Hành trình thời không nghệ thuật (2): Cửa sổ



Tác giả: Arnaud

[ChanhKien.org]

Trong tiếng đàn đại phong cầm trang trọng du dương, bầu không khí tĩnh lặng làm nổi bật tông màu đen của giáo đường. Những tia sáng đầy màu sắc chiếu qua những bức tranh khảm kính màu trên cửa sổ dẫn vào đại sảnh tối tăm, là những nốt thanh hiếm hoi trong giai điệu thâm trầm đen tối. Tuy nhiên, giai điệu này đang dần thay đổi.

Ảnh chụp vương cung thánh đường Thánh Magdalene ở miền Nam nước Pháp, toàn bộ bên trong giáo đường vẫn bị bao phủ bởi bóng tối ngay cả dưới ánh sáng đèn pha của công nghệ hiện đại. Rõ ràng là một vài ô cửa sổ nhỏ trong công trình kiến trúc này đã không thể hoàn thành nhiệm vụ của chúng.

Vào khoảng thế kỷ 12, khi kiến ​​trúc mô phỏng kiểu La Mã kết hợp nhiều phong cách nghệ thuật khác như phong cách Cận Đông, La Mã, Byzantine lan rộng khắp châu Âu, thì một loại hình kiến trúc khác mang tên “Gothic” lại bắt đầu dần hình thành tại Pháp, sau đó mở rộng ra khắp châu Âu và tồn tại cho đến thế kỷ 15. Sự khác biệt lớn nhất giữa các giáo đường xây dựng theo phong cách này và các giáo đường theo phong cách La Mã là ánh sáng chiếu vào có bước sóng dài, điều này có liên quan trực tiếp đến việc thiết kế cửa sổ. Theo phong cách Gothic, cửa sổ không còn chỉ là một cái lỗ trên tường như trước nữa, nó bắt đầu dần chiếm toàn bộ diện tích bức tường và mở rộng ra xung quanh, khái niệm kiến ​​trúc trong suốt bắt đầu được biết đến. Kính màu trang trí cửa sổ được thiết kế đẹp mắt, ánh mặt trời chiếu từ ngoài vào, xuyên qua những ô cửa sắc màu chiếu vào giáo đường tạo nên bầu không khí thánh khiết.

Nói chung, kính màu trong các nhà thờ Gothic hoặc được trang trí với các kết cấu hình tròn phức tạp; hoặc tạo nên các hình tượng kích thước lớn như Chúa Giêsu, Thánh Maria, các vị thánh hoặc các nhân vật hoàng gia; hoặc tạo nên hình ảnh minh hoạ các câu chuyện theo chủ đề trong Kinh thánh. Màu sắc đều rất lộng lẫy, ánh sáng rực rỡ.

Cửa sổ hoa hồng ở phía Bắc của Nhà thờ Đức Bà Paris (Cathédrale Notre-Dame de Paris), một tòa nhà theo kiến ​​trúc Gothic thời kỳ đầu, được xây dựng từ năm 1163 – 1250.

Tại Bảo tàng Louvre, có một số bức tranh bằng kính màu được đặc biệt lồng trong khung, phía sau chúng đặt một số đèn huỳnh quang. Ánh sáng nhân tạo mạnh chiếu qua kính màu từ phía sau bức tranh tạo hiệu ứng màu sắc đẹp rực rỡ. Tuy nhiên, sự thành công của các bức tranh này nằm ở chỗ nó sử dụng đèn chiếu nhân tạo làm nguồn sáng, chỉ có sử dụng nguồn sáng nhân tạo rất mạnh chiếu từ phía sau bức tranh kính cách vài cm thì mới đạt được hiệu quả như vậy.

