Hành trình thời không nghệ thuật (6): Phác họa



Tác giả: Arnaud

[ChanhKien.org]

Bức phác họa này có tên “Tuileries” (Vue du jardin des Tuileries) là tác phẩm của họa sĩ người Pháp thế kỷ 19 GEOFFROY Jean-Baptiste (1). Họa sĩ đã dùng những nét vẽ nhẹ nhàng bằng bút chì và màu nước nhạt trên khổ giấy 19,5cm x 25cm để miêu tả cảnh vật xinh đẹp, thanh nhã trong khu vườn của cung điện Tuileries, một địa điểm lịch sử nổi tiếng của nước Pháp.

Cung điện Tuileries được xây dựng vào năm 1564 theo đề xướng ​​của Nữ hoàng Pháp Catherine de’ Medici, do nằm gần Cung điện Louvre (sau này là Bảo tàng Louvre) nên Cung điện Tuileries đã trở thành tẩm cung (phòng ngủ của vua và hoàng hậu) của nhiều thế hệ Quốc vương trong lịch sử nước Pháp sau này. Cùng với việc quyền lực quốc gia Pháp ngày càng lớn mạnh, nơi này dần dần thu thập, lưu trữ được lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật quý giá trong lịch sử nhân loại, là niềm tự hào của các cung điện trong lịch sử nước Pháp. Tuy nhiên, vào tháng 05 năm 1871, Công xã Paris – sơ khởi của chủ nghĩa cộng sản khi đang đối mặt với thất bại, đã phóng hỏa đốt Cung điện Tuileries và Cung điện Louvre liền kề, quyết tâm dùng “khủng bố cách mạng” để thiêu rụi tất cả báu vật nghệ thuật hoàn hảo nhất này của lịch sử nhân loại, (thời đó Công xã Paris cũng đốt các công trình kiến trúc có tính biểu tượng khác như Tòa thị chính Paris, Vương cung Palais Royal, v.v. vốn chứa đầy các tác phẩm nghệ thuật quý giá), vì vậy Cung điện Tuilerie đã bị đốt cháy hoàn toàn, Phòng trưng bày Flore (Pavillon de Flore, phòng trưng bày lớn nối liền Cung điện Louvre và Cung điện Tuileries) và Hành lang Marsan (Pavillon de Marsan, ở đầu phía Bắc của Cung điện Tuileries) cũng bị đốt cháy, nhưng công trình chính và một lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật của Bảo tàng Louvre may mắn thoát nạn.

Phác họa là hình thức hội họa sử dụng chất liệu vẽ đơn sắc để miêu tả những sự vật, sự việc trong cuộc sống, chất liệu được sử dụng gồm có hai loại chất liệu khô và chất liệu ướt. Trong đó, chất liệu khô gồm có bút chì, bút than, phấn màu, sáp màu, chì than thỏi, bút gel bạc, v.v.; chất liệu ướt gồm có mực nước, bút máy, bút dạ, bút sậy, bút tre, v.v.. Theo thói quen, tranh phác họa chủ yếu là tranh đơn sắc, nhưng thường thì những bức tranh màu nước kích thước nhỏ với phong cách khá tùy ý cũng được liệt vào thể loại tranh phác họa.

Khi nói đến phác họa, nhiều nghệ sỹ thường chỉ vẽ ký họa hoặc phác họa mang tính ký họa. (Vẽ ký họa tức là vẽ nhanh, hầu hết các bản ký họa thực ra là một bản phác họa vẽ với tốc độ rất nhanh, chỉ phác thảo đường viền và hình khối chung của một vật thể mà không thêm các chi tiết về kết cấu, ánh sáng và bóng tối). Bởi vì các nghệ sỹ chủ yếu dồn tinh lực của họ vào sáng tác các tác phẩm vẽ màu nghiêm túc hoặc các tác phẩm điêu khắc, nên những bản nháp nhỏ hoặc bản nháp đơn sắc vốn được chuẩn bị cho việc sáng tác tác phẩm hiển nhiên trở thành những tác phẩm ký họa.

Tất nhiên, có một số nghệ sỹ chỉ vẽ tranh phác họa, và một số nghệ sỹ chỉ vẽ những tác phẩm đơn sắc, đây đều là những đặc điểm sở thích cá nhân, phong cách cá nhân, điều này thể hiện sự phong phú của nghệ thuật.

