Chính thuyết về Văn hóa tu luyện Thần truyền (Phần 3): Không ai không biết, ai có thể biết?
Tác giả: Tống Minh
[ChanhKien.org]
Người Trung Quốc ngày nay ít nhiều đều đã nghe nói hoặc nhìn thấy các hình thức tu luyện khác nhau, như Đạo sĩ xuất gia tu Đạo, hòa thượng xuất gia tu hành, và cũng biết về một số câu chuyện trong tiểu thuyết thần thoại như “Bát Tiên quá hải” và “Tây Thiên thỉnh kinh”. Nói cách khác, người Trung Quốc ngày nay cho dù họ có tin hay không thì họ đều đã nghe nói đến các khái niệm về Phật, Đạo, Thần và tu luyện. Như vậy, trong đông đảo chúng sinh, người như thế nào mới có thể tìm được cửa mà bước vào con đường tu luyện? Hay nói cách khác, Thần, Phật sẽ lựa chọn người như thế nào làm đệ tử đây?
Trong hồi 68 của bộ tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, có một câu chuyện thần thoại tu luyện kể về “Tả Từ trêu chọc Tào Tháo”. Chuyện rằng, Tả Từ học Đạo ở núi Nga Mi trong 30 năm, có được ba cuốn thiên thư, bởi vì có mối quan hệ cũ với Tào Tháo, Tả Từ bèn đi khuyên Tào Tháo tu hành: “Đại Vương phú quý đã tột bậc, sao không theo bần đạo vào núi Nga Mi tu hành? Bần đạo sẽ truyền ba quyển thiên thư ấy cho Ngài”. Nhưng Tào Tháo tham luyến quyền lực địa vị, nên không những không tin không học mà thậm chí còn muốn hãm hại Tả Từ. Sau này mặc dù bị Tả Từ nhiều lần đùa giỡn điểm hóa, nhưng Tào Tháo vẫn không ngộ ra.
Đó không phải là trường hợp độc nhất vô nhị, trong hồi 95 và 96 của truyện “Bát Tiên Đắc Đạo” có viết rằng: Hàn Tương Tử nhận nhiệm vụ của Tiên ông Lã Động Tân đi điểm hóa chú của mình là Hàn Dũ. Hàn Dũ nghe nói Hàn Tương Tử mấy năm nay đều học Đạo liền nổi cơn thịnh nộ. Từ đó, mặc dù Hàn Tương Tử đã nhiều lần thông qua điểm tỉnh nguồn gốc kiếp trước của Hàn Dũ và hiển hiện linh ứng, nhưng vì Hàn Dũ “giữ ý niệm trần tục quá nặng, không tin vào Đại Đạo” nên từ đầu đến cuối đều không nghe theo Hàn Tương Tử. Cho đến khi Hàn Dũ vì dâng biểu can gián vua về việc rước cốt Phật, đã đắc tội, bị giáng chức đày đi Triều Châu, một nơi xa xôi hẻo lánh thuộc vùng Lĩnh Nam; chính trong lúc khốn đốn sầu khổ, tình cảnh tuyệt vọng không lối thoát ở Lam Quan (tên một địa danh trên đường đến Triều Châu), tâm danh lợi cũng trở nên nhạt nhòa, cuối cùng Hàn Dũ đã tin vào Đại Đạo. Hàn Tương Tử vì vậy mà thở dài nói: “Người đời vì danh, vì lợi toan tính vất vả, đến khi sắp chết, lại cầu mong được sống hết tuổi thọ, chết an lành trên giường. Kết cục đó chẳng đáng thương xót than thở lắm sao?” Bài thơ “Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương” (tạm dịch: Bị giáng chức đến Lam Quan gặp cháu Tương) của Hàn Dũ nói về người cháu trai họ Tương, chính là nói về Hàn Tương Tử, và câu thơ nổi tiếng trong bài thơ: “Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại, tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền” (dịch nghĩa: Mây giăng ngang Tần Lĩnh nhà của ta ở nơi đâu, Tuyết phủ kín Lam Quan ngựa không đi tới được nữa), chính là miêu tả chân thật cảnh tượng khi Hàn Dũ quay đầu ngộ Đạo.
Tâm danh lợi quá nặng, cho dù có con đường tu luyện thì cũng không tìm được cửa mà bước vào. Cái gọi là “Yêu triền thập vạn quán, kỵ hạc thượng Dương Châu” (Lưng giắt mười vạn quan tiền, bước lên lưng hạc bay về Dương Châu) có ý tứ gì? Ý rằng, người này vừa muốn có vạn quan tiền, lại vừa muốn thành Tiên, cùng lúc được tất cả, có thể như vậy chăng? Điều đó càng cho thấy thế nhân không hiểu về tu luyện cho nên mộng tưởng hão huyền.
Sư phụ Đạo gia tuyển chọn đồ đệ, việc chọn ra một người trong vạn người được xem như yêu cầu bình thường, nhưng đối với thế nhân mà nói, điều này dường như rất mơ hồ. Vậy Phật gia giảng phổ độ, có phải là cơ hội nhiều hơn một chút hay không? Trong kinh Phật ghi lại rằng Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế “Đắc Đạo giả như lâm” (Người đắc Đạo nhiều như rừng cây), có phải yêu cầu của Phật gia đối với đệ tử không nghiêm khắc như vậy hay không? Đương nhiên không phải vậy, tiêu chuẩn tu luyện ở các tầng khác nhau là khác nhau. Hay là con người thời đó dễ dàng tu luyện hơn? Cũng không nhất định là như vậy, Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói rằng Ấn Độ cổ khi đó là thế giới ngũ độc.
