Hành trình thời không nghệ thuật (11): Nghiên cứu kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống (Phần 4)



Tác giả: Arnaud

[ChanhKien.org]

Đây là bức chân dung mang tính biểu tượng, do họa sỹ đại biểu cho phái tân cổ điển của Pháp là Jacques-Louis David vẽ vào năm 1801 cho phu nhân của bạn mình là Charles-Louis Trudaine. Tác phẩm tuy chưa hoàn thành nhưng nó là một ví dụ điển hình không thể tốt hơn giúp cho con người ngày nay nghiên cứu sâu về quá trình vẽ tranh cũng như kỹ thuật hội họa thời cổ đại. Qua bức tranh, chúng ta có thể thấy được quá trình người nghệ sỹ phác thảo bức tranh cấp tốc bằng cách dùng những nét cọ nhanh và thưa để phủ nền. Họa sỹ dùng cọ vẽ nhanh nên những phần cần làm phẳng trên tường cũng như cần làm mịn trên chiếc váy lại được lấp đầy bằng những nét vẽ không đều. Hơn nữa, toàn bộ bức tranh không có chi tiết tỉ mỉ nào, đó là để bước tiếp theo có thể tiếp tục vẽ mà không lo làm hỏng các đường nét đã vẽ ở giai đoạn đầu. Mặc dù như vậy, chúng ta có thể thấy được khuôn mặt và cổ của nhân vật được họa sỹ miêu tả rõ ràng hơn những phần khác. Tác phẩm này hiện lưu trữ tại Bảo tàng Louvre.

Đối với một tấm canvas trống không hoặc chỉ có vài đường miêu tả hình thể, thì quá trình phác thảo bức tranh rất nhanh, họa sỹ nhanh chóng phủ đầy bề mặt tranh, cũng giống như múa kiếm vậy. Quá trình này trong vẽ tranh sơn dầu thường được gọi là bước đầu tiên sắp xếp các mối quan hệ chính của một bức tranh (các mối quan hệ chính thường đề cập đến quan hệ sáng tối, không gian và kết cấu – ND). Họa sỹ đã bỏ qua các tiểu tiết, bộ phận và tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc nhanh chóng tạo ra hiệu quả tổng thể, chính là cần phải nhanh chóng phủ toàn bộ canvas, tạo được hình lớn, đồng thời có thể thực hiện được mục tiêu trong thời gian ngắn.

Nhưng đối với những họa sỹ có kỹ năng cơ bản tốt, họ có thể sử dụng kỹ thuật biến hóa đa dạng mà không bị hạn chế, thông thường các bước “chỉnh thể – cục bộ – chỉnh thể” có thể được vận dụng tùy ý. Ví dụ: thiết lập “chỉnh thể” lúc ban đầu có thể được sắp xếp hoàn toàn trong đầu, khi hạ bút vẽ có thể miêu tả “chi tiết cục bộ” luôn, chỉ cần tới lúc hoàn thành cuối cùng thì tất cả các khía cạnh đều hài hòa thống nhất, tạo hình hoàn mỹ, vậy thì có gì là không được? Trên thực tế các bức tranh tường, mà đặc biệt là bích họa, đều được vẽ như thế, chỉ là về sau các họa sỹ sơn dầu nhận thấy rằng cần phải cân nhắc nhiều yếu tố hơn trong toàn bộ quá trình vẽ tranh mà thôi. Nhưng phương pháp vẽ chi tiết luôn có thể giúp quá trình hoàn thành bức tranh nhanh hơn rất nhiều, đây cũng là cách mà rất nhiều họa sỹ vẽ năng suất chọn dùng – nhưng tiền đề là các kỹ năng cơ bản phải vững chắc thì mới có thể làm được như vậy.

Cần nói rõ rằng, dù có cố gắng đến đâu nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất thì “chi tiết cục bộ” trong lần vẽ đầu tiên cũng có thể sẽ không được như ý, điều này rất bình thường. Bởi các chi tiết chỉ xuất hiện đầy đủ ở giai đoạn giữa và sau, đặc biệt là những phần tinh tế nhất. Nhưng nếu có khả năng khắc họa một số ít các chi tiết ngay lúc bắt đầu mà lại không ảnh hưởng đến ý tưởng sáng tạo về sau thì rất tốt (trong tình huống thông thường, việc nỗ lực vẽ chi tiết lúc đầu sẽ khiến họa sỹ không thể vẽ chi tiết hơn về sau này, vì vậy ở đây đề cập đến các họa sỹ có kỹ thuật điêu luyện), tuy nhiên một bức tranh vẽ thành công chỉ trong một lần là điều không tưởng.

