Văn học hiện thực: “Tật phong kình thảo”, Phần I – Chương 1
Tác giả: Chung Phương Quỳnh
[Chanhkien.org]
Lời mở đầu
Tôi là Chung Phương Quỳnh (tên gọi khác: Chung Minh Phương), nữ, 39 tuổi. Nơi ở hiện tại: Căn hộ số 7, tầng 3, tòa Nhân Hòa Uyển số 4, đoạn Đông Tam số 36, đường Nhị Hoàn, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Nguyên quán: Xã 7, thôn Dương Minh, trấn Vân Long, thành phố Giản Dương. Tôi từng sở hữu một doanh nghiệp riêng có tổng tài sản 700.000 Nhân dân tệ và có thu nhập hàng tháng trên 10.000 Nhân dân tệ. Mới sinh ra, tôi đã bị mắc bệnh phình động mạch chủ ở chân phải và đã mất 30 năm để tìm cách chữa trị nhưng đều vô hiệu. Năm 1995, các bác sỹ phẫu thuật ở Bệnh viện Đa khoa Lục quân Trung Quốc đã tiến hành mổ và gỡ bỏ một huyết quản khỏi chân của tôi, nhưng bệnh của tôi vẫn không thuyên giảm.
Năm 1997, hơn 30 chuyên gia đến từ Đại học Tây Y Trung Quốc (còn gọi là Đại học Y Tứ Xuyên) đã tiến hành hội chẩn căn bệnh của tôi và nhất trí xác nhận rằng đây là căn bệnh hiếm nan y hiếm gặp, và cộng đồng y học quốc tế vẫn chưa tìm ra phương pháp hiệu trị cho căn bệnh này. Nhưng chỉ sau hai tháng tập Pháp Luân Công, căn bệnh của tôi đã biến mất một cách kỳ diệu. Lần đầu tiên trong đời, tôi được thể nghiệm niềm hạnh phúc của việc không có bệnh tật. Ngày 20 tháng Bảy năm 1999, chế độ của Giang Trạch Dân đã vi phạm Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và phát động một cuộc đàn áp điên cuồng đối với Pháp Luân Công và các học viên. Giống như hàng vạn các học viên khác, tôi đã phải trải qua sự bức hại không thể tả xiết trong suốt những năm qua. Hơn 38 đơn vị đã tham gia bức hại tôi. Tôi đã bị giam giữ trái phép tổng cộng 29 lần và bị giam ở nhiều trại giam và các trại lao động cưỡng bức trong tổng số 743 ngày. Tôi cũng đã phải nếm trải đủ loại hình thức tra tấn phi nhân tính. Cho tới nay, tôi không thể về nhà và bị buộc phải lưu lạc khắp nơi để tránh bị bắt lại.
Phần I. Kiếp người khổ nạn
Tóm tắt: Trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, tôi chỉ cầu mong kiếm tiền, chữa bệnh và chuẩn bị cho một ngày không xa mà mình sẽ bị liệt…
Chương 1: Tuổi thơ cay đắng
a) Vết chàm màu tím
Ngày 21 tháng Tám, năm 1965, tôi chào đời trong một gia đình bất hạnh ở chân núi Miếu Tử Sơn, thôn Dương Minh, trấn Vân Long, thành phố Giản Dương, tỉnh Tứ Xuyên. Những đau khổ trong cuộc đời tôi đã bắt đầu kể từ ngày đó. Khi vừa đến thế gian này, nửa người bên phải của tôi đã có sẵn một vết chàm màu tím kéo dài từ hông cho đến tận bàn chân. Tôi là con thứ hai trong gia đình có bốn chị em gái. Kể từ khi cha tôi phẫu thuật điều trị thoát vị, ông đã không thể làm việc nặng. Mẹ tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khó; chân trái của bà bị khập khiễng do một lần bị ốm nhưng không đủ tiền để đi bệnh viện. Chị cả của tôi bị bại liệt lúc lên năm tuổi. Vì không được điều trị thuốc thang đúng cách, chân phải của chị ấy đã vĩnh viễn bị liệt và khắp thôn đều biết chị ấy bị què.
