Hành trình thời không nghệ thuật (3): Bóng tối và ánh sáng (Ảnh)
Tác giả: Arnaud
[ChanhKien.org]
Linh hồn cao thượng không cam chịu giằng xé trong sình lầy tăm tối mà khao khát được trở về bờ bên kia ánh sáng, giai điệu thuần khiết của ánh sáng vẫn luôn ngân vang khúc thánh ca hy vọng từ tận đáy tâm hồn. Ngay cả trong màn đêm tăm tối, sự mong đợi đối với ánh sáng của con người vẫn luôn bất diệt, bởi nó bắt nguồn từ sự kiên trì theo đuổi cái thiện và sự kỳ vọng vào sự tốt đẹp thuần chân bẩm sinh trong bản tính của con người. Từ xưa đến nay, sự thể hiện bóng tối và ánh sáng đã tồn tại trong hầu hết mọi tác phẩm nghệ thuật, ở châu Âu, tranh sơn dầu là hình thức thể hiện phổ biến nhất.
Tranh sơn dầu chiếm vị trí chủ đạo trong hội họa phương Tây là điều hiển nhiên. Dù ngày nay, phương thức sáng tác tranh không còn quá sa đà vào những lề lối quy luật cũ xưa, nhưng việc nắm vững và vận dụng thành thạo các kỹ pháp cũng như phong cách vẽ tranh sơn dầu truyền thống vẫn là những kỹ năng cơ bản cần thiết cho sáng tạo nghệ thuật. Bản thân chất liệu và màu sắc của tranh sơn dầu thường khiến người ta có cảm giác trông sang trọng. Tuy nhiên, nếu vì mượn cớ theo đuổi cảm giác sang trọng trong tranh sơn dầu mà cố tình truy cầu những màu sắc thâm trầm, thì sẽ đi chệch khỏi đường hướng sáng tạo nghệ thuật đúng đắn. Bởi vì những gì nghệ thuật muốn biểu đạt thực chất là những giá trị thiện lương và tươi sáng, chứ không phải những quan niệm đen tối, suy đồi.
So với tranh bột màu, tranh sơn dầu ít xuất hiện tình trạng bạc màu, nên nó là một chất liệu giúp biểu đạt rất tốt, đặc biệt là khi phải biểu hiện cảm giác ánh sáng thì màu trắng, màu vàng và các màu sáng khác có thể cần được sử dụng nhiều hơn. Nhưng nếu cho rằng việc sử dụng màu trắng sẽ khiến bức tranh bị bạc màu trông khó coi thì đó là một nhận định phiến diện. Bởi vì bức tranh có bị bạc màu hay không là hiệu ứng tổng thể trong mối tương quan giữa các màu sắc chứ không phải do màu sắc nào đó quyết định. Đồng thời, cái khung tư tưởng này thường ảnh hưởng đến việc thể hiện nghệ thuật của các hoạ sĩ. Khi một nghệ sĩ tập trung vào đại cục, đường đường chính chính thể hiện ánh sáng và sự thuần thiện, thì còn thứ gọi là giáo điều kỹ thuật nào có thể hạn chế được anh ấy chứ? Những tác phẩm nghệ thuật với tông màu sáng hoặc trung bình chắc chắn sẽ thể hiện tính nghệ thuật hoàn mỹ hơn, nhưng thường thì một số người chỉ hiểu biết một chút bề ngoài và chỉ biết quan sát sự vật bằng góc nhìn phiến diện sẽ cho rằng nếu bức tranh không được sơn đen hoàn toàn thì không phải là tranh sơn dầu, nếu bức tranh không thể hiện thứ gì đó âm u thì không có phong cách, hoặc cho rằng việc biểu hiện ánh sáng là kỹ thuật vẽ tranh hiện đại v.v.
