[ChanhKien.org]
Những câu chuyện về nạn bức hại và tinh thần kiên cường đằng sau một công ty biểu diễn nghệ thuật đã khiến cả thế giới xúc động.
NEW YORK — Thời gian cứ quay trở về cảnh một đĩa bánh củ cải còn đang ăn dở mỗi khi Nhiêu Đức Như (饒德如/Ellie Rao) nhớ đến bố mình, một người đàn ông đeo kính cận, có khuôn mặt thuôn dài đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt đi khi cô mới 4 tuổi.
Họ đang ngồi cùng nhau thưởng thức món ăn miền Nam Trung Hoa được mọi người yêu thích mà bà của Nhiêu đã ưu ái chiên nó vàng giòn, thì một tiếng gõ cửa chát chúa vang lên làm họ đánh rơi cả đũa.
Hai người đàn ông đòi xông vào nhà. Họ nói họ đến từ công ty nước và tới “kiểm tra đồng hồ nước”.
Cụm từ này thực chất là mật hiệu dành cho cảnh sát, vì những người đàn ông kia thực chất là cảnh sát. Bốn hoặc năm người nữa nhanh chóng ập đến. Họ lôi bố cô đi. Từ cửa sổ căn hộ, cô bé không thể làm gì khác ngoài việc trông theo dáng người cao gầy của bố mình biến mất vào trong chiếc xe hơi trắng, và rồi, biến mất khỏi cuộc đời cô.
Bố cô không bao giờ quay trở lại.
Hai tuần sau, người đàn ông 34 tuổi ấy đã phải vào bệnh viện vì khó thở. Anh không thể nói, nhưng nước mắt chảy dài trên mặt. Vợ anh phát hiện, trên đầu, quanh tai và cổ, trên tay và chân anh có nhiều vết bầm tím và sưng tấy.
Chưa đầy bảy tuần sau khi bị cảnh sát bắt đi, anh qua đời.
Đối với cô bé Nhiêu Đức Như, sợ hãi là một phần tất nhiên trong cuộc sống dưới thời chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Và cô bé không phải là người duy nhất cảm thấy vậy.
(Ảnh trên) Nghệ sĩ múa Shen Yun - Nhiêu Đức Như (Ellie Rao) cầm ảnh bố mẹ cô tại Middletown, New York, vào ngày 03/12/2024. Bố cô, Nhiêu Trác Viên, đã bị bắt tại Trung Quốc khi cô mới bốn tuổi vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Ông đã qua đời trong một cuộc bức hại vài tuần sau đó. (Ảnh dưới) Một bức ảnh của Nhiêu Đức Như và bố cô Nhiêu Trác Viên khi cô còn nhỏ. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Ngày nay, tại công ty biểu diễn nghệ thuật Shen Yun Performing Arts nằm ở phía Bắc New York với tôn chỉ tái hiện “Trung Quốc trước thời chủ nghĩa cộng sản”, tìm gặp một người chưa từng trải qua hay không biết một ai khác đã từng trải qua những nỗi đau như vậy quả thật rất khó.
Sau tất cả, chính những thương tổn cùng phải chịu này đã mang các nghệ sĩ Shen Yun tới gần nhau hơn. Mỗi chương trình mới được trình diễn trên các sân khấu thế giới hằng năm luôn hiện hữu một chủ đề: tập trung vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công thời hiện đại, một môn tín ngưỡng tâm linh mà Nhiêu Đức Như và các nghệ sĩ Shen Yun khác tin theo.
Pháp Luân Công dạy các nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn. Môn công pháp này rất dễ học chỉ với năm bài tập thiền định và một cuốn sách chính “Chuyển Pháp Luân”, và đã hồng truyền nhanh chóng ở Trung Quốc trong những năm 1990, thu hút khoảng 70 đến 100 triệu học viên. Sau đó, đến năm 1999, các nhà lãnh đạo cộng sản coi sự phổ biến của môn tu tập này là mối đe dọa và phát động một chiến dịch đàn áp. Từ đó bắt đầu diễn ra các vụ bắt giữ quy mô lớn, giam giữ dài hạn, rồi cả nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng cùng nhiều hành vi lạm dụng khác, chúng đều nhắm đến những gia đình bình thường như gia đình của Nhiêu Đức Như.
