Hành trình thời không nghệ thuật (1): Nam và Bắc



Tác giả: Arnaud

[ChanhKien.org]

Lời nói đầu

Vật đổi sao dời, nhân loại trong lịch sử dài đằng đẵng đã kiến tạo nên những nền văn minh huy hoàng. Tuy nhiên, trong dòng sông dài của thời gian, nền văn minh mới không ngừng thay thế nền văn minh cũ. Con người đã không còn có thể hiểu ngôn ngữ và chữ viết thời tiền sử nữa, nhưng lịch sử cũng không vì thế mà biến mất khỏi ký ức của nhân loại. Bởi vì, các di tích hội họa, điêu khắc và kiến trúc tràn đầy lịch sử nhân loại tiết lộ cho chúng ta con người thời đó đã kiên trì theo đuổi cái đẹp thiện mỹ, thuần chân như thế nào. Ngày nay, quan niệm thẩm mỹ của nhân loại đã thay đổi, hình dạng nhà cửa cũng đã biến đổi, trang phục của con người không giống trước đây, thậm chí vật liệu vẽ tranh đều đã phát sinh biến hóa, tuy nhiên, sự theo đuổi cái đẹp của con người xưa nay không đổi, kỳ vọng đối với nghệ thuật thần thánh chưa từng thay đổi, bởi vì nó trực tiếp bắt nguồn từ bản tính thuần chân của con người.

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle tin rằng nghệ thuật mô phỏng tự nhiên, và những tác phẩm nghệ thuật mô phỏng khiến con người cảm thấy hứng thú và vui thích. Nghệ thuật chính thống của phương Tây theo đuổi tả thực và sống động như thật, yêu cầu đạt đến độ chân thực. Trong khi đó văn hóa phương Đông lại chú trọng nội hàm, trong nghệ thuật nhấn mạnh “tả ý”, chú trọng “thần tự” (sự tương đồng về tinh thần hoặc thần thái) chứ không phải hoàn toàn tập trung vào “hình tự” (sự tương đồng về hình dạng), trên thực tế, hình thức nghệ thuật phương Đông cũng yêu cầu đạt được sự chân thực, chỉ là sự chân thực này thể hiện ra ở “ý” và “thần”. Tóm lại, bất luận là nghệ thuật chính thống của phương Đông hay phương Tây đều cố gắng theo đuổi “Chân”, sự chú trọng vào các khía cạnh khác nhau đã biểu hiện ra cái đẹp với phong cách khác nhau.

Thuần chân gần với thiện. Dù là câu chuyện kết thúc có hậu hay là áng thơ bi kịch khiến người ta thương cảm thì các tác phẩm hội họa và điêu khắc lấy tình tiết của những câu chuyện đó làm bối cảnh đều thể hiện một chủ đề chung – phương Đông gọi là “thiện”, phương Tây gọi là “ái”. Trong lịch sử mỹ thuật, các hoạ sĩ đều nỗ lực theo đuổi “tín nghĩa” và kêu gọi “bác ái” (tình yêu rộng lớn), những chủ đề này chiếm tuyệt đại đa số trong các tác phẩm đề tài tôn giáo cũng như trong các tác phẩm theo phong cách hội hoạ dân gian độc đáo. Bởi vì bản tính của con người là thiện, bản tính của con người mách bảo như vậy.

Có thể thấy, nghệ thuật là tiên phong của đạo đức nhân loại, những nghệ sĩ có nhiều thành tựu lớn trong lịch sử đều nỗ lực hết mình nhằm nâng cao đạo đức nhân loại. Nghệ thuật thể hiện giá trị quan của nhân loại, và cũng ảnh hưởng đến giá trị quan của nhân loại. Người hiểu được tư duy nghệ thuật cũng sẽ hiểu được giá trị nhân sinh. Mong rằng loạt bài “Hành trình thời không nghệ thuật” có thể mang đến cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về nghệ thuật.

Nam và Bắc

Ngược dòng lịch sử quay về châu Âu ngàn năm trước, đến với những lâu đài u ám ẩm ướt cùng không khí nghiêm trang của thời Trung cổ. Âm thanh của những lời cầu nguyện nồng ấm và sâu lắng của các tu sĩ vẫn còn vang vọng quanh những thành phố đầy mưa và sương mù. Thế kỷ mang màu sắc u ám thần bí tuy rằng vẫn chưa đi hết hành trình của nó, nhưng cũng đã tới hồi kết.