Trên thực tế, màu tối xứng đáng được đối xử tốt như các màu khác trong quang phổ màu. Vì nếu không có màu đậm làm nền thì màu sáng khó mà phát huy tác dụng tương phản rõ hơn. Đồng thời, giữa các thể loại tác phẩm nghệ thuật khác nhau cũng không thể không có sự khác biệt nào, cũng không thể nào tất cả các tác phẩm đều cùng một tông màu hoặc cùng cách phối màu. Vậy nên các tác phẩm hội họa khác nhau tất nhiên nên có nhiều kiểu phối màu khác nhau, chứ không thể lấy màu đen làm màu nền cho mọi bức tranh.
Kỹ thuật vẽ tương phản ánh sáng được vận dụng và phát triển vào giữa và cuối thời văn nghệ Phục hưng do người châu Âu cổ đại đề cao phương pháp chiếu sáng trên sân khấu kịch. Có câu nói rằng, nếu muốn làm phần này sáng hơn thì phải làm tối những phần khác để tạo sự tương phản, từ đó làm nổi bật phần sáng. Như vậy các vùng sáng sẽ sáng hơn và tập trung hơn, đạt tới hiệu quả vẽ tranh kịch tính giống như vở kịch trên sân khấu. Trong lịch sử, những người như Caravaggio, Rembrandt là những họa sĩ đại biểu cho “Họa phái u ám” (Tenebrism) này. Tuy nhiên, phong cách vẽ tranh thời đầu của họ vốn không phải như vậy. Nguyên nhân là vì cuộc sống của họ càng ngày càng khó khăn, càng khốn khổ thì càng bất mãn, nên màu sắc cũng mang theo những cảm xúc chủ quan mạnh mẽ, càng lúc càng thâm trầm. Chẳng hạn, Caravaggio từng giết người khi còn trẻ, bị kiện tụng trói thân, sống một đời trốn chạy, ông sống trong cảnh khó khăn nên mới chỉ 37 tuổi đã chết vì bệnh. Một ví dụ khác là Rembrandt, từ một bậc thầy nghệ thuật nổi tiếng và giàu có khi còn trẻ đến suy bại thành một lão già nghèo khổ khốn cùng, không người thăm hỏi, phong cách hội họa của ông cũng có những thay đổi lớn. Nói cách khác, họ dùng kỹ thuật tương phản sáng tối này để bày tỏ những trải nghiệm bi thảm trong cuộc sống, nhưng điều đó không phù hợp với tất cả mọi người. Sau này, một số học giả lầm tưởng rằng vẽ tranh màu đen nhằm thể hiện sức hấp dẫn của nhân cách, rất nhiều người đã hiểu và vẽ như vậy. Nhưng thực tế đây là cách hiểu sai lầm.
Bức chân dung tự họa của họa sĩ người Hà Lan Rembrandt van Rijn năm 1633. Lúc này họa sĩ còn trẻ, thành đạt, gia cảnh giàu có, nét vẽ và màu sắc tươi sáng, vui tươi đã thể hiện trạng thái của ông lúc bấy giờ. Tác phẩm này hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Louvre ở Pháp.
Bức chân dung tự họa của họa sĩ Rembrandt van Rijn vào năm 1660. Lúc này họa sĩ đã già, tuy nhiên do thất bại trong sự nghiệp, gia cảnh ngày càng nghèo khốn, cuộc sống khó khăn, tác phẩm của ông không còn trơn mịn tươi sáng, sử dụng màu sắc ngày càng trở u ám, thâm trầm. Tác phẩm nêu bật thế giới nội tâm và điều kiện sống khó khăn của họa sĩ lúc này. Tác phẩm này hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Louvre Pháp.
Trước đây có quan điểm cho rằng nếu phụ nữ mặc đồ đen thì màu tối của quần áo sẽ tương phản với màu da của cô ấy, khiến làn da của cô ấy trông trắng hơn. Mặc dù quan điểm này có phần đúng, nhưng người ta cũng quên mất một điểm quan trọng: đó là yếu tố phản quang. Vì ánh sáng phản chiếu từ quần áo trắng hoặc sáng màu sẽ phản chiếu lên da nên có thể cải thiện độ sáng của da, nó cũng rất có hiệu quả trong việc cải thiện độ sáng của toàn bộ bức tranh. Ngược lại, trang phục tối màu không có khả năng phản xạ ánh sáng này.