Bức tranh kính màu “Quốc vương Pháp cấp giấy chứng nhận cho nhà thờ Rouen” được chế tác tại Rouen, Pháp vào năm 1540, hiện được lưu trữ tại Bảo tàng Louvre, một số đèn huỳnh quang có độ sáng cao màu trắng được tích hợp bên trong bức tranh để đạt được hiệu ứng như trên. (Ảnh chụp/Lý Mục)

Công dụng cơ bản của cửa sổ là lấy ánh sáng, độ trong suốt của nó ảnh hưởng đến lượng ánh sáng tự nhiên chiếu vào phòng. Trên cơ sở này, kích thước lớn nhỏ của cửa sổ cũng đóng một vai trò quan trọng. Trong một số giáo đường nhỏ có thiết kế tương tự, khi các cửa sổ còn chưa trang trí xong thì có thể hứng được rất nhiều ánh sáng. Bởi vì diện tích cửa sổ của các giáo đường Gothic rất lớn, những tấm tranh kính trên cửa sổ chưa làm xong nên phần diện tích kính tô màu ít và diện tích kính trắng trong suốt lại khá nhiều, màu sắc tổng thể còn khá nhạt nên tất nhiên ánh sáng dễ dàng chiếu vào bên trong.

Trên thực tế, ngay cả tranh kính trên cửa sổ cũng không thể được chiếu sáng hoàn hảo như ánh sáng nhân tạo trong phòng triển lãm của Bảo tàng Louvre, bởi vì ánh sáng tự nhiên bên ngoài không thể ngày nào cũng đạt cường độ ánh sáng như khi trời nắng, mà ngay cả khi ngày nào cũng có nắng gay gắt thì những tia sáng này sẽ luôn đổi hướng từ Đông sang Tây, căn bản không thể đạt tới cường độ như ánh sáng nhân tạo ở bảo tàng Louvre. Chính vì nguyên nhân này, khi sáng tác tranh kính cửa sổ, ngay từ đầu người thợ đã phải giả định giá trị ánh sáng trung bình, tức là giá trị trung bình mà ánh sáng tự nhiên có thể chiếu tới. Thông thường đều là ánh sáng tự nhiên không mạnh, giống như ánh sáng dịu nhẹ xuất hiện vào một ngày nhiều mây.

Ngày nay, một số bức tranh kính có màu rất tối, một số tranh lại có độ trong suốt rất kém, một số tranh kính cũ qua năm tháng lâu dài đã trở nên mờ đục hoàn toàn. Những bức tranh kính cũ phủ đầy bụi bặm này, ngoài một số tranh chỉ thu được một chút ánh sáng, còn lại về cơ bản giống như những bức tường, có thể thấy được hiệu quả lấy ánh sáng của chúng ra sao. Cảm giác đầu tiên khi bước vào nhiều giáo đường là thâm trầm, u ám, tuy có nhiều cửa sổ nhưng tiếc là tầm nhìn thực tế cực kỳ thấp, tạo nên sự tương phản mạnh mẽ giữa sự tăm tối bên trong giáo đường với cái nắng gay gắt bên ngoài. Mặc dù khoa học hiện đại có thể sử dụng các nguồn chiếu sáng nhân tạo mạnh để khắc phục điểm hạn chế này, nhưng ánh sáng tự nhiên thông suốt, tràn ngập luôn khiến con người cảm thấy vui tươi hơn.

Cảm giác ánh sáng trong tác phẩm nghệ thuật là yếu tố không thể thiếu để khiến con người có cảm nhận tích cực về cái đẹp. Sự theo đuổi ánh sáng của nhân loại thực ra cũng bắt nguồn từ bản tính tiên thiên của con người. Ánh sáng gắn liền với cái thiện, cái đẹp trong mọi nền văn hóa của nhân loại. Vì vậy, bất kể là loại hình nghệ thuật kiến ​​​​trúc nào, cung điện, giáo đường, nhà ở, cửa hàng, công trình lịch sử, v.v., đều không phải dùng để biểu hiện bóng tối mà là để tôn vinh ánh sáng, đây là một nguyên tắc cơ bản. Cửa sổ kính màu vừa là một tác phẩm nghệ thuật, vừa đóng vai trò trọng yếu đối với sự thành công hay thất bại trong việc lấy sáng vào bên trong công trình kiến trúc.

