Văn học hiện thực: “Tật phong kình thảo”, Phần III – Chương 3
Tác giả: Chung Phương Quỳnh
[Chanhkien.org]
Phần III. Mười một lần bị bắt giam
Vượt qua khổ nạn bị tra tấn và bắt giam liên tiếp
Chương 3: Trở lại Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Đại Pháp một lần nữa
Vượt qua nhiều vòng phong tỏa của cảnh sát
Vào 7 giờ sáng hôm sau (ngày 03 tháng Ba), tôi đã tới nhà một người bạn để lấy một ít tiền và chuẩn bị quay lại Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công một lần nữa. Khi tôi trở về nhà, mẹ tôi cho biết: “Vài người từ đồn cảnh sát và Văn phòng Liên lạc Thành Đô đã đến tìm con vào khoảng 9 giờ sáng. Họ bấm chuông cửa và gọi tên con, nhưng mẹ đã không mở cửa”. Tôi ăn vội bữa trưa và lập tức chuẩn bị lên đường tới Bắc Kinh.
Giới quan chức địa phương đã lập ra nhiều vòng phong tỏa của cảnh sát nhằm ngăn chặn các học viên đến Bắc Kinh. Để tránh các vòng phong tỏa của cảnh sát, tôi đã chọn đi đường vòng rất xa để đến được Bắc Kinh. Đầu tiên, tôi bắt xe buýt đến thành phố Trùng Khánh. Khi đến Trùng Khánh, tôi đi tàu thủy đến thành phố Vũ Hán. Từ đó, tôi lại bắt tàu để đến Bắc Kinh. Khi xe buýt đến thành phố Trùng Khánh, tôi nghe đài thông báo rằng Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc sẽ bắt đầu các phiên họp thường niên ở Bắc Kinh vào 3 giờ 30 chiều hôm đó. Tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn vì tôi muốn đến Bắc Kinh sớm nhất có thể để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Nhưng thật không may, chỉ sau khi lên tàu thủy đến thành phố Vũ Hán, tôi mới nhận ra rằng mình đã lên nhầm tàu du lịch, con tàu di chuyển rất chậm và thường xuyên dừng. Sau bốn ngày, bốn đêm, cuối cùng tôi cũng đã đến Vũ Hán vào buổi sáng ngày mùng 7.
Vừa đến Vũ Hán, tôi đã vội đến ga tàu địa phương. Tôi mua vé cho chuyến tàu đến Bắc Kinh tiếp theo, đó là chuyến tàu có điều hòa và giường ngủ dự kiến sẽ khởi hành lúc 1 giờ chiều. Đến khi lên tàu, hành khách được chia làm hai hàng để kiểm tra vé. Tôi đứng ở giữa hàng bên phải. Bỗng nhiên, hai cảnh sát mặc thường phục xuất hiện. Họ hỏi từng hành khách một: “Anh/chị có phải là học viên Pháp Luân Công không?” Tôi trở nên rất căng thẳng và tự nhủ: “Mình không thể bị chặn ở đây cho dù điều gì đi nữa. Xin Sư phụ hãy giúp con. Con phải đến Văn phòng Thỉnh nguyện ở Bắc Kinh”. Cảnh sát lướt qua hành khách nhanh chóng. Mọi người đều lắc đầu nói rằng họ không phải học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát tiến gần đến phía tôi. Tôi trở nên rất lo lắng và không biết phải làm sao. Đúng lúc đó, người soát vé bắt đầu kiểm tra vé của hành khách. Tôi đã cố hết sức chen lên để có thể đưa vé cho người soát vé và lên tàu.
Vượt qua thêm nhiều vòng phong tỏa
Tôi đã đến ga Tây Bắc Kinh vào lúc 5 giờ sáng ngày 08 tháng Ba năm 2000. Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đang tổ chức các phiên họp thường niên ở Bắc Kinh. Đó là lúc người dân Trung Quốc có thể bày tỏ tâm tư nguyện vọng với chính quyền. Quốc hội Trung Quốc đã quy định rõ ràng rằng công dân Trung Quốc có quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do thỉnh nguyện với chính quyền. Vậy mà chính quyền của Giang Trạch Dân lại vi phạm luật pháp và sử dụng mọi thủ đoạn để ngăn các học viên Pháp Luân Công lên tiếng và thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.