Trong quá trình sáng tác cụ thể, việc vẽ lần lượt từng bước có trật tự sẽ khiến họa sỹ dần tĩnh lại, vì trong tâm không phải lo lắng quá nhiều đến các phần khác – tất nhiên bản thân họa sỹ phải làm chủ toàn bộ ý tưởng. Điều này giống như một trận tấn công, đánh chiếm từng phần, tấn công từng thành trì, dần dần mở rộng các thành trì đã chiến thắng, cuối cùng đạt được thắng lợi hoàn toàn. Cách này thường có thể tiết kiệm được rất nhiều màu vẽ, nhưng cần phải có chút cảm giác cấp bách, biết rằng các phần khác vẫn chưa được vẽ, đừng kéo dài thời gian quá lâu.

Trong hội họa, điều quan trọng là cố gắng duy trì việc xử lý các bước một cách đơn giản thuận tiện nhất định. Bởi vì mỗi bước trong toàn bộ quá trình đều nhằm mục đích toàn tâm nhất trí đạt được thành công. Ví dụ, khi vẽ một thứ gì đó trên giấy trắng, nếu đều không có các thứ như đường phụ trợ, hình thái tổng quát, hoặc kế hoạch tổng thể mà muốn trong một lần có thể vẽ ra một bức tranh tả thực toàn nhân tố thì sẽ rất khó. Tuy nhiên, nếu chia nhỏ quá trình thành từng bước, bắt đầu bằng việc xác định vị trí, sau đó phác thảo hình thể, tiếp đến sắp xếp các mối quan hệ chính, rồi đi sâu vào từng phần, mở rộng cục bộ cho đến khi hoàn thành, và cuối cùng là đánh bóng. Bằng cách này, mỗi bước chỉ giải quyết một hoặc một vài công việc đơn giản, khiến cho bức tranh từng bước được hoàn thành. Vì vậy, những họa sỹ từ đầu luôn dựa vào việc suy tính mọi thứ trong tâm, bắt đầu đã vẽ chi tiết cục bộ, hoặc kỳ vọng hình họa và màu sắc sẽ xuất hiện đồng thời trong bức tranh, thì mỗi khi hạ bút vẽ phải đồng thời suy nghĩ đến rất nhiều nhân tố, lúc này nếu họ không có kinh nghiệm và kỹ năng cơ bản xuất sắc thì khó khăn gặp phải sẽ càng lớn hơn.

Cũng trong năm 1801, họa sỹ tại Paris, Pháp là François-André Vincent đã vẽ tác phẩm còn dang dở này, tác phẩm mang tên “La bataille des Pyramides” (Trận chiến của các Kim tự tháp). Qua bức tranh có thể thấy phần cận cảnh của tác phẩm vẫn là những đường viền phác họa hình khối, trong khi tác giả đã bắt đầu sử dụng kỹ thuật làm trắng những phần sáng ở khu vực viễn cảnh, từng bước mở rộng cục bộ, dần dần hoàn thành miêu tả viễn cảnh. Kỹ thuật vẽ từng bước cụ thể theo phương pháp trước tiên vẽ hình khối cơ bản, sau đó vẽ viễn cảnh, rồi đến cảnh cận cảnh này giúp đơn giản hóa những thứ cần xem xét ở mỗi bước, khiến cho việc vận dụng kỹ thuật lưu loát hơn. Tác phẩm này hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Louvre.

Một số họa sỹ chỉ vì theo đuổi kỹ thuật mà làm nghệ thuật đang tự tạo thêm khó khăn cho chính mình. Sự tiện lợi và thực dụng của kỹ thuật là điều mà mọi nghệ sỹ đều mong đợi, nhưng kỹ thuật là để biểu đạt chứ không phải để tạo hiệu ứng kết cấu hay để mọi người thừa nhận và cảm nhận về bản thân kỹ thuật. Vì vậy, các họa sỹ đều có những kỹ thuật tiện dụng của bản thân, nhưng một họa sỹ giỏi không phải vì người đó biết một số kỹ năng bí mật đặc biệt nào đó, mà vì người đó có thể sử dụng những kỹ thuật thực dụng đó một cách hợp lý, sinh động, tác động trực tiếp đến nội dung bức tranh, từ đó đạt được mục đích biểu hiện nghệ thuật chân thực.

Tất nhiên, các vấn đề được thảo luận ở đây đều dành cho những họa sỹ có trình độ nhất định thậm chí tương đối cao. Là một họa sỹ bình thường, nếu vẫn chưa thành thạo các kỹ thuật hội họa thì phải chăm chỉ nghiên cứu bài học bắt buộc này – cần đứng trên cơ điểm lớn mà học tập những kỹ thuật không thể thiếu trong hội họa.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49714



Ngày đăng: 09-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.