Đồng thoại (5): Ngôi nhà tuyệt vời
Tác giả: Mai Đóa Đóa
[ChanhKien.org]
Trong công viên cạnh nhà tôi có một cái cây lớn, tôi thích ngồi trên chiếc ghế đá dưới gốc cây, ngắm nhìn đàn kiến bò qua bò lại trên cành.
Thế giới trên cây thật náo nhiệt, có nào là sâu, nào là kiến, chúng đều thích giấu những chiếc tổ của mình dưới lá cây, còn chim thì lại thích xây tổ trên những chạc cây.
Hôm nay, có một chú ốc sên lớn bám ở trên cành, tôi dùng ngón tay chạm nhẹ một cái vào đầu ốc sên, ốc sên bị dọa cho phát khiếp liền thụt đầu vào trong vỏ, rất lâu sau mới dám thò đầu ra, thấy vậy tôi liền nói: “Ôi cha, đúng là đồ nhát gan!”
Ốc sên tỏ ra không mấy vui vẻ liền đáp lại: “Nếu như tôi không nhanh nhẹn như vậy thì sớm đã bị chim ăn thịt rồi, tất cả là nhờ tôi trốn vào ngôi nhà này đấy!”
Cái vỏ của ốc sên rất dày và đẹp.
Tôi nói: “Ngôi nhà của bạn thật đẹp”.
Ốc sên tỏ vẻ đắc ý lập tức đáp lại: “Đúng vậy! Mỗi chú ốc sên chúng tôi đều có một ngôi nhà tuyệt nhất trên thế giới đấy!”
Ngờ đâu, câu nói của ốc sên bị đàn kiến đang tha mồi nghe được, chúng rất không tán đồng: “Ngôi nhà của cậu đã là gì chứ, nhà của họ kiến chúng tôi xây ở trong vỏ cây có những đường hành lang vừa dài vừa uốn lượn, có những ngôi nhà đủ loại kích cỡ, lại còn có nhà kho chất đầy những đồ ăn ngon nữa cơ…”
Lúc này, không ngờ rằng bác cây già bấy lâu nay vốn ít nói liền lên tiếng hỏi: “Nhà là gì vậy?” Tôi đáp: “Nhà là nơi chúng ta ở, bác có nhìn những tòa nhà phía bên kia không, đó là nơi chúng tôi sống, còn tổ trên cành của bác là nhà của chim, những lỗ nhỏ trong vỏ cây của bác là ngôi nhà của kiến đấy…”
“Vậy nhà của tôi ở nơi nào?”, cây hỏi.
Ồ, câu hỏi này của cây khiến tôi trở nên bối rối.
Tôi suy nghĩ một hồi lâu rồi đáp lại: “Bác cây à, bác không có nhà đâu”.
“Tại sao?”, cây ngơ ngác hỏi tôi.
Kiến đứng bên cạnh lên tiếng: “Bác chỉ có thể làm ngôi nhà của chúng tôi thôi, vậy nên đương nhiên là bác không có nhà để ở rồi”.
Nghe thấy vậy, cây già lên tiếng hỏi ngược lại: “Tại sao tôi chỉ có thể làm nhà cho các bạn, còn bản thân tôi lại không có nhà? Tôi cũng muốn có một ngôi nhà của chính mình, cầu xin các bạn hãy giúp tôi đi tìm xem nơi đâu có ngôi nhà để tôi ở không”.
Chà, vấn đề này khiến tôi vất vả mấy ngày liền. Mấy hôm nay tôi đều bận rộn suy nghĩ, xem xét xung quanh, tất cả các tòa nhà cao tầng cửa đều quá nhỏ, cây không vào được, mà dù có vào được bên trong thì bác ấy cũng không thể đứng thẳng lưng lên được, các tầng trong toàn nhà sẽ ngăn trở bác ấy, lẽ nào lại để bác ấy xuyên thủng trần nhà chứ.
Tôi chỉ còn cách đi giải thích như vậy với bác cây thôi.
