(Video phỏng vấn) Chương trình Tế Ngữ Nhân Sinh: Vì sao tôi gia nhập Shen Yun?



[ChanhKien.org]

Lời giới thiệu:

Xin giới thiệu cùng quý độc giả bản dịch video phỏng vấn tiêu đề “Tế ngữ nhân sinh: Vì sao tôi gia nhập Shen Yun?” giữa MC Vũ Hân (宇欣 /Yǔ Xīn/) – Người dẫn chương trình Tế Ngữ Nhân Sinh và hai vị khách mời: Đức Như (德如 /Dé Rú/) – Học sinh trường Phi Thiên và cô Lâm Sai (林倩 /Lín Qiàn/) – Phụ huynh của Đức Như.

Tiểu Đức Như từng có một gia đình hạnh phúc. Gia đình cô tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và rất hạnh phúc. Năm 2002, cha của Đức Như bị bức hại đến chết vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Đức Như theo mẹ bước trên con đường giảng chân tướng. Năm 2013, Đức Như gia nhập Shen Yun, đoàn nghệ thuật đỉnh cao thế giới. Cô bắt đầu giảng chân tướng về Pháp Luân Công theo một cách mới.

Nội dung phỏng vấn:

MC Vũ Hân (người dẫn chương trình): Xin chào các khán thính giả. Rất hân hạnh được gặp lại các bạn. Hôm nay, tôi đã mời tới một cặp mẹ-con khác. Đây là chị Lâm Sai. Tôi tin rằng các bạn cũng phần nào quen thuộc với chị. Vì tôi cảm thấy rằng Lâm Sai, khi tôi phỏng vấn chị hơn 10 năm trước, nhìn chị không thay đổi mấy so với hồi đó. Và đây là con gái của chị, cháu Đức Như. Tôi cảm thấy đây thực sự là cảnh vẫn như xưa, chỉ có người là khác. Cháu có còn là cô bé từng khóc, đòi cha như trước đây không? Cháu gia nhập Shen Yun năm nào thế?

Lâm Sai (mẹ của Đức Như): Năm 2013.

MC Vũ Hân: Năm ấy cô bé bao nhiêu tuổi nhỉ?

Đức Như (nghệ sỹ múa Shen Yun): 14 tuổi ạ.

MC Vũ Hân: 14 tuổi! Hồi cô phỏng vấn cháu bao nhiêu tuổi thế?

Lâm Sai: Cháu 10 tuổi.

Đức Như: Cháu 10 tuổi ạ.

MC Vũ Hân: Hôm nay cô mang cho cháu một quả đào. Cô cứ nghĩ là cháu vẫn còn bé bỏng như hồi đó. Chao ôi. Được rồi Đức Như, kể cho chúng tôi câu chuyện của cháu đi. Ở trường Phi Thiên, hành trình của cháu với Shen Yun như thế nào? Cảm giác khi trở thành một phần của Shen Yun thế nào? Cháu có thể chia sẻ trải nghiệm của mình không?

Đức Như: Lúc đầu, khi gia nhập Shen Yun, cháu vẫn còn nhỏ. Cháu học hỏi từ các chị lớn. Sau vài năm, cháu được nhận vào trường Đại học Phi Thiên. Rồi trong một chớp mắt, cháu tốt nghiệp Đại học Phi Thiên. Một chớp mắt nữa, 11 năm đã trôi qua. Cháu đã tốt nghiệp bằng cử nhân của trường Phi Thiên. Đề tài luận văn của cháu là: “Hiện thân của các giá trị truyền thống trong múa cổ điển Trung Quốc”.

MC Vũ Hân: Cháu hãy kể với mọi người về nó đi. Cô rất muốn nghe thêm. Cô muốn nghe về luận văn của cháu. Khi ở Shen Yun, học múa cổ điển Trung Quốc rồi biểu diễn múa cổ điển Trung Quốc, cháu đã học được những gì?

Đức Như: Vâng, cô sẽ thấy là múa cổ điển Trung Quốc là một loại hình múa vô cùng sâu sắc và phong phú, là một phần của văn hóa truyền thống. Văn hóa Trung Quốc chủ yếu là văn hóa Thần truyền và là nền văn hóa lấy đức làm gốc, cho nên…

MC Vũ Hân: Đức là quan trọng nhất.