Các bức tranh kính màu trong giáo đường Gothic ghi lại tín ngưỡng thành kính của con người đối với Thần, các nghệ thuật gia thời bấy giờ đa số là tu sĩ, nhờ vào quyền lực của giáo hội mà họ có được phẩm màu, bút vẽ, đá cẩm thạch dùng trong nghệ thuật, vàng lá dùng để khảm cho tới những công cụ, nguyên liệu dùng để sáng tác nghệ thuật khác vốn rất đắt tiền lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ở hai vùng Nam và Bắc của châu Âu, phương thức nghệ thuật ca ngợi Thần lại mang phong cách rất khác biệt.

Văn hóa của nền văn minh Bắc Âu chủ yếu sử dụng gỗ trong kiến trúc. Đặc điểm này đã quyết định việc sử dụng tấm gỗ làm nền trong các bức tranh bàn thờ của vùng Scandinavia. Do đặc tính của gỗ, lại thêm công nghệ ghép gỗ chưa hoàn thiện lúc bấy giờ, nên khổ tranh bàn thờ của phương Bắc thường khá nhỏ. Qua một số tác phẩm có tính đại biểu cho sự phát triển, có thể thấy hình thái và tư thế của nhân vật trong những tranh thờ thời đầu ở phương Bắc rất khô khan cứng nhắc, mà hình thức tác phẩm vẫn luôn là những tranh khổ nhỏ hoặc tranh trang trí sách. Mặc dù phong cách tranh ngày càng trở nên tinh tế nhờ lợi thế khổ tranh nhỏ, sự chi tiết, tỉ mỉ có thể hấp dẫn người ta, nhưng so với sức lực mà tác giả bỏ ra thì sự đơn điệu, khô khan của các tác phẩm do hoạ sĩ thận trọng quá mức trong sáng tác thường khiến người ta cảm thấy được chẳng bù cho mất.

Tuy nhiên, tại phía Nam châu Âu, nơi cách xa giá lạnh, cách xa những quốc gia phía Bắc phủ đầy băng tuyết, thì khí hậu cùng ánh mặt trời ấm áp càng khích lệ các nghệ sĩ nhiệt tình ca tụng cái đẹp. Bích họa (tranh tường) kích thước lớn và việc sử dụng vải bố (canvas) khổ lớn rất thích hợp với đặc điểm khí hậu Nam Âu. Ví dụ như trong thời kỳ phát triển của hội họa ở Ý, các sáng tác không quá chú trọng vào chi tiết trong tranh mà chú ý nhiều hơn đến hiệu quả tổng thể của bức tranh lớn. Điều này bắt nguồn từ tính chất của vật liệu dùng trong vẽ tranh bích họa, tranh cần hoàn thành nhanh chóng lúc còn ướt để vật liệu dễ kết dính với nhau.

Bức tranh giữa trong bộ ba tranh thờ “Gia tộc Braque” (Braque Family Triptych) do họa sĩ người Hà Lan Rogier van der Weyden vẽ vào năm 1451. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của trường phái hội họa Bắc Âu thời đầu, chiều dài bức tranh chưa đến 1 mét. Tranh vẽ chi tiết tỉ mỉ nhưng do cẩn trọng quá mức nên tạo hình nhân vật giản lược khô khan. Tác phẩm này hiện đang lưu giữ ở bảo tàng Louvre.

Việc giao thương giữa hai miền Nam Bắc đã giúp các hoạ sĩ tăng cường quan sát, học hỏi để cùng phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật. Lịch sử cũng an bài các cuộc di cư của các nghệ sĩ như Cimabue, Messina giúp cho hội họa sơn dầu (tempera) có nguồn gốc từ đế quốc Byzantine được truyền bá rộng rãi. Sau này, Yan van Eyck đã sáng lập và phát triển tranh sơn dầu dựa trên cơ sở này. Nhờ sự phát triển của khảo cổ học, những tác phẩm nghệ thuật của Đế quốc La Mã và Hy Lạp cổ được khai quật đã khơi dậy sự quan tâm của người dân châu Âu. Bởi vì các tác phẩm khai quật được sáng tác vào thời kỳ hoàng kim nghệ thuật của Đế quốc La Mã và Hy Lạp cổ, việc tạo hình chuẩn xác và sự tinh xảo tuyệt vời của các tác phẩm đã chạm đến trái tim của tất cả các nghệ sĩ thời bấy giờ. Nghệ thuật Tây phương vốn trải qua hàng trăm năm mò mẫm, do chiến loạn mà không có bất kỳ tham chiếu nào từ nghệ thuật thời trung cổ, nhờ những hiện vật lịch sử gần như hoàn hảo này mà dường như đã tìm lại được hướng đi đúng đắn. Chỉ trong vài thế hệ, nghệ thuật phương Tây đã nhanh chóng đạt đến thời kỳ hoàng kim.

