Câu chuyện của một người mẹ Canada và con gái là diễn viên thực tập ở Shen Yun



[ChanhKien.org]

Chiều ngày 21 tháng 3 năm 2024, buổi biểu diễn thứ hai trong chuyến lưu diễn của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun tại Nhà hát Queen Elizabeth ở Vancouver, Canada đã kín chỗ. (Ảnh: The Epoch Times)

Một bài báo mới đây của The New York Times đã đưa Shen Yun trở thành tâm điểm chú ý trên toàn nước Mỹ. Vì vậy, một người mẹ ở Canada đã viết một bài báo về vấn đề này, giải thích từ góc độ của các bậc cha mẹ lý do vì sao lại ủng hộ con gái mình thực tập tại Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, và con gái bà đã trưởng thành như thế nào khi lựa chọn đại học và thực tập tại Shen Yun.

Sau đây là bài viết mà người mẹ này đăng trên trang web Minghui.org – “Câu chuyện của tôi và con gái tôi – một diễn viên thực tập Shen Yun”.

Vợ chồng tôi có hai người con gái. Cô con gái út hiện đang theo học tại Đại học Phi Thiên và cũng là một thực tập sinh biểu diễn tại Shen Yun. Nói về việc tại sao khi đó con gái tôi muốn lựa chọn Phi Thiên và tại sao vợ chồng tôi lại đưa con gái đến Phi Thiên, vậy thì phải bắt đầu từ hơn 20 năm trước.

Khởi nguồn

Cô con gái út của tôi từ nhỏ đã rất thông minh. Ngoài việc dễ dàng đạt toàn điểm A trong các môn học, cô bé còn có nhiều cách để đối phó với sự quản giáo của cha mẹ và người lớn. Cô bé rất thiện lương, nhưng lúc nghịch ngợm ương bướng lên, thì cũng khiến cả gia đình phải “đau đầu”. Có một lần, cô bé làm cho chị mình giận quá, chị bé chạy đến phàn nàn với tôi, nhưng lại không có bằng chứng, nên đành phải nói với tôi: “Việc này giống như là, con là cảnh sát, con biết rõ ràng nó đã làm việc xấu, nhưng lại không bắt được nó”.

Đặc biệt là sau khi mẹ tôi sang Canada đoàn tụ với chúng tôi, xung đột giữa bà và cháu đã không ngừng leo thang.

Mẹ tôi ở trong nước [Trung Quốc] là một giáo viên ưu tú. Trong môi trường có tỷ lệ lên lớp đứng đầu cả nước, mẹ tôi đi đến đâu cũng đều được mọi người kính trọng. Bản thân bà cũng là một người rất coi trọng truyền thống. Trong gia đình, anh chị em chúng tôi dưới sự giáo dục của mẹ, thậm chí có bị phạt đòn thì chúng tôi cũng không bao giờ dám trái lời chứ đừng nói đến việc cãi lại.

Nhưng con gái út của tôi lớn lên ở Canada, ở trường cháu được dạy rằng mọi người đều bình đẳng, và cháu cũng rất nhanh mồm nhanh miệng, giống như lời mẹ tôi nói: “Con nói nó một câu, nó đã có sẵn mười câu đợi con”. Quả thực không thể mạnh miệng được? Ngay cả khái niệm “mạnh miệng” này tôi cũng không thể giải thích rõ ràng với cháu.

Tôi nhớ có một lần, khi mẹ tôi đang ăn quả anh đào, hai bà cháu không biết vì chuyện gì lại xảy ra tranh cãi. Mẹ tôi bực bội, cắn mạnh vào hạt quả anh đào và bị sứt một nửa chiếc răng.

Chuyện đại loại như thế nhiều không kể xiết, khiến tôi không biết phải làm sao. Tôi không muốn thấy mẹ mình vì con gái mình mà tức giận, nhưng tôi lại không có cách nào làm cho con gái mình hiểu được ý nghĩa của lòng hiếu thảo trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Băn khoăn khi chọn trường

Trải qua cuộc sống như vậy suốt mấy năm, cuối cùng cũng đến lúc con gái út của tôi phải thi đại học. Tôi may mắn vì mâu thuẫn giữa hai bà cháu cuối cùng cũng có thể tạm thời được giải tỏa một chút.