Vào mùa Hè năm tôi lên sáu tuổi, tôi đột nhiên nhìn thấy một huyết quản màu đen chạy từ bàn chân phải lên đến hông dọc theo vết chàm màu tím của mình, điều này đã làm bố mẹ tôi hoảng sợ. Họ đã vay mượn tiền để đưa tôi đến trạm xá, rồi đến bệnh viện thị trấn Vân Long. Họ đã tiêu tốn khá nhiều tiền và tôi phải uống rất nhiều thuốc, nhưng tình trạng của tôi vẫn không được cải thiện sau nửa năm điều trị ở các trung tâm y tế địa phương. Khi mùa Đông tới, trời trở lạnh, nhưng tình thương của cha mẹ tôi dành cho đứa con gái bất hạnh vẫn không nguội lạnh. Bất chấp đau ốm, cha tôi đã đưa tôi đến Bệnh viện Trung Y thành phố Giản Dương cách nhà 22 dặm (35 cây số). Bác sỹ cho biết máu của tôi bị đông và làm tắc huyết quản. Ông ấy đã kê cho tôi rất nhiều viên thuốc được làm bằng các loại thảo dược Trung Y, có kích thước bằng quả chà là, có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, và bảo cha tôi rằng tôi phải uống thuốc trong một thời gian dài. Sau khi trả tiền thuốc, cha tôi đã hết tiền. Nếu chúng tôi bắt xe buýt về nhà, tôi sẽ không mất tiền vé bởi tôi còn nhỏ, nhưng cha tôi sẽ phải trả năm Nhân dân tệ cho tiền vé của ông. Thời đó, năm Nhân dân tệ thực sự không hề nhỏ đối với một nông dân. Với số tiền đó, ông có thể ăn được hơn 10 ngày. Vì vậy, cha tôi và tôi đã quyết định đi bộ về nhà. Chúng tôi đã đi bộ quãng đường dài 22 dặm từ lúc 1 giờ chiều đến 9 giờ tối để về được đến nhà.
b) Tìm thầy, hỏi thuốc
Để giúp bố mẹ kiếm tiền trị bệnh cho mình, tôi bắt đầu thức khuya dậy sớm để nhổ cỏ từ khi tôi còn là một đứa trẻ. Trường tiểu học của tôi cách nhà 5 dặm (8 cây số). Hàng sáng đi học, tôi mang theo một cái túi. Sau bữa trưa, trong lúc bạn bè ngủ, tôi ra ngoài để nhổ một ít cỏ ở dãy núi gần đó. Trên đường về nhà, tôi cũng nhổ cỏ. Khi tôi về đến nhà, trời đã tối đen như mực. Lúc tôi làm xong bài tập thì cũng đã quá nửa đêm. Gần nhà tôi có một nghĩa trang. Năm tám tuổi, tôi đã nhìn thấy ma ở vườn rau bên cạnh nhà tôi. Tôi không thể xóa những gì đã trông thấy ra khỏi trí nhớ của mình. Vì vậy, tôi thường rất sợ đêm tối và phải bật đài trong lúc làm bài tập để không phải nghe những tiếng động ở bên ngoài.
Bố mẹ tôi đã đi khắp nơi để tìm thầy, hỏi thuốc trị bệnh cho tôi. Sức khỏe của tôi cuối cùng cũng đã tạm ổn đủ để tôi có thể đi học tiểu học. Khi tôi học tiểu học, mẹ tôi nghe mọi người nói rằng ở quê cha của bà tại khu Đại Phật, huyện Nhạc Chí có một thầy châm cứu rất giỏi. Cha mẹ tôi quyết định đưa tôi tới gặp vị thầy thuốc này. Dẫu chỉ còn một tia hy vọng, họ cũng sẽ không bỏ cuộc. Vừa mới bắt đầu điều trị, tôi đã có thể tự đi bộ từ 20 đến 25 dặm để đến gặp thầy thuốc vào thứ Bảy hàng tuần sau giờ học. Vị thầy thuốc này cũng nói những điều giống như các bác sỹ khác đã bảo tôi, rằng huyết quản của tôi bị tắc và ông ấy cần phải châm cứu để thông tuần hoàn máu và ngăn không cho nó bị tắc. Mỗi lần điều trị, ông ấy cắm những cây kim châm cứu có kích thước to nhỏ, dài ngắn khác nhau vào tất cả các huyệt vị từ hông đến bàn chân phải của tôi. Tôi có cảm giác như hàng vạn con muỗi đang đốt mình. Đồng thời, tôi cũng cảm thấy nhiều cảm giác như buồn nôn, đau đớn và tê liệt. Ngoài ra, có lúc ông ấy còn xoắn tất cả các cây kim với nhau. Khi cơn đau này vừa dứt, nó đã đau nhức trở lại. Mỗi lần điều trị như vậy kéo dài tới nửa ngày. Tôi thường an ủi bản thân rằng dần dần tôi sẽ khỏe lên và nếu chịu được cái đau tạm thời này, sau này tôi sẽ không còn đau đớn nữa, và tôi có thể có một cuộc sống hạnh phúc khi khỏi bệnh.
c) Con đường lầy lội trong mưa bão
Cứ hôm nào nghỉ học, tôi thường theo các chị trong thôn, những người lớn hơn tôi năm, sáu tuổi, tới một nơi cách nhà 10 dặm nhặt cỏ để kiếm tiền chữa bệnh.
