Hành trình thời không nghệ thuật (7): Khung tranh



Tác giả: Arnaud

[ChanhKien.org]

Việc trang trí tranh bao gồm đóng khung và vẽ hình trang trí xung quanh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ở Trung Quốc từ xa xưa đã có câu nói ví von rằng “Cùng họa phú biểu” (đại ý là hình vẽ trong tranh có thể đơn giản nhưng phần trang trí tranh cần cầu kỳ, phong phú). Tất nhiên hoa đẹp cũng cần điểm lá xanh, một số người cho rằng bản thân các đồ trang trí không có giá trị, thực tế cách nói này không chính xác. Hai bức tranh cùng đẳng cấp, nhưng bức được trang trí khung tranh đẹp trông sẽ thu hút hơn bức không có bất kỳ hình trang trí nào. Trong các cung điện, việc trang trí các tòa nhà, các trần nhà và các bức tranh trên tường đã chứng minh rõ ràng điểm này. “Hảo mã phối hảo an” (ngựa tốt cần phối hợp với yên ngựa tốt) là một câu nói rất có đạo lý. Trang trí cầu kỳ cho bức tranh thực sự phản ánh sự tôn trọng tinh thần nghệ thuật và lý tưởng nghệ thuật của tác giả.

Nhân vật trong bức tranh “Đức Trinh nữ và đứa trẻ trong vòng hoa” (The Virgin and Child in a Garland of Flowers) được vẽ bởi họa sĩ nổi tiếng người Flemish, Peter Paul Rubens; tương truyền rằng họa sĩ vẽ hoa cỏ nổi tiếng Jan Brueghel the Elder đã đặc biệt vẽ thêm vòng hoa trang trí xung quanh bức tranh, tạo thành một “khung tranh vòng hoa” hình bầu dục, rồi lại lắp thêm một khung tranh gỗ hình chữ nhật, điều này càng làm nổi bật vẻ đẹp qua sự kết hợp giữa nghệ thuật hội họa và trang trí.

Thậm chí một số bức tranh nhỏ cũng cần diện tích trang trí đủ lớn, điều này có thể mang lại cho bức tranh cảm giác quan trọng và đặt tác phẩm vào vị trí “vẽ rồng điểm mắt”. Cũng giống như các hiệp sĩ thời xưa cần trang bị rất nhiều thứ và có thêm tùy tùng mới có thể ra chiến trường, cũng giống như trong chiến tranh hiện đại, mỗi chiến hạm cần phải có tàu hộ vệ, tàu hộ tống. Một bức tranh được hoàn thiện chỉ đơn giản có nghĩa là công việc vẽ tranh chính đã được hoàn thành, việc lựa chọn khung cho bức tranh cũng rất quan trọng. Một số bậc thầy thời xưa biết rằng tác phẩm của họ sẽ được đóng khung kỹ càng sau khi hoàn thành, nhưng họ vẫn phải vẽ tay một lớp thậm chí vài lớp hoa văn trang trí trong tranh của mình, để sau khi hoàn thiện có thể kết hợp với việc đóng khung tạo thành nhiều lớp trang trí từ đó đạt được hiệu ứng thị giác đẹp mắt hơn. Có thể thấy việc trang trí sau khi công trình hoàn thành quan trọng như thế nào.

Trong một số cung điện và giáo đường hoành tráng lộng lẫy, một vài bức tranh khá nhỏ cũng có thể phát huy tác dụng rất lớn. Điều này thể hiện qua việc diện tích trang trí của những bức tranh nhỏ này thậm chí có thể vượt quá diện tích của chính tác phẩm. Những bức tranh này giống như những viên ngọc trai hay đá quý được khảm trên vàng bạc, tỏa sáng lấp lánh. Một số cung điện rất trân quý các tác phẩm nghệ thuật, họ dùng một diện tích lớn để trang trí và chỉ gắn các bức họa vào những vị trí “vẽ rồng điểm mắt”, những tác phẩm kích thước nhỏ này điểm trên diện tích trang trí lớn như vậy, giống như hồng lam bảo ngọc tô điểm trong vàng, ánh sáng lóa mắt, không thua kém những bức tranh trần to lớn kia. Điều này khiến người ta nhớ đến những chiếc hộp nhỏ dùng để đựng ngọc trai, quả thực là báu vật hiếm có khó tìm!

Vì vậy, một khi cần thực hiện phần trang trí trên diện tích lớn thì hình thức, nội dung trang trí cho tới tác dụng làm nổi bật bức tranh nhất định phải phù hợp. Tất nhiên, đây cũng là một phạm trù mỹ thuật lớn, đồng thời cũng được xây dựng dựa trên sự hiểu biết của người làm trang trí đối với cái đẹp. Nhưng mặt khác, đối với người làm trang trí, trách nhiệm của họ viên dung, tức là làm cho mọi thứ hài hòa thống nhất với nhau, khiến cho việc trang trí tạo cảm giác vui thích chứ không phải là phá hoại. Vì vậy, một người trang trí giỏi cần phải có niềm đam mê, sự bình tĩnh và lý trí. Lấy ví dụ, giống như người làm yên ngựa, họ làm vì người cưỡi ngựa, đồng thời còn phải phù hợp với con ngựa, giả sử cái yên này chỉ có thể đặt trên thân một con gà, cho dù nó thực sự được làm rất đẹp thì người khác cũng không thể cưỡi được, như vậy người này có lẽ trở thành một thợ thủ công lành nghề nào đó, nhưng trong vai trò này, ít nhất là trong việc làm yên ngựa, anh ta sẽ không thể tồn tại được.

Một vị trí trên trần nhà tại Bảo tàng Louvre. Những bức tranh trần miêu tả, ca ngợi các vị Thần và thiên sứ như thế này nằm rải rác khắp các phòng trưng bày của Bảo tàng Louvre. Tác phẩm này có kích thước không lớn nhưng các phù điêu tròn đan xen hai màu vàng và bạc được trang trí trên phần diện tích cực lớn, khiến bức tranh trần được tạo hình đa dạng và phong phú này được trang trí bằng khung vòng hoa vàng kim bên ngoài. Nhìn từ xa, bức tranh xinh đẹp và độc đáo như viên đá quý nhiều màu sắc khảm trên chiếc nhẫn.

Đôi khi nếu họa sĩ, người làm trang trí, người xây dựng và người thiết kế có thể hợp tác tốt với nhau thì hiệu quả nghệ thuật cuối cùng sẽ rất hài hòa. Khi cùng nhau thương lượng để giải quyết các vấn đề xuất hiện trong quá trình kết hợp hoặc sáng tác nghệ thuật, sự hợp tác có hệ thống của các nghệ sỹ thường có thể đẩy tác phẩm tổng thể lên một tầm cao nghệ thuật thẩm mỹ mới.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49542



Ngày đăng: 12-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.