Đức Như: Vâng, đúng vậy ạ. Trong văn hóa Trung Quốc bất kể một người có kỹ năng gì, người ấy luôn phải giữ vững đạo đức. Ví như, trong võ thuật có võ đức, và múa cổ điển Trung Quốc cũng có vũ đức ở trong đó. Các thầy của cháu luôn dạy chúng cháu rằng trước khi học múa, bạn nhất định phải học làm một người tốt. Múa cổ điển Trung Quốc, từ nguồn gốc của nó, đến từ hý kịch. Cái gốc của nó nằm ở hý kịch. Nó là thứ Thần truyền để tẩy tịnh nhân tâm và nâng cao đạo đức. Nó đã được truyền thừa qua nhiều thế hệ để nâng cao đạo đức con người. Dù là khía cạnh lịch sử hay kỹ pháp, từ thuở sơ khai, mục đích của nó là để tu tâm. Một cá nhân cần có nhiều phẩm chất đạo đức, chẳng hạn như khả năng chịu khổ, kiên trì, tôn sư trọng Đạo, giữ vững các nguyên tắc đạo đức, và nhiều hơn thế nữa. Vậy nên, sau khi học múa cổ điển Trung Quốc, cháu được hiểu biết thêm về văn hóa Trung Quốc và các giá trị đạo đức ẩn chứa trong đó.

MC Vũ Hân: Tuyệt, tuyệt quá! Có cơ hội được học và biểu diễn múa cổ điển Trung Quốc.

Đức Như: Là vô cùng đặc biệt.

MC Vũ Hân: Đúng như vậy! Cháu cảm thấy mình đã có những thay đổi nào từ trải nghiệm này? Vì cô nghe mẹ cháu nói rằng cháu lớn lên thiếu vắng tình thương của cha, và điều đó khiến cháu trở nên bất an và trầm uất. Còn hôm nay trước mặt cô là một cô gái lạc quan và đầy động lực. Rất khỏe mạnh nữa. Cô có thể thấy sự thuần thiện toát lên từ bên trong. Điều gì đã khiến cháu thay đổi? Giờ cháu có phải là một người lạc quan không? Cô trông cháu rất lạc quan. Cháu cảm thấy điều gì khác ở bản thân của hiện tại so với quá khứ?

Đức Như: Với 10 năm đi múa và theo học ở trường Đại học Phi Thiên, chúng cháu đặt trọng tâm vào văn hóa truyền thống, cùng với ảnh hưởng của các môn học văn hóa về truyền thống. Cháu có thể nói rằng, cháu đã trở nên thân thiện, từ bi hơn, và có thể thấu hiểu người khác.

MC Vũ Hân: Chị Lâm Sai, chị có thể chia sẻ suy nghĩ của mình không? Chứng kiến quá trình trưởng thành của con gái mình hôm nay, chị có điều gì muốn nói không? Chị có ủng hộ con gái mình không? Hay…

Lâm Sai: Tôi hoàn toàn ủng hộ con gái mình. Hồi cháu mới gia nhập Shen Yun, ngoại hình của cháu không được bắt mắt lắm. Giờ nhìn mà xem, toàn bộ phong thái của cháu đã thay đổi. Duyên dáng và đoan trang.

MC Vũ Hân: Đức Như, hồi bé cháu có thích múa không?

Đức Như: Thực ra, hồi còn nhỏ cháu không thích múa chút nào ạ. Mẹ cháu từng đăng ký cho cháu vào một… Hồi còn ở Trung Quốc, lúc cháu bốn tuổi, mẹ có đăng ký cho cháu học ba lê. Cháu đã từ bỏ sau chỉ một ngày, khóc và nói rằng cháu không muốn học. Nhưng rồi…

MC Vũ Hân: Thế rồi sao cuối cùng cháu lại gia nhập Shen Yun?

