Hành trình thời không nghệ thuật (4): Triển lãm tranh tại bảo tàng Louvre (Ảnh)



Tác giả: Arnaud

[ChanhKien.org]

Cung điện tân cổ điển với những khu vườn xinh đẹp, toà nhà chính với những hành lang dài trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, các cột trụ được trang trí bằng vô số hình điêu khắc và bích hoạ tinh xảo, tuyệt đẹp, cổ kính trang nghiêm, tinh tế tao nhã, đây là những miêu tả cơ bản về bảo tàng Louvre, nơi được mệnh danh là thánh đường của nghệ thuật thế giới.

Quang cảnh kiến trúc mái vòm trung tâm của dãy nhà Denon, bảo tàng Louvre (Nhiếp ảnh gia Lý Đông Ni)

Thánh địa nghệ thuật Louvre từng là cung điện hoàng gia lâu đời nhất trong lịch sử nước Pháp, nằm ở bờ bắc sông Seine thuộc trung tâm thành phố Paris. Tòa cung điện có diện tích 4,8 ha, tổng chiều dài 680 m này là kho tàng nghệ thuật nổi tiếng nhất và lớn nhất thế giới. Cung điện nghệ thuật lưu giữ các bảo vật nổi tiếng thế giới này đã thu thập tổng cộng 400.000 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có 6.000 bức tranh sơn dầu, 100.000 bản phác thảo, 80.000 tác phẩm nghệ thuật phương Đông và 30.000 tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp và La Mã cổ đại. Quần thể kiến trúc bảo tàng Louvre cùng với quảng trường và bãi cỏ có tổng diện tích 45 ha, với diện tích phòng triển lãm khoảng 138.000 m2, nơi quy tụ những tinh hoa của lịch sử nghệ thuật nhân loại, được mệnh danh là “Danh mục tra cứu quá trình phát triển văn minh nhân loại”.

Cảnh đêm phía trước bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp

Cảnh đêm tại bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp (Nhiếp ảnh gia Lý Đông Ni)

Cảnh đêm tại bảo tàng Louvre – tượng Louis XIV (Nhiếp ảnh gia Lý Mục)

Mặc dù vào tháng 5 năm 1871, công xã Paris – sơ khởi của chủ nghĩa cộng sản – khi đang đối mặt với thất bại đã phóng hỏa bảo tàng Louvre và cung điện Tuileries liền kề, nhằm đốt cháy tất cả những báu vật nghệ thuật hoàn mỹ nhất trong lịch sử nhân loại (thời đó, công xã Paris cũng quyết định đốt các công trình kiến trúc có tính biểu tượng khác như tòa thị chính Paris, vương cung Palais Royal, v.v. vốn chứa đầy các tác phẩm nghệ thuật quý giá), cung điện Tuilerie bị đốt cháy hoàn toàn, tòa nhà Flore (Pavillon de Flore, toà nhà lớn nối liền cung điện Louvre và cung điện Tuileries) và tòa nhà Marsan (Pavillon de Marsan) cũng bị đốt cháy, nhưng tòa nhà chính và một lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật của bảo tàng Louvre đã may mắn thoát nạn. Nếu không, sẽ không có cảnh dân chúng xếp hàng dài mỗi ngày chờ tham quan triển lãm trên mảnh đất bờ bắc sông Seine ngày nay.

Tác phẩm có tựa đề “Cảnh tưởng tượng về toà nhà chính của Louvre trong đống đổ nát” (Imaginary View of the Grand Gallery of the Louvre in Ruins), được họa sĩ Hubert Robert (1733-1808) ở Paris, Pháp vẽ vào năm 1796. Trong tác phẩm vẽ vào năm 1796, họa sĩ đã mô tả cảnh trong mộng dự cảm việc Louvre bị tàn phá, điều này đã trở thành sự thật 75 năm sau, cung điện và một số lượng lớn tác phẩm nghệ thuật thực sự đã bị công xã Paris thiêu trụi. Tòa nhà Flore và tòa nhà Marsan đã bị phá hủy nhưng may mắn là tòa nhà chính vẫn còn nguyên vẹn.

Giữa biển người đông đúc, muốn chiêm ngưỡng kỹ các bức tranh trong phòng trưng bày quả là việc khó khăn, nhưng cũng chẳng còn cách nào. Nhiều viện bảo tàng lớn lưu giữ rất nhiều tác phẩm nhưng phòng triển lãm lại không đủ rộng, không gian giữa các tác phẩm quá nhỏ khiến cho người xem phải đứng chen chúc gây tắc nghẽn, cuối cùng không ai nhìn được rõ, chỉ được đi qua một lượt như cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Thực tế, ngay cả khi không có nhiều người xem thì khoảng cách giữa các tác phẩm trưng bày cũng cần đủ rộng để đảm bảo tính độc lập và làm nổi bật tầm quan trọng của từng tác phẩm.

