Văn học hiện thực: “Tật phong kình thảo”, Phần I – Chương 2



Tác giả: Chung Phương Quỳnh

[Chanhkien.org]

Chương 2: Gian khổ lập nghiệp

a) Mối tình đầu đổ vỡ

Năm tôi 18 tuổi, một người làm mối đã giới thiệu cho tôi một chàng trai trẻ cùng thôn và cũng là bạn học của tôi thời tiểu học. Cha của anh ấy là một chủ thầu xây dựng thành đạt. Bản thân anh ấy cũng nổi tiếng khắp vùng là một thợ kim hoàn lành nghề và có một vài thợ học việc. Gia đình của họ khá giàu có và là gia đình đầu tiên trong thôn mua được một chiếc TV. Nhiều người trong thôn thường sang nhà họ xem nhờ TV. Chúng tôi hẹn hò được khoảng nửa năm. Một hôm, anh ấy bỗng nói với tôi rằng anh ấy không muốn gặp tôi nữa. Tôi không hiểu tại sao và trái tim tôi như muốn vỡ ra. Sau đó, tôi phát hiện rằng anh ấy lo ngại tôi không thể có con sau khi biết tôi bị đau chân. Lại là cái chân khốn kiếp này! Nó đã phá hỏng hy vọng của tôi vào một cuộc hôn nhân hạnh phúc! Trước đó một thời gian, anh ấy đã bắt đầu hẹn hò với một cô bạn thời trung học của tôi, và họ thường đi bộ qua nhà tôi. Tôi không thể chịu được cảnh họ ở bên nhau nên đã quyết định bỏ quê lên Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, để bắt đầu một cuộc đời mới. Tôi tự nhủ: “Để xem vài năm nữa, tôi và anh, ai sẽ thành đạt hơn!

b) Lên Thành Đô với hai bàn tay trắng

Cha tôi không nguyện ý để tôi đi. Vì vậy, ông chỉ cho tôi năm Nhân dân tệ, vừa đủ tiền vé xe buýt khứ hồi tới Thành Đô. Mẹ tôi thấy tôi rất quyết tâm nên đã giấu chồng để cho tôi thêm 10 Nhân dân tệ. Tôi cầm 15 Nhân dân tệ và đến nhà của một người họ hàng ở Tây Trà Điếm Tử, vùng ngoại ô Thành Đô vào ngày 20 tháng Hai năm 1985.

Không lâu sau khi tôi tới đây, xưởng may Môn Khẩu Hương ở thị trấn bắt đầu tuyển nhân công. Có hàng trăm người dự tuyển cho 60 vị trí. Chị của tôi làm thợ may, do đó, từ nhỏ tôi đã học được cách may vá. Tôi là người đầu tiên được nhận vào làm, và được phân ngay vào một dây chuyền sản xuất đòi hỏi các thợ may phải có một vài năm kinh nghiệm. Hàng ngày tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng và đi bộ một quãng đường dài để đến xưởng may. Lúc ăn trưa, khi những người khác đang nghỉ ngơi, tôi ăn vội hai chiếc bánh bao hấp rồi lại quay vào làm việc tiếp. Buổi tối, khi mọi người nghỉ để xem TV và thư giãn, tôi lại ngồi đơm khuy cho quần áo đến tận đêm khuya. Mùa hè đi giầy rất nóng nên tôi để một miếng bìa cứng lên bàn đạp của máy khâu và đặt chân trần lên chiếc bìa đó. Cuối mỗi buổi chiều tối, hai bàn chân của tôi thường bị sưng phồng.