Nhiêu Đức Như (Ellie Rao) đang cầm một tác phẩm nghệ thuật là một bức ảnh mô tả cuộc đàn áp Pháp Luân Công. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Nhiêu Đức Như là một trong bốn vũ công chính của Shen Yun, những người gần đây đã cùng nhau chia sẻ về nỗi đau mà họ phải chịu đựng khi còn nhỏ dưới sự đàn áp quy mô lớn đó. Họ chứng kiến sự khủng bố của chế độ - những thứ từng vây hãm lấy họ và để lại những vết sẹo mà phải mất rất nhiều năm mới lành lại được. Bây giờ, sau khi tìm được một nền tảng ở New York, họ coi sứ mệnh của bản thân là không để những cảnh tượng tương tự như vậy được phép lặp lại.
Nghệ sĩ múa Shen Yun - Nhiêu Đức Như (Ellie Rao) tại Middletown, New York, vào ngày 03/12/2024. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Những ký ức đau thương
Sau khi chiến dịch đàn áp lên đến đỉnh điểm, một ngày đi học về nhà, cậu bé Triệu Kỷ Hanh (趙紀亨/Zhao Jiheng) tám tuổi thấy phòng ốc trống trải hơn bình thường.
“Mẹ đâu rồi ạ?”, cậu hỏi bố mình. Mặt ông trông có vẻ nghiêm trọng nhưng ông không trả lời. Vài ngày sau, bố của Triệu Kỷ Hanh cũng mất tích.
Sau một năm trong tù, mẹ cậu trở về tựa như một cái xác không hồn, không nói không rằng, khuôn mặt hốc hác và mệt mỏi. Bà không còn bận rộn trong bếp làm những món ăn ngon cho bé Triệu Kỷ Hanh nữa. Thay vào đó, bà ngồi trên giường rất lâu, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ đứa con trai đang lo lắng. Những tấm ảnh thời điểm đó cho thấy răng của bà đã bị đen, nhiều răng cửa bị gãy chỉ còn lại một nửa.
Những ngày tháng vô tư của Triệu Kỷ Hanh đã kết thúc.
Cảnh sát mặc thường phục hầu như ngày nào cũng lảng vảng quanh tiệm làm đẹp của mẹ cậu. Họ đưa bà đi trong những dịp kỷ niệm chính trị nhạy cảm và thường đột nhập vào nhà mà không giải thích gì nhiều. Bố cậu đã vắng nhà nhiều năm để chạy trốn cảnh sát vì ông từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Các bạn cùng lớp của Triệu Kỷ Hanh thường đánh và đẩy ngã cậu, các giáo viên thì chế giễu cậu trước mặt mọi người, tất cả nhằm thực hiện chiến dịch “mưa dầm thấm lâu” vốn có của nhà nước. Sau đó, nhiều lần tan học về nhà, Triệu Kỷ Hanh thấy mẹ và nhiều đồ đạc có giá trị trong nhà đều biến mất, tất cả đều bị cảnh sát mang đi.
Cuộc đàn áp đã reo rắc sự sợ hãi vượt xa khỏi biên giới Trung Quốc.
(Ảnh bên trái) Ảnh chụp lúc còn nhỏ của Triệu Kỷ Hanh và cha mẹ. Khi ở Trung Quốc, gia đình họ liên tục bị bắt giữ và quấy rối vì đức tin vào Pháp Luân Công, cuối cùng buộc họ phải rời khỏi đất nước. (Ảnh bên phải) Một bức ảnh chụp lúc nhỏ của Triệu Kỷ Hanh và mẹ khi còn ở Trung Quốc. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Nhiều năm qua, hình ảnh về cảnh sát Trung Quốc trong những cơn ác mộng liên tục ám ảnh Trần Pháp Độ, người sinh ra ở Sydney, chúng dai dẳng đến tận khi cô tỉnh dậy và bật khóc nức nở. Ở một trong số những giấc mơ đó, cô thấy mình co ro trong góc, hai tay ôm chặt đầu gối, trong khi cảnh sát đứng trên cao, hai tay cầm dùi cui. Các lần khác, cô chạy không kịp thở để thoát thân, nhưng chỉ thấy những người truy đuổi mình càng lúc càng gần.
