Văn học hiện thực: “Tật phong kình thảo”, Phần III – Chương 4



Tác giả: Chung Phương Quỳnh

[Chanhkien.org]

Phần III. Mười một lần bị bắt giam

Vượt qua khổ nạn bị tra tấn và bắt giam liên tiếp

Chương 4: Chế độ Trung Quốc lừa dối nhân dân bằng những lời nói dối trắng trợn

Chương trình Thời sự của Truyền hình Tứ Xuyên đổi trắng thay đen

Tôi đã bị giam trong một căn phòng nhỏ tại Văn phòng Liên lạc Thành Đô ở Bắc Kinh trong vòng một tuần và bị giải về Thành Đô bởi cảnh sát chống bạo động. Khi vừa đặt chân đến Thành Đô, tôi đã bị đưa đến Trung tâm Cải tạo quận Thanh Dương và bị buộc phải tham gia một lớp tẩy não kéo dài hai ngày. Tất cả học viên Pháp Luân Công ở Thành Đô bị bắt giữ vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công đều bị ép phải tham gia lớp học này.

Sau đó, tôi bị gửi đến một trại tạm giam địa phương. Ban đầu, họ tuyên phạt tôi 15 ngày giam. Giống như tất cả các tù nhân khác, khi vừa vào đến trại tạm giam, tôi bị ép phải cởi bỏ quần áo và lục soát toàn thân. Khi đến lượt các học viên Pháp Luân Công, những giám thị đã tìm mọi cách để moi tiền của họ và tịch thu kinh sách cũng như kinh văn do Sư phụ Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Công viết. Mỗi học viên bị ép phải trả 15 Nhân dân tệ mỗi ngày cho chi phí sinh hoạt. Sau khi trả tiền, mỗi người chúng tôi phải tự vớt cho mình một chiếc bát ăn cơm đã cũ bẩn được vứt trong một thùng nước lớn để ở ngoài sân. Sau đó, mỗi người được phát cho một đôi đũa gia công chất lượng kém và hai mẩu giấy vệ sinh. Đấy là tất cả những gì mà chúng tôi được cung cấp trong suốt 15 ngày.

Sau bữa trưa, tôi bắt đầu luyện các bài công pháp Pháp Luân Công. Thậm chí trước cả khi tôi hoàn thành bài công pháp thứ nhất, một bạn tù đã nói với tôi: “Chị bị phình động mạch sọ ở một trong hai chân”.

Làm sao chị biết được?”, tôi sửng sốt hỏi lại.

Cô ấy đáp: “Khi chị vừa vào đây, tôi đã nghĩ trông chị rất quen. Giọng của chị nghe cũng rất quen. Tôi chỉ không thể nhớ ra trước kia tôi đã từng gặp chị ở đâu. Khi chị vừa bắt đầu luyện công, tôi nhớ ngay mình đã thấy chị trên TV. Mùa đông năm ngoái, tôi trở về quê để giúp gia đình gặt lúa. Sau bữa tối, cả gia đình tôi ngồi lại xem TV. Một chương trình thời sự địa phương đã đưa tin về chị. Chị bị giam trong phòng với một vài người khác. Chị nói chị là học viên Pháp Luân Công. Chị đã khai tên tuổi, quê quán của mình. Sau đó, chị đã kéo ống quần lên để chỉ cho họ thấy cái gì đó ở chân mình. Sau đó, chúng tôi không nghe thấy chị nói tiếp gì nữa. Giọng của chị đã bị cắt đi, và chúng tôi chỉ thấy máy quay lướt qua. Phóng viên truyền hình giải thích rằng sau khi tập Pháp Luân Công, chị đã bị mắc bệnh phình động mạch sọ. Phóng viên cũng cho biết Pháp Luân Công đã cấm chị đến bệnh viện, vì thế chị đã bị liệt. Làm thế nào mà chị hết liệt vậy?

