Văn học hiện thực: “Tật phong kình thảo”, Phần III – Chương 2
Tác giả: Chung Phương Quỳnh
[Chanhkien.org]
Phần III. Mười một lần bị bắt giam
Vượt qua khổ nạn bị tra tấn và bắt giam liên tiếp
Chương 2: Hành trình gian khó thỉnh nguyện cho Đại Pháp
a) Cuộc thỉnh nguyện đầu tiên
Ngày 03 tháng 12 năm 1999, tôi cùng một đồng tu mới được thả từ Bệnh viện Tâm thần An Khang ở Thành Đô quyết định đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Đại Pháp. Tôi đã đưa con trai 8 tuổi của mình theo. Tôi muốn nói cho chính quyền biết về việc mọi phương diện trong cuộc sống của tôi đã được cải thiện như thế nào sau khi tôi bắt đầu tập Pháp Luân Đại Pháp.
Lúc đó, chính quyền đã cài sẵn cảnh sát mặc thường phục khắp mọi nẻo đường để chặn các học viên đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Thay vì đi thẳng đến Bắc Kinh, chúng tôi đã quyết định đi xe buýt đến thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên. Sau đó, chúng tôi lên tàu tới thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Tại đó, chúng tôi bắt tàu tốc hành đến thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc. Sau đó, chúng tôi chi 800 Nhân dân tệ để bắt tắc-xi từ thành phố Thạch Gia Trang đến Bắc Kinh. Cuối cùng, chúng tôi cũng tới Lai Quảng Doanh, vùng ngoại ô của Bắc Kinh. Chúng tôi tới chỗ mà các học viên từ khắp nơi trên cả nước tới Bắc Kinh thỉnh nguyện đang tạm trú. Chúng tôi đã tới đó vào buổi sáng ngày 08 tháng 12 năm 1999. Kế hoạch ban đầu của tôi là ở đó thêm hai ngày để chia sẻ kinh nghiệm với các học viên khác ở đó, và sau đó sẽ viết một bức thư thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Con trai tôi muốn về nhà sớm để kịp bắt đầu kỳ học mới ở trường. Chiều hôm đó, một đồng tu nam họ Nhiếp chuẩn bị đến quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện cho Đại Pháp. Con trai tôi quyết định đi cùng anh ấy, và họ đã rời đi cùng nhau sau bữa trưa. Sáng hôm sau, một người lạ mặt đến dò hỏi chúng tôi (ngoài tôi ra còn có ba đồng tu khác đến từ tỉnh Tứ Xuyên đang trú tại đó). Người đó hỏi chúng tôi có tập Pháp Luân Công không, và chúng tôi trả lời có. Ông ta lập tức bấm máy gọi điện thoại. Một nhóm người đã ập vào và bắt chúng tôi đi. Chúng tôi bị bắt tới đồn công an Lai Quảng Doanh. Mười tiếng sau, chúng tôi bị chuyển đến Văn phòng Liên lạc thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên tới Bắc Kinh.