Tôi đã làm việc ngoài giờ để có thể kiếm đủ 60 Nhân dân tệ mỗi tháng, gấp đôi số tiền lương của tôi. Tôi sống rất đạm bạc và tiết kiệm được 40 Nhân dân tệ mỗi tháng để lo tiền thuốc men cho mình. Tôi và một người bạn thời thơ ấu làm việc cùng nhà máy thường chia nhau một xu tiền rau còn thừa từ hôm trước cho bữa sáng và năm xu tiền rau cho bữa trưa. Buổi tối, chúng tôi thường nghe người bán dưa hấu dạo rao: “Một hào một miếng dưa, một hào một miếng dưa!” Chúng tôi thực sự thèm ăn một miếng nhưng không bao giờ bỏ tiền ra mua. Sau vài tháng sống như vậy, tôi bắt đầu thấy thèm ăn thịt, và cuối cùng cũng mua loại thịt rẻ nhất mà tôi có thể kiếm được. Đó là thịt thủ lợn rất nhiều mỡ. Để tiết kiệm tiền, tôi và bạn mình đã không thuê một căn hộ. Chúng tôi trả cho người ta một ít tiền để ngủ ở văn phòng của họ vào ban đêm. Văn phòng đó rất chật hẹp và sàn nhà không đủ rộng để cho chúng tôi nằm. Vì vậy, chúng tôi phải ngủ trên bàn. Hàng đêm, chúng tôi dọn đồ đạc ra khỏi bàn và kéo nó hơi dịch ra khỏi tường. Hai chúng tôi ngủ trên chiếc bàn đó nhưng vì nó không đủ dài, chúng tôi lại phải kê thêm ghế để gác chân lên ghế. Buổi sáng, chúng tôi xếp mọi thứ lại như cũ trước khi có người đến văn phòng làm việc.

Khi còn làm việc ở xưởng may, tôi thường đến bệnh viện Hồng Quang, đường Thạch Khôi, Thành Đô để khám chân và tìm cách chữa trị. Một bác sỹ ở đó cho biết chân tôi bị giãn tĩnh mạch và cần phải làm phẫu thuật. Mẹ tôi đã lên thành phố để chăm sóc cho tôi sau ca mổ. Bà mua cho tôi 50 quả trứng gà, đây là một nghĩa cử thật hiếm hoi. Tôi thậm chí đã đặt trước viện phí cho giường bệnh. Nhưng ngay trước khi ca phẫu thuật được tiến hành theo kế hoạch, một bác sỹ khác đã khám cho tôi và bảo tôi không cần phải làm phẫu thuật bởi mạch máu đen ở dọc chân của tôi không gây hại cho sức khỏe. Tôi đã tin ông ấy và hủy bỏ ca phẫu thuật đó.

Sau khi rời xưởng may, tôi đã làm đủ nghề khác nhau. Đầu tiên, tôi làm tạp vụ ở Bệnh viện Không quân Ngoại Đông ở Thành Đô. Sau đó, tôi bán hàng bách hóa ở gần cầu Cửu Nhãn, rồi bán phụ tùng ô tô và thuốc lá ở đường Lưu Ly Trường. Sau khi kiếm được một chút tiền, tôi đã học khóa lái xe tải ở trường tỉnh Ngoại Nam Thái Bình Viên vào tháng Chín năm 1987. Tháng Ba năm 1988, tôi hoàn thành khóa học. Sau đó, tôi đã thuê một chiếc xe tải cũ của Học viện Âm nhạc Tứ Xuyên với giá 200 Nhân dân tệ/tháng và bắt đầu làm nghề lái xe tải.

Cuối năm 1988, tôi đã kiếm đủ tiền để mua một chiếc xe tải cũ và tự kiếm sống. Ban đầu, tôi chở cát từ quận Kim Mã Hà, thành phố Ôn Giang đến các nơi trong tỉnh. Tiếp đó, tôi lại chở than đá từ huyện Vinh Kinh và huyện Uy Viễn. Sau đó, tôi chở phế phẩm kim loại và xi măng.

c) Liều mạng để kiếm sống

Tôi cảm thấy thật khổ mỗi lần hồi tưởng lại những hiểm nguy đã trải qua khi còn chở than đá từ huyện Uy Viễn.

