Văn học hiện thực: “Tật phong kình thảo”, Phần V – Chương 1



Tác giả: Chung Phương Quỳnh

[Chanhkien.org]

Phần V. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng

Chương 1: Chính niệm ngăn cảnh sát hành ác

Những chuyến thăm hỏi “thân thiện” nhân dịp năm mới

Trong tất cả những ngày nghỉ lễ của cả nước hoặc các ngày nhạy cảm như 25 tháng Tư và 20 tháng Bảy, cảnh sát địa phương, ủy ban khu dân cư và phòng 610 thường tìm mọi cớ để đến quấy nhiễu các học viên Pháp Luân Công.

Ngày 22 tháng 12 năm 2001, Ngụy Đại Bình từ đồn cảnh sát Vạn Niên Trường và Lý Cường Quân, quản lý Văn phòng Địa phương đã đến kiểm tra tôi tại nhà riêng. Ngày 26, chủ tịch Hội Phụ nữ và một số thành viên của hội đã đến nhà tôi để “quan tâm xem xét tình hình”. Ngày 28, Hác Vũ Nguyên, chủ tịch Ủy ban Chính trị và Pháp luật quận Thành Hoa cùng một số nhân viên thuộc đồn cảnh sát Vạn Niên Trường và Văn phòng Địa phương đã đến nhà tôi để “thăm hỏi”. Trong toàn bộ những chuyến thăm hỏi đó, tôi đã kiên nhẫn giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho họ.

Vào khoảng nửa đêm ngày 28, chuông cửa nhà tôi lại rung lên. Tôi cố gắng nhìn qua khe cửa, nhưng không trông thấy gì cả. Tôi nghĩ rằng bóng đèn bên ngoài đã cháy, nhưng hóa ra có người đã bịt khe cửa lại. Khi tôi vừa mở cửa, một nhóm đông những người đến từ đồn cảnh sát Vạn Niên Trường, Văn phòng Địa phương và ủy ban khu dân cư liền xông vào. Vị chủ tịch mới của ủy ban khu dân cư và cảnh sát Ngụy Đại Bình đã lập tức lục soát phòng con trai tôi và thu được cuốn Chuyển Pháp Luân, ảnh Sư phụ Lý và một bài kinh văn của Sư phụ mà tôi để trong phòng. Sau đó, họ đã cưỡng chế tôi đến đồn cảnh sát. Ngày hôm sau, tôi bị gửi đến trại tạm giam huyện Bì một cách vô cớ. Khi tôi đến trại tạm giam, họ đã đưa tôi đi khám sức khỏe ở trung tâm y tế của trại. Tôi nói với họ rằng tôi bị đau khắp người và không có đủ sức để ở trong trại giam. Họ nói: “Bất kể cô bị bệnh gì, chúng tôi phải giữ cô lại đây”. Sau đó, tôi đã bị kết án một tháng tù giam.

Quản giáo Lý thức tỉnh

Tôi bị giam trong một buồng giam cùng 40 người khác, trong đó có 12 người là các học viên Pháp Luân Công. Vào chiều ngày 29, trưởng buồng giam bảo tôi ra ngoài. Khi tôi vừa ra ngoài, một nữ quản giáo trong độ tuổi đôi mươi quát: “Ngồi xuống!” Tôi vẫn đứng và phát chính niệm.

Sau hai phút, cô ấy giận dữ hét lên: “Tôi bảo bà ngồi xuống. Bà không nghe thấy à?” Tôi tiếp tục bình tĩnh đứng trước cô ấy. Tôi nhìn thẳng vào mắt cô ấy và lặng lẽ phát chính niệm. Thấy tôi không có động tĩnh gì, cô ấy đã bốc hỏa. Mặt cô ấy đỏ bừng và cô ấy quát vị trưởng buồng giam: “Bà này câm điếc à? Sao bà ta không nói gì?

Vị trưởng buồng giam trở nên hoảng sợ đến mức mặt tái mét và bắt đầu run rẩy. Cô ấy tiến đến phía tôi, nài nỉ: “Cô Chung, xin cô trả lời cô ấy đi. Đây là quản giáo Lý”.