Tôi nói với cô ấy: “Tôi chưa bao giờ bị liệt cả. Tôi đã bị giam ở nhiều trại tạm giam khác nhau một vài tháng kể từ mùa đông năm ngoái. Sau khi được thả, tôi đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Đó là lý do tôi bị bắt lại. Đoạn phim mà cô xem trên TV được quay vào ngày 01 tháng Mười năm 1999 tại tòa soạn của Thời báo Kinh tế. Hôm đó, Thời báo Kinh tế đã đăng một bài báo bôi nhọ Pháp Luân Công và gọi nó là một tà giáo. Tôi đã cùng một vài học viên địa phương đến thẳng tòa soạn để giải thích cho các phóng viên ở đó về những lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần mà chúng tôi nhận được từ việc tu luyện Pháp Luân Công. Một phóng viên đã giở sổ ra để ghi chép, và còn có cả máy quay phim ở đó nữa. Tôi đã kể cho họ về việc tôi từng bị bệnh phình động mạch sọ ở chân phải từ khi còn bé, và căn bệnh đó đã hành hạ tôi trong suốt bao nhiêu năm cho dù tôi đã đến nhiều bệnh viện để khám chữa. Một bác sỹ phẫu thuật đã chẩn đoán nhầm tình trạng của tôi và đã gỡ nhầm một huyết quản ở chân của tôi. Việc đó đã gây tổn hại đến dây thần kinh ở tiểu não của tôi và làm tôi mắc bệnh tai biến mạch máu não. Khi căn bệnh này tác quái, tôi thậm chí còn không thể đi vững và bị mất thị lực tạm thời. Hai tháng sau khi tôi bắt đầu tập Pháp Luân Công, bệnh phình mạch sọ ở chân phải và bệnh tai biến mạch máu não kia đã hoàn toàn biến mất. Ngày trước, trên mặt tôi có mấy vết chàm rất sậm màu. Tôi đã tiêu tốn hàng vạn Nhân dân tệ cho các loại mỹ phẩm để tẩy nó đi nhưng không thành công. Những vết chàm đó đã hoàn toàn biến mất sau một tuần tôi bắt đầu tập Pháp Luân Công”.

Người bạn tù rất sửng sốt và hỏi lại tôi: “Ý chị là Pháp Luân Công thực sự tốt? Vậy sao TV lại nói rằng nó xấu? Thật đáng sợ vì truyền thông lại có thể nói dối trắng trợn như vậy. Không biết có bao nhiêu người đã bị lừa dối bởi đoạn tin tức về chị. Nếu tôi không tận mắt thấy chị, tôi cũng vẫn tin rằng bản tin kia là thật. Bản tin về chị được chiếu trên TV không chỉ một lần. Một tối, tôi đã xem nó rồi. Tối hôm sau, khi đang rửa chân, con trai tôi lại bảo tôi hãy nhanh lên để xem lại bản tin về một học viên Pháp Luân Công trên TV”.

Tôi hỏi cô ấy: “Những kênh nào đã chiếu bản tin đó?” Cô ấy trả lời: “Ở vùng quê tôi, tôi chỉ bắt sóng được một kênh truyền hình. Đó là kênh của Đài Truyền hình Tứ Xuyên”. Tôi lại hỏi: “Nếu sau này có người thực hiện một cuộc điều tra về việc này, chị có dám nói lên những gì chị biết không?” Cô ấy đáp: “Tôi chắc chắn sẽ làm như vậy. Tên tôi là Tưởng Tiên Bích. Tôi sống ở thôn Phóng Sinh, huyện Lạc Chí, tỉnh Tứ Xuyên. Tôi có một cửa hàng bán xe đạp ở nhà. Tôi bị giam ở đây vì tôi đã mua một chiếc xe ăn cắp”.

Buồng giam của tôi có 20 người, và họ đều bị sốc bởi những gì nghe được. Họ thấy khiếp đảm vì truyền thông có thể công khai nói dối và chủ ý lừa dối khán giả để phỉ báng Pháp Luân Công. Sau khi biết sự thật về Pháp Luân Công, hơn một nửa số người cùng buồng giam với tôi đã lập tức bắt đầu học các bài công pháp Pháp Luân Công. Một vài người khác cũng nói với tôi rằng khi nào được thả về nhà, họ cũng sẽ bắt đầu học Pháp Luân Công. Họ cũng nói sẽ cho gia đình và bạn bè của họ biết những điều chiếu trên TV về Pháp Luân Công là giả.