Người ta thường tin rằng thời kỳ Phục hưng bắt đầu vào thế kỷ 14 tại Ý (từ “Văn nghệ Phục hưng – Renaissance” xuất phát từ tiếng Ý là Rinascimento, có nghĩa là tái sinh hoặc phục hưng), sau đó lan sang các nước Tây Âu, đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 16. Năm 1550, nhà văn và nhà sử học người Ý Giorgio Vasari đã chính thức sử dụng nó làm danh xưng cho nền văn hóa mới trong cuốn “Cuộc sống của các họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến ​​trúc sư xuất sắc nhất” (The Lives of the Most Excellent Painters, Sculptors, and Architects) của mình. Từ này được dịch sang tiếng Pháp là Renaissance và trở nên phổ biến ở các nước châu Âu sau thế kỷ 17. Vào thế kỷ 19, các nhà sử học phương Tây tiếp tục dùng từ này làm thuật ngữ chung cho văn hóa Tây Âu từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16. Các nhà sử học phương Tây cho rằng đó là sự phục hưng nền văn hóa nghệ thuật của đế quốc La Mã và Hy Lạp cổ.

“Đám cưới ở Cana” (The Wedding at Cana) được họa sĩ Paolo Veronese người Ý vẽ vào năm 1562 – 1563. Bức tranh có kích thước 6,77 x 9,94 mét, trở thành bức tranh sơn dầu trên vải lớn nhất ở Bảo tàng Louvre, khí thế hoành tráng, nhân vật đông đúc, sống động như thật, có thể coi là hình mẫu của họa phái Venice.

Khi các nghệ sĩ thời Phục hưng dần dần trở nên thành thục, các tác phẩm của họ cũng bắt đầu phát triển. Họa phái phương Bắc đã xuất hiện các tác phẩm hội họa khổ nhỏ tinh tế tỉ mỉ theo trường phái hội họa Hà Lan và các tác phẩm khổ lớn hơn theo trường phái Antwerp. Các tác phẩm khổ lớn ngày càng gây ấn tượng với mọi người về quy mô và diện tích, bố cục và tạo hình nhân vật ngày càng sống động; đồng thời, các tác phẩm khổ nhỏ cũng bắt đầu phát triển theo hướng sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho tới siêu tả thực. Có thể thấy nghệ thuật đã phát triển theo hướng lớn thì càng lớn mà nhỏ thì càng nhỏ, đồng thời cũng phát triển theo hướng càng toàn diện và càng chi tiết hơn.

Ở Nam Âu đã xuất hiện ba bậc thầy thời Phục hưng nổi tiếng là Leonardo da Vinci, Michelangelo và Raphael. Điều đáng nói là vào năm 1453, Đế quốc Ottoman chiếm được Constantinople (thủ đô của Byzantine) và Đế quốc Byzantine sụp đổ. Rất nhiều nhân tài chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Đông nhưng vẫn giữ tinh thần của Đế quốc La Mã cổ đại đã trốn sang Ý, mang theo nhiều tư tưởng và nghệ thuật mới mẻ, họ mở trường học ở Rome để dạy tiếng Hy Lạp, điều này càng thúc đẩy văn nghệ Phục hưng hình thành và phát triển, nghệ thuật cũng tiếp tục phát triển theo hướng hoàn mỹ hơn. Nghệ thuật thời kỳ này đã vượt trội hơn so với những người đi trước trong việc biểu đạt sự chân thực về mọi mặt, từ không gian, sáng tối, cảm giác vật chất đến khắc họa tính cách nhân vật, đã trở thành kho báu chung của văn hóa nhân loại.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49528



Ngày đăng: 04-04-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.