b) Văn phòng Liên lạc Thành Đô
Văn phòng Liên lạc Thành Đô có một chiếc sân nhỏ ở phía sau. Chiếc sân đó có một dãy các phòng nhỏ quây quanh ba mặt sân, còn mặt thứ tư là cổng. Các học viên bị đưa đến đó đã bị lục soát quần áo và bị nhốt trong những căn phòng nhỏ đó. Tôi cũng bị ép phải cởi quần để lục soát. Văn phòng Liên lạc đó có một khách sạn. Người phụ nữ lục soát quần áo của tôi có lẽ là một nhân viên của khách sạn, bởi cô ấy mặc đồng phục của khách sạn. Tôi và một nữ học viên khác bị nhốt trong cùng một phòng. Những người bảo vệ đã cướp mất sách Đại Pháp của tôi và vài trăm Nhân dân tệ tôi mang theo bên mình. Họ đã tìm thấy mảnh giấy mà tôi ghi số điện thoại của các học viên khác, và đặt nó ở trên bàn. Tôi đã giật lấy mảnh giấy đó và nuốt chửng nó bởi tôi không muốn họ sử dụng nó để bức hại các học viên khác. Phùng Cửu Vĩ, đầu sỏ tà ác của Văn phòng Liên lạc Thành Đô đã lập tức ra lệnh cho một người bảo vệ họ Vương đến còng tay tôi. Vương kéo lê tôi ra ngoài và còng tay tôi vào bức tượng sư tử đá ở ngoài cửa chính của Văn phòng Liên lạc. Ngoài trời rét cắt da cắt thịt. Tôi bị còng tay ở đó từ 7 giờ tối đến gần 11 giờ đêm. Sau đó, họ bắt đầu thẩm vấn tôi. Tôi nói với họ: “Làm một người tốt không có gì là sai cả. Là một công dân Trung Quốc, tôi có quyền thỉnh nguyện với chính phủ. Tôi thậm chí còn chưa có cơ hội đệ đơn thỉnh nguyện mà đã bị nhốt ở đây”. Họ cố ép tôi khai ra tên của người đã tổ chức chuyến đi tới Bắc Kinh. Tôi nói với họ: “Chúng tôi không hề có tổ chức nào cả. Chúng tôi tự mình làm những việc này”. Họ không khai thác được gì khác ngoài tôi, vì vậy họ đã nhốt tôi trong căn phòng số 6. Trong suốt thời gian tra hỏi bất hợp pháp này, cảnh sát đã hỏi có phải Chung Tài Nhất là con trai của tôi không. Chỉ đến khi đó tôi mới biết rằng con trai mình cũng đang bị giam ở đó. Họ đã cách ly tôi và con trai trong suốt 5 ngày trước khi gửi trả chúng tôi về Thành Đô.
Trước khi chúng tôi rời đi, khoảng 3 giờ chiều, Phùng Cửu Vĩ, giám đốc Văn phòng Liên lạc đã tới gặp tôi một lần nữa để đe dọa: “Tôi sẽ cho chị 30 phút để nói cho tôi biết số điện thoại trên tờ giấy mà hôm trước chị nuốt. Nếu không tôi sẽ gọi điện về Thành Đô và tống chị vào tù ít nhất ba năm.” Sau đó, ông ta đứng dậy và rời đi. Cho dù ông ta nói gì đi nữa, tôi cũng hoàn toàn không động tâm. Sau đó một thời gian dài, con trai tôi hỏi: “Mẹ, đã lâu quá rồi. Tại sao cảnh sát chưa quay lại?” Phương không bao giờ quay lại nữa, bởi ông ta biết ông ta không thể đe dọa được tôi và tôi sẽ không bao giờ nói cho ông ta bất cứ điều gì.
Trong lúc đó, con trai tôi kể cho tôi những điều đã xảy ra với cháu khi cháu tới Quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Đây là những gì con trai tôi kể:
“Hôm đó, khi mẹ tiễn con đến trạm xe buýt để con có thể đến Quảng trường Thiên An Môn cùng bác Nhiếp, tâm con nặng trĩu và con không muốn nói gì trên suốt quãng đường tới đó. Khi chúng ta đến gần trạm xe buýt, con đã bước chậm lại và hy vọng rằng thời gian có thể trôi qua chậm hơn. Con muốn ở bên mẹ thêm một lúc. Mẹ nói với con: ‘Con trai, sau khi con về nhà, hãy nhớ nghe lời bà. Học ở trường cho tốt và tu luyện vững chắc’. Con không thể ngăn được nước mắt và nghẹn ngào nói ‘vâng’. Lúc đó, không từ nào có thể diễn đạt được con đã buồn như thế nào. Con đã hỏi mẹ: ‘Mẹ, khi nào chúng ta sẽ về nhà?’ Mẹ trả lời: ‘Mẹ không biết’. Sau đó, cả hai cùng khóc. Lúc đó tuyết đang rơi và chúng ta vẫn tiếp tục khóc. Con mới chỉ 8 tuổi, vậy mà con đã rời mẹ mà không biết mẹ sẽ sống chết thế nào, và không biết liệu chúng ta còn có thể gặp lại nhau. Khi lên xe buýt, mắt con đã nhòa lệ. Khi xe chuyển bánh, con thò đầu qua cửa sổ và thấy xe đang chạy xa dần, xa dần mẹ”.