Các giám thị nhanh chóng biết tin nhiều người cùng buồng giam với tôi đã bắt đầu tập Pháp Luân Công. Họ đã lôi từng người ra và đe dọa họ: “Nếu cô còn tiếp tục tập Pháp Luân Công, án phạt của cô sẽ kéo dài, và cô đừng nghĩ đến việc sẽ ra khỏi chỗ này”. Bất chấp bị đe dọa, một vài bạn tù vẫn kiên định tập Pháp Luân Công. Họ đã bị phạt đứng trong một thời gian rất lâu.

Một đảng viên lão thành bị bỏ tù

Vài ngày sau khi tôi bị tống giam, cảnh sát đã đưa vào trại một bà cụ bảy mươi tuổi có tên Lưu Xán. Trước kia, bà ấy từng là hiệu trưởng của trường Trung học Cơ sở số 69. Bà và chồng mình đã là đảng viên trong suốt vài chục năm qua và cả hai đã chiến đấu cho quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Hai con của bà hiện đang sống ở ngoài Trung Quốc. Cũng như tôi, bà đã bị giam ở đồn cảnh sát địa phương và nhiều trại tạm giam khác nhau một thời gian dài trước khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Trong lần bị giam gần nhất ở đồn cảnh sát địa phương, bà được tin chồng mình đã bị ngã trên vỉa hè khi ông ấy ra ngoài mua đồ ăn và hiện bị thương nặng ở chân. Ông ấy không thể chăm sóc bản thân và không có gì để ăn hàng ngày ngoài những chiếc bánh bao hấp đã nguội ngắt. Bà muốn về nhà để chăm sóc chồng mình và từ chối quay lại trại tạm giam. Kết quả là bà đã bị ba cảnh sát ở đồn cảnh sát Kiến Thiết Lộ đạp lên lưng và bị trói hai tay ra sau. Bà còn bị quẳng lên ghế sau của xe cảnh sát và bị chở đến trại tạm giam này.

Buổi trưa, chúng tôi ra cửa hàng tạp hóa nhỏ ở trong trại tạm giam để mua một ít đồ dùng cá nhân. Một vài học viên Pháp Luân Công, trong đó có tôi, đã nói chuyện với Lưu Xán. Vì điều đó, các giám thị đã bắt chúng tôi đứng phạt dưới trời nắng nóng như thiêu đốt. Hôm đó, trời rất nóng. Chúng tôi bị bắt phải đứng trên mặt đường xi măng, và chúng tôi có thể cảm nhận được hơi nóng từ mặt đường đang bốc lên. Bánh xà phòng tôi vừa mới mua đã bắt đầu chảy. Dù đã cao tuổi, Lưu Xán cũng vẫn bị phạt đứng cùng chúng tôi dưới trời nắng nóng.

Bị bắt giam liên tiếp trong một thời gian dài

Trong trại tạm giam này, nhiều học viên Pháp Luân Công đã nhiều lần bị bắt giữ và bị giam ở trại tạm giam trong những khoảng thời gian dài. Nhiều người trong số họ là những người đã cao tuổi.

Một hôm sau bữa tối, giám đốc trại tạm giam đã tập trung tất cả các học viên Pháp Luân Công trong một căn phòng. Ông ấy nói với chúng tôi: “Tôi không muốn các vị phải quay lại đây lần nữa. Đây không phải là chỗ dành cho các vị. Vào mùa hè, nhiệt độ bên trong sẽ thấp nhất là 50 độ C. Hệ thống thông gió ở đây rất tồi tàn và quạt cũng không chạy. Nhiều người trong các vị đã già, làm sao có thể chịu đựng được điều đó?” Chúng tôi trả lời: “Thưa giám đốc, chúng tôi cũng không muốn tới đây. Ông biết là chúng tôi không được phép về nhà. Sau khi chúng tôi mãn hạn tù, cảnh sát lại lập tức tiếp tục vô cớ bắt giam chúng tôi”.

Trại tạm giam này nhanh chóng thực hiện một quy định – khi một tù nhân được thả khỏi trại tạm giam, người đó sẽ không bị gửi trả lại trại tạm giam trong cùng một ngày.