Vì mắc nhiều bệnh, tôi muốn kiếm thật nhiều tiền khi mình vẫn còn trẻ. Tôi đã chở than đá cho một vài mỏ than tư nhân nhỏ. Các mỏ than đó không có cân, vì vậy người chủ mỏ chỉ có thể ước tính khối lượng bằng cách nhìn vào kích thước của đống than. Khi một người tới mua năm tấn than, ông ta thật ra lấy tới gần bảy tấn. Vì mua được rẻ, người mua than thường sẵn sàng trả thêm tiền cho người chở than. Huyện Uy Viễn nằm ở vùng núi. Đường xá ở đó vừa thô tháo, vừa chật hẹp. Vì đó chỉ là một làn đường hẹp nên ô tô khó có thể vượt lên một chiếc xe đạp hay một người đi bộ trên con đường đó. Có chuyện kể về một người lái xe tải thành thạo đã trải qua một trải nghiệm hãi hùng vào lần đầu lái xe trên con đường này. Con đường này ở trong dãy núi kế bên một con sông. Ông ấy sợ con đường không thể chịu được tải trọng của chiếc xe, vì vậy ông ấy cố lái xe ra khỏi phía bờ sông càng nhanh càng tốt. Sau khi lái xe qua đoạn đường gập ghềnh sỏi đá, chiếc van của thùng dầu trên xe đã bị vỡ và thân xe bị đá làm cho trầy xước. Ông ấy rất sợ. May thay, ông ấy đã đi qua đoạn đường đó. Tuy nhiên, ông ấy không bao giờ quay lại đó nữa. Lúc đó tôi mới chỉ 23 tuổi, chưa có bằng lái xe cũng như chưa có kinh nghiệm gì. Nhưng tôi đã bắt đầu những chuyến xe thường xuyên trên đoạn đường đó và đã nhiều lần phải mạo hiểm tính mạng để kiếm được chút tiền.

Một lần khi đang chở vài tấn than xuống núi sau một cơn mưa lớn, tôi bỗng không thể dùng phanh tay hay phanh chân để kiểm soát tốc độ của xe. Tôi đã chuyển số và dùng sức giật của động cơ để điều khiển tốc độ. Lúc đó, đường rất trơn với những khúc ngoặt đột ngột. Tôi đã cố gắng lái xe cẩn thận hết mức. Nhưng không may, chiếc xe bị trượt bánh trước, lao vào một ruộng đậu và mắc bên vực núi. Lúc đó, người mua than cũng đang ngồi trên xe cùng tôi. Ông ấy đã đi trên con đường này nhiều lần nhưng không biết lái. Chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là quay xe lên. Đây là một việc làm rất nguy hiểm. Chiếc xe đang chùn xuống, mà đường thì vừa dốc vừa trơn. Nếu tôi không lái chính xác, chiếc xe tải sẽ lao xuống vực và chúng tôi sẽ mất mạng. Sau khi chúng tôi chẹn những hòn đá lớn trước bốn lốp xe để ngăn nó lao xuống, tôi trèo lên xe, nhấn bàn đạp ga và thả côn một cách thận trọng. Tôi cảm nhận được tim mình đang đập thình thịch trong lồng ngực và tôi đang phải đấu tranh cho tính mạng của mình. Ngày hôm đó tôi chắc hẳn đã được ai đó coi sóc, tôi đã có thể quay xe lại ngay trong lần thử đầu tiên.

Một lần khác, đường bị ngập sau một trận mưa nặng hạt. Khi tôi và người mua than gần đến mỏ than, tôi bỗng thấy cơn lũ đã làm sạt lở một đoạn đường. Chúng tôi không thể quay xe lại bởi đường quá hẹp và tôi sẽ phải lùi một đoạn khá dài thì mới có đủ chỗ để vòng xe. Tôi đỗ xe ở bên đường. Tôi và người mua than cố gắng nghĩ xem chúng tôi có thể làm gì, nhưng cuối cùng, chúng tôi nhận ra rằng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lái xe qua đoạn đường ngập lụt. Người lái xe nói với tôi: “Cô Chung, nếu tôi chết cũng không sao. Tôi đã 40 tuổi và con trai tôi cũng lớn rồi. Tôi đã từng trải nhiều rồi. Nhưng cô còn trẻ quá, và cô còn chưa kết hôn. Thật tủi hổ nếu cô phải chết trẻ như thế này”. Tôi đáp: “Không sao cả, với tôi như vậy cũng được, bởi tôi sẽ được giải thoát khỏi đau khổ. Có nghĩa là, tôi sẽ không phải chịu đựng thêm nữa và tôi sẽ không phải kiếm tiền để chữa cái chân này”. Thực tế khá là tàn nhẫn – con đường không thể chịu được trọng tải lớn và cơn lũ có thể cuốn trôi chiếc xe nếu tôi không kiểm soát tốt tốc độ. Nhưng chẳng còn cách nào khác cả. Tôi nhấn ga hết sức có thể và cuối cùng, chúng tôi cũng lái xe qua được con đường ngập lụt đó.