Thực ra trong tu luyện cho dù Đạo gia giảng sư phụ chọn đồ đệ, hay Phật gia giảng ai có thể tu thì người ấy tu, thì điều kiện tiên quyết chính là liệu người ta có chính tín vào “Đại Đạo” hoặc “Phật Pháp” hay không, và liệu người ta có thể nhận thức được bản thân việc tu luyện hay không, có thể nhận thức thì có thể tu, không thể nhận thức thì không thể nói đến việc tu luyện. Hoặc là hình thức có vẻ như đang tu luyện, nhưng không hiểu về tu luyện cũng không tu lên được. Như vậy, làm thế nào mới có thể nhận thức được bản thân của việc tu luyện, từ đó có cơ hội chân chính nhận thức Đại Đạo và Phật Pháp đây?
Con người là do Thần tạo ra, sau khi tạo ra con người, Thần cũng đã lưu lại cho con người đạo lý và tiêu chuẩn làm người. Ở Trung Quốc, đây chính là đạo lý mà Nho gia nói đến, lễ nghĩa liêm sỉ, tam cương ngũ thường… Mà nếu muốn siêu việt trên con người trở thành sinh mệnh của cảnh giới cao hơn, thì tự nhiên cũng có yêu cầu cao hơn, đó là tiêu chuẩn của tầng thứ khác nhau trong tu luyện. Như vậy, xứng đáng làm người, làm người tốt chân chính, cũng chính là yêu cầu tối thiểu để con người có thể tu luyện. Mà tiêu chuẩn đo lường này không phải đứng tại góc độ con người, hay sự đánh giá của tiêu chuẩn đạo đức đang không ngừng trượt dốc mà chính bản thân con người khó có thể tự nhận biết được.
“Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận định người tốt xấu”[1]
“Dẫu tiêu chuẩn đạo đức của nhân loại có thay đổi thế nào đi nữa, đặc tính của vũ trụ không hề thay đổi; Nó chính là tiêu chuẩn duy nhất để xác định người tốt xấu.”[1]
“Là một cá nhân, nếu thuận với đặc tính Chân Thiện Nhẫn này của vũ trụ, thì mới là một người tốt; còn người hành xử trái biệt với đặc tính này, thì đúng là một người xấu. Trong đơn vị [công tác], hoặc ngoài xã hội, có người có thể nói chư vị xấu, [nhưng] chư vị không nhất định đúng là xấu; có người nói chư vị tốt, chư vị lại cũng không nhất định đúng là tốt. Là người tu luyện, [nếu] đồng hoá với đặc tính này, [thì] chư vị chính là người đắc Đạo; [Pháp] lý đơn giản như vậy.”[1]
Năm 1992, Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, Pháp Luân Phật Pháp) được truyền ra từ Trung Quốc, chỉ trong bảy năm ngắn ngủi, thông qua phương thức người truyền người, tâm truyền tâm đã có 100 triệu người tham gia tu luyện Pháp Luân Công. Đặc biệt là sau cuộc bức hại tàn khốc Pháp Luân Công một cách phi pháp của ĐCSTQ vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Pháp Luân Công lại càng phổ truyền ra toàn thế giới, cuộc phản bức hại kiên cường bất khuất, ôn hòa và lý tính của các đệ tử Pháp Luân Công cũng đã bước sang năm thứ 14 (tính tại thời điểm của bài viết). Hiện nay, nếu có ai nói: “Trên thế giới không ai không biết tới Pháp Luân Công”, thì đó chính là sự thật. Ngoại trừ ở Trung Quốc đại lục bị ĐCSTQ bức hại một cách vô tội thì Pháp Luân Công đã lan truyền đến hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, các cuốn sách liên quan đến Pháp Luân Công đã được dịch sang hơn 40 loại ngôn ngữ, trong 21 năm qua, các cuốn sách đã nhận được hàng ngàn lời khen ngợi từ mọi tầng lớp xã hội ở các quốc gia trên thế giới.
Pháp Luân Công từ chỗ không có ai biết phát triển đến hàng trăm triệu người biết đến. Trong đó lại có biết bao nhiêu câu chuyện chua xót, bao nhiêu nhân chứng kỳ diệu. Hàng trăm triệu học viên Pháp Luân Công đang dùng những gì mà bản thân mình đã trải qua để kể lại một câu chuyện thần thoại tu luyện hiện đại đang diễn ra, nhìn có vẻ như tĩnh lặng, bình thường nhưng thực ra rất vĩ đại và oanh liệt. Câu chuyện thần thoại này xuyên suốt từ vạn cổ đến nay, siêu việt khỏi lịch sử lâu dài của nhân loại. Ai biết được chúng ta đã từng trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ như thế nào, đã từng đi mòn giày sắt để tìm kiếm, lại trải qua bao nhiêu lần chờ đợi vô vọng trong luân hồi, chờ đợi tới ngày hôm nay, Pháp Luân Đại Pháp, bộ Đại Pháp vũ trụ này đã được đưa đến trước mặt mỗi người.
Đây thật là:
Vạn cổ thiên môn khai,
Chúng sinh vì Pháp lai.
Phúc âm truyền thiên hạ,
Thùy nhân hoàn bồi hồi?
Dịch nghĩa:
Cổng trời vạn cổ đã mở,
Chúng sinh vì Pháp mà đến.
Phúc âm truyền khắp thiên hạ,
Ai kia sao còn do dự?
(Xin đón đọc bài kế tiếp: “Bề trên của Đế Vương”)
Ghi chú: [1] Trích Bài giảng thứ nhất trong “Chuyển Pháp Luân” của Sư phụ Lý Hồng Chí
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/118471
Ngày đăng: 08-07-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.