Bức tranh sơn dầu “Mona Lisa” được họa sĩ người Ý Leonardo da Vinci vẽ ở Florence trong khoảng thời gian từ 1503 đến 1506. Người phụ nữ trong tranh mặc trang phục tối màu, tạo nên sự tương phản mạnh mẽ với làn da trắng sáng trên trán và ngực. Trang phục tối màu cũng khiến phần tối trên gương mặt và cổ càng thêm tối hơn. Đường nét đổ bóng trong tác phẩm cũng không mang thiện ý. Tác phẩm này hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Louvre, Paris.
Dùng màu đen làm nổi bật màu trắng, nếu nhấn mạnh vào việc tăng phần màu đen một cách phiến diện, thì thực sự có thể làm cho các phần màu trắng trông sáng hơn nhờ tính tương phản. Nhưng nếu một mực nhấn mạnh vào tính tương phản theo cách không có màu đen thì không có màu trắng thì sẽ dẫn đến một vấn đề: trong cuộc sống hằng ngày hoặc ở nơi trưng bày tác phẩm nghệ thuật thì ánh sáng đều không có tính tuyệt đối. Cũng chính là nói, một bức tranh dù không có màu đen cũng vẫn có màu trắng. Bởi vì dù là bức tranh toàn màu sáng, không có màu tối tạo sự tương phản trong bức tranh, thì cũng có sự tương phản giữa bức tranh với môi trường tự nhiên. Suy cho cùng, hầu hết mọi người trên thế giới đều không bị mù màu, nên dù là bức tranh sử dụng màu dầu không có độ tương phản, người ta vẫn có thể nhận biết được màu sắc của bức tranh từ khía cạnh tuyệt đối của màu sắc. Một số lý thuyết hiện nay đang đóng khung con người ở nhiều khía cạnh. Lấy một ví dụ đơn giản: một đứa trẻ chưa bao giờ học bất cứ thuyết màu sắc chuyên nghiệp nào vẫn có thể không cần suy nghĩ dễ dàng diễn tả “đây là màu đỏ, kia là màu vàng, kia là màu xanh lam”, v.v.., trong khi một chuyên gia lý thuyết về màu sắc phải suy nghĩ nửa ngày mới nói được cái này “tương đối mà nói là màu đỏ”, cái kia “tương đối mà nói là màu hơi vàng xám”, v.v.
Vì vậy, về phương diện phối màu, tông màu sáng được dùng để thể hiện ánh sáng và cái thiện, sự tương phản giữa lạnh và nóng hoàn toàn có thể được biểu đạt qua việc phối màu sáng và trung bình một cách hợp lý. Ngày nay, một số quan điểm hời hợt cho rằng sử dụng màu tối làm bức tranh có giá trị nghệ thuật hơn, nhưng thực tế đây là quan điểm sai lầm. Giá trị nghệ thuật thực sự nằm ở biểu hiện tổng thể của tác phẩm, chứ tuyệt đối không phải ở cái gọi là “thâm trầm” làm cản trở sự thể hiện ánh sáng. Nhiều bức tranh có tông màu sáng trung bình mà độ phân giải cao thực sự biểu đạt rất tốt, có thể làm nổi bật ánh sáng ở tông màu cao mà cũng không thiếu màu tối. Tất nhiên, trong một bức tranh phải có màu tối, nhưng trong hầu hết trường hợp, ý nghĩa tồn tại của những màu tối này nhằm làm nổi bật ánh sáng. Các nghệ thuật gia là những sứ giả biểu đạt sự mỹ lệ của ánh sáng tâm hồn, mà ánh sáng này là do Thần ban tặng.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49537
Ngày đăng: 21-08-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.