Riêng đối với các tác phẩm tranh sơn dầu, tranh sơn mài có bề mặt phản quang thì việc kết hợp ánh đèn chiếu sáng, hướng trưng bày cho tới việc lấy ánh sáng tự nhiên là rất quan trọng. Thường khi đứng trước một bức tranh, dù nhìn từ chính diện hay nhìn nghiêng 3/4 thì đều bị phản quang hoàn toàn, người xem bị loá mắt không thể nhìn rõ. Một số tác phẩm kích thước lớn cần phải lùi ra rất xa mới có thể thấy đại khái đường nét cơ bản, muốn đứng gần một chút cũng không nhìn được. Có thể thấy, các phòng triển lãm, phòng trưng bày tranh cần phải có khả năng điều phối ánh sáng và vị trí.

Khi thưởng thức nghệ thuật ở bảo tàng Louvre, giữa biển người đông đúc, người xem thường chỉ có thể cưỡi ngựa xem hoa, trong ảnh là Phòng Trưng Bày Lớn của bảo tàng Louvre (La Grande Galerie) (Nhiếp ảnh gia Lý Mục)

Một số tác phẩm rất tinh tế nên được đặt gần trong tầm mắt người xem để thuận tiện quan sát và nghiên cứu, bất kể kích thước lớn nhỏ của chúng. Đôi khi trong các cuộc triển lãm, hai tác phẩm được đặt cái trên cái dưới, tuy nhiên một số tác phẩm đặt phía trên sẽ không đạt hiệu quả trưng bày tốt, bởi vì phần phía dưới của bức tranh cũng đã cách mặt đất hơn 2 m nên cơ bản là không thể nhìn được phần phía trên của nó. Nếu là tác phẩm khoáng đạt hoặc mang nặng tính trang trí, không có mấy chi tiết thì cũng không sao, vì tác phẩm như vậy thích hợp để ngắm nhìn từ xa. Tuy nhiên, nếu đó là một tác phẩm có kỹ thuật tinh xảo, tiêu chuẩn cao siêu tuyệt diệu thì sẽ thật đáng tiếc nếu đặt nó ở nơi khuất tầm mắt, bởi vì việc thưởng thức những kiệt tác như vậy ở cự ly gần là điều vô cùng trọng yếu.

Một yếu tố rất quan trọng nữa là cố gắng không sử dụng ánh sáng màu để chiếu sáng tác phẩm, trừ khi bản thân tác giả muốn sử dụng ánh sáng màu nhân tạo để chiếu sáng bức tranh của mình nhằm tạo hiệu ứng nghệ thuật đặc biệt. Đối với một bức tranh, đặc biệt là tranh màu, tác giả đã cân nhắc kỹ về màu sắc trong khi sáng tác, đồng thời cũng liên tục chỉnh sửa màu sắc để đạt hiệu quả tốt nhất. Khi trưng bày, nếu sử dụng ánh sáng nhân tạo có màu lạnh hoặc màu ấm chiếu sáng bức tranh thì về khách quan sẽ làm thay đổi tính nóng lạnh của màu sắc trong tác phẩm. Cũng giống như một tờ giấy trắng, nếu chiếu đèn vàng thì nó sẽ có màu vàng, nếu chiếu đèn xanh lam thì nó sẽ thành màu xanh lam. Có thể thấy màu sắc của nguồn sáng cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đối với tác phẩm triển lãm. Tất nhiên, ở một số công trình kiến trúc kiểu cung điện, nếu muốn đạt được hiệu quả chiếu sáng tổng thể vừa phù hợp với các tác phẩm nghệ thuật vừa phù hợp với công trình kiến ​​trúc thì đó lại là một vấn đề khác. Ở đây chúng tôi muốn nói rằng trong các cuộc triển lãm nghệ thuật nên sử dụng nhiều nhất có thể các nguồn ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng trắng không màu.

Trong ảnh là triển lãm hội họa thời kỳ Chủ nghĩa Tân cổ điển của bảo tàng Louvre, ánh sáng trắng không màu chiếu từ toàn bộ trần nhà giúp giữ nguyên màu sắc chân thực ban đầu của các bức tranh. (Nhiếp ảnh gia Lý Đông Ni)

Bảo tàng Louvre rộng lớn lưu giữ rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. Mặc dù về phương diện trưng bày tác phẩm vẫn có chỗ chưa ưng ý người xem, song các tác phẩm trong cung điện đều là kết tinh tâm huyết của những bậc thầy nghệ thuật các thời đại, khiến người ta phải thán phục. Thăm quan cung điện nghệ thuật này luôn mang lại cho chúng ta những trải nghiệm tốt đẹp khó quên.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49538



Ngày đăng: 23-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.