Nhưng cảnh sát lại nhanh chóng tìm được cách để lách quy định đó. Khi một học viên Pháp Luân Công đã mãn hạn tù, cảnh sát sẽ đưa người đó ra khỏi trại tạm giam, nhốt người đó trong đồn cảnh sát một đêm và gửi người đó lại trại tạm giam vào sáng hôm sau. Buồng giam ở đồn cảnh sát địa phương rất chật hẹp. Đó là một căn phòng tối tăm không có cửa sổ. Trong đó không có gì ngoài một cái bô đầy phân và nước tiểu. Cái bô đó nhiều tuần mới được đổ một lần. Lúc đó là khoảng tháng Tư, tháng Năm. Căn phòng nồng nặc mùi hôi thối và có rất nhiều muỗi và rệp. Tôi bị muỗi cắn sưng cả người và không thể chợp mắt vào buổi đêm. Một đêm, tôi cảm thấy đã quá mệt mỏi kiệt sức và cuối cùng cũng cố chợp mắt được. Khi tỉnh dậy mở mắt ra, tôi nhìn thấy một con cóc đang ngồi chiễm chệ cạnh mình. Tôi đã cố gắng đuổi nó đi nhưng không thể.

Một hạn tù ở trại tạm giam thường kéo dài hai tuần. Khi tôi mãn hạn tạm giam, cảnh sát sẽ đưa tôi đến đồn cảnh sát địa phương trước khi gửi tôi lại trại tạm giam vào ngày hôm sau. Vì ngày tôi ở đồn cánh sát địa phương rơi vào Chủ nhật, con trai tôi có thể đến thăm tôi ở đồn hai tuần một lần. Nhưng người cảnh sát độc ác Ngụy Đại Bình đã cố ý thay đổi hạn tạm giam của tôi từ hai tuần thành 10 ngày. Như thế, con trai tôi sẽ phải đi học vào ngày tôi ở đồn cảnh sát địa phương, và không thể đến thăm tôi được nữa.

Sau năm lần liên tiếp bị tạm giam, tôi đã nhờ em trai bán rẻ giúp tôi chiếc xe ô tô bởi không ai dùng nó nữa. Để ép các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ, các giám thị ở trại giam thường cố ý cắt nước trong những ngày hè oi bức. Hơn 20 con người bị giam trong một căn phòng có diện tích khoảng 10 mét vuông. Không có nước, chúng tôi không thể rửa dọn phân và nước tiểu. Căn phòng nồng nặc thứ mùi rất kinh khủng. Khi chúng tôi đề nghị trưởng buồng giam cho chúng tôi nước để có thể lau rửa phòng, ông ta đã lớn tiếng mạt sát: “Nếu các người muốn thoải mái, hãy đến khách sạn 4 sao Tĩnh Giang mà ở. Ở đây chỉ có vậy thôi. Ai bảo các người đến đây?” Tất nhiên, khi có người từ trên xuống kiểm tra cơ sở, nguồn nước luôn luôn được cung cấp trở lại.

Tuyệt thực tập thể và bức thực tàn khốc

Để phản đối sự bắt bớ và giam giữ bất hợp pháp này, chúng tôi đã bắt đầu tổ chức tuyệt thực vào nửa cuối tháng Năm. Giám đốc trại giam đã trở nên lo sợ và đến để thuyết phục chúng tôi từ bỏ việc tuyệt thực. Chúng tôi nói với ông ta: “Không! Chúng tôi tin vào ‘Chân-Thiện-Nhẫn’, và điều đó không có gì sai cả. Chúng tôi chỉ muốn về nhà”. Ông ta nói: “Các vị được đưa đến đây bởi nhiều đồn cảnh sát khác nhau. Việc của chúng tôi là trông chừng các vị và trao trả các vị cho họ khi họ quay lại. Chúng tôi không có quyền thả người”. Chúng tôi nói với ông ta: “Trong trường hợp đó, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chứng thực Pháp bằng mạng sống của mình. Mọi người đều biết cuộc sống này rất quý giá. Nhưng vì tự do và đức tin của mình, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyệt thực”.

