Hành trình thời không nghệ thuật (9): Nghiên cứu kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống (Phần 2)



Tác giả: Arnaud

[ChanhKien.org]

Kỹ thuật làm trắng (tạo ánh sáng) là một kỹ thuật phổ biến trong vẽ tranh sơn dầu truyền thống của châu Âu. Kỹ thuật này thường dùng màu trắng đục để khắc họa hình khối trên phần sáng của bức tranh. Phương pháp vẽ này bắt nguồn từ kỹ thuật vẽ gián tiếp trong tranh màu keo truyền thống của châu Âu. Đầu tiên tạo màu cho lớp nền của bức tranh, sau đó tạo hình bằng cách dùng màu trắng đục làm trắng phần sáng nhất của bức tranh (tức là phần được chiếu sáng nhiều nhất trong hình khối người hoặc vật được miêu tả – ND), dùng phương pháp phác họa bằng màu thuần sắc hoặc trộn thêm một chút các màu nhạt khác để sắp xếp và xử lý mối quan hệ giữa các lớp trong bức tranh. Trong toàn bộ quá trình làm trắng vẽ đi vẽ lại nhiều lớp, phải hết sức cẩn thận nhằm giữ cho lớp trong suốt lộ ra tại các phần tối hoặc xám của bức tranh, thậm chí phải giữ được lớp trong suốt lộ ra ở cả những vùng sáng hoặc những tiểu tiết.

Mặc dù ngày nay nhiều người đã quên cách sử dụng kỹ thuật này, tuy nhiên, nhiều họa sỹ sau thời họa sỹ người Ý Caravaggio (1571-1610) lại thích sử dụng kỹ thuật làm trắng này trên nền tối gần như đen, dẫn đến việc các họa sỹ này bị người ta quy là “Bậc thầy của họa phái u ám”. Đồng thời trong suốt quá trình lịch sử, vì nhiều nguyên nhân như chất liệu và màu sắc cũng khiến những tác phẩm loại này ngày càng trở nên tối hơn, màu dầu biến thành rất đen. Điều này rất đáng tiếc.

Nhưng đồng thời trong lịch sử nghệ thuật cũng không thiếu các bức tranh nhỏ tươi mới, phần tối được vẽ nhẹ nhàng thoáng đãng chứ không hề nặng nề ngột ngạt. Những tác phẩm này đa phần được vẽ trên nền trắng hoặc nền màu xám nhạt, vậy nên dù đã trải qua những tháng năm lịch sử lâu dài, đến nay chúng vẫn giữ được cảm giác ánh sáng hài hòa.

Cũng như vậy, nếu kỹ thuật làm trắng được áp dụng trên nền màu xám trung bình hoặc xám nhạt thì có thể phát huy được ưu điểm. Đồng thời, phần lớn tác phẩm sử dụng sắc độ cơ bản là tông màu trung tính, nhờ đó cũng không cần tốn quá nhiều tinh lực điều chỉnh màu chủ đạo, chỉ cần làm đậm một vài vùng tối nhỏ, phạm vi cũng không lớn, thêm nữa là các phản ứng hóa học xảy ra sau này ở lớp dầu cũng sẽ không khiến màu sơn trở nên quá tối. Đồng thời, nếu tác phẩm cần sử dụng nhiều kỹ thuật phủ màu tối ở giai đoạn sau, thì nền màu xám nhạt và trung bình có thể giúp kỹ thuật này tạo được độ trong và sự sáng tạo nhiều hơn – điều mà nền màu tối khó tạo được.

Tác phẩm tranh sơn dầu thường phải có màu sắc đậm một chút, đây cũng là đặc điểm tự nhiên của sơn dầu. Nhưng một số người vì muốn tác phẩm của mình đạt được cảm giác “trầm” hơn nữa mà trộn phụ gia vào sơn, điều này là không cần thiết. Trên thực tế, tranh sơn dầu có sức biểu đạt khá mạnh, không nhất thiết “trăm bức như một” phải đạt được hiệu quả dày đục như vậy. Ví dụ, trong một số tác phẩm của Anh quốc, màu tranh sơn dầu rất mềm mại nhẹ nhàng, giống như họ đang vẽ tranh màu nước, khác hẳn với tranh của các vùng khác. Cũng chính là nói, tư tưởng của các nghệ sỹ cần mở rộng khoáng đạt hơn.

Trong hội họa, bất kể là phương pháp, kỹ thuật hay ý tưởng, kế hoạch hay hành động thực tế cụ thể, đều không thể đi đến cực đoan. Ví dụ: có rất nhiều cách biểu đạt hình thức hoặc nội dung tương đối phức tạp mà có thể khiến bức tranh đạt được hiệu quả thị giác phong phú đa dạng, vì vậy một số người có thể bắt đầu theo đuổi những thứ đó, có thể là quy trình kỹ thuật phức tạp, công thức vật liệu màu, hoặc là kết hợp bố cục phức tạp, hoa văn trang trí, v.v. Nhưng cách làm “bỏ gốc lấy ngọn” này không phải là lý tưởng. Bởi vì có nhiều thứ không nên theo đuổi quá mức theo cách con người vẫn làm mà hủy mất đi sự hòa hợp tự nhiên. Trên thực tế, nhiều yếu tố như vật liệu hay kỹ thuật cần được sử dụng và phát triển một cách tự nhiên theo nhu cầu chính đáng chứ không nên theo cách con người muốn gì làm nấy. Quy trình kỹ thuật hoặc kết hợp vật liệu quá phức tạp sẽ gây cảm giác giả tạo và làm tăng độ khó cho việc sáng tác, khiến người họa sỹ bị kỹ xảo dắt mũi thay vì sử dụng các kỹ thuật vẽ tranh bình thường, cuối cùng dễ dẫn đến làm nhiều được ít.

Trên thực tế, khi vẽ một số nội dung cụ thể, nếu có thể hoàn thành việc vẽ hình khối trong một hoặc hai lần thì nên quyết tâm hoàn thành thay vì trì hoãn về sau này. Nếu không, khi vẽ nội dung ở giai đoạn tiếp theo, khối lượng công việc sẽ liên tục tăng lên dẫn đến phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành tác phẩm, việc tiêu tốn thời gian, năng lượng và trạng thái vẽ tranh như thế này rất không cần thiết.

Bức tranh “Quý bà Récamier” (Portrait of Madame Récamier) được họa sỹ người Pháp Louis David vẽ vào năm 1800. Đây là một bức tranh sơn dầu chưa hoàn thiện, đã thể hiện ra đầy đủ kỹ pháp vẽ lớp nền: những nét vẽ lỏng lẻo dưới lớp màu trong suốt của phông nền cùng với màu sắc âm ám biểu hiện bầu không khí mang cảm giác tĩnh lạnh mông lung kỳ ảo của chủ nghĩa cổ điển; kỹ thuật làm trắng dày đục làm cho những phần màu sáng của nhân vật và trang phục trở nên sống động nổi bật; tuy tác phẩm chưa hoàn thành, nhưng nhân vật đã có tác dụng chủ thể trên kịch đài cổ điển. Tác phẩm này hiện lưu trữ tại Bảo tàng Louvre.

Một phần của bức tranh “Quý bà Récamier”, phương pháp xử lý phần tối mỏng và trong là nét đặc trưng của hầu hết các bức tranh sơn dầu truyền thống. Điều này giúp tạo nên sự tương phản trong kết cấu cũng như với phần sáng đục trong bức tranh, từ đó làm nổi bật những phần sáng của chủ thể, đồng thời tạo ra cảm giác vừa thực vừa ảo.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49545



Ngày đăng: 04-12-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.