Đức Như: Bởi cháu có một khao khát mãnh liệt là nói với mọi người chân tướng. Cho nên, cháu gia nhập Shen Yun không phải vì muốn múa, mà là để nói với mọi người rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt và để vạch trần cuộc bức hại. Khi cháu bốn tuổi, cha cháu đã nói với chính quyền rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt, Chân-Thiện-Nhẫn là tốt. Cha cháu đã bị bức hại đến chết… Cha cháu đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại. Điều này đã phủ một bóng đen trong tâm hồn cháu từ khi còn nhỏ. Cháu từng cảm thấy vô cùng… Cháu từng rất tự ti về bản thân. Cháu từng thường tự hỏi tại sao điều này lại xảy đến với mình. Vì cháu cũng tu luyện, cháu biết rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Cháu muốn nói với mọi người rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt, Chân Thiện Nhẫn là tốt. Sau khi đến Mỹ, ban đầu cháu học ở một trường công. Ở đó, cháu gặp một bạn trai. Cháu học lớp bốn và bọn cháu ngồi cùng bàn. Bọn cháu chơi với nhau rất vui. Sau đó cháu chia sẻ chân tướng với bạn ấy. Tuy nhiên, bố mẹ bạn ấy hình như là quan chức cấp cao ở Trung Quốc. Sau khi nghe cháu nói chân tướng, bạn ấy khuyên cháu không nên tập Pháp Luân Công. Bạn ấy bảo cháu rằng cha cháu ắt là đã tự sát. Đó chắc chắn là tự sát. Lúc đó cháu cảm thấy rất buồn, vì một học sinh lớp bốn cũng bị đầu độc nặng đến vậy. Chuyện đó đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong cháu. Mặc dù cháu đã ở Mỹ quốc, nhiều người vẫn còn bị đầu độc như vậy. Bởi vì Pháp Luân Đại Pháp là tốt, và….

MC Vũ Hân: Cháu có giảng chân tướng cho cậu bé ấy không?

Đức Như: Bạn ấy rất quả quyết và áp đặt. Bạn ấy nói cháu không nên tu luyện. Bạn ấy nói với mọi người ở trường, ôi nó tập Pháp Luân Công, tránh xa nó ra.

MC Vũ Hân: Ôi trời, ở Mỹ.

Đức Như: Vâng, ở Mỹ đấy ạ. Điều này đã khiến cháu nảy sinh một mong ước, tìm ra cách phù hợp với bản thân để nói với mọi người rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Từ khoảnh khắc đó, cháu quyết định cháu phải nói với mọi người chân tướng. Mặc dù hồi nhỏ cháu không thích múa, cháu có thể truyền tải chân tướng qua nghệ thuật.

MC Vũ Hân: Hồi bốn tuổi, cháu trốn khỏi Trung Quốc cùng mẹ sang Thái Lan. Hồi đó cháu là cô bé bốn tuổi đúng không?

Lâm Sai: Vâng, hồi đó cháu bốn tuổi. Năm đó, cha cháu bị bức hại đến chết. Đó là năm cháu tám tuổi. Khi cháu bảy tuổi, tôi trốn sang Thái Lan. Khi cháu tám tuổi thì người nhà đưa cháu từ Trung Quốc sang.

MC Vũ Hân: Nền văn hóa lâu đời của quê hương xa xôi có lẽ chỉ là một khái niệm mơ hồ với cháu thôi nhỉ.

Đức Như: Vâng! Vâng ạ! Thú vị là, khi cháu còn ở Trung Quốc, cháu không có hiểu biết sâu sắc về văn hóa Trung Quốc. Chỉ sau khi đến Mỹ và theo học tại Đại học Phi Thiên, cháu mới thực sự hiểu văn hóa Trung Quốc và múa cổ điển.

MC Vũ Hân: Vậy là ở Shen Yun, cháu biểu diễn múa cổ điển Trung Quốc đúng không? Cháu học được gì từ việc biểu diễn múa cổ điển Trung Quốc?