Một lần, khi một người mua đến huyện Uy Viễn để mua than, ông ấy đề nghị tôi chở nguồn vật liệu xây dựng từ Học viện Dân tộc Tây Nam. Tôi biết rằng gần nơi ông ấy muốn tôi đi có nhiều con đường nguy hiểm. Vì vậy, tôi hỏi ông ấy trước rằng con đường đó có tốt không và có thể chịu được tải trọng của một chiếc xe tải không. Ông ấy trả lời có nhưng hóa ra điều ông ấy nói không đúng. Khi tôi tới vùng Võ Hoàng ở gần thành phố Tư Dương, con đường phía trước trở nên ngày càng hẹp. Đó là một con đường rất thô nhấp nhô dọc triền núi và rõ ràng là không được thiết kế cho xe tải. Trời tối dần, và thời tiết bỗng nhiên thay đổi. Sấm chớp bắt đầu vang lên, và sau đó là cơn giông kèm theo mưa bão. Cơn mưa nặng hạt tới mức tôi không thể trông thấy gì cả, ngay cả khi chiếc cần gạt nước đã hoạt động hết công suất. Tôi không dám lái tiếp nữa và phải đỗ xe ở bên vệ đường. Trời đang mưa xối xả, và nước bắt đầu dột vào buồng lái. Nhìn người chủ than và cháu trai ông ngủ ngon lành phía sau xe tải được trùm phủ, tôi không thể cầm được nước mắt. Khi ấy, tôi ghét cái chân phải bệnh tật của tôi. Khi ánh ban mai chiếu rọi, những người dân làng thấy chiếc xe tải gần như đã bị lật và không thể tin vào mắt họ. Họ nói với nhau: “Ai dám lái xe tải tới đây? Nếu xe tải đã bị lật, ông không còn cách nào khác ngoài việc tháo dỡ nó và đem bán sắt vụn. Ai dám kéo xe tải về làng nhỉ?” Cuối cùng, tôi bẻ ngô rải trên đường để tăng ma sát và dùng lực ly tâm kéo chiếc xe cho thẳng lại.

Dù đã liên tiếp đặt mình vào hoàn cảnh nguy hiểm tới tính mạng, tôi vẫn tiếp tục lái xe đến các mỏ than. Tôi cảm thấy đó là cách duy nhất để kiếm đủ tiền điều trị chân của mình. Hàng ngày, tôi rời Thành Đô vào lúc 3 giờ sáng và bốc than tại các mỏ trong huyện Uy Viễn sau nửa đêm. Sau đó, tôi lái xe về Thành Đô và bốc than xuống. Lúc tôi bốc than xong thì cũng đã gần tới giờ quay lại mỏ than. Cả một tuần trôi qua và tôi hầu như không được ngủ. Mỗi khi buồn ngủ, tôi lại ghé vào lề đường và chợp mắt trên xe. Thường thì khi tôi vừa ngủ sau vô lăng, một chiếc xe tải đằng sau sẽ rú còi đánh thức tôi bởi con đường quá hẹp để chiếc xe đó có thể vượt lên. Tôi đã buồn ngủ tới mức có thể ngủ gật mọi nơi vào bất cứ lúc nào. Tôi đã gánh vác quá nhiều và cảm giác như mình có thể quỵ ngã bất cứ lúc nào.