Vào thời điểm đó, chúng tôi cũng không có nhiều sự lựa chọn. Có khá nhiều trường đại học âm nhạc tốt ở Mỹ quốc, nhưng học phí khoảng 50.000 USD cộng với chi phí sinh hoạt hàng chục nghìn USD một năm, nên gia đình tôi thực sự không thể chi trả. Mặc dù nhiều trường đại học âm nhạc của châu Âu miễn giảm học phí, nhưng nếu không phải là chi phí sinh hoạt rất cao, thì cũng phải học thêm một ngôn ngữ mới.

Và điều khiến tôi lo lắng hơn nữa, đó chính là sau khi con gái tôi rời khỏi nhà, sẽ không còn người thân ở bên cạnh để nhắc nhở, đối mặt với xã hội phức tạp này liệu cháu có thể chống lại sự cám dỗ hay không, có thể phân biệt được đúng sai và có thể bảo trì được trái tim thuần tịnh hay không. Tôi bèn tìm hiểu tình hình qua những người bạn quanh tôi có con đang học đại học. Tuy nhiên, thông tin phản hồi mà tôi nhận được là: sự lo lắng của bạn không phải là không có lý. Một số thậm chí còn đưa ra những trải nghiệm cá nhân của riêng họ, khiến tôi càng lo lắng hơn.

Tính đi tính lại, cuối cùng đã chọn được hai ngôi trường đại học ở Canada và sau đó là Đại học Nghệ thuật Phi Thiên. Đại học Nghệ thuật Phi Thiên tuy là ở Hoa Kỳ nhưng học phí và tiền ăn ở đều miễn phí, còn có thể thực tập tại Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, nơi hàng năm tổ chức các chuyến lưu diễn đến các nhà hát hàng đầu thế giới. Cơ hội như vậy đối với một đứa trẻ học nghệ thuật mà nói là thực sự rất hiếm, chưa kể còn có một số trợ cấp tài chính trong thời gian thực tập. Ngoài ra, tôi có một người bạn có con gái đang theo học tại trường này. Con gái của cô ấy và con gái tôi từ nhỏ đã lớn lên cùng nhau. Cả bạn tôi và con gái của bạn tôi đều đánh giá cao ngôi trường này, nghe những mô tả của họ về ngôi trường khiến tôi cảm thấy rất yên tâm, bản thân con gái tôi cũng thích thú.

Nhưng vì Phi Thiên còn khá mới, giáo viên chuyên ngành của con gái tôi cũng chưa biết về trình độ chuyên nghiệp của trường đại học này, cho nên cô lại ưu tiên một trường đại học khác ở Canada mà con tôi đã lựa chọn, và con gái tôi bắt đầu do dự.

Yên tâm

Vào tháng Ba năm đó, Shen Yun đến biểu diễn tại địa phương chúng tôi đúng vào kỳ nghỉ xuân. Do thiếu nhân lực nên đơn vị tổ chức đã tuyển con gái tôi làm tình nguyện viên và cô bé vui vẻ nhận lời. Tôi có chút ngạc nhiên khi con bé đồng ý một cách vui vẻ như vậy, bởi những công việc đó khá đơn điệu và nhàm chán, mà con bé lại yêu thích sự mới lạ và thử thách. Vì vậy, tôi đã hỏi cháu: “Con thực sự có thể làm được không?” Cô bé nói: “Những việc khác con không thể làm. Còn đây là việc con có thể làm được, và con muốn làm nó”.

Trong mấy ngày đó, ngoài việc ngủ ở nhà, phần lớn thời gian còn lại cô bé đều có mặt ở đó. Khi buổi biểu diễn bắt đầu, cháu sẽ vào xem biểu diễn. Năm đó Shen Yun biểu diễn mười buổi ở Vancouver, thì cháu đã xem tám buổi.

Sau đó, cô bé nói với tôi rằng âm nhạc của Shen Yun khác với âm nhạc thông thường, lúc mới đầu nghe không có cảm nhận nhiều về nó, nhưng càng nghe càng thích, đến nỗi khi làm việc khác âm nhạc ấy vẫn luôn văng vẳng bên tai; nghe nhiều rồi, ngay cả những suy nghĩ xấu ban đầu cũng biến mất, con người trở nên lạc quan và cởi mở, cảm thấy tương lai thật tươi sáng.