Trên thực tế, đó chính là cách họ đối xử với cha cô, người đã qua đời vào năm 2001 ngay sau sinh nhật đầu tiên của Trần. Đầu năm đó, khi ông đến Bắc Kinh để bảo vệ đức tin của mình, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ và tra tấn ông bằng dùi cui điện. Sau khi ông về nhà ở miền Nam Trung Quốc, cảnh sát lại xuất hiện và lôi người đàn ông, khi ấy vẫn còn thương tích đầy mình ra khỏi giường trước mặt bé gái đang òa khóc.
(Ảnh trên) Một bức ảnh lúc nhỏ của Trần Pháp Độ cùng cha mẹ cô, cha là Trần Trường Dũng (trái) và mẹ là Đới Chí Trân khi còn ở Trung Quốc. Cha cô, Trần Trường Dũng, là một học viên Pháp Luân Công bị bắt vì đức tin của ông và sau đó đã qua đời do sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc. (Ảnh dưới) Ảnh chụp Trần Pháp Độ cùng mẹ là Đới Chí Trân. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Đối với cậu bé người Nhật Kenji Kobayashi, sức ép của cuộc đàn áp ập đến vào đúng sinh nhật lần thứ bảy của cậu.
Hàng trăm dặm bên kia đại dương, một chiếc xe cảnh sát màu trắng ngày hôm đó đã đưa bà của cậu, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Thẩm Dương phía Đông Bắc Trung Quốc, đến một viện tâm thần địa phương để buộc bà từ bỏ đức tin của mình. Việc sử dụng các cơ sở tâm thần làm căn cứ tra tấn đã trở thành hoạt động phổ biến ở Trung Quốc kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu.
Khi tin tức này truyền đến Tokyo, Kobayashi và em trai đã ôm nhau khóc.
Nhân viên cai ngục đã nhốt người phụ nữ, lúc ấy đã gần 60 tuổi, vào một phòng giam có đèn chiếu sáng 24 giờ để cấm bà ngủ. Họ đi theo bà tới mọi nơi, kể cả vào phòng tắm. Ban ngày, họ bắt bà ngồi trên một chiếc ghế đẩu thấp và xem những video tuyên truyền. Ngay cả biểu cảm cũng cần phải xem xét. Chỉ cần trông lơ đãng một chút là bà sẽ bị quát nạt.
Những sự tra tấn trong tháng đó đã làm sức khỏe bà suy yếu. Khi bà chạy thoát sang Nhật Bản vào tháng 10 cùng năm, Kobayashi đã đợi bà ở sân bay và vô cùng lo lắng khi trông thấy mái tóc bà giờ bạc trắng và dáng người còng hẳn xuống.
“Ít nhất thì bà tôi cũng đã sống sót”, anh nói với The Epoch Times. “Xét cho cùng, chúng tôi vẫn là những người may mắn”.
Nghệ sĩ múa Shen Yun - Kenji Kobayashi tại Middletown, New York, vào ngày 03/12/2024. Bà của Kobayashi, tên Trương Mẫn Kiệt, đã bị giam giữ và tra tấn tại một viện tâm thần ở Trung Quốc vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
“Giữ vững niềm tin”
Bấy giờ, vì bà của Kobayashi đã sang Nhật Bản nên anh phải giúp bà ở lại đó.
Mỗi ngày sau giờ học, cậu học sinh lớp 2 lập tức bỏ ba lô xuống, cầm lấy một tấm bảng kẹp và đạp xe đến ga tàu cách đó 15 phút.
Cậu và bà dựng một tấm bảng có hình ảnh của bà.
“Làm ơn, xin hãy giúp cháu”, cậu khẩn cầu từng người qua đường. Nếu bất kỳ ai chú ý, cậu đều cho họ xem bảng kẹp hồ sơ của mình, kèm theo là một bản kiến nghị xin phép bà của cậu được ở lại Nhật Bản. Bất cứ khi nào có nhiều thời gian hơn, cậu và bà lại đi tàu quanh 23 quận của thành phố để kêu gọi sự ủng hộ từ các nhà lập pháp.
Chữ ký, chữ ký và chữ ký. Kobayashi không nghĩ tới điều gì khác nữa. Trong vòng một tháng, cậu đã thuyết phục được hơn 2.400 người ký tên. Bà cậu được cấp quyền tị nạn vài tháng sau đó.