“Sau khi đến Quảng trường Thiên An Môn, con và bác Nhiếp đi bộ đến giữa quảng trường. Con hơi căng thẳng. Quanh đó không có nhiều người. Hai bác cháu đã đứng đó và bắt đầu tập bài công pháp thứ hai (Pháp Luân Trang Pháp). Một phút trôi qua trước khi con nghe thấy tiếng còi của cảnh sát. Con mở mắt và thấy những người đứng quanh đang chăm chú xem hai bác cháu luyện công. Một xe cảnh sát đi tới và dừng lại trước mặt hai bác cháu. Một vài cảnh sát nhảy ra khỏi xe và lôi hai bác cháu lên xe. Một số học viên Pháp Luân Công đã ở trên xe. Một cảnh sát hỏi tôi: ‘Mày còn nhỏ thế này, đến đây làm gì?’ Con trả lời: ‘Cháu ở đây để bảo vệ Pháp!’ Ông ấy nói: ‘Bảo vệ Pháp? Mày định nói là bảo vệ cái mũ của mày hả (trong tiếng Trung Quốc, “Pháp” và “mũ” phát âm giống nhau)?’ Một cảnh sát khác bắt đầu nhạo báng con. Sau đó, người cảnh sát đã hỏi con tát vào mặt con, và con bắt đầu khóc. Một đồng tu nữ đã ôm con vào lòng và cố gắng an ủi con: ‘Đừng khóc, cháu đừng khóc. Một tiểu đệ tử Đại Pháp sẽ không khóc. Sư phụ Lý yêu quý các đệ tử trẻ nhất’. Một lúc sau, cảnh sát đưa mọi người vào một căn phòng rộng. Căn phòng đó được bao quanh bởi những song sắt cao. Trong căn phòng, một chiếc giường dài chạy dọc cả bức tường. Trên chiếc giường đó có rất nhiều các học viên Pháp Luân Công đang ngồi. Sau khi mọi người ở đó khoảng nửa tiếng, một cảnh sát đã đưa bác Nhiếp và con đến Văn phòng Liên Lạc Thành Đô – Bắc Kinh. Chúng con bị nhốt trong một căn phòng. Có hơn chục cái ghế và một vài cái bàn trong phòng. Con đã kê mấy cái ghế lại gần với nhau để nằm. Sau khi con nằm xuống, bác Nhiếp đã cởi áo khoác của bác ấy để đắp lên cho con. Sau đó, con bị đánh thức bởi một tiếng ồn lớn. Một cảnh sát đang quát bác Nhiếp và tát bác ấy bởi vì ông ta tức giận với việc bác ấy cho con mượn áo. Sau khi cảnh sát rời đi, con hỏi bác Nhiếp bị tát có đau không. Bác ấy nói: ‘Vì đưa áo cho cháu, bác lạnh cóng rồi. Mặt bác lạnh đến mức không thấy đau khi bị tát nữa’. Lúc đó, nhiệt độ ngoài trời là âm vài độ C. Một người tốt bụng cố gắng giữ cho một đứa bé được ấm với chiếc áo của chính mình nhưng lại bị cảnh sát tát vì làm việc đó. Đây là loại thế giới gì vậy? Đèn trong phòng lúc nào cũng sáng. Mọi người có thể nhìn qua rèm để đoán lúc đó là mấy giờ, và con không biết mọi người đã bị nhốt ở đó bao nhiêu ngày. Một hôm, bác Nhiếp nói với con: ‘Mẹ cháu ở đây’. Con vội hỏi: ‘Ở đâu ạ?’ Bác ấy nói: ‘Ở ngay bên ngoài’. Con lập tức cố nhìn ra ngoài qua lỗ thủng ở tấm rèm nhưng không nhìn thấy gì cả. Tim con lại đập thình thịch. Bác Nhiếp nói với con: ‘Bác nhìn thấy mẹ cháu bị nhốt ở phòng bên’. Khoảng hai ngày sau, con thấy mẹ và chạy về phía mẹ”.