Trại tạm giam đã thông báo cho sở cảnh sát Thành Đô về việc tuyệt thực của chúng tôi. Một vị trưởng phòng tên là Phùng Cửu Vĩ và một vài cảnh sát khác đã đưa một nhóm bác sỹ và y tá từ Bệnh viện Tâm thần An Khang đến và cố gắng bức thực các học viên một cách tàn bạo. Mỗi học viên nữ bị vài người đàn ông lực lưỡng lôi ra khỏi buồng giam và bị 7, 8 người đàn ông giữ trên một chiếc “giường” được kê bởi hai chiếc ghế dài đặt sát cạnh nhau. Một người sẽ ấn đầu học viên đó xuống. Những người khác cố gắng giữ tay và chân của học viên đó. Một người khác sẽ bịt mũi của học viên này lại hoặc ấn cổ cô ấy xuống khi một người khác dùng hết sức để mở miệng cô ấy ra. Người học viên đó cố vùng vẫy. Nhưng sau đó, cô ấy đã mệt lả đi, và y tá sẽ đổ thức ăn vào họng cô ấy.

Mỗi đợt bức thực đều đau đớn kinh khiếp. Tôi thường nôn ra một đống máu lớn hoặc nôn ọe sau mỗi đợt bị bức thực. Tôi đã trào nước mắt vì đau đớn. Vào những lúc đó, tôi thường nhẩm bài thơ “Tâm Tự Minh” của Sư phụ để động viên bản thân.

Có một nữ học viên Pháp Luân Công tên là Yên Định Tuệ bị giam cùng với tôi. Bà ấy đã ở độ tuổi 50 và làm việc trong Nhà máy Dệt tỉnh Tứ Xuyên. Tôi thấy bà ấy đã nôn mửa ra những đống dãi, mủ, máu lớn khi bị cảnh sát bức thực. Bà ấy đã đau đớn kinh khủng. Nước mắt đã trào trên gương mặt bà khi bà nôn mửa. Nhưng, mặc dù vậy, bà ấy cũng đã không để cảnh sát đổ thức ăn vào họng.

Sau khi bắt đầu tuyệt thực tập thể, chúng tôi đã viết một lá thư thỉnh nguyện yêu cầu được thả vô điều kiện. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã được thả tự do vào ngày 24 tháng Năm.

Sau khi tôi trở về nhà, nhiều bạn bè đã đến thăm tôi. Họ nói họ rất lo lắng cho tôi sau khi họ nhìn thấy tôi trên TV. Họ đã cố gắng tìm tôi ở khắp nơi. Họ nghĩ rằng tôi đã bị đưa vào bệnh viện và cố gắng tìm tôi ở các bệnh viện. Khi họ thấy tôi, họ rất mừng là cuối cùng tôi đã được phép về nhà, nhưng cũng rất tức giận vì những tin tức thêu dệt về tôi.

Trải nghiệm của mẹ tôi

Sau khi tất cả khách khứa đã ra về, mẹ tôi kể lại cho tôi những gì đã xảy ra với bà kể từ sau lần cuối chúng tôi gặp nhau.

“Sau hôm con và con trai con đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 03 tháng 12 năm 1999, mẹ bắt đầu hối tiếc là mình đã không đi cùng con. Mẹ đã tự đến Bắc Kinh một mình vào ngày 06 tháng 12 để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Mẹ muốn nói cho chính phủ về những trải nghiệm cá nhân của mình sau khi bắt đầu tập Pháp Luân Công. Nhưng ngay trước khi mẹ có thể đến Văn phòng Thỉnh nguyện, mẹ đã bị bắt và bị giữ tại Văn phòng Liên lạc Thành Đô ở Bắc Kinh. Mẹ bị nhốt trong một căn phòng có một chiếc bàn và vài chiếc ghế. Trong đó không có giường. Trời rất lạnh và mẹ phải thu hai chân lên ghế cho đỡ lạnh. Một giám thị họ Vương nhìn thấy mẹ và nghĩ rằng mẹ đang tập Pháp Luân Công. Ông ta đã túm lấy mẹ và đẩy mẹ ra ngoài trời. Ông ta đã bắt mẹ đứng bên ngoài trong trời lạnh cóng như một hình phạt. Một đồng tu tên là Vương Tố Hoa đã nói với ông ta: “Bác ấy già quá rồi và ngoài trời rất lạnh. Hãy để tôi đứng ở ngoài thay bác ấy”. Một lúc sau, ông ta lôi mẹ vào. Hai ngày sau, mẹ bị đưa trả về Thành Đô và bị gửi đến một trại cải tạo. Trại cải tạo đó sử dụng những chiếc loa phóng thanh inh ỏi để phỉ báng Pháp Luân Công. Mỗi sáng khi mọi người thức giấc, các giám thị lại bắt mọi người phải chạy quanh sân. Vì mẹ đã già nên không theo kịp những người khác. Vì thế, mẹ thường bị bắt đứng phạt rất lâu. Mẹ cũng thường bị bỏ đói. Sau đó, cảnh sát đã gửi mẹ đến trại tạm giam Cửu Như Thôn. Khi đến đó, mẹ vẫn bị bỏ đói. Mẹ sẽ không bao giờ có thể quên được đêm đầu tiên thức trắng vì lạnh và đói ở trại tạm giam đó.