Mặc dù công việc nguy hiểm, nhưng thù lao thì rất tốt, và các lái xe thường xếp thành hàng để bốc than. Một vài lái xe còn không muốn xếp hàng đợi nên đã chen ngang. Họ thường mang theo vài con rắn và dọa sẽ thả chúng ra nếu tôi không cho họ chen ngang. Khi con rắn bắt đầu bò về phía tôi, tôi sợ đến mức phải chạy ra xa, và không còn cách nào khác là phải đứng nhìn họ bốc than ngay trước mặt mình. Tôi nuốt nước mắt và trút mọi nỗi khổ lên nhật ký: “Tôi giống như một chiếc lốp xe cũ mòn, chạy khắp nơi, khắp nơi và không biết khi nào có thể dừng lại. Khi nó bị mắc phải đinh thì là lúc tôi ốm. Khi nó nổ thì là lúc tôi rời khỏi thế giới này”.

Tôi không ngừng tự hỏi tại sao làm người lại đau khổ như vậy và tại sao chúng ta lại đến thế gian này. Tôi thường đi xem bói và được bảo rằng: “Cô sẽ sớm gặp được quý nhân phù trợ”. Vì vậy, tôi lại háo hức chờ đợi vị quý nhân đó xuất hiện.

d) Cuộc hôn nhân thất bại

Sau khi người yêu đầu tiên của tôi chia tay vì chân tôi bị bệnh, tôi đã không còn kén chọn khi tìm chồng nữa. Tôi có thể cưới bất kỳ người đàn ông nào có thể xem nhẹ chiếc chân bị bệnh của mình. Tôi muốn chứng minh với mọi người rằng tôi có thể có con. Tôi đã hấp tấp cưới một công nhân và sinh một bé trai. Vì nhiều lý do, tôi đã chia tay chồng khi con trai tôi mới ba tuổi. Trong tâm trí của con trai tôi, cháu chưa từng có một người cha.

e) Có áp lực mới có động lực

Không lâu sau khi mang thai, tôi bắt đầu chở xi măng cho ông Tiếu Vĩnh Tài, chủ của một nhà máy xi măng ở huyện Sùng Khánh. Sau một thời gian làm việc cho ông ấy, ông ấy đã tín nhiệm tôi và đề nghị tôi làm riêng cho ông ấy. Người họ hàng của ông ấy, ông Hồ, cũng làm lái xe tải cho ông ấy. Tôi luôn dậy sớm vào buổi sáng và về nhà rất muộn vào buổi tối. Bởi vì tôi làm việc nhiều tiếng đồng hồ, tôi luôn có thể hoàn thành nhiều chuyến xe hơn ông Hồ. Ông Tiều bắt đầu gọi ông Hồ là “vua lười” và trêu ông Hồ không bằng một người phụ nữ mang thai. Ông Hồ nói một cách đố kị: “Có áp lực thì mới có động lực”. Ông ấy nói hoàn toàn chính xác. Tôi bắt đầu cảm thấy áp lực lớn và muốn kiếm càng nhiều tiền càng tốt trong khi còn có thể đi lại được. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Bệnh lâu thì đâu còn con hiếu thảo”, điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không đi lại được và không có ai chăm sóc?

Chưa đầy ba tháng sau khi sinh, tôi đã quay lại làm việc. Tôi chở xi măng cho ông Tiều vào ban ngày, và chở gạch cho Nhà máy Xi măng Quế Khê của ông Lý Hoa Thành vào ban đêm. Vì tôi còn đang trong thời kỳ cho con bú, tôi không có cách nào khác ngoài việc mang con nhỏ theo những chuyến xe. Cháu thường phải thức khuya cùng tôi. Có lúc, cả đêm tôi không thể mang cháu về nhà.