Tôi rất buồn vì đứa con bé nhỏ của mình bị cảnh sát ngược đãi. Nhưng khi tôi nhìn vào gương mặt bé bỏng của cháu, lòng tôi tràn ngập niềm vui và sự tự hào. Tôi bảo cháu: “Con làm tốt lắm!”
Một vài cảnh sát đã lên đường quay lại Thành Đô, và họ dẫn theo tôi, con trai tôi cùng ba học viên khác. Họ bắt chúng tôi trả 50 Nhân dân tệ và nói đó là phí đi lại từ Văn phòng Liên lạc đến ga Bắc Kinh. Sau khi áp giải chúng tôi đến ga Bắc Kinh, họ bắt chúng tôi trả tiền vé, bao gồm cả tiền hai giường nằm ở trên tàu.
c) Những người phục vụ biết sự thật
Cảnh sát đã chiếm một khoang riêng trên tàu để họ có thể ngủ thoải mái. Khoang tàu đó có sáu chiếc giường ba tầng. Tôi, con trai tôi và ba học viên kia buộc phải chia nhau hai chiếc giường. Buổi đêm khi các cảnh sát ngủ, một người trong số họ vẫn thức để canh chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều bị còng tay vào giường.
Một buổi sáng, khi nghe nói chúng tôi là những học viên Pháp Luân Công, một vài người phục vụ trên tàu đã kéo rèm cửa sổ khoang tàu để ngó vào xem. Một cảnh sát cảnh báo họ: “Cẩn thận đấy. Những người Pháp Luân Công này có công năng đặc dị. Họ có thể làm mọi người bị thương đấy”. Một phục vụ viên nói: “Thật ra, một phụ nữ làm cùng phòng với tôi trước kia luyện Pháp Luân Công. Cô ấy đối xử với mọi người rất tử tế và chúng tôi đều rất thích cô ấy. Mọi người biết chuyện gì đã xảy ra không? Từ khi chính phủ trở mặt với Pháp Luân Công, cô ấy đã bị sa thải một cách vô cớ”.
d) Trung tâm Cải tạo quận Thanh Dương
Hai ngày sau, khoảng 7 giờ sáng, tàu đã đến thành phố Thành Đô. Ở ga có một xe cảnh sát đợi sẵn chúng tôi và chúng tôi bị đưa đến Trung tâm Cải tạo quận Thanh Dương. Một chiếc loa phóng thanh đã phát inh ỏi những lời phỉ báng Pháp Luân Công một cách vô căn cứ. Lính canh trong trung tâm giám sát chúng tôi một cách sát sao. Chúng tôi không được phép nói. Cảnh sát đem con trai tôi đi vào giữa trưa. Sau bữa tối, họ nhốt chúng tôi vào một căn phòng lớn và cố tìm cách tẩy não chúng tôi. Tôi đã từ chối việc lắng nghe những lời nói dối của họ và đứng dậy để tập các bài công pháp Pháp Luân Công. Một lính canh đã để ý thấy tôi và bắt đầu đá tôi. Tôi đã bị đá ra ngoài. Những lính canh ép tôi và các học viên khác cởi áo khoác ngoài và đứng ở ngoài trời giữa cơn gió lạnh cóng. Lúc đầu, lính canh kéo tấm rèm nhựa lên để có thể quan sát chúng tôi từ trong phòng. Mặc dù họ đang ăn một nồi lẩu nóng, họ vẫn bị lạnh những khi không khí lạnh tràn vào từ bên ngoài. Vì thế, họ đã cho phép chúng tôi quay trở vào bên trong. Chúng tôi bị buộc phải ngồi xổm trên đất trong một thời gian dài. Chân của tôi trở nên tê dại. Khi sắp bị mất cân bằng, tôi đã phải bám lấy tấm sắt ở gần đó để giữ cho mình được vững. Tôi đã phải xin đi vệ sinh để có thể nghỉ một lúc. Khi quay lại, tôi phải tiếp tục ngồi xổm.