Tôi lại tiếp tục giữ im lặng trong hai phút. Sau đó, tôi nói với quản giáo Lý: “Trông cô rất xinh đẹp. Tại sao dung mạo của cô lại khác hẳn với hành vi và lời nói như vậy?” Đột nhiên, cô ấy dường như thay đổi thành một người khác. Cô ấy bối rối nói: “Chị không hiểu đâu. Công việc của tôi rất áp lực. Ca trực của tôi kéo dài từ đêm qua cho đến tối nay. Mỗi ngày, chúng tôi phải tiếp nhận 80 người. Một vài phạm nhân rất cứng đầu. Tôi thậm chí còn không được nghỉ phút nào”. Tôi nói: “Xử lý tội phạm hàng ngày là một công việc vất vả. Nhưng cô nên biết rõ rằng tôi và các học viên Pháp Luân Công không phải là tội phạm. Chúng tôi bị đối xử bất công. Chúng tôi không nên bị giam giữ ở đây”.

Quản giáo Lý bắt đầu dịu giọng và hỏi tôi: “Chị bị bắt giam bao nhiêu lần rồi?” Tôi hỏi lại cô ấy: “Vậy cô nghĩ là bao nhiêu lần?” Cô ấy trả lời: “Ba lần? Năm lần?” Tôi lắc đầu. Cô ấy đoán bừa nửa đùa nửa thật: “Thôi nào, không đến quá 10 lần đấy chứ?” Tôi nghiêm nghị đáp: “Tổng cộng là 13 lần. Tôi còn bị kết án một năm ở trại lao động và đã bị giữ ở đó 15 tháng”.

Mắt cô ấy trợn tròn đầy vẻ nghi hoặc: “Trại lao động? Chị đã ở trong trại lao động? Trong một cuộc họp, người sếp của tôi đã nói rằng 100% các học viên Pháp Luân Công đã từ bỏ tu luyện sau khi ở trong trại lao động”. Tôi đáp: “Đó là một lời nói dối. Nếu điều sếp của cô nói là thật, tại sao tôi lại ở đây? Thử nghĩ xem. Chẳng phải tôi và các học viên Pháp Luân Công khác ở đây chỉ vì chúng tôi kiên định nói lên sự thật sao? Nếu tôi đơn thuần tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, tôi đã không bị mất công việc kinh doanh của mình và không phải ở trong tù trong suốt hai năm qua. Tại sao tôi phải nói dối cô?” Sau đó, tôi kể cho cô ấy nghe toàn bộ câu chuyện. Sau khi nghe xong, cô ấy như tỉnh mộng. Cô ấy tử tế nói với tôi: “Khi ra khỏi đây, chị phải cẩn thận nhé. Đừng bao giờ quay lại những chỗ như thế này một lần nữa”. Tôi đáp: “Chúng ta sẽ không gặp lại nhau ở đây nữa đâu. Tôi có một đứa cháu tầm tuổi cô. Nó cũng khá xinh đẹp. Hôm nào đó, mời cô qua nhà tôi chơi. Tôi chắc rằng cô và cháu tôi sẽ hợp nhau đó”.

Sau khi tôi trở lại buồng giam, một học viên bị giam cùng phòng đã hỏi tôi: “Chị thật có uy lực! Ngay cả quản giáo Lý cũng ngả mũ trước chị. Mọi người ở đây đều khiếp sợ cô ấy. Cô ấy rất cứng rắn. Nếu cô ấy bắt được các tù nhân đang nói chuyện riêng khi không được phép, cô ấy không chỉ phạt không cho họ xem TV, mà còn bắt họ chép lại nội quy trại giam 20 lần. Nếu chị ở đây sớm hơn, tôi chắc rằng chúng tôi đã được đối xử tốt hơn”.

Một tù nhân cùng buồng giam với tôi từng là quản đốc của một nhà máy. Cô ấy bị bắt vì tội biển thủ công quỹ của nhà máy. Một hôm, một điều tra viên ở đồn cảnh sát Vạn Niên Trường đã đến thẩm vấn cô ấy và họ đã ăn trưa cùng nhau. Vị điều tra viên hỏi cô ấy: “Cô đã quen với cuộc sống trong tù chưa?” Cô ấy đáp: “Nếu không có các học viên Pháp Luân Công, tôi không thể hình dung được tôi sẽ phản ứng tiêu cực như thế nào khi bị nhốt giam ở đây. Tôi rất thích ở bên họ. Thời gian dường như trôi qua rất nhanh. Chung Phương Quỳnh, người bị cảnh sát ở đồn của ông đưa đến đây, ở cùng buồng giam với tôi”. Vị điều tra viên trả lời: “Cô ấy khá lắm, rất dũng cảm”.