Trong cùng thời gian đó, cô Trần Pháp Độ (陳法度/Chen Fadu) cùng mẹ đã đi khắp thế giới nhằm nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp đã cướp đi sinh mạng của bố cô. Hình ảnh của cô được đăng tải trên báo chí khắp thế giới, nhờ đó mà cô trở thành ví dụ điển hình về cái giá phải trả cho tình trạng vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc.
Cô xuất hiện trong các cuộc biểu tình ôn hòa trên phố, các cuộc diễu hành, họp báo và với sự giúp đỡ của những người bạn đồng cảm, cô đã bắt đầu dự án "Cánh hoa hòa bình" (Petals of Peace), dạy trẻ em và những người khác cách gấp hoa sen giấy - biểu tượng của sự thuần khiết và kiên cường trong văn hóa Trung Quốc - để truyền bá thông điệp về hy vọng và sự phản kháng.
Trần Pháp Độ ở Middletown, New York, vào ngày 08/12/2024. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Người mẹ và con gái đã đi đến 45 quốc gia trong năm năm, một hành trình đã mang về cho họ Giải thưởng Turtle từ tổ chức Altruism Australia năm 2006. Họ là người gốc Hoa đầu tiên được vinh danh.
(Ảnh trái và trên cùng bên phải) Đới Chí Trân đang bế con gái Trần Pháp Độ. Trần Trường Dũng, chồng cô là một học viên Pháp Luân Công, đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp. (Ảnh dưới cùng bên phải) Trần Pháp Độ (phải) tham gia một sự kiện mà vận động viên đạt huy chương vàng Olympic Martins Rubenis, trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Latvia, bày tỏ thái độ phản đối của mình với việc nhà nước Trung Quốc đăng cai Thế vận hội 2008. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times, Minh Huệ và Jan Becker)
Ở Trung Quốc, Triệu Kỷ Hanh, khi ấy đã là học sinh trung học, nhớ lại một nhóm cảnh sát đã ép cậu thuyết phục mẹ cậu đang ở trong tù, từ bỏ Pháp Luân Công.
"Nếu muốn mẹ ra tù sớm thì hãy khóc lóc và cầu xin bà ấy", Triệu Kỷ Hanh nhớ lại lời họ nói ngay trước chuyến đi thăm tù.
Triệu Kỷ Hanh vẫn im lặng. Nhưng khi gặp mẹ, cậu không ngần ngại nói: “Mẹ ơi, hãy giữ vững những gì mẹ tin tưởng. Con ủng hộ mẹ”.
Cảnh sát đã dừng chuyến thăm ngay sau đó.
Triệu Kỷ Hanh cho biết anh không hối hận và sẽ làm điều tương tự một lần nữa.
Anh nói với The Epoch Times rằng: "Nếu bạn biết điều gì đó là tốt nhưng lại nói nó xấu, thì việc đó trái với lương tâm của tôi".
Nghệ sĩ múa Shen Yun - Triệu Kỷ Hanh tại Deerpark, New York, vào ngày 08/12/2024. Khi ở Trung Quốc, gia đình anh liên tục bị bắt giữ và quấy rối vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, buộc họ cuối cùng phải rời khỏi đất nước. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Sau chiến dịch thỉnh nguyện, chàng thanh niên Kobayashi vẫn tiếp tục nghĩ cách phản đối cuộc đàn áp ở Trung Quốc. Là một người hâm mộ bóng chày, anh thường theo dõi các nhà vô địch sôi nổi tham gia vào các cuộc phỏng vấn và mơ ước trở thành một trong số họ. Nếu anh có người hâm mộ, nếu được lên truyền hình, anh có thể kể cho cả thế giới về những gì đã xảy ra với bà anh và những gia đình khác, và tất cả họ đều sẽ lắng nghe.
Tuy nhiên, một đêm xem biểu diễn Shen Yun đã hướng anh tới một nền tảng khác. Năm 12 tuổi, anh bay đến phía Bắc New York để theo học tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, nơi đào tạo nhiều nghệ sĩ Shen Yun.