e) Trung tâm giam giữ Cửu Như Thôn
Sau khi trải qua hai ngày ở trại tẩy não cưỡng bức, tôi bị đưa tiếp đến Trung tâm Giam giữ Cửu Như Thôn và bị giam giữ trái phép ở đó trong 15 ngày. Khu phạm nhân nữ của trung tâm đã hết phòng bởi vì nó đã giam giữ quá nhiều học viên nữ Pháp Luân Công và phải dọn phòng của khu phạm nhân nam để giữ các học viên nữ. Hàng ngày, chương trình truyền hình bôi nhọ Đại Pháp và Sư phụ liên tục được phát trên loa phóng thanh. Trong một môi trường tà ác như vậy, tôi đã nhớ bài kinh văn “Lại luận bàn về mê tín” của Sư phụ:
“Nhận thức đối với chân lý vũ trụ của các học viên tu luyện Đại Pháp là sự thăng hoa về lý tính và thực tiễn; bất kể nhân loại đứng tại lập trường nào mà phủ định Pháp lý của vũ trụ vốn cao hơn hết thảy những lý luận tại xã hội nhân loại, thì đều uổng công. Đặc biệt vào lúc đạo đức của xã hội nhân loại đang băng hoại toàn diện, chính là vũ trụ vĩ đại đã một lần nữa từ bi đối với con người, cấp cho con người một cơ hội tối hậu này. Đó là hy vọng mà nhân loại nên phải trân quý muôn phần; nhưng con người vì dục vọng riêng tư mà phá hoại hy vọng cuối cùng vũ trụ đã cấp cho nhân loại ấy, làm trời đất phẫn nộ. Con người không hiểu biết lại coi những tai hoạ nói thành hiện tượng tự nhiên. Vũ trụ không phải vì con người mà tồn tại, con người chỉ là một phương thức biểu hiện tồn tại sinh mệnh ở tầng thấp nhất; nếu nhân loại mất đi tiêu chuẩn sinh tồn trong tầng này của vũ trụ, thì chỉ có thể là bị lịch sử vũ trụ đào thải mà thôi.
Hỡi nhân loại! Hãy tỉnh táo lại! Các thệ ước của chư Thần trong lịch sử đang được thực hiện, Đại Pháp nhận định hết thảy các sinh mệnh. Con đường nhân sinh là do bản thân chọn. Một niệm của bản thân con người cũng sẽ định ra tương lai của mình.
Hãy trân quý [nó], Pháp lý của vũ trụ đang ở trước mắt chư vị.” (Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Để ép chúng tôi từ bỏ chân lý và chấp nhận những lời dối trá, nhân viên ở trung tâm giam giữ đã bắt chúng tôi đọc các bài viết xuyên tạc của những người học viên đã bị tẩy não và xem những đoạn phỏng vấn trên TV của những cựu học viên đó. Hàng ngày, chúng tôi bị giam trong phòng tối không có ánh sáng trong một khoảng thời gian dài. Chúng tôi cũng không được học Pháp hay luyện công. Chúng tôi thường bị tra tấn bằng dùi cui điện hoặc bị trói bằng dây thừng và bị vứt ra trời mưa. Vì biết rằng họ có sự chỉ đạo phía sau của Giang Trạch Dân, những người lính canh đã đối xử cực kỳ tàn nhẫn với các học viên. Một học viên họ Vương đã cố gắng luyện công trong trại giam. Lính canh đã đánh cô ấy nhiều lần liên tiếp bằng dùi cui điện. Sau đó, họ treo cô ấy lên dây thừng và ném cô ấy ra ngoài trời mưa và bỏ đói cô ấy. Một lúc sau, cô ấy bất tỉnh. Bất chấp sự nhẫn tâm của họ, người bảo vệ hung dữ này vẫn không thể lung lạc được đức tin của các học viên Pháp Luân Công, những người đã hiểu ra chân lý vũ trụ.