Đại đa số tác phẩm ký họa của những họa sĩ chuyên vẽ tranh màu là những bản vẽ nháp có giá trị nghệ thuật, điều đó hoàn toàn hợp lý. Từ quan điểm này, dù các nội dung trong tranh ký họa được vẽ rất sơ sài cũng không sao, bởi vì nó là bản nháp cho tác phẩm màu, vậy nên ưu tiên hàng đầu là phải thuận tiện và dễ hiểu đối với chính tác giả.

Những thứ được vẽ nguệch ngoạc, sơ sài này chỉ là một bước đệm cho quá trình sáng tác một bức tranh tả thực toàn diện và nghiêm túc của người nghệ sỹ. Tuy nhiên, muốn biến những bức vẽ sơ sài không có nền tảng kỹ thuật cơ bản đó thành những tác phẩm nghệ thuật độc lập, hoàn chỉnh, giống như thể loại Graffiti (tranh vẽ trên tường) thì phải vẽ thành một bức tranh phác họa màu đen trắng đầy đủ các yếu tố (còn gọi là phác họa thâm diễn) hoặc vẽ thành một tác phẩm ký họa nghiêm túc, bởi vì các loại hình này ít nhất cũng có các đường nét hoặc hình khối khá chỉn chu và mang tính thẩm mỹ hơn. Kiểu vẽ nguệch ngoạc đơn thuần không thể được gọi là tác phẩm nghệ thuật.

Các tác phẩm phác họa thâm diễn này kỳ thực chính là coi bản phác họa là một thể loại tranh độc lập, vì vậy thành phẩm cũng chính là bức tranh miêu tả đầy đủ các yếu tố (sáng tối, kết cấu, không gian) bằng ba sắc độ màu đen trắng xám. Nhiều tác phẩm tranh ký họa hoặc tranh phác họa chỉ có hai màu đen trắng không thể được xem là một tác phẩm độc lập, chúng chỉ là bản vẽ nháp hoặc là giai đoạn chuẩn bị ban đầu cho việc sáng tác các bức tranh màu, chúng là một phần của quá trình hoàn thiện các tác phẩm màu. Một số người khác có thể vẽ các tác phẩm chỉ với hai màu đen trắng vô cùng chi tiết trên canvas và xem đó như lớp nền màu đen trắng, nhằm thuận tiện cho bước tiếp theo áp dụng kỹ thuật sơn phủ nhiều lớp màu trong suốt để hoàn thành bức tranh, tức là khi này bản phác họa chính là lớp màu ban đầu hoặc như là lớp nền của bức tranh sơn dầu hoặc tranh màu keo (Tempera).

Trong việc rèn luyện kỹ năng hội họa cơ bản thì phác họa là bước vô cùng mấu chốt và thiết yếu, nếu không nắm vững kết cấu phối cảnh, mối quan hệ sáng tối cũng như các nội dung khác thì sẽ khó thành công trong việc sáng tác tranh tả thực toàn diện. Đương nhiên việc rèn luyện các kỹ năng cơ bản khác nhau giúp một họa sĩ đạt đến trình độ rất cao về kỹ thuật, nhưng cũng không vì vậy mà đóng khung họa sĩ quá mức trong các loại tư tưởng giáo điều.

Ví dụ, một số họa sĩ khi bắt đầu vẽ thậm chí không có bất kỳ sự chuẩn bị nào, trong đầu chỉ có một ý tưởng, hoặc chỉ phác thảo được vài đường định hướng mà không ai hiểu được ngoại trừ chính người nghệ sỹ, sau đó anh ta bắt đầu mạnh dạn tô màu, thậm chí lúc đầu chỉ phủ một vài màu lên canvas và không có gì khác… Tuy nhiên, khi anh ta hoàn thành tác phẩm, tất cả các mối quan hệ sáng tối, kết cấu, tương phản màu sắc, chuyển tiếp, v.v. đều được sắp đặt phù hợp đúng chỗ, bức tranh rất chân thực và hoàn hảo, chỉ có họa sĩ có kỹ năng cơ bản đã đạt đến trình độ rất cao mới có khả năng làm được như vậy.

Ngược lại, có một số người chỉ biết dùng những quan niệm bại hoại để phác thảo ra những hình vẽ trừu tượng, không biết vẽ thứ gì nhưng lại biết thổi phồng tự xưng là “họa sĩ”, những người này cũng thích vẽ loạn mà không cần suy nghĩ. Tuy nhiên, họ căn bản khác với những nghệ sỹ đã thành thạo vững chắc các loại kỹ năng cơ bản được đề cập ở trên, bởi vì những nghệ sỹ kia đã trải qua nhiều năm cần cù, nghìn vạn lần luyện tập gian khổ mới có thể thoải mái múa bút như vậy.