Vào thời điểm đó, cô Nhiêu Đức Như và anh Triệu Kỷ Hanh đều đã tới Mỹ tị nạn. Trong vòng vài năm, cả bốn người đều ở cùng một điểm trường và theo học một loại hình nghệ thuật có từ hàng nghìn năm trước để diễn giải quá khứ và kết nối với cội nguồn văn hóa của họ.
Đối với một người nhút nhát như cô Nhiêu Đức Như, múa chính là sự giải phóng. Nó giải phóng cơ thể cô để cô có thể thể hiện và được thấu hiểu, đây là minh chứng cho thấy "hành động có sức thuyết phục hơn lời nói".
Shen Yun đã mang lên sân khấu những câu chuyện tương tự như câu chuyện của cô, những điều vừa quý giá vừa tràn đầy cảm xúc với cô. Cô nhớ có lần mình đã vào vai một nàng tiên và an ủi một cô gái khác đang phải đối mặt với nỗi mất mát khi những người thân yêu bị tước đi sinh mệnh vì đức tin của họ. Cô nắm lấy tay cô gái do bạn cô thủ vai và cảm thấy một giọt nước mắt rơi xuống tay cô. Cô kể rằng lúc đó cô cảm thấy như họ đã trở thành một.
Vũ công Shen Yun - Kenji Kobayashi (trái) và Nhiêu Đức Như (phải) tham gia Cuộc thi múa cổ điển Trung Hoa quốc tế của đài Tân Đường Nhân vào năm 2016 và 2021. (Ảnh: Larry Dye/The Epoch Times)
“Giấc mơ vĩ đại nhất”
Mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Shen Yun, mặc dù có trụ sở tại Mỹ, vẫn liên tục phải đối mặt với sự quấy rối từ các đặc vụ Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc ở nhiều quốc gia đã cố gắng tống tiền các nhà hát để họ hủy bỏ các buổi biểu diễn và nhiều lần yêu cầu các chức sắc địa phương không đến xem chương trình. Trong báo cáo vào tháng 1, Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã thống kê được 135 vụ việc do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn, bao gồm 36 vụ ở Mỹ, nhằm mục đích ngăn cản Shen Yun.
Chiến dịch đang ngày càng được đẩy mạnh. Theo hai nguồn tin cung cấp cho trung tâm, bộ Công an, cơ quan kiểm soát gần 2 triệu cảnh sát của Trung Quốc, vào tháng 6 năm 2024 đã ra lệnh cho các quan chức cấp tỉnh "hoàn toàn ủng hộ" những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tích cực khuếch trương chiến dịch tuyên truyền của chế độ chống lại Shen Yun và Pháp Luân Công.
Những người tố giác còn đặc biệt xác nhận danh tính một cá nhân bị ĐCSTQ lợi dụng để phát tán các thông tin “độc hại” chống lại Pháp Luân Công.
Người đàn ông này, cũng là người điều hành một kênh YouTube, đã gọi những người quản lý Shen Yun là "kẻ thù" của mình và cố gắng tống họ vào tù. Ông ta khoe khoang về việc nộp đơn khiếu nại Shen Yun lên chính quyền tiểu bang New York với hy vọng sẽ khơi mào các hành động pháp lý. Ông ta cũng khuyến khích nhiều người khác làm như vậy.
Ông này dường như cũng giữ vai trò chủ chốt trong loạt bài viết chỉ trích Shen Yun gần đây do tờ The New York Times đăng tải.
“Tôi là người giới thiệu nhân chứng (cựu nghệ sĩ Shen Yun) với tờ The New York Times, đặc biệt là dành cho các cuộc phỏng vấn thời đầu. Họ đã tìm thấy thêm nhiều người khác thông qua vị đó”, ông ta viết trên nền tảng truyền thông xã hội X.
FBI đã xếp người đàn ông này vào diện "có khả năng mang vũ khí và gây nguy hiểm" sau khi ông ta bị phát hiện gần khuôn viên trường Shen Yun ở phía Bắc New York vào năm ngoái. Sau đó, ông ta đã bị bắt và phải đối mặt với cáo buộc tàng trữ vũ khí trái phép.
Chính quyền Mỹ cũng đã truy tố một số điệp viên Trung Quốc nhắm vào Shen Yun. Vào năm 2023, hai người đàn ông đã lên kế hoạch trong nhiều tháng để hối lộ Sở Thuế vụ Hoa Kỳ nhằm tước bỏ tư cách phi lợi nhuận của Shen Yun. Họ đưa ra mức chi thưởng lên tới 50.000 đô la và số tiền này sẽ được Bắc Kinh chi trả. Cả hai đều nhận tội vào tháng 7 và bị kết án lần lượt 16 và 20 tháng tù.