Cảnh sát chìm

Một buổi sáng, khi chúng tôi được phép ra ngoài, tôi đã đứng nhắm mắt bên bờ ruộng và  bắt đầu luyện bài công pháp số hai. Bất thình lình, tôi cảm thấy mặt đau như cắt. Tôi mở mắt ra và thấy một nữ cảnh sát cầm một cây tre dài và thọc vào tôi một cách lén lút. Khi nhận ra tôi đang nhìn cô ấy, cô ấy đã không dám nói nửa lời và nhanh chóng bỏ đi.

Một hôm, khoảng nửa đêm, một giám thị trại giam trực ca đêm đã đến gọi cô Thiên, một học viên Pháp Luân Công thu dọn đồ đạc để về nhà. Tôi nói với anh ấy: “Cảnh sát các anh đang làm những việc mà không thể công khai cho mọi người thấy. Anh đang thả học viên Pháp Luân Công vào nửa đêm. Tại sao anh không làm việc này giữa thanh thiên bạch nhật? Đó là bởi vì các anh không muốn mọi người phát hiện ra các anh đang vô cớ bắt giam những người tốt”. Người giám thị không nói được gì. Cô Thiên vội vã thu dọn đồ đạc và nói với tôi: “Đã khuya lắm rồi. Giờ không có ai thanh toán tiền cho tôi. Chung Phương Quỳnh, tôi để sổ nợ của tôi lại cho cô. Khi được thả, cô hãy lấy lại số tiền trại giam nợ tôi”. Tôi đồng ý giúp cô ấy điều này. Người giám thị nghe thấy cuộc nói chuyện của chúng tôi. Ông ta giơ tay lên giống như phát chính niệm: “Cô làm như thế này hàng ngày. Vậy sao có thể được thả?” Tôi đáp: “Tôi dám chắc rằng tôi sẽ ra khỏi đây trong một vài ngày tới. Ông sẽ không thấy tôi phát chính niệm ở đây được nữa khi tôi về nhà”. Viên giám thị không nói được gì. Ông ta liền bỏ đi.

Tu luyện không có “nếu như…”

Một buổi chiều, cửa buồng giam đột ngột mở. Vị trưởng buồng giam bảo tôi: “Cô Chung, cô có thêm một đồng tu này”. Sau khi bước vào, học viên đó hỏi: Các học viên trong buồng giam đến từ quận nào. Một vài học viên, trong đó có cả tôi đến từ quận Thành Hoa. Học viên vừa mới đến nói: “Những người đến từ quận Thành Hoa trong chúng ta không được về nhà. Chúng ta bị điều chuyển qua lại giữa các trại tạm giam và nhà tù. Nhiều học viên đến từ quận Thành Hoa hiện bị giam ở các trại tạm giam và sau đó bị kết án tù. Tôi đến từ quận Thành Hoa. Tôi đã bị gửi đến đây từ một trại tạm giam khác”. Tôi nói với mọi người: “Tôi không tin điều này sẽ xảy ra với mình. Tôi sẽ trở về nhà”.

Một phụ nữ lớn tuổi đến từ quận Thành Hoa ở cùng buồng giam với tôi dự kiến sẽ được thả vào ngày hôm sau. Bà ấy đã sẵn sàng về nhà và đã dự định để lại một số vật dụng của bà cho chúng tôi dùng. Sau khi nghe người học viên mới đến nói, bà đã trở nên lo lắng và nói: “Có vẻ như tôi nên mang theo mọi thứ. Nếu như tôi không thể về nhà thì sao?” Tôi nói: “Suy nghĩ đó là sai. Trong tu luyện không có ‘nếu như’”. Ngày hôm sau, người học viên đó thực sự đã không được về nhà. Bà đã bị chuyển đến một nơi khác và bị ép buộc tham gia khóa học tẩy não ở huyện Bì. Điều kiện ở đó rất tồi tệ. Bà ấy phải ngủ trên sàn xi măng lạnh lẽo vào buổi đêm. Bà đã bị thấp khớp và không thể giữ lưng thẳng vì những cơn đau khủng khiếp. Bà cũng gặp khó khăn trong việc đi lại, và ho không dứt. Bà trở nên gầy gò đến nỗi trông giống như một người hoàn toàn khác. Người nhà không được phép đến thăm bà và không biết được bà còn sống hay đã chết. Bà bị buộc phải tham gia lớp học tẩy não kéo dài hơn một năm. Tháng Hai năm 2003, con trai bà không thể chịu được nữa và đã hai lần thỉnh nguyện trường hợp của mẹ mình với chính quyền thành phố, yêu cầu chủ tịch thành phố thả mẹ cậu. Vì vậy, cậu ấy đã bị bắt và bị đưa đến đồn cảnh sát. Khi được thả, cậu ấy trở nên cực kỳ quẫn trí với ý nghĩ không thể cứu được mẹ mình. Cậu ấy đã uống rất nhiều rượu và gọi điện cho đồn cảnh sát, nói rằng cậu ấy sẽ tự tử để phản đối. Sau đó, cậu ấy đã đóng tất cả cửa sổ và cửa chính, và xả khí ga. Khi cảnh sát đến, cậu ấy đã bất tỉnh và sùi bọt mép. Cảnh sát đưa cậu ấy đến bệnh viện và các bác sỹ không thể làm cậu tỉnh lại được nữa. Cảnh sát không muốn phải chịu trách nhiệm cho cái chết của cậu ấy, và cuối cùng đã cho phép người mẹ chỉ còn da bọc xương của cậu ấy trở về nhà.