Khi mẹ ở trại tạm giam, các giám thị thường đến vào lúc nửa đêm để hỏi liệu mẹ còn tiếp tục luyện Pháp Luân Công nữa không. Mẹ luôn trả lời có. Để phạt mẹ, họ đã bắt mẹ đứng ở ngoài trời giá lạnh trong một thời gian rất lâu. Cuối cùng, mẹ cũng đã vượt qua được nửa tháng bị giam giữ. Ngụy Đại Bình, một cảnh sát đến từ đồn cảnh sát Vạn Niên Trường đã đưa mẹ ra khỏi trại tạm giam. Ông ta đã lừa mẹ rằng: “Con gái bà đã bị kết án ba năm tù giam ở trại lao động vì tập Pháp Luân Công. Bà sẽ không bao giờ gặp được cô ấy nữa. Bà cũng không được sống ở nhà cô ấy nữa”. Sau bữa trưa, ông ta ép mẹ đến nhà em trai con. Khi mẹ tới đó, các cảnh sát từ đồn cảnh sát Cao Điếm Tử giám sát khu vực em trai con sinh sống đã bắt mẹ trở về quê nhà Giản Dương. Khi mẹ về nhà, bố con được lệnh phải giám sát mẹ. Ngay cả ở nhà, cảnh sát từ đồn cảnh sát địa phương vẫn đến để kiểm tra mẹ đang sống ở đâu và còn định tiếp tục quấy nhiễu mẹ.

Sau Tết Nguyên đán năm 2000, mẹ đã bí mật đến nhà con với hy vọng con trai con sẽ sớm bắt đầu đi học. Nhà con bẩn đến mức mẹ phải mất ba ngày chỉ để lau chùi. Mẹ không dám ra ngoài bởi mẹ sợ cảnh sát sẽ phát hiện ra mẹ đã trở lại đó và bắt mẹ phải về nhà. Nếu mẹ về nhà, ai sẽ ở đó chăm sóc con trai con? Mẹ không thể ra ngoài để mua thức ăn. Khi em con đưa con trai con trở về nhà, nó đã mang về một ít rau. Sau khi hết rau, mọi người bắt đầu ăn dưa. Khi ăn hết dưa, mọi người chỉ còn có thể nấu cháo và bỏ muối vào đó để ăn. Sau một thời gian dài ăn uống như vậy, giờ mẹ đã quen rồi. Mẹ tự nhủ: ‘Cho dù tên độc tài Giang Trạch Dân và băng đảng của ông ta đàn áp Pháp Luân Công như thế nào, mình sẽ tiếp tục tập luyện cho đến hơi thở cuối cùng’”.

Tôi rất mừng khi thấy mẹ tôi có đức tin kiên định vào Pháp Luân Công như thế. Cùng lúc, tôi cảm thấy rất khó chịu bởi Giang Trạch Dân và chế độ của ông ta đã đi quá xa trong việc đàn áp Pháp Luân Công và các học viên, cũng như thêu dệt những lời dối trá để lừa gạt người dân.

(Còn tiếp…)

Dịch từ:

http://www.minghui.org/mh/articles/2004/7/19/79561.html
http://www.pureinsight.org/node/2583



Ngày đăng: 17-11-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.