Khi tôi đến Bắc Kinh, thời tiết rất lạnh. Lúc đầu, tôi muốn đợi ở trong sảnh chờ của nhà ga cho tới 7 giờ sáng, khi thời tiết ấm áp hơn một chút. Nhưng lại xảy ra việc là ở đó có quá nhiều cảnh sát mặc thường phục và đó không phải là nơi an toàn để tôi nán lại. Tôi cảm thấy mình sẽ phải ân hận trong suốt phần đời còn lại nếu tôi không thể thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Vì vậy, tôi đã quyết định rời ga. Tôi đã phải đi lòng vòng trên phố trong gió rét trong suốt vài tiếng tiếp theo và đợi cho đến khi Văn phòng Thỉnh nguyện mở cửa.
Tôi muốn thể hiện một hình ảnh tốt của một học viên Pháp Luân Công với mọi người. Vì vậy, sau bữa sáng, tôi đã trang điểm và đeo đồ trang sức. Sau đó, tôi bắt xe buýt đến Quảng trường Thiên An Môn. Trên đường đến đó, tôi đã hỏi mọi người trên xe buýt đường đến Quảng trường Thiên An Môn sau khi tôi xuống xe. Mọi người bảo tôi rằng Quảng trường Thiên Am Môn đang đóng cửa không cho du khách vào bởi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đang tổ chức họp ở các tòa nhà quanh khu vực quảng trường. Vì vậy, tôi đã xuống xe. Tôi gọi một xe xích lô và bảo họ chở mình đến Văn phòng Thỉnh nguyện. Trên đường tới đó, người lái xích lô già đã ân cần hỏi tôi: “Cô định đến Văn phòng Thỉnh nguyện để kiện cáo à? Trong thời gian này khi diễn ra hai cuộc họp quan trọng, vào được Văn phòng Thỉnh nguyện không dễ dàng đâu. Nhưng nếu cô xoay sở vào được đó, thì tôi cá là cô sẽ dành được ưu thế đó”.
Người lái xích lô già đi theo con hẻm nhỏ và chúng tôi đã tới cổng vào Văn phòng Thỉnh nguyện. Ông biết rõ là ông đang làm gì. Thay vì dừng ngay trước Văn phòng, ông đi qua Văn phòng, quay trở lại, và đi ngược chiều ở phía đối diện con đường. Ông dừng cách Văn phòng Thỉnh nguyện khoảng chừng 200 mét và nói với tôi: “Cô ơi, cô đã chuẩn bị đơn khiếu nại chưa? Nhìn điểm ở kia và có thật nhiều người ở đó! Đi theo con hẻm gần đám đông và nó sẽ dẫn cô tới Văn phòng Thỉnh nguyện. Cẩn thận nhé!”
Khi đi về phía con hẻm, tôi thấy vô số xe cảnh sát từ nhiều vùng khác nhau của đất nước đã đậu ở gần đó. Tôi bước về phía con hẻm mà không do dự. Tại chỗ vào con hẻm có nhiều cảnh sát mặc thường phục và học viên Đại Pháp, những người đã bị chặn không cho vào Văn phòng Thỉnh nguyện. Tôi nín thở, và không dám làm gì gây chú ý. Thât khó khăn, tôi chen đường qua đám đông lớn, và bước vào con hẻm dài dẫn tới Văn phòng Thỉnh nguyện. Trước sự ngạc nhiên của tôi, các tốp cảnh sát mặc thường phục từ 3 tới 5 người đang tuần tiễu dọc theo con hẻm. Tôi nhìn thẳng về trước, mặc dù hơi lo lắng. Tôi tự nhủ: “Sư phụ Lý, xin giúp con đi vào Văn phòng Thỉnh nguyện”.