Trước đây tôi nghe nói Vua Thuấn đã sáng tác “Đại Thiều” để dập tắt cuộc nổi loạn Tam Miêu, không dựa vào thiên binh vạn mã, mà chỉ dựa vào âm nhạc. Khổng Tử nói, nghe “Thiều” rồi, ba tháng sẽ không nhớ đến mùi vị của thịt. Trước đây đọc những câu chuyện này, cảm thấy thật khó tin, nhưng nghe cô bé nói như vậy, mới biết sức mạnh của âm nhạc là không thể đo lường.

Những ngày tiếp theo, con bé bận rộn quay video biểu diễn (của bản thân) và chuẩn bị các loại giấy tờ ghi danh theo yêu cầu của trường đại học. Sau đó, cháu đậu cả ba trường đại học đã đăng ký và đều nhận được học bổng. Nhưng sau khi cháu đến Phi Thiên để phỏng vấn, cuối cùng vẫn là lựa chọn Phi Thiên. “Em thích Phi Thiên”, cháu nói với các giáo viên chuyên ngành của mình, “ở đó giống như một xứ sở thần tiên vậy”.

Sau khi vào học, cháu thường xuyên gọi điện về cho tôi, kể cho tôi nghe cháu đã kết giao được bạn mới như thế nào. Tất nhiên, sau khi rời gia đình và đối mặt với một môi trường xa lạ cũng như những thử thách lớn. Tôi cảm giác được áp lực mà con bé phải chịu, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy cháu vô cùng yêu quý các giáo viên và bạn học ở Phi Thiên.

Những vấn đề biểu hiện của cháu khi giao tiếp với người khác hoặc trong gia đình, tôi đoán chắc vẫn còn, cho nên thỉnh thoảng nghe thấy con bé kể rằng cháu lại nảy sinh mâu thuẫn với một người bạn nào đó, có điều cuối cùng đều được giải quyết ổn thỏa. Tôi cảm thấy con bé đã bắt đầu học cách tự tìm ra vấn đề của mình thay vì luôn tìm lỗi ở người khác.

Ba tháng sau, tôi cùng mẹ đi thăm họ hàng ở Mỹ, thuận đường ghé thăm con gái nhỏ một lát. Ba tháng không gặp, cháu đã thay đổi từ một cô gái tùy hứng và hay làm nũng thành một cô gái lớn biết lễ nghĩa, biết tiến lùi và việc gì cũng luôn nghĩ cho người khác. Sự thay đổi của cô bé khiến tôi và mẹ tôi hoàn toàn thay đổi cách nhìn, mẹ tôi thậm chí còn cảm động rơi nước mắt. Nói đến sự thay đổi của mình, con bé cũng không cầm được nước mắt. Cháu nói với tôi rằng: Con rất biết ơn mẹ vì lúc ở nhà đã yêu cầu con học nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, còn bắt con học thuộc. Lúc đó con không thể lý giải, nhưng bây giờ con đã hiểu, nếu như lúc đó mẹ không nghiêm khắc yêu cầu con, thì không biết bây giờ con sẽ như thế nào rồi.

Phân tích lý do tại sao lại có sự thay đổi lớn như vậy, cô bé nói, mặc dù trước đây cũng là đang học nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” nhưng gặp phải vấn đề cụ thể, trong lòng vẫn cảm thấy bất bình; những bạn nhỏ xung quanh cũng bất bình như vậy, nên rất ít khi nghĩ đến cảm xúc của người khác. Nhưng ở Phi Thiên, mọi người đều đọc sách của Pháp Luân Công, mọi người đều hiểu các nguyên lý trong sách. Nếu một ngày nào đó bản thân cảm thấy ủy khuất, những người bạn tốt đều sẽ khuyên giải rằng, hãy suy nghĩ nhiều hơn từ góc độ của người khác và phải “Chân, Thiện, Nhẫn”, suy nghĩ như vậy thì sẽ không tức giận nữa. Dần dần, cháu hiểu được việc tu luyện và đề cao tâm tính của bản thân. Việc này đối với một cá nhân là rất quan trọng, mà loại cảm giác đề cao này khiến cô bé cảm thấy mỹ diệu vô cùng.

Lúc này, trái tim của tôi vốn treo lơ lửng vì lo lắng cuối cùng cũng có thể yên tâm “hạ xuống đất”.