Trên thực tế, qua các thời kỳ lịch sử, những phương pháp mà các thợ thủ công lành nghề sử dụng cũng rất đa dạng, chứ không chỉ giới hạn trong một mô thức. Ví dụ: một số người dùng các bức phù điêu bằng kính trong suốt để tránh sử dụng công nghệ kính màu làm giảm ánh sáng, có người lại vận dụng các mức độ trong suốt của kính để làm các bức tranh trang trí khung viền, hoặc sử dụng họa tiết trang trí kính màu làm khung để tô điểm cho kính trong suốt hoặc phù điêu chạm nổi trong suốt. Tất nhiên, toàn bộ cửa sổ sử dụng những bức tranh bằng kính trong suốt màu nhạt cũng có thể đạt hiệu quả lấy sáng khá tốt.

Trên thực tế, ngay cả vào thời cổ đại, quang học kiến trúc cũng là một ngành khoa học phức tạp. Trong đó, nguồn sáng và đặc tính ánh sáng của bề mặt được chiếu sáng, sự khác biệt về độ sáng giữa bên ngoài và bên trong công trình kiến trúc, quy luật hấp thụ, phản chiếu, tản xạ, khúc xạ, phân cực ánh sáng, các đặc điểm cơ bản của màu sắc nguồn sáng, màu sắc của vật thể,… dần được con người nắm vững qua lịch sử phát triển lâu dài và phong phú. Đặc biệt là sau thời kỳ Phục Hưng thì kích thước, chiều cao, vị trí của cửa sổ cũng như cách sắp xếp và phân bố cửa sổ trong các công trình kiến trúc càng trở nên hợp lý hơn.

Nhà nguyện trong Cung điện Versailles ở Pháp thời kỳ Baroque. Cửa sổ bố trí song song với đỉnh tòa kiến trúc mang nhiều ánh sáng ban ngày vào sảnh đường. Toàn bộ nhà nguyện sáng sủa và bóng loáng, đột phá khỏi tông màu âm trầm, u ám của các giáo đường trước đây. Đồng thời, những bức tranh trên trần cũng dễ dàng được chiêm ngưỡng và trở nên hấp dẫn hơn nhờ ánh sáng tràn đầy.

Phòng Gương trong Cung điện Versailles, Pháp. Không chỉ những cửa sổ khổng lồ cao bằng toàn bộ bức tường được bố trí song song mà một dãy gương lớn không kém cũng được bố trí ở phía tường đối diện. Ánh sáng từ bên ngoài phòng chiếu thẳng vào những tấm gương rồi được gương phản chiếu đến mọi ngóc ngách của căn phòng, ánh sáng rực rỡ giao hòa, xứng đáng là kiệt tác trong lịch sử kiến ​​trúc thế giới. (François GUILLOT/AFP/Getty Images)

Khoa học kỹ thuật hiện đại có thể sử dụng nguồn ánh sáng nhân tạo để duy trì ánh sáng ngay cả vào ban ngày. Điều này chắc chắn có thể tăng lượng ánh sáng trong nhà một cách hiệu quả, nhưng do chức năng bẩm sinh của dây thần kinh, đèn điện không bao giờ có thể thay thế được cảm giác hạnh phúc và vui vẻ mà ánh sáng tự nhiên mang lại cho con người. Bản tính của con người cần ánh sáng tự nhiên do Đấng Tạo Hóa ban tặng chứ không phải ánh sáng điện nhân tạo liên tục 24 giờ không đổi. Nhìn từ quan điểm này, trong nền khoa học kỹ thuật rất phát triển hiện nay, quang học kiến trúc truyền thống vẫn có giá trị nhân văn rất cao.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49536



Ngày đăng: 15-05-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.