Văn phòng Thỉnh nguyện biến thành Cục Công an
Cuối cùng tôi đã tìm cách vượt qua các vòng phong tỏa và đi vào Văn phòng Thỉnh nguyện. Nhưng có một thông báo ở cửa quy định rằng để đệ một đơn thỉnh nguyện, người ta phải có một chứng minh thư hợp pháp. Người thuộc Văn phòng Liên lạc Thành Đô ở Bắc Kinh đã tịch thu chứng minh thư của tôi khi tôi bị bắt ở Bắc Kinh lần đầu tiên. Không có giấy tờ xác minh thân phận, làm sao tôi có thể có được đơn? Tôi chợt nảy ra một ý nghĩ. Có hai người trung niên ngồi bên cạnh tôi và tôi hỏi họ: “Thưa bác, bác lấy giúp cháu một mẫu đơn được không?” Một trong họ nói: “Chúng tôi đã đi từ xa tới đây thỉnh nguyện lần thứ 5 rồi, và chúng tôi không có tâm trạng làm gì cho chị cả”. Tôi đáp: “Cháu sẽ trả tiền cho các bác”. Khi nghe vậy, người kia nói: “Để tôi thử xem!”. Ông trở lại với một tờ đơn. Tôi bí mật lấy ra hết số tiền còn lại trong túi (khoảng 80 Nhân dân tệ) và đưa cho ông ấy để đổi lấy tờ đơn. Có được tờ đơn, tôi bắt đầu cẩn thận điền vào đơn. Trong đơn, tôi nói rằng tôi tới để thỉnh nguyện cho sự đối xử bất công với Pháp Luân Đại Pháp, và rằng tôi đã hưởng lợi cả về thể chất lẫn tinh thần nhờ môn tập. Tôi cũng kể về sự giam giữ bất hợp pháp với tôi trước đây ở Bắc Kinh. Tôi yêu cầu chính phủ trả lại thanh danh cho Đại Pháp, trả lại thanh danh cho Sư phụ Lý, cho phép bán sách Đại Pháp, cung cấp cho chúng tôi một môi trường hợp pháp để tập luyện, và thả vô điều kiện tất cả học viên Đại Pháp bị giam giữ.
Vẫn có nhiều cảnh sát mặc thường phục tuần tra qua lại trong Văn phòng Thỉnh nguyện, vì vậy tôi gấp phần mà tôi đã điền xong lại. Khi đơn của tôi đã được điền một nửa, các viên cảnh sát mặc thường phục đã phát hiện rằng có một chàng trai trẻ, người đã đệ một đơn thỉnh nguyện vào trong Văn phòng, là một học viên Pháp Luân Công và bắt giữ cậu. Rồi họ tìm thấy một phụ nữ trẻ, người đã đệ một thỉnh nguyện, cũng là một học viên Pháp Luân Công và bắt giữ luôn cả cô. Bầu không khí quanh Văn phòng trở nên rất nặng nề.
Tôi làm ngơ trước những gì xảy ra quanh mình và tiếp tục điền vào đơn. Các cảnh sát mặc thường phục tiến đến và hỏi tôi: “Cô ở đâu đến?” Tôi trả lời: “Trong bất cứ trường hợp nào, cũng không đến từ nơi các ông!” Tôi tiếp tục viết. Thình lình, một viên cảnh sát trông hung ác bước về phía tôi. Dường như anh ta làm cho Văn phòng Thỉnh nguyện. Anh ta túm lấy cổ áo tôi và kéo tôi ra khỏi ghế. Anh ta mạnh tay đến mức tôi gần như bị ngã xuống nền. Anh ta đẩy tôi ra một khu vực bên ngoài và tôi thấy có hơn 10 học viên Đại Pháp đã ở đó. Họ bị buộc ngồi trên sàn thành một hàng với chân duỗi ra. Một cảnh sát hỏi người phụ nữ vừa bị bắt rằng cô ấy ở đâu đến. Cô ấy đáp: “Từ đồn cảnh sát XX ở Bắc Kinh”. Viên cảnh sát nói: “Tại sao không nói với tôi sớm hơn? Người giám sát khu vực quận đó là bạn học của tôi. Giờ không còn cách nào nữa. Đơn mà cô điền đã được đưa vào cơ sở dữ liệu! Bạn học của tôi sẽ gặp rắc rối lớn vì cô ở trong đó”. Thì ra nếu một học viên Pháp Luân Công bị bắt vì đệ đơn thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công trong thời gian diễn ra hai phiên họp lớn ở Bắc Kinh, cảnh sát phụ trách khu vực cũng sẽ bị trừng phạt bởi chế độ Giang Trạch Dân.
Chúng tôi đã yêu cầu cảnh sát để chúng tôi điền nốt các tờ đơn mà chúng tôi đang điền dở. Cuối cùng, một cảnh sát đồng ý để chúng tôi làm điều đó. Tôi đã hoàn thiện tờ đơn của mình và nộp nó. Sau đó, mỗi học viên được đưa tới Văn phòng Liên lạc tương ứng với tỉnh của mình ở Bắc Kinh.