Nói chung, trong giai đoạn đầu sáng tác một tác phẩm, mỗi người có cách làm khác nhau. Có người thích phác họa những hình khối thật kỹ càng, chi tiết ngay từ đầu, vì điều này có thể đẩy nhanh quá trình lên màu ở bước tiếp theo mà không cần phải quan tâm đến các yếu tố hình khối nữa; một số người chỉ phân mảng cơ bản cho bức tranh (như độ sáng tối, không gian, kết cấu…), điều này có thể giúp quá trình tạo hình sau này không bị cản trở quá mức bởi các đường phác thảo bố cục như “khung lưới sắt”, ảnh hưởng đến việc thể hiện cảm xúc.

Trên thực tế, những tác phẩm tranh màu phác họa thâm diễn cho dù có mang đến cảm giác lập thể cùng cảm giác về không gian, lúc phác thảo ban đầu có tỉ mỉ đến đâu, tương đối mà nói cũng chỉ là hình vẽ bao quát (hình lớn) mà thôi. Mức độ chi tiết của bản phác thảo kỳ thực tùy thuộc vào nhận thức và lý giải khác nhau của từng họa sĩ về khái niệm “hình lớn”. Bởi vì việc phác họa chi tiết về hình khối và độ sáng tối chắc chắn không thể hoàn thành trong giai đoạn chuẩn bị (trừ trường hợp đặc biệt). Nói cách khác, trong giai đoạn định hình màu luôn phải cân nhắc tới các yếu tố trong phác họa tả thực (ánh sáng, kết cấu, không gian, …) phù hợp với đặc điểm hình khối vật thể.

Trong một số bức tranh lớn nếu cần vẽ nhiều nhân vật thì họa sĩ có thể coi mỗi nhân vật là một hình nhỏ hoặc một chi tiết, hoàn thiện các chi tiết đó sẽ là việc của giai đoạn giữa và sau, do đó khi vẽ phác họa có thể chỉ cần định ra một vị trí cho nó, tức là chỉ cần vẽ phác hình lớn tổng thể là được. Một số họa sĩ có thể xác định vị trí và hình khối của nhân vật một cách rất cụ thể, bởi vì họ nhận định rằng hình khối nhân vật thuộc về hình lớn, nhưng ngũ quan, tay, chân, móng v.v. không nhất định được vẽ ra, bởi vì họ xác định đó là những hình nhỏ, không cần vẽ chi tiết khi phác thảo. Vì vậy, điều này thường tùy thuộc vào đặc điểm cá nhân của họa sĩ.

Một số họa sĩ thường thích gộp hai quá trình lên màu và quá trình phác họa tạo hình làm một, nghĩa là, họ không thích phân tách cơ chế tạo hình và tô màu, đây cũng là một phương pháp tạo hình toàn diện rất tốt nhưng lại gây khó khăn cho những người có kỹ năng cơ bản kém. Ngoài ra, còn có nhiều phương pháp khác như dùng màu keo trứng làm trắng (1) để tạo hình, trực tiếp dùng các khối màu để tạo hình, v.v. đều là các phương pháp rất tốt – vì các phương pháp rất đa dạng.

Một số thể loại tranh như tranh màu nước, tranh công bút Trung Quốc v.v. do đặc tính của chất liệu nên lúc lên màu không thể chỉnh sửa thay đổi các hình khối, vậy nên lúc phác họa đường nét lớp nền bên dưới cần phải rất chính xác, tại đây sẽ không nói sâu về phần này; tuy nhiên, những loại tranh sơn dầu, tranh phấn màu có thể sửa đổi lớp màu phủ nhiều lần thì khác.

Ví dụ, trong tranh sơn dầu, những tác phẩm áp dụng kỹ thuật tô màu mỏng và trơn nhẵn thì khi phác hình tạo khối ở giai đoạn đầu thường phải rất chính xác, cẩn thận, tỉ mỉ, vì không thể thay đổi quá nhiều để tránh làm mất đi đặc tính kỹ thuật mịn, sáng; tuy nhiên, với những kỹ thuật tô màu dày và sần hơn lại không cần chú ý nhiều đến điều này.

Ghi chú:

(1) Làm trắng: Một kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống, xem chi tiết ở Phần 9

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49541



Ngày đăng: 04-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.