Hành trình thời không nghệ thuật (8): Nghiên cứu kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống (Phần 1)



Tác giả: Arnaud

[ChanhKien.org]

Tranh sơn dầu khởi nguồn từ châu Âu vào khoảng thế kỷ 15, chất liệu sơn dầu đa số được làm từ dầu hạt lanh hoặc dầu hạt óc chó trộn với bột màu rồi vẽ lên vải (canvas) hoặc bảng gỗ đã qua xử lý. Bởi vì chất liệu sơn dầu không đổi màu sau khi khô, không dễ bị đục màu khi pha trộn nhiều màu nên có thể giúp họa sỹ vẽ được nhiều lớp màu với màu sắc chân thực. Kỹ thuật vẽ sơn dầu rất phong phú, chất màu có thể trong suốt hoặc đục. Với tranh vẽ dày, độ che phủ mạnh thì khi vẽ thậm chí có thể phủ từng lớp từ tối đến sáng, mang lại cho bức tranh cảm giác ba chiều của bề mặt vật liệu.

Nhờ vào các đặc tính vượt trội này, chất liệu sơn dầu thích hợp dùng để sáng tác các tác phẩm có quy mô lớn hay các tác phẩm sử thi, nhờ thê tranh sơn dầu nhanh chóng trở thành loại hình hội họa chủ đạo trong lịch sử hội họa Tây phương, những tác phẩm hội họa Tây phương còn lưu giữ được đến ngày nay chủ yếu là tranh sơn dầu. Mặc dù vào cuối thế kỷ 19, do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều chất liệu mới đã được ứng dụng trong lĩnh vực vẽ tranh sơn dầu như sơn acrylic, nhưng sơn dầu vẫn chiếm vị trí chủ đạo trên các giá vẽ phương Tây.

Khi vẽ tranh sơn dầu, họa sỹ thường sử dụng các chất liệu dễ tẩy xóa chỉnh sửa hoặc dễ được che phủ như than thỏi để phác thảo hình khối, sau đó bắt đầu tô màu dần dần lên những hình khối đã được phác thảo chuẩn xác, từng bước hoàn thiện phần màu sắc và tạo hình, sau cùng dùng các loại màu dầu trong suốt để phủ nhiều lớp lặp đi lặp lại cho đến khi tác phẩm hoàn thành.

Nhưng đối với một số bức tranh sơn dầu sử dụng lớp màu vẽ tương đối dày, người ta thường có thói quen vừa lên màu vừa tạo hình, như vậy việc thay đổi hình khối trong tranh linh hoạt hơn rất nhiều, hoạ sĩ cũng không cần bức tranh sau khi hoàn thành bề mặt vật liệu phải nhẵn mịn, chủ yếu cần xem xét phương diện hội họa trong tổng thể bức tranh, ít quan tâm đến đặc tính chất liệu hoặc độ sáng mịn trong kết cấu hoặc trong các chi tiết nhỏ v.v., tức là chú trọng những chi tiết lớn và chỉnh thể bức tranh. Thông thường những tác phẩm như vậy nếu không phải là những bức tranh thương mại của họa sỹ đường phố, thì chính là những tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc, nhìn chung kích thước của chúng khá lớn, thời gian vẽ không quá lâu, việc dùng cọ và phối màu đơn giản và phóng khoáng hơn (nhưng có giới hạn cơ bản và cơ điểm vẽ tranh).

Một số họa sỹ thích vẽ phủ từng lớp màu sáng và tối lên trên nền canvas đã được sơn màu sẵn để tạo ra các hình ảnh và bóng đổ. Điều này cũng rất thú vị, đặc biệt khi cần thể hiện một số hiệu ứng ánh sáng, vẽ theo cách này nhanh hơn và cũng thuận tiện hơn. Ngoài ra, một số chi tiết không định hình được như mây, sương mù thì chỉ thể hiện được sau khi lên màu vì chúng không có hình tượng cụ thể chân thực. Khi dùng bút chì phác họa hình khối trên nền của bức tranh sơn dầu thì các đường vẽ này thường khó bị che đi nếu lớp màu không dày, nhưng nếu dùng các vật liệu như than thỏi để vẽ các đường này, rồi dùng vải mềm loại bỏ phần bột than thừa thì có thể dễ dàng che phủ đi bằng một lớp màu mỏng.

Ngoài ra, đối với những họa sỹ đã có kỹ năng cơ bản tương đối tốt, các kỹ thuật khác nhau nên được vận dụng một cách tự do, linh hoạt và khéo léo trong quá trình sáng tác, không nên bị bó hẹp trong cái khung kỹ thuật mà cản trở ý tưởng của bản thân. Bởi vì trên con đường thể hiện nghệ thuật quang minh mỹ hảo, kỹ thuật được tạo ra vì nghệ thuật chân chính, chứ không nên lấy kỹ thuật làm chủ mà cản trở việc thể hiện nghệ thuật của nghệ sỹ.

Bức “Đức Mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng với Thánh Anne” (The Virgin and Child with St. Anne) của Leonardo da Vinci.

Mặc dù màu sơn dầu hiện nay hầu hết được sản xuất bằng máy móc và rất mịn, giúp cho độ trong tăng lên khi sơn mỏng, nhưng khả năng che phủ kém xa so với các loại bột màu do người xưa chế tạo thủ công. Vì lý do này mà có rất nhiều chi tiết trong bức tranh muốn sơn phủ đi nhưng không thể làm được như ý, do đó nhiều họa sỹ đã sử dụng phương pháp vẽ màu cực dày bằng dao vẽ (Impasto), dùng dao phết dày vật liệu màu lên trên bức tranh nhằm tăng cảm giác dày nặng cho tranh.

