp mắt lịch sử đã đi tới ngày hôm nay, con người dường như cảm thấy mình cách Thần Phật đã rất xa xôi. Nhưng nếu có người nói cho bạn biết rằng Thần Phật đã ở tại nhân gian, có thể có người sẽ rất kích động, dường như là mở rộng gián tiếp kết nối với cơ duyên đã gieo trồng từ lâu. Có người có thể thờ ơ, phớt lờ sự thuyết phục khuyến thiện. Có người có thể cười nhạo, cho đó là sự ngu dốt, mê tín. Có người mừng rỡ mà truy tìm nguồn gốc của Đại Pháp. Lịch sử sẽ ghi lại một cách trung thực tất cả những điều này, và sự vĩ đại của Pháp Luân Đại Pháp và những huyền thoại về thời kỳ Chính Pháp sẽ được kể mãi mãi cho đến muôn đời sau.

(Xin đón đọc bài kế tiếp: “Đời đời kế thừa”)

(1): Tham khảo bài viết Phiếm đàm về “Tây Du Ký”

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/118473



Ngày đăng: 12-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.