Đức Như: Trước tiên, cháu thấy mình học được cách biết ơn. Biết ơn những người xung quanh và cả mẹ cháu, người đã làm việc vất vả để nuôi dạy cháu những năm qua. Nếu không có Shen Yun, cháu nghĩ rằng trong xã hội này, rất nhiều khi, thế hệ trẻ thường không biết quý trọng nhiều thứ. Chúng cháu nghĩ là rất nhiều thứ thì… Chúng cháu được sống trong một môi trường hạnh phúc, nhưng chúng cháu không biết rằng rất nhiều người chúng cháu không có lòng biết ơn. Các thế hệ đi trước đã làm rất nhiều thứ cho chúng cháu. Sau khi đến Shen Yun, cháu nhận ra rằng có rất nhiều thứ được tạo ra nhờ công sức của mọi người. Cháu cần phải học cách trân trọng.

MC Vũ Hân: Thật không hề dễ dàng gì với mẹ cháu khi nuôi nấng cháu đúng không? Thật là một gia đình đặc biệt.

Đức Như: Mẹ cháu vừa phải là người mẹ, vừa phải là người cha.

MC Vũ Hân: Đúng vậy, bạn có thể thấy rằng đứa con này thật thấu hiểu và biết ơn. Từ thuở thơ ấu, cha của cháu đã bị bức hại đến chết vì đức tin của mình. Vậy, chị Lâm Sai lúc ấy…

Đức Như: Vâng, mẹ cháu rất mạnh mẽ. Lúc đầu, khi cháu đến Shen Yun, cháu cảm thấy… Thật quá khó. Múa thật quá là khó. Nhưng mẹ cháu bảo rằng cháu phải kiên trì. Cháu nói, được rồi, con sẽ cố gắng. Thế là cháu tiếp tục cố gắng, và đã kiên trì đến tận ngày nay.

MC Vũ Hân: Mẹ cháu động viên cháu phải kiên trì. Cuối cùng thì, cháu đã vượt qua. Chúng ta có cơ hội xem Đức Như biểu diễn tại Shen Yun. Nhưng vì có vài đoàn biểu diễn, nên nhiều khi thật khó để biết đâu là Đức Như. Lần tới nhớ nói mẹ bảo cô với nhé. Nói đến đây, thực sự mẹ cháu đã rất vất vả. Mỗi lần nhắc lại câu chuyện này, tôi đều không muốn nhắc đến nó. Nhưng trong chương trình này, chúng ta vẫn phải nói về nó, phải không, chị Lâm Sai? Đã nhiều năm rồi, nhưng mỗi khi quá khứ được nhắc đến, chị vẫn không thể kìm được nỗi buồn. Tôi thực sự xin lỗi. Chúng tôi buộc phải nhắc lại những trải nghiệm đau buồn từ cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Lâm Sai: Thực ra, trước đây sức khỏe tôi yếu lắm. Sau khi tu luyện, chúng tôi đã có một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, khi con gái mới bốn tuổi, cha cháu đã bị bức hại đến chết. Khi cháu còn ở Trung Quốc, mỗi buổi sáng đứa trẻ nào cũng phải đeo khăn quàng đỏ đội thiếu niên đến trường. Năm 2004, sau khi Cửu bình: Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản được phát hành, cháu nhận ra chính Đảng Cộng sản đã bức hại cha cháu đến chết. Vậy nên cháu quyết định không đeo khăn quàng đỏ nữa. Nhưng khi cháu không đeo khăn quàng đỏ, cháu không được cho vào trường, điều này làm cháu cảm thấy rất tự ti. Không bạn cùng lớp nào muốn chơi với cháu. Sau này, chúng tôi không thể ở lại Đại Lục được nữa, buộc phải chạy trốn khỏi Trung Quốc và sang Thái Lan. Tôi vô cùng biết ơn chính phủ Mỹ đã tiếp nhận chúng tôi, và tôi cũng vô cùng cảm ân tới Sư phụ vì đã cho phép cháu tham gia Shen Yun và cho cháu cơ hội này. Khi chúng tôi ra nước ngoài, đó là năm 2005. Tuy nhiên, Sư phụ có đề cập vào năm 2004 trong các buổi giảng Pháp tại New York, Mỹ rằng vấn đề này cần được giải quyết.

MC Vũ Hân: Chị đang nói đến vấn đề nào thế?

Lâm Sai: Có rất nhiều các cháu mồ côi, rất nhiều. Nhiều cháu mất cha hoặc mất mẹ vì cha mẹ các cháu bị bức hại đến chết. Sư phụ giảng vào năm 2004 ở New York rằng tại Đại Lục có rất nhiều trẻ em bị mất cha mẹ vì cuộc bức hại này.