Nhìn thấy tôi đi đến, bác cây tỏ ra rất mừng rỡ, nghĩ rằng tôi đã tìm được nhà cho bác rồi, chắc hẳn bác nghĩ rằng các toà nhà xung quanh đây đều rất cao, tìm được một nơi cho bác ấy trú ngụ thì đâu có khó gì.
Tôi đành phải nói thật với bác ấy sự tình.
Vừa nghe xong, bác ấy rũ hết lá cây xuống, trông thật buồn bã, một lúc lâu sau bác mới lên tiếng: “Cháu là một cô bé thông minh, cháu nghĩ cách giúp bác với nhé!”
Đàn kiến xôn xao: “Ai bảo bác cao lớn làm chi, nếu như bác càng ngày càng nhỏ, nhỏ như đám hoa đằng kia thì bác sớm đã có nhà rồi, chúng cháu nhìn thấy rất nhiều hoa cư trú trong nhà của loài người đấy”.
Mấy lời này của kiến tức khắc khiến tôi nghĩ ra một cách, tôi vui vẻ nói với bác: “Ồ, cháu biết phải làm thế nào để bác vào được nhà rồi!”
Nghe thấy vậy bác cây trong phút chốc như được vực lại tinh thần, tất cả lá trên cây đều dựng cả dậy, dường như mỗi chiếc lá đều là một chiếc tai của bác, như đang nuốt từng lời tôi nói:
“Cháu sẽ nhờ mẹ mua một chiếc chậu lớn, sau đó cưa đi một đoạn thân của bác”, tôi vừa nói vừa dang hai tay ước chừng một đoạn khoảng bằng cánh tay rồi nói tiếp: “Cưa đi một đoạn chừng này…”
Bác cây không đợi tôi nói hết câu, lập tức kêu lớn: “Ôi chao, không được đâu, bác sợ đau lắm!”
Đàn kiến lại nhao nhao lên tiếng: “Ôi bác cây ơi, tất cả chúng cháu đều kính phục bác, gió thổi mưa rơi, sấm chớp vang rền bác đều thay chúng cháu gánh chịu, bác là anh hùng của mọi người đấy, bác dũng cảm như vậy, cớ sao lại sợ đau chứ?”
Bác cây ngại ngùng đáp: “Thì bác vẫn sợ đau đấy thôi, ai mà bứt một chiếc lá, là bác thấy đau cả ngày luôn đấy”.
Tôi thật không ngờ chuyện sẽ thành ra như vậy, vốn dĩ là muốn đem bác trồng vào trong chậu rồi đặt trong nhà tôi, thế là xôi hỏng bỏng không cả rồi.
Lúc ấy, tôi lại tiếp tục động viên bác: “Vậy chúng ta nghĩ cách khác xem sao!”
Mấy hôm sau tôi cùng mẹ tiễn bố ra sân bay, vừa vào trong sảnh sân bay, đôi mắt tôi bỗng sáng bừng: Ôi, căn phòng này vừa to vừa lớn, cửa cũng rộng, bác cây chỉ cần nghiêng người vào bên trong sẽ đứng thẳng được lên, oa, căn phòng này có thể làm ngôi nhà của cây rồi.
Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, thấy một chú cảnh vệ, tôi liền chạy tới chỗ chú hỏi xem có thể đưa bác cây vào ở trong này không.
Sau khi nghe xong thỉnh cầu của tôi, chú chú cảnh vệ từ tốn nói: “Ồ, cháu gái à, cây mà sống trong nhà không nhận được ánh sáng và nước mưa thì sẽ chết rất nhanh đấy, chú tiếc là không thể đem bác cây của cháu đến đây được rồi”.
Vậy thì phải làm sao? Vào được trong nhà thì bác ấy cũng sẽ chết, như vậy thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa!
Nếu như bác cây già biết được việc này, bác ấy có chịu đựng nổi không? Ngày nào bác ấy cũng chờ đợi tin tức tốt đẹp từ mình.