Chế độ của Giang trừng phạt những người cảnh sát trong quận của tôi
Tôi đã bị đưa tới Văn phòng Liên lạc thành phố Thành Đô ở Bắc Kinh. Khi vừa tới đó, người trưởng phòng có họ là Thạch một lần nữa yêu cầu một phụ nữ lột quần áo tôi và kiểm tra. Rồi họ liên hệ với Ngụy Đại Bình, một cảnh sát tại đồn công an Vạn Niên Trường ở Thành Đô cũng như chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc có họ là Hoàng, và một nhân viên cũng có họ là Hoàng. Ba người họ mau chóng đến. Thì ra họ đã đi tìm tôi ở Bắc Kinh trong hơn một tuần rồi. Họ biết rằng họ sẽ bị trừng phạt bởi chính phủ nếu tôi bị bắt ở Bắc Kinh vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và họ đang cố gắng ngăn tôi trước. Khi vừa thấy tôi, người họ Hoàng trẻ hơn hét lên một cách giận dữ: “Tôi thực sự muốn nghiền cô thành cám!” Rồi anh ta nói: “Cô làm tôi tức điên lên! Em trai cô đã nộp 3.000 Nhân dân tệ để đảm bảo cô sẽ không tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công nữa. Nhưng chúng tôi phát hiện cô đã trốn đi chỉ một ngày sau khi cậu ấy đưa cô về nhà. Chúng tôi đã lập tức mua ba vé máy bay đến Bắc Kinh. Đầu tiên chúng tôi cố gắng chặn cô tại ga tàu Tây Bắc Kinh. Chúng tôi đã lùng từng chuyến tàu từ Thành Đô tới Bắc Kinh, thậm chí đó là tàu đêm. Mỗi lần, chúng tôi đứng tại chỗ xuống ở ga và nhìn cẩn thận từng hành khách. Chúng tôi đã soát nhiều chuyến tàu đến nỗi hai mắt chúng tôi bị sưng lên. Nhưng chúng tôi vẫn không thấy cô. Sau ba ngày như vậy, chúng tôi cuối cùng đã quyết định từ bỏ ý tưởng ngăn cô tại ga tàu. Vì thế chúng tôi gọi cho trưởng phòng Liên lạc Bắc Kinh, ông Phùng, và nhờ ông ấy thông tin cho chúng tôi nếu ông ấy nghe thấy bất cứ tin gì về cô. Chủ nhiệm Hoàng và tôi đã tìm cô tại Quảng trường Thiên An Môn từ sáng sớm cho tới đêm khuya mỗi ngày. Trời rất lạnh và gió thổi rất mạnh. Cả hai chúng tôi đã phồng rộp cả chân! Còn Ngụy Đại Bình, anh ấy đứng ở trước cổng vào Văn phòng Thỉnh nguyện mỗi ngày để chờ cô. Thêm vài ngày nữa, chủ nhiệm Hoàng và tôi đã chuẩn bị bỏ cuộc. Chúng tôi muốn về nhà và chờ bị phạt. Nhưng Ngụy Đại Bình vẫn không muốn bỏ cuộc. Anh ấy muốn tiếp tục tìm kiếm. Chúng tôi đã không có thời gian để ăn nữa, bởi vì chúng tôi lo sẽ lạc mất cô. Chúng tôi đã kiệt sức lắm rồi. Chủ nhiệm Hoàng đã tái phát một căn bệnh cũ. Tôi thì bị cảm lạnh. Ngay cả Ngụy Đại Bình, một người trẻ trung với sức vóc phi thường, cũng bị sụt rất nhiều cân. Khi cô về nhà, tôi chắc vợ anh ấy sẽ tìm cô để tính sổ!” Tôi nói với họ: “Mỗi công dân Trung Quốc đều có quyền đệ trình thỉnh nguyện. Tại sao các ông lại cố gắng ngăn cản tôi làm điều đó?”
Sau đó Ngụy Đại Bình hỏi tôi: “Chung Phương Quỳnh, cô đã vào Văn phòng Thỉnh nguyện bằng cách nào?” Tôi nói với ông ta: “Tôi đã bước theo con đường hẻm và vào Văn phòng”. Ông ta nói: “Tôi không tin cô. Tôi đã đứng ở cổng vào hẻm đó cả ngày. Tôi còn không dám chớp mắt nữa. Cô không thể nào bước qua đó mà không đi qua tôi! Tôi chắc rằng một chiếc xe hơi đã đưa cô trực tiếp vào trong, hoặc cô đã đi vào bằng cửa sau”. Tôi nói: “Văn phòng Thỉnh nguyện có mở cửa sau hay không? Tôi không biết bất cứ cánh cửa mờ ám nào cả. Tôi cũng không vào trực tiếp bằng xe hơi”.
(Còn tiếp…)
Dịch từ:
http://www.minghui.org/mh/articles/2004/7/19/79561p.html
http://pureinsight.org/node/2577
Ngày đăng: 10-11-2012
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.