Một nhược điểm rất lớn của phương pháp này là rất khó bảo quản tranh. Những bức tranh quá dày dễ bị nứt, có những bức tranh chưa tới vài tháng đã nứt như mai rùa, cơ bản là không thể trụ vững cùng năm tháng. Đồng thời, nếu không biết phối hợp với cọ vẽ thì sẽ không đạt được hiệu quả chuyển màu cần thiết. Nhưng nếu tác phẩm chủ yếu mang tính trang trí, như dùng các khối màu sắc thể hiện một số hình dạng góc cạnh v.v. thì lại là chuyện khác, vì những mặt cắt tương tự như hình kim cương và ngọc lục bảo cũng có thể tạo ra các khối màu có quy luật, nhưng lại có tính trang trí và tính nghệ thuật rất đẹp mắt.

Nhiều người luyện tập vẽ màu bột rồi tiến tới tiếp cận kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu, bởi vì cả vẽ sơn dầu và vẽ màu bột đều có thể phủ màu che lớp nền, nhưng màu bột sử dụng nước để pha bột màu, như vậy rẻ tiền hơn một chút. Tuy nhiên vẫn có nhiều điểm khác biệt giữa hai loại màu này. Chưa nói đến việc màu bột có sự thay đổi rất lớn lúc ướt và lúc khô, và kỹ thuật vẽ tương đối đơn giản, hãy nói cụ thể về kỹ thuật phủ màu. Khi sử dụng cọ mềm để sơn màu bột, nếu lượng nước vừa phải thì sau khi đi xong nét cọ thứ nhất có thể nhanh chóng phủ nét thứ hai lên trên nét thứ nhất, màu sắc và hình dạng của nét cọ thứ hai sẽ không hoặc hiếm khi thay đổi bởi màu của nét đầu tiên, trừ khi tô qua quét lại nhiều lần; nhưng nếu màu dầu trong cùng một lớp chưa kịp khô, màu của nét cọ thứ hai có thể bị trộn với màu của nét cọ đầu tiên ngay bên dưới, trừ khi vẽ xong lớp màu thứ nhất rồi đợi một, hai ngày cho khô mới vẽ lớp thứ hai.

Chính vì điều này, khi cần dùng một số màu dầu để vẽ những màu tinh khiết, nếu không chú ý mà vẽ dính vào những vùng màu không tinh khiết khác sẽ khiến màu tinh khiết của những vùng đó bị biến sắc và đục, nếu muốn làm cho nó tinh khiết trở lại thì rất tốn công sức (hoặc là phải cạo đi, hoặc là phủ lên một lượng lớn màu tinh khiết, hoặc đợi khô rồi sơn lớp khác…). Vì vậy, để giải quyết tình huống này, một số họa sỹ đã phát minh ra kỹ thuật làm xám bức tranh màu đậm.

Trong phương pháp vẽ tranh sơn dầu truyền thống, trước tiên là vẽ tranh đen trắng, sau đó từ từ phủ màu lên trên, khiến cho từng nét từng tầng màu sắc dần trở nên rõ ràng lên, cho đến lớp phủ cuối cùng thì càng rạng rỡ tươi sáng. Phương pháp “làm xám bức tranh màu đậm” thì ngược lại, bức tranh lúc đầu rất rạng rỡ tươi sáng và có độ tinh khiết cao, sau đó trộn tông màu xám vào khiến bức tranh thành xám đi. Kỹ thuật này giống như vẽ bằng màu nước ướt, nó cho phép mang lại hiệu ứng tổng thể tốt hơn cho bức tranh chỉ sau một hoặc hai lớp màu, cho phép tác giả điều chỉnh màu sắc nhanh chóng và trực tiếp, tiết kiệm rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc đưa một tấm canvas từ trống không trực tiếp đạt được hiệu quả màu sắc sống động đòi hỏi phải có năng lực bao quát tổng thể, chính là phải đạt được nền tảng khá vững vàng trong giai đoạn rèn luyện kỹ năng cơ bản.

Tất nhiên, là một họa sỹ, tăng tốc độ vẽ thường không phải là điều xấu, nhưng trước tiên phải lấy chất lượng làm cơ sở rồi mới có thể nói đến tốc độ. Đương nhiên, nếu cố gắng hết sức để vẽ thì khi vẽ sẽ càng ít mắc lỗi, càng ít chỗ phải sửa chữa thì sẽ vẽ càng nhanh. Đây cũng là một yếu tố quan trọng giúp cải thiện tốc độ vẽ tranh, nhưng chất lượng luôn phải là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu.

Ở nhiều trường nghệ thuật ngày nay, thời gian dành cho sinh viên hoàn thành một bức tranh sơn dầu nhiều nhất chỉ vài giờ, nhưng lại thường yêu cầu kích thước của bức tranh hoàn thành phải cao hơn một mét. Vì vậy, sinh viên đã cố tìm các “mánh khóe”, sử dụng những nét cọ lớn trong thời gian ngắn vẽ chiếu lệ những hình khối và màu sắc mà lẽ ra phải được khắc họa một cách nghiêm túc, cuối cùng sinh viên không cách nào hiểu được thái độ nghiêm túc tận tâm cũng như nắm vững thành thạo được kỹ thuật cơ bản cần có của người họa sỹ.

Xem thêm: https://chanhkien.org/2023/11/thoi-dai-ma-tinh-than-va-ky-phap-ve-tranh-son-dau-co-dien-bi-mai-mot.html

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49543



Ngày đăng: 23-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.