Vì tôi đã làm việc cho ông Tiều một thời gian dài và ông ấy rất hài lòng với công việc của tôi, cuối năm 1991, ông ấy đã giới thiệu tôi vận chuyển xi măng cho Ban Vật liệu thuộc Sở Xây dựng Cầu đường của thành phố Thành Đô. Lúc đó, thành phố Thành Đô đang xây dựng đường cao tốc số 2. Tôi đã được đặc cách vận chuyển số lượng xi măng theo khả năng của mình. Tôi cũng được phép chở quá trọng tải cho phép và lái trên những đường cấm xe tải. Dự án xây đường này cần rất nhiều xi măng và tôi không thể đáp ứng được nhu cầu của nó chỉ với một chiếc xe tải. Vì vậy, tôi đã thuê Sở Vận tải số 5 của thành phố chở giúp. Cuối mỗi tháng, tôi lấy hóa đơn từ Sở Xây dựng Cầu đường và trả tiền cho nhà máy xi măng và Sở Vận tải số 5. Tôi luôn ghi chép sổ sách rất tỉ mỉ và không bao giờ nhầm. Vậy là, tôi đã trở thành nhà thầu trung gian chính cho Sở Xây dựng Cầu đường.

f) Ca phẫu thuật không thành

Năm tháng dần trôi, công việc làm ăn của tôi ngày càng phát triển và tôi cũng trở nên khá thành đạt. Nhưng tình trạng chân phải của tôi ngày càng xấu đi. Huyết quản đó đã phình to như một ngón tay cái và dọc trên nó đã xuất hiện một vài khối u lớn. Khi chơi mạt chược hoặc xem TV, tôi phải đặt chân lên ghế cho đỡ mỏi. Tôi cũng thường thấy buốt chân nếu lái xe nhiều. Tháng Một năm 1995, một vài ngày trước Tết Nguyên đán, khi không thể chịu đau được nữa, tôi đã tới Bệnh viện Lục quân Thành Đô để khám. Tại đó, tôi được chẩn đoán bị giãn tĩnh mạch và các bác sỹ khuyên tôi hãy lập tức phẫu thuật. Ca phẫu thuật của tôi đã diễn ra trong Tết Nguyên đán. Bác sỹ Trần Sùng Điển là người đã phẫu thuật cho tôi. Ca phẫu thuật bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng. Tôi chỉ được gây mê ở phần nửa người dưới, vì vậy tôi vẫn hoàn toàn tỉnh táo và có thể nghe thấy tiếng dụng cụ phẫu thuật va vào khay loảng xoảng và da thịt của tôi bị mổ phanh ra. Mọi người đều yên lặng và tôi cảm thấy như đang dự đám tang của chính mình. Bác sỹ phẫu thuật đã cắt bỏ huyết quản đó từ ngoài vào trong. Ông ấy kẹp huyết quản đó lại, cắt khối thịt phía ngoài quanh nó và kéo huyết quản đó ra. Lúc đó, tôi cảm thấy đau nhưng không dám động đậy. Bác sỹ chỉ cho tôi thấy huyết quản mà ông ấy đã gỡ ra. Nó dài và dày như một cái cổ gà. Bỗng nhiên, các bác sỹ trong phòng mổ tỏ ra bối rối và đề nghị bác sỹ Trần mở một huyết quản khác ra. Tôi nghe thấy giọng bác sỹ Trần nói: “Chuyện gì thế này? Đây không phải là giãn tĩnh mạch”. Một bác sỹ khác nói: “Không phải. Nó giống như chứng phình động mạch sọ”. Sau đó, không khí im lặng tang tóc bao trùm cả căn phòng. Tôi biết rằng mình đã bị chẩn đoán nhầm và cuộc phẫu thuật này đã được tiến hành nhầm. Nhưng tôi biết nói hay làm gì bây giờ? Tôi chỉ cố gắng hết sức để quên tất cả những điều này và sống tiếp. Tôi nằm ở bệnh viện một tuần và trở về nhà sau khi các bác sỹ đã tháo chỉ các mũi khâu cho tôi.