Các vũ công Shen Yun biểu diễn trên sân khấu trong một chương trình nghệ thuật. (Ảnh: Shen Yun Performing Arts)
Những nghệ sĩ đôi khi có chung cảm giác rằng họ đang ở trên chiến trường để giành lại từng chút quá khứ khỏi sự kìm kẹp của ĐCSTQ.
Trong một tiết mục múa, Triệu Kỷ Hanh vào vai một cảnh sát Trung Quốc và diễn lại một cảnh tượng ghê rợn: thu hoạch nội tạng từ học viên Pháp Luân Công.
Ngay giữa chương trình, một khán giả không tin vào mắt mình đã phải thốt lên rằng điều này không thể là sự thật.
Triệu Kỷ Hanh cảm thấy bị tổn thương, nhưng anh cũng có thể thông cảm. Khi đang sống ở thế giới tự do thì làm sao người ta có thể dễ dàng tin rằng những hành động đẫm máu như vậy vẫn tồn tại ở thế kỷ 21?
“Dù vị khán giả ấy suy nghĩ thế nào đi nữa thì cũng sẽ không thể hiểu nổi ĐCSTQ có thể tàn ác đến mức ấy”, Triệu Kỷ Hanh phát biểu.
Ngày nay, bối cảnh đã khác, ít nhất là ở Mỹ.
Quốc hội Mỹ và các quan chức nhà nước đã tìm cách sử dụng luật pháp để chống lại nạn mổ cướp nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ. Bốn tiểu bang đã thông qua luật cấm bảo hiểm y tế chi trả cho các ca phẫu thuật cấy ghép diễn ra tại Trung Quốc hoặc lấy nội tạng từ Trung Quốc. Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công, được trình lên cả hai viện, đề xuất mức án lên tới 20 năm tù đối với những thủ phạm liên quan đến hành vi thu hoạch nội tạng cùng các lệnh trừng phạt và các biện pháp khác. Nhiều người đã xem Shen Yun, bao gồm cả các nhà lập pháp, đều cho rằng các câu chuyện của Shen Yun đã giúp nâng cao hiểu biết về mức độ nghiêm trọng của những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.
Không có ánh hào quang của một ngôi sao bóng chày, nhưng chuyến lưu diễn cùng Shen Yun đã đưa Kobayashi đến những nhà hát hàng đầu trên toàn cầu để biểu diễn trước hàng nghìn khán giả.
Trên sân khấu, anh đã nghe thấy những tiếng cười, tiếng vỗ tay, tiếng huýt sáo, chứng kiến những giọt nước mắt và cả những nụ cười. Khi hạ màn, tiếng vỗ tay vang dội của khán giả đã tiếp thêm động lực cho anh.
Kobayashi nói: "Giống như họ thực sự hiểu được điều đó vậy". Anh cho biết thêm, chỉ cần họ biết những gì đang diễn ra, còn việc họ có biết về anh hay không cũng không quan trọng. Anh ấy chỉ cảm thấy vinh dự khi được ở đó - trở thành một phần của sứ mệnh.
Hàng năm, công ty biểu diễn trực tiếp trên toàn cầu cho khoảng một triệu khán giả. Đầu tháng này, tour diễn đã kết thúc với 18 buổi diễn cháy vé tại Trung tâm Lincoln ở Thành phố New York.
Kobayashi chưa đặt chân đến Trung Quốc, ba vũ công còn lại cũng chưa từng trở về Trung Quốc kể từ ngày họ ra đi.
Nhiêu Đức Như hy vọng một ngày nào đó họ có thể quay lại, chỉ để biểu diễn. Một ngày nào đó, trong tương lai gần. Đó sẽ là một tương lai, mà không một ai, ở bất cứ nơi đâu phải lo sợ mất cha chỉ vì cha họ thực hành theo Chân - Thiện - Nhẫn.
“Đó là ước mơ lớn nhất của tôi”, cô nói.
Dịch từ:
Persecuted in China, Young Shen Yun Artists Find New Meaning on the World Stage