Nửa tháng đã qua và ngày đầu năm mới năm 2000 đã đến. Tôi bị một cảnh sát họ Đường từ đồn công an Long Đàm Tự ở Thành Đô đưa đi. Tôi nghĩ ông sẽ cho tôi về nhà bởi vì đang là ngày lễ. Tuy nhiên, ông lại đưa tôi tới đồn cảnh sát. Ông Đường hỏi tôi liệu tôi sẽ vẫn tập Pháp Luân Công chứ. Tôi trả lời: “Có”. Chỉ vì tôi nói có, sau bữa trưa, ông cáo buộc tôi tội hình sự và phạt giam tôi 30 ngày tại Trung tâm Giam giữ số 2 thành phố Thành Đô, nằm tại thôn Liên Hoa. Khi tôi đến xà-lim của mình ở trung tâm giam giữ, hơn 20 học viên Pháp Luân Công đã bị nhốt ở đó rồi. Chúng tôi không được phép học Pháp hay luyện các bài công pháp Pháp Luân Công. Mỗi đêm, chúng tôi phải thay nhau thức và làm nhiệm vụ canh gác. Chúng tôi phải ngồi trên giường và học nội quy nhà tù hàng ngày. Nếu chúng tôi cố gắng tập các bài công pháp Pháp Luân Công, lính gác sẽ dùng xiềng nặng cùm mắt cá chân chúng tôi và còng tay chúng tôi ra đằng trước hay đằng sau. Cả tay và chân của Hình Thâm, một sinh viên đại học trong độ tuổi 20, đã trở nên bầm tím và đen lại sau khi lính canh cùm mắt cá chân và tay cô trong một thời gian dài. Cô thậm chí còn không thể ăn hay ngủ. Mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt, các học viên khác phải giúp cô thay băng vệ sinh. Khi các học viên tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi, những người lính canh sẽ bức thực các học viên qua đường mũi. Toàn bộ quá trình thật là ghê sợ. Chúng tôi chỉ được phép mua các vật dụng cần thiết một lần mỗi tuần qua người quản đốc xà-lim nhà tù. Các vật dụng có giá gấp đôi, gấp ba hay thậm chí gấp nhiều lần giá thực ở chợ.
Sau 30 ngày bị giam trong trung tâm giam giữ, tôi nghĩ mình sẽ được thả và được phép về nhà để kịp đón Tết Nguyên Đán. Lại một lần nữa, điều tương tự đã xảy ra – người cảnh sát họ Đường từ đồn công an Long Đàm Tự giải tôi đi từ trung tâm giam giữ. Một lần nữa, ông hỏi tôi liệu tôi còn tiếp tục tập Pháp Luân Công hay không. Khi tôi trả lời có, ông đưa tôi đến đồn công an Vạn Niên Trường. Ông tuyên bố mặc dù tôi có hộ khẩu ở Long Đàm Tự, tôi thực sự đã bị phán xét ở đồn công an Vạn Niên Trường bởi vì tôi đã sở hữu một căn nhà ở quận đó. Sau khi đến đồn công an Vạn Niên Trường, khi cảnh sát hỏi tôi liệu tôi sẽ còn tiếp tục tập Pháp Luân Công nữa không, tôi lại trả lời, “Có”. Do đó, họ đã đưa tôi trở lại đồn công an Cửu Như Thôn. Như một quả bóng bị đá đi đá lại, tôi đã bị đưa đi đưa lại giữa nhiều đồn công an và trung tâm giam giữ trong 96 ngày. Trong thời gian ấy, tôi không được phép về nhà hay thậm chí đi tắm. Từ ngày 7 tháng 12 năm 1999, ngày mà tôi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt giữ thậm chí trước khi tôi có cơ hội thỉnh nguyện, tới ngày 2 tháng 3 năm 2000, tôi đã chính thức bị giam giữ 6 lần liên tiếp.