Sau một thời gian, vết mổ đã lành, nhưng chân của tôi vẫn bị sưng phồng ở ngay chỗ huyết quản được gỡ bỏ. Tôi quay lại tìm bác sỹ Trần Sùng Điển, ông ấy nói với tôi: “Sau khi hội chẩn, bệnh viện quyết định sẽ phẫu thuật cho chị bằng kỹ thuật mới nhất do các nhà phẫu thuật Mỹ phát minh. Chúng tôi rất tiếc về những gì đã xảy ra và sẽ phẫu thuật lại cho chị miễn phí. Hãy thử xem thế nào”. Tôi thấy thật khó quyết định. Cuộc phẫu thuật này thật nguy hiểm và nếu nó thất bại, tôi có khả năng sẽ bị liệt. Mặc dù chân của tôi bị sưng, đau và phình động mạch, tôi vẫn còn rất trẻ, và vẫn còn có thể đi lại. Vì vậy, tôi quyết định không phẫu thuật nữa.

g) Phát tâm tu luyện

Tháng Tám năm 1996, tôi đưa mẹ và con trai tới núi Thanh Thành vãn cảnh. Đường lên núi khá vắng vẻ và cheo leo. Chúng tôi phải bám vào những nhánh cây và những mỏm đá để leo lên núi. Cả hai mũi giầy của tôi đều bị rách và tôi cảm thấy chân phải của mình sưng lên đau buốt. Nhưng tôi vẫn cố gắng leo tiếp bởi tôi không muốn làm mẹ và con trai mình thất vọng. Giữa đường, chúng tôi phải liên tục dừng nghỉ. Khi chúng tôi leo được nửa ngọn núi, một đoàn người gồm khoảng 20 phụ nữ nhanh chóng vượt lên chúng tôi và họ leo rất nhanh. Tôi rất kinh ngạc trước sự sung sức của họ. Mặc dù trông họ đã khoảng 60 tuổi, họ không có vẻ mệt mỏi sau chặng đường leo núi vất vả. Tôi nghe họ liên tục nhẩm: “Nam mô A Di Đà Phật”. Tôi tự nhủ: “Sao các bác này leo nhanh vậy? Chẳng nhẽ có các ông Phật đang đợi họ trên đó thật sao? Bước đi của họ thật nhanh nhẹn và dễ dàng”. Cuối cùng, khi mặt trời đã lặn, ba mẹ con bà cháu tôi cũng leo lên tới đỉnh núi và thăm chùa Bạch Vân. Tôi cũng lễ Phật với những người phụ nữ kia, công đức cho chùa và cầu khấn tiêu bệnh cùng may mắn cho toàn thể gia đình.

Chúng tôi đã qua đêm ở trên núi. Sáng hôm sau khi rời chùa Bạch Vân, tôi nhìn thấy một ni cô đang đứng ở cổng chùa xem bói cho mọi người. Cô ấy khoảng 30 tuổi. Tôi lại gần cô ấy và tò mò hỏi: “Cô còn trẻ vậy sao lại muốn làm ni cô?” Cô ấy kể cho tôi về cuộc hôn nhân bất hạnh của mình và nói rằng, cô ấy đã nếm trải đủ cuộc sống thế tục rồi và muốn vào chùa tu luyện. Tôi rất thích từ “tu luyện”. Cô ấy dường như đọc được ý nghĩ của tôi và nói: “Chị cũng nên tu luyện đi”. Tôi trả lời: “Tôi còn mẹ già và con nhỏ. Tôi không thể rời bỏ mọi thứ ở thế gian này được. Tôi vẫn có thể tu luyện sao?” Cô ấy đáp: “Vâng. Chị có thể tu ở nhà. Hãy đọc kinh sách ở nhà”. Tôi lật qua những cuốn kinh sách dầy cộp và hỏi: “Nếu quyết định tu luyện, tôi có cần quay lại chùa Bạch Vân không?” Cô ấy trả lời: “”. Nhìn ngọn núi cao vút tận mây trời, tôi nghĩ: “Hãy quên chuyện này đi. Ngọn núi này quá cao và quá khó để leo lên. Mình sẽ không tu luyện ở đây. Mình sẽ tìm một nơi nào đó gần nhà để bắt đầu tu luyện”.

(Còn tiếp…)

Dịch từ:

http://search.minghui.org/mh/articles/2004/7/16/79558.html
http://pureinsight.org/node/2516



Ngày đăng: 15-09-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.