Trưởng thành

Những năm tiếp theo, lịch trình của con gái dày đặc, ngoài việc hoàn thành bài vở bình thường ở trường đại học, còn phải đi thực tập và lưu diễn ở bên ngoài trong vài tháng, thời gian eo hẹp, thân thể mệt mỏi. Nhưng đồng thời, con bé cũng mở rộng tầm nhìn, mở rộng tư duy, và đã không còn là đứa trẻ nhỏ như ngày trước nữa.

Thời gian nghỉ phép hàng năm của cháu rất ngắn, nhưng mỗi lần cháu đều đến thăm thầy cô giáo dạy chuyên ngành trước đây của mình. Kỳ thực, bản thân những giáo viên này cũng là những nhạc sĩ có chút danh tiếng. Tôi nhớ có lần, một vị giáo viên nói với con gái tôi rằng ông không ngờ được con đã tiến bộ nhiều như vậy sau khi nghe bản thu âm buổi biểu diễn mới nhất của cháu.

Khi nhắc lại lý do tại sao khi đó lại chọn Phi Thiên, con gái tôi nói rằng cháu thực sự muốn trở thành một nghệ sỹ Shen Yun. Tôi cũng nghe cháu nói điều tương tự với một vị nghệ sỹ violin đã từng dạy cho cháu. Cháu nói: Ở Trung Quốc, có vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến nhà tan cửa nát, thậm chí bị thu hoạch nội tạng sống, gia đình cháu cũng từng bị bức hại ở Trung Quốc. Cháu yêu thích violin, nhưng điều cháu mong muốn hơn nữa là trở thành nghệ sỹ Shen Yun, bởi vì chỉ có Shen Yun là đang nói cho thế nhân biết chân tướng cuộc bức hại Pháp Luân Công. Chỉ khi mọi người trên thế giới đều biết chân tướng, thì mới có thể đẩy lùi mức độ bức hại đối với những học viên Pháp Luân Công cho đến khi chấm dứt bức hại. Đây mới là việc cần thiết mà một nghệ sỹ nên làm.

Lúc này, tôi đã thực sự hiểu được, tại sao con gái lại yêu thích Đại học Phi Thiên đến như vậy, và tại sao năm đó cháu lại rất nhiệt tình làm tình nguyện cho Shen Yun như thế. Hóa ra sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công, bao gồm cả nỗi đau mà gia đình chúng tôi phải trải qua, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong trái tim non nớt của cháu. Có một ý nghĩa sâu xa hơn đằng sau tình yêu dành cho Phi Thiên của con bé, chỉ là vì năm đó cháu còn quá nhỏ, không cách nào bày tỏ cảm xúc thật của mình. Điều cháu có thể bày tỏ chỉ đơn giản là “Tôi muốn làm (tình nguyện viên cho Shen Yun)”.

Nhìn thấy sự tiến bộ về tài nghệ của con gái trong cuộc sống bận rộn này, lại còn có thể sử dụng những gì đã học được để giúp Shen Yun hồng dương “Chân, Thiện, Nhẫn” trên khắp thế giới và nói với thế giới về chân tướng cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, khiến tôi vô cùng vui mừng. Tôi hy vọng sự cần cù chăm chỉ của các cháu sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc bức hại tàn bạo ở Trung Quốc.

Thời gian trôi nhanh, chớp mắt đã đến ngày con gái tốt nghiệp đại học. Cả gia đình chúng tôi đã đến Phi Thiên để dự lễ tốt nghiệp của con. Mặc dù chúng tôi không chuẩn bị được hoa tươi vì đường sá xa xôi và thời gian eo hẹp, nhưng cháu không hề bận tâm và ngược lại còn an ủi chúng tôi.

Chúng tôi có mặt khiến cháu mừng rỡ không thôi. Cháu bận rộn thu xếp, mua cho chúng tôi những món ăn ngon và thỉnh thoảng giới thiệu bạn bè với chúng tôi. Có lần, cháu dẫn đến một cô gái, tự hào giới thiệu với chúng tôi: “Đây là em gái con”. Thấy cô gái đó có chút ngượng ngùng, tôi không chút chậm trễ, lập tức đáp: “Tuyệt quá, con hãy đến làm con gái thứ ba của gia đình chúng ta nhé”. Câu nói vui khiến mọi người đều cười lớn. Trong tiếng cười vui vẻ ấy, tôi hiểu rằng con gái tôi muốn cho chúng tôi biết tất cả về cuộc sống và niềm vui của con ở ngôi trường này.

(Theo The Epoch Times)

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/292198



Ngày đăng: 14-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.