Vì tới tối chúng tôi mới về đến nhà nên chúng tôi không thể ăn trưa. Mẹ tôi luôn cố gắng hết sức để chuẩn bị cho tôi một ít đồ ăn ngon, như một chút đậu phộng, một quả trứng luộc, hoặc một cái kẹo. Tôi luôn chia đồ ăn của mình cho các chị trong thôn để lần sau họ lại dẫn tôi đi cùng.
Một hôm, tôi nhặt được khoảng 20 cân cỏ. Lúc đó tôi chỉ mới 12 tuổi và bao cỏ đó đối với tôi quá nặng, đến mức tôi không thể giữ thẳng lưng được. Trời tối dần và chúng tôi còn cách nhà nhiều dặm. Tôi phải cố hết sức để theo kịp các chị trong thôn. Bỗng nhiên, trời đổ mưa và con đường trở nên vừa lầy lội vừa trơn trượt. Giày của tôi làm bằng vải nên rất khó đi trong mưa và bùn. Để khỏi bị ngã, tôi phải cởi giày ra. Nước mắt tôi lăn dài trên má nhưng tôi không dám cho các chị biết mà chỉ cố gắng bước đi tiếp. Gương mặt tôi ướt đẫm nước mưa hòa lẫn với những giọt mồ hôi và nước mắt. Trên đường về nhà, chúng tôi phải trèo xuống ngọn núi Long Trọng Đà. Chúng tôi băng qua một khe đường rất hẹp nằm bên một vách đá có những thác nước chảy xiết. Lúc đó, trời đã tối đen như mực. Chúng tôi không thể trông thấy gì. Chúng tôi chỉ có thể nghe được âm thanh của những thác nước. Khe đường đó được trải bởi những hòn đá. Có một hòn đá rất nhỏ được đặt một cách tạm bợ và không có vẻ gì là chắc chắn cả. Khi bạn đặt chân lên nó, bạn có thể cảm nhận hòn đá đó đang trượt dưới chân bạn. Bởi vì nhiều người dẫm lên hòn đá đó, một lớp bùn mỏng màu vàng đã bám lên bề mặt của nó. Vì trời mưa nên lớp bùn đó làm cho hòn đá trở nên rất trơn. Nếu bị ngã, tôi có thể bị va vào vách đá và trôi theo dòng nước đang chảy xiết bên dưới. Tôi rất sợ nhưng vẫn cố vượt qua. Chúng tôi đi tiếp, đi tiếp. Cuối cùng, chúng tôi đã nhìn thấy ánh đèn trong thôn. Lúc đó, tôi quá mệt và không thể cất bước thêm nữa. Tôi nói với các chị trong thôn rằng tôi sẽ đợi ở đây, và nhờ họ báo với cha mẹ tôi tới đưa tôi về. Cuối cùng, lúc cha tôi tới nơi, sự đau đớn đã bật ra khỏi tim tôi như một cơn lũ. Tôi lao vào vòng tay cha và khóc mãi không thôi. Tôi cảm thấy thật bi phẫn về việc điều trị của mình. Nếu không vì nó, sao tôi phải chịu đựng nhiều như thế này?
_________________________________
1Nhân dân tệ: Đơn vị tiền tệ Trung Quốc. Thu nhập trung bình của người dân Trung Quốc là 500 Nhân dân tệ/tháng.
(*) Tật phong kình thảo: Thành ngữ “Tật phong tri kình thảo” nghĩa là gió mạnh mới hay cỏ cứng; trong khó khăn gian khổ mới nhận ra phẩm chất từng người; lửa thử vàng, gian nan thử sức.
(Còn tiếp…)
Dịch từ:
http://search.minghui.org/mh/articles/2004/7/16/79558.html
http://pureinsight.org/node/2496
Ngày đăng: 08-09-2012
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.