Còn tôi, sau khi trải qua một tháng ở trại tạm giam, cảnh sát Ngụy Đại Bình và Lý Cường Quân, quản lý Văn phòng Địa phương đã đưa tôi trở lại đồn cảnh sát.

Tôi nên là người tự quyết định các việc của mình

Chúng tôi đến đồn cảnh sát, vị trưởng đồn họ Nhiễm hỏi tôi: “Chung Phương Quỳnh, cô có kế hoạch gì sau khi về nhà chưa?” Tôi đáp: “Tôi sẽ tiếp tục tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn trong mọi lời nói và hành động của mình”. Vừa nghe thấy điều đó, trưởng đồn Nhiễm đã nổi giận. Ông ta hét lớn: “Nhốt cô ta lại!” và đùng đùng bỏ đi. Tôi đứng dậy, đấm tay lên bàn và nghiêm nghị nói: “Những gì ông vừa nói không được tính. Hôm nay, tôi sẽ về nhà”. Vừa nói xong, tôi liền đi ra phía cửa. Ngụy Đại Bình không biết xử trí sao trước sự tình huống đột ngột này. Ông ta vội túm lấy tôi và nói: “Đợi một lúc, chúng tôi sẽ gọi em trai cô đến đón cô về”. Tôi đáp: “Em trai tôi còn bận việc. Tôi sẽ tự về”. Tôi ngồi xuống và trong đầu càng nung nấu ý định trở về nhà. Một lúc sau, Ngụy Đại Bình bảo tôi: “Chung Phương Quỳnh, sao cô không quay lại phòng chờ một lúc? Tôi sẽ thả cô. Cô cần phải chú ý không được để ông Nhiễm mất mặt. Xem này, quyết định này nói rằng chúng tôi sẽ thả cô về và giám sát cô ở nhà. Ông Nhiễm đã ký quyết định này rồi”. Tôi nói với ông ta: “Không làm ông Nhiễm mất mặt? Thế nào là không làm người khác mất mặt? Vậy ai nghĩ đến việc không làm Sư phụ tôi mất mặt? Ai nghĩ đến việc không làm Pháp Luân Công mất mặt? Ai nghĩ đến việc không làm tôi mất mặt? Ngoài xã hội, tôi rất có thể còn có vị thế hơn cả trưởng đồn Nhiễm. Tôi muốn trực tiếp nói chuyện với ông Nhiễm”. Ngụy Đại Bình nói: “Ông Nhiễm đang họp”. Tôi đến đó nhìn và thấy quả thực họ đang họp. Vì vậy, tôi quay lại phòng của Ngụy Đại Bình, ngồi xuống ghế và bắt đầu phát chính niệm về phía trưởng đồn Nhiễm.

Khoảng 05 giờ chiều, em trai tôi đến đón tôi bằng xe máy. Trưởng đồn Nhiễm nói: “Chung Phương Quỳnh, nghe nói nhà cô rất đẹp. Tôi sẽ đến chơi xem thế nào”. Đó là cách mà tôi đã trở về nhà.

(Còn tiếp…)

Dịch từ:

http://www.minghui.org/mh/articles/2004/7/21/79563.html
http://pureinsight.org/node/2650



Ngày đăng: 22-12-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.