MC Vũ Hân: Tại sao lại như thế?

Lâm Sai: Một vài người mẹ cũng bị bức hại đến chết vì tu luyện Pháp Luân Công. Nhiều khi cả cha lẫn mẹ đều bị bức hại đến chết. Nhiều trẻ em mồ côi không được đi học và vô gia cư, được người nhà nhận nuôi, hay cuối cùng phải lang thang ngoài đường. Sư phụ của Pháp Luân Đại Pháp đã đề cập điều này trong Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004:

“Tôi vẫn luôn nghĩ về việc này, các đệ tử Đại Pháp sau khi bị bức hại đến chết, những đứa trẻ đó lang thang, nhờ nuôi ở gia đình khác, tôi không thể không quản, do đó tôi bèn nghĩ, hãy thống kê danh sách các cháu đó, sau đó chúng ta nghĩ biện pháp cứu các cháu ra [khỏi Trung Quốc]. (vỗ tay) Để chúng ta nuôi dưỡng các cháu, chúng ta cũng có thể kiến lập trường học cho các cháu”.

Năm 2005 trong Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế miền Tây Mỹ quốc, Sư phụ lại lần nữa nói với hàng nghìn chúng đệ tử tham dự Pháp hội:

“Việc này nhất định cần làm tốt. Con của các đệ tử Đại Pháp, những đứa trẻ đã mất đi thân nhân, [thì] chúng ta không thể không quản; đó là tiểu đệ tử của tôi, tiểu đồng tu của chư vị. Tôi làm Sư phụ vẫn luôn suy nghĩ về việc này, tôi nghĩ rằng đưa các cháu lên núi, tập trung lại mở trường cho các cháu, tập trung lại để nuôi nấng”.

MC Vũ Hân: Thảo nào, khoảng 10 năm trước khi tôi phỏng vấn các giáo viên của trường đó, giáo viên của trường Minh Huệ, họ có nói về việc giải cứu những trẻ mồ côi của học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Lâm Sai: Vâng. Sư phụ muốn tập trung các cháu lại để nuôi nấng.

MC Vũ Hân: Vâng, Đức Như, ở Shen Yun, trong cộng đồng đó, có nhiều đứa trẻ như cháu cũng mất cha mẹ vì cuộc bức hại, và Shen Yun nhận các bạn vào không?

Lâm Sai: Có rất nhiều các cháu mồ côi, rất nhiều. Có cháu mất cha, có cháu mất mẹ vì họ bị bức hại đến chết. Tôi vô cùng cảm ân Sư phụ đã giúp đỡ tôi và con mình. Nếu không thì, cháu có thể sẽ trở nên lầm đường lạc lối trong xã hội này. Giờ đây, cháu đang ở Shen Yun và đã tốt nghiệp. Từ trung học tới đại học và tốt nghiệp, cháu học tại trường Đại học Phi Thiên. Tôi vô cùng cảm ân Sư phụ.

MC Vũ Hân: Luyện tập rất gian khổ phải không?

Đức Như: Vâng ạ.

MC Vũ Hân: Luyện tập ở đó thì cực kỳ gian khổ. Kỹ năng đôi chân và mọi thứ của cháu đều khá ấn tượng nhỉ?

Đức Như: Thực ra cháu có một trải nghiệm muốn chia sẻ. Hồi còn nhỏ, cháu đã cực kỳ chăm chỉ. Cháu là kiểu người luôn thúc ép bản thân tới giới hạn. Một lần, mọi người đều ra ngoài chơi nhưng cháu thì ở lại. Sư phụ đến và hỏi cháu, có chuyện gì à? Cháu nói rằng chân cháu không đủ dẻo và cháu không thể ấn chúng xuống được. Sư phụ trấn an cháu rằng cháu chỉ cần… Sư phụ xoa đầu và nói không sao cả. Sư phụ nói thêm rằng cháu sẽ tiến bộ trong tương lai. Dù đó không phải nguyên văn lời Sư phụ, ý của Ngài là không sao và cháu sẽ tiến bộ thôi. Quả thật, cháu đã luyện tập chăm chỉ xoạc chân và sau một vài năm, cháu đã trở nên mềm dẻo hơn.