f) Cảnh sát tống tiền em trai tôi 3.000 Nhân dân tệ
Tôi đã hoàn thành kỳ hạn khác tại trung tâm giam giữ vào ngày 2 tháng 3 năm 2000. Tôi tự nhủ: “Mình không nên để bị giam ở đây mãi thế này. Dù gì đi nữa, mình cũng phải đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và để cho chính phủ trung ương biết các cảnh sát độc ác kia đã lạm dụng chức vụ và chà đạp những quyền cơ bản của các học viên Pháp Luân Công vô tội”. Khi cảnh sát Ngụy Đại Bình tới đưa tôi đi vào khoảng 3 giờ chiều, tôi mang cả chăn theo. Ông Ngụy nói với tôi rằng tôi nên để chăn lại, bởi vì kiểu gì tôi cũng sẽ bị lập tức gửi trả lại trung tâm giam giữ. Tôi nói với ông ta rằng tôi không muốn trở lại trung tâm giam giữ vào ngày hôm đó. Ông ta vui khi nghe vậy và hỏi: “Vậy là cô cuối cùng đã nghĩ ra rồi? Cô sẽ không tập Pháp Luân Công nữa chứ?” Tôi trả lời: “Tôi đã bị giữ ở đây trong hơn 3 tháng rồi. Tôi đã bị nhốt cùng phòng giam với những tội phạm trộm cắp, lừa đảo, móc túi hay đĩ điếm; ngôn ngữ thô lỗ và bẩn thỉu của họ làm tôi đau đầu. Tôi cần về nhà và nghĩ về mọi thứ, nơi có sự bình an và yên tĩnh. Sau đó, chúng ta sẽ xem xem”. Ông ta nghĩ cuối cùng tôi đã đổi giọng, vì thế ông ta đã để tôi mang chăn theo khi trở lại đồn cảnh sát. Rồi ông ta gọi em trai tôi và bảo cậu ấy mang nộp 3.000 Nhân dân tệ để làm bảo lãnh đưa tôi về nhà. Em trai tôi nhanh chóng tới nhưng cậu ấy chỉ có 2.000 Nhân dân tệ. Ngụy Đại Bình nói: “Tôi đã bảo cậu mang 3.000 Nhân dân tệ! Không được thiếu một xu nào cả! Tiền này là bảo lãnh đảm bảo chị cậu sẽ không tới Bắc Kinh nữa. Nếu chị ấy lại tới, chúng tôi sẽ dùng tiền này để đưa chị ấy về”. Em trai tôi không còn cách nào khác ngoài về nhà và hỏi vay 1.000 Nhân dân tệ. Tôi cuối cùng đã được phép trở về nhà cùng em trai vào khoảng 9 giờ tối hôm ấy. Trước khi chúng tôi đi, ông Ngụy đã nói với tôi rằng tôi phải báo cáo với đồn cảnh sát vào 9 giờ sáng mỗi ngày. Để có thể trở lại Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, tôi đã ký một tờ cam đoan sẽ tới báo cáo với cảnh sát vào mỗi buổi sáng. Sau đó, tôi nhận ra rằng tôi không nên làm vậy. Tôi đã viết một bản cải chính thanh minh tờ cam đoan trước đó là vô giá trị và giao nó tận tay Ngụy Đại Bình.
Trên đường từ đồn cảnh sát trở về nhà, em trai tôi nói: “Chị, em đã thử mọi cách nhưng không thể giúp chị ra khỏi trại giam. Bây giờ cuối cùng chị cũng đã ra được. Em sẽ tổ chức một bữa tiệc tối mừng chị về nhà. Em sẽ mời cả gia đình đi ăn lẩu”. Chúng tôi ăn tối xong vào khoảng trước nửa đêm và sau đó trở về nhà. Em trai tôi ngủ trên ghế sô pha của tôi mà không về. Cậu ấy sợ rằng tôi sẽ quay lại Bắc Kinh. Cậu ấy sợ là tôi sẽ lại bị cảnh sát bắt và không ra ngoài được. Tôi bảo cậu ấy: “Em về đi! Vợ em đang đợi ở nhà. Cô ấy sẽ lo lắng nếu đêm nay em không về”. Em trai tôi cuối cùng cũng miễn cưỡng ra về. Lúc đó là khoảng 2 giờ sáng.
(Còn tiếp…)
Dịch từ:
http://www.minghui.org/mh/articles/2004/7/18/79560.html
http://www.pureinsight.org/node/2570
Ngày đăng: 03-11-2012
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.