Những suy nghĩ đó khiến tôi chẳng dám đến công viên chơi nữa.
Thế nhưng, lúc tôi đi ngang qua công viên dẫu sao vẫn bị bác cây nhìn thấy. Bác gắng hết sức gọi tôi, đương nhiên rồi, hàng ngàn vạn lá cây chính là bàn tay của bác ấy, điều này thì tôi hiểu.
Tôi chỉ còn cách miễn cưỡng đi về phía bác ấy, dáng vẻ hân hoan của bác cây già chẳng khác nào một đứa trẻ đang chờ được cho một chiếc kẹo ngọt. Ôi, tôi buồn thay cho bác ấy, làm sao để nói với bác ấy bây giờ?
Trên ghế đá dưới gốc cây có một ông lão đang ngồi, oa, đây chẳng phải là ông của Sa Sa – người bạn thân của tôi đó sao. Tôi và ông gặp nhau mừng rỡ, tôi chỉ mải mê nói chuyện với ông mà quên mất bác cây đang đứng chờ mình.
Bác cây đợi mãi không chịu được nữa liền chen vào giữa hai chúng tôi hỏi một câu: “Này, cháu gái, cháu đã giúp tìm nhà cho bác được chưa?”
Ông lão tỏ vẻ ngạc nhiên: “Tìm nhà gì vậy?”
Thấy vậy, tôi liền đem câu chuyện tìm nhà cho bác cây kể cho ông nghe một lượt.
Nghe xong, ông của Sa Sa bật cười nói: “Bác cây già à, bác đang có căn nhà tốt nhất thiên hạ đấy, bác không biết điều đó sao?”
Câu nói này của ông khiến tôi và bác cây đứng ngây người không hiểu.
Ông lão từ tốn nói: “Bác nhìn xem, cả bầu trời rộng lớn trên kia chính là nóc của ngôi nhà, trên đó có Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao; bên dưới là hoa cỏ vạn vật, trong căn phòng này của bác có đàn chim nhỏ hàng ngày hót cho bác nghe, có đàn bướm xinh múa cho bác xem, xem ra nhà của chúng tôi còn không được như bác nữa đấy!”
Ồ, đúng vậy, trong nhà tôi chỉ có mấy đồ nội thất, trên trần nhà chỉ có một chiếc đèn treo, thật là không thể nào sánh được với nhà của bác cây.
Nghĩ vậy, tôi nhảy lên mừng rỡ: “A ha, bác cây ơi! Nhà của bác thật tuyệt, bác sống trong một ngôi nhà thú vị như vậy bác còn không biết sao?”
Bác cây nói: “Trời ạ! Thật vậy, nhà của ta đẹp đẽ biết bao! Thì ra ta có một ngôi nhà to đẹp như vậy mà không biết, ôi, ta thật hạnh phúc biết chừng nào!”
Nói đến đây, toàn bộ lá của cây đều dựng cả lên, dường như là trăm ngàn cánh tay đang vẫy mừng.
Lúc này, chim, côn trùng và đàn kiến nhỏ đều vui mừng thay cho bác ấy, mọi người đứng quây quanh nhảy múa vui vẻ.
Bác cây vẫn là bác cây ấy, công viên vẫn là công viên ấy, tất cả đều không khác đi, nhưng từ khi biết mình được sống trong ngôi nhà lớn dưới bầu trời thì trái tim của bác cây đã trở nên vui vẻ hơn nhiều. Bác ấy nói với các bạn côn trùng và chim chóc bay qua lại rằng: “Hãy nhanh tới đây làm tổ nhé các bạn!”
Bác cây xem bầu trời như tấm gương để noi theo, bác không ngừng nỗ lực để lớn hơn nữa, cao hơn nữa và to hơn nữa, bác còn hy vọng tôi sẽ đến sống trong ngôi nhà của bác ấy nữa đấy!
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/279603
Ngày đăng: 27-02-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.