MC Vũ Hân: Cho nên cháu mới đạt được kết quả như hôm nay.

Đức Như: Mọi người nói rằng múa rất khó, quả thực đúng như vậy. Tất cả đều phụ thuộc vào tinh thần của mình. Trong môi trường của Shen Yun, không có chiêu trò hay cạnh tranh gì cả. Không ai khăng khăng muốn làm diễn viên chính hay đứng ở vị trí trung tâm. Không có sự cạnh tranh như các đoàn diễn khác. Ai cũng ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Từ trước đến giờ đều như vậy…

MC Vũ Hân: Không có đâm sau lưng như ở các đoàn nghệ thuật khác.

Đức Như: Vì chúng cháu đều là người tu luyện. Mọi người trong Shen Yun đều tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Chúng cháu tin vào Chân-Thiện-Nhẫn, và chúng cháu cố gắng sống theo những nguyên lý đó.

MC Vũ Hân: Trong Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, cô nghe nói cháu từng là diễn viên múa chính, phải không? Khi ở trên sân khấu, múa những điệu múa uyển chuyển, cháu nghĩ về điều gì?

Đức Như: Thường thì, khi thực sự nhập tâm vào vai diễn, cháu không chủ đích nghĩ về điều gì cả. Có một trải nghiệm khiến cháu vô cùng xúc động. Một lần, cháu diễn vai một cô tiên trong vở diễn về cuộc bức hại các đệ tử Đại Pháp. Có một cô bé bị móc mất đôi mắt. Cô bé không thể nhìn được gì. Vào khoảnh khắc đó, một cô tiên đến giúp cô bé. Trên sân khấu, cô bé bắt đầu khóc, và một giọt nước mắt rơi vào tay cháu. Cháu thấy cực kỳ xúc động, bởi vì mặc dù cháu đang trong vai diễn một cô tiên, cháu cũng có thể cảm nhận được cảm xúc của cô bé. Cháu muốn truyền tải tới khán giả rằng rất nhiều câu chuyện trong Shen Yun đều là thật. Cháu cũng từng có những trải nghiệm tương tự. Shen Yun mang lại hy vọng cho thế nhân. Và cô bé đó vẫn luôn giữ vững niềm hy vọng ban đầu của mình. Cô bé không bao giờ từ bỏ. Cô bé luôn tin rằng Thần Phật sẽ đến giúp mình. Điều cháu muốn gửi gắm tới khán giả là thế giới cần Chân-Thiện-Nhẫn. Giữ vững lòng tốt chính là trân trọng sự thiện lương trong tim mình.

Lâm Sai: Sau khi học tại trường Đại học Phi Thiên, cháu giờ có thể viết thơ bằng tiếng Trung. Khi cháu rời Đại Lục, cháu mới học xong lớp hai. Giờ cháu còn có thể viết thơ ở Shen Yun.

Đức Như: Vâng, như cô vừa nói, toàn bộ hành trình đi múa của cháu thực sự giống như một quá trình tu luyện. Đó là sự chuyển hóa từ bên trong và bộc lộ vẻ đẹp nội tâm. Đó chính là quá trình học múa.

MC Vũ Hân: Cháu có thể chia sẻ về cuộc sống ở Shen Yun không? Ví dụ giữa các bạn cùng lớp và giữa các thầy cô và học sinh. Cháu học những bộ môn gì? Có giống như ở các trường khác không?

Đức Như: Có rất nhiều môn học ạ. Trường của cháu thực ra là trường song ngữ, với các môn học bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh. Chúng cháu học các môn học truyền thống như lịch sử và thơ ca Trung Quốc của các triều đại. Trường cháu còn tổ chức rất nhiều hoạt động như thi thơ ca và thi múa.

Lâm Sai: Cháu cũng dành được nhiều giải thưởng.

MC Vũ Hân: Về thơ ca hả?

Lâm Sai: Cháu đạt giải vàng trong một cuộc thi thơ.

Đức Như: Vâng, trong một cuộc thi thơ.

MC Vũ Hân: Không chỉ đạt giải vàng trong cuộc thi thơ, Đức Như còn… Tôi thấy là Đức Như còn dành giải trong một cuộc thi do Đài truyền hình Tân Đường Nhân tổ chức nữa.

Đức Như: Đó là cuộc thi múa cổ điển Trung Quốc ạ.

MC Vũ Hân: Trong cuộc thi đó cháu đạt giải nhì, giải bạc và một vài giải thưởng khác.

Lâm Sai: Cháu dành được nhiều giải thưởng, bao gồm cả giải bạc và giải xuất sắc nữa ạ.

MC Vũ Hân: Giải xuất sắc thì khá ấn tượng đấy.

Lâm Sai: Cháu đã học hỏi được rất nhiều. Tôi không ngờ rằng một ngày khi hai mẹ con đi uống trà, trong lúc ngồi chờ gọi đồ, cháu đã viết ba câu thơ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Shen Yun có thể… Wow, nuôi dạy con gái mình thành như vậy.

Đức Như: Đều là nhờ công sức của các thầy cô ạ.

MC Vũ Hân: Oh, vâng. Đức Như, cháu nói rằng cháu có thể viết thơ. Nào, hãy cho chúng tôi vài câu thơ đi nào.

Đức Như: Thực ra, cháu chỉ… Như cháu nói, từ thời thơ ấu cho đến giờ, cháu cảm thấy hành trình học múa của mình cũng như một quá trình tu luyện. Cháu từng viết một bài thơ, theo phong cách Tống từ, để miêu tả hành trình học múa của mình:

“Ngoảnh lại mười xuân đường múa cũ,
Tựa mộng bồng bềnh cuốn gió trôi.
Vô tận bước chân trên lối thẳm,
Mồ hôi, lệ thấm tháng năm trôi.
Từng mùi từng vị thấm đượm lòng,
Đắng, cay, chua, ngọt trải bao phen.
Ai tranh danh lợi nghìn thu trước,
Chí vững hòa trong vũ điệu say.”

MC Vũ Hân: Wow, thật tuyệt vời! Cháu có thể giải thích qua một chút được không?

Đức Như: “Ngoảnh lại mười xuân đường múa cũ”, nghĩa là cháu đã học múa được mười năm. Mọi thứ tựa như một giấc mộng bồng bềnh. Cả quá trình tựa như một giấc mơ. “Vô tận bước chân trên lối thẳm” nghĩa là cháu cảm thấy mình lúc nào cũng không ngừng tiến lên. Không ngừng tiến lên và mồ hôi, nước mắt rơi. Mồ hôi, nước mắt thì…

MC Vũ Hân: Đắng, cay, chua, ngọt

Đức Như: Đúng vậy ạ!

MC Vũ Hân: Tất cả điều này đều là một phần của nó!

Đức Như: Đúng vậy ạ!

MC Vũ Hân: Để hoàn thành sứ mệnh.

Đức Như: Đúng vậy ạ!

MC Vũ Hân: Nó có nghĩa là gì?

Đức Như: “Đắng, cay, chua, ngọt trải bao phen. Ai tranh danh lợi nghìn thu trước. Chí vững hòa trong vũ điệu say”. Điều này thực ra mang một ý nghĩa, rằng cháu trân quý môi trường của Shen Yun. Cháu cảm thấy đây là cơ hội Thần ban cho. Cháu đã may mắn có được một trải nghiệm tuyệt vời trong đời, đến với Shen Yun, được múa và chia sẻ sự thật với mọi người theo cách này.

MC Vũ Hân: Wow, thật tuyệt vời! Hôm nay vô cùng cảm ơn chị Lâm Sai và cháu Đức Như đã tham gia chương trình. Tôi nghĩ rằng Đức Như đã chia sẻ với chúng tôi nội hàm lịch sử và văn hóa của múa cổ điển Trung Quốc. Nội hàm sâu sắc này cần được thấu hiểu từ nội tâm phải không? Cảm ơn các khán thính giả đã đón xem chương trình hôm nay. Hẹn gặp lại các bạn lần sau.

(Theo báo Tân Đường Nhân)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/295547



Ngày đăng: 19-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.