Hành trình thời không nghệ thuật (5.1): Lớn và nhỏ (Ảnh)



Tác giả: Arnaud

[ChanhKien.org]

“Bữa tiệc trong nhà Levi” (The Feast in the House of Levi) được vẽ bởi Paolo Veronese năm 1573, 555×1280 cm, hiện lưu trữ tại phòng trưng bày Accademia (Gallerie dell’Accademia) ở Venice. Phái hội họa Ý không bao giờ quên truyền thống vẽ tranh bích họa quy mô lớn. Vào thế kỷ 16, người Venice bắt đầu vẽ những bức tranh sơn dầu khổng lồ trên canvas để thể hiện niềm đam mê nghệ thuật vô hạn của họ. Tác phẩm tiêu biểu của Veronese “Bữa tiệc trong nhà Levi” mô tả cảnh “Bữa tối cuối cùng” trong Kinh thánh, nơi Chúa Jesus vạch trần sự ngụy thiện của Judas. Đối với chủ đề này, khi sáng tác tranh các họa sĩ khác thường sử dụng lối vẽ nghiêm túc, thận trọng, thể hiện cảm xúc bi phẫn, nhưng Veronese lại mô tả rất nhiều cảnh rộng rãi, khoáng đạt. Toàn bộ bức tranh cao khoảng 5,5 m, dài gần 13 m, khí thế hùng tráng, huy hoàng, bức tranh sơn dầu này cùng với bức tranh “Tiệc cưới ở Cana” (The Wedding Feast at Cana) của ông được mệnh danh là những bức tranh sơn dầu cổ điển có kích thước lớn nhất thế giới.

Những tác phẩm thể hiện quang cảnh rộng lớn thường thu hút sự chú ý. Quả thực, một bức tranh lớn thì rất có khí thế. Hãy thử trưng bày một tác phẩm có kích thước phổ thông 70×100 cm bên cạnh một tác phẩm có kích thước 700×1000 cm, giả như trình độ nghệ thuật như nhau, chủ đề tương tự nhau, thì sẽ có nhiều người chiêm ngưỡng bức tranh lớn hơn, điều này là tự nhiên. Tất nhiên, việc vẽ được những tác phẩm lớn cũng phản ánh trình độ của người họa sĩ, bởi để vẽ đẹp những bức tranh lớn thường đòi hỏi nhiều kỹ năng tổng quát hơn so với việc vẽ những tác phẩm có kích thước thông thường, quá trình vẽ cũng tiêu hao nhiều năng lượng thể chất và tinh thần của tác giả hơn, việc nắm vững kỹ năng thể hiện hình thể lớn và tạo hiệu ứng lớn cũng đòi hỏi cao hơn.

Nhưng đồng thời cũng có những người thích vẽ những tác phẩm nhỏ. Nhiều tác phẩm rất nhỏ đã thể hiện được nội dung cực kỳ tinh tế và vận dụng các kỹ thuật điêu khắc tinh vi. Có thể nói bức tranh chính là một tác phẩm thủ công mỹ nghệ cực kỳ tinh xảo. Những tác phẩm cực kỳ chính xác này tiêu tốn ít tài nguyên nhưng lại khiến người xem phải thán phục. Phái hội họa tranh khổ nhỏ Hà Lan là đại biểu cho loại hình này.

Bức tranh khổ nhỏ hàm ý đạo đức “Người Thổi Kèn” (Trumpet-Player in Front of a Banquet) do họa sĩ phái tranh khổ nhỏ Hà Lan Gerard Dou sáng tác từ năm 1660 đến 1665. Bức tranh sơn dầu được vẽ trên ván gỗ, có kích thước chỉ 38×29 cm cỡ một cuốn sách, tuy nhiên các nhân vật xa gần trong tranh, cảnh vật xung quanh, thậm chí cả họa tiết trên tấm vải lót đều được thể hiện vô cùng tinh tế qua nét cọ của hoạ sĩ. Về mặt kỹ thuật, đây có thể được xem là tác phẩm tốt nhất trong số các tác phẩm tốt nhất. Tác phẩm này nhắm vào tệ nạn nghiêm trọng trong tập tục ăn uống của xã hội lúc bấy giờ, tác giả miêu tả việc thổi kèn làm thủ pháp ẩn dụ cho câu thuyết trong tôn giáo: “Tiếng kèn của thẩm phán cuối cùng đã vang lên”, kêu gọi con người tìm lại những đức tính truyền thống tốt đẹp như khiêm tốn, cẩn trọng, tránh xa tham dục, kính Trời thờ Thần. Tác phẩm này hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Louvre.

Đối với những người chỉ đến bảo tàng hoặc phòng trưng bày cưỡi ngựa xem hoa mà nói, họ thích xem các tác phẩm triển lãm có kích thước tương đối lớn hoặc những tác phẩm đặc biệt, nổi tiếng. Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy. Đôi khi, một bức tranh cao hơn 2 m có thể không được chú ý bằng một bức tranh cao hơn 1 m bởi vì nó còn phụ thuộc vào vị trí trưng bày cũng như nhiều yếu tố khác. Có lúc, khi chiêm ngưỡng những tác phẩm đặc biệt lớn, tầm mắt người ta khó có thể thu hết toàn bộ bức tranh một lúc, mà phải lướt mắt nhìn từng phần một, nhìn nhiều thấy mệt. Ngược lại, một tác phẩm có chiều dài trung bình 1m hoặc 2m, không quá nhỏ cũng không quá lớn, người ta có thể thấy toàn bộ bức tranh trong tầm nhìn, như vậy tư tưởng dễ dàng nắm bắt được nội dung trọng tâm của bức tranh. Chính là nói, vẫn có rất nhiều người đặc biệt yêu thích các tác phẩm có kích cỡ trung bình.

Tất nhiên, từ góc độ hội họa, xem tranh không phải là so sánh tranh của ai lớn hơn hay nhỏ hơn, nếu quả thế thì quá nực cười. Với một nghệ sĩ bậc thầy thì bất kể kích thước của bức tranh lớn nhỏ thế nào đều có thể tạo ra kiệt tác; người không đủ kỹ năng thì dù tranh lớn nhỏ thế nào cũng vẽ không đẹp mà còn lãng phí vật liệu. Từ quá trình sáng tác một tác phẩm hội họa mà nói, các tác phẩm cỡ trung bình dễ sử dụng các kỹ thuật vẽ hơn, đồng thời cũng thuận tiện hơn trong việc vận chuyển, đóng khung và lưu trữ tác phẩm sau khi hoàn thành.

Một bức tranh gồm nhiều phân mảnh được đặt cùng với nhau để làm nổi bật hiệu quả tổng thể, nhất là một số tranh trần nhà. Khi đó, nếu mỗi mảnh là một bức tranh độc lập thì cần phải trang trí thêm khung viền cho từng mảnh tranh, nếu không thì sẽ “không có quy củ không thành được vuông tròn”. Trên một diện tích lớn, các khung trang trí hình vuông, hình tròn hoặc hình vòng cung cần có tính kết nối, đồng thời thay đổi theo quy tắc nhất định để thống nhất những nội dung riêng biệt trong từng mảnh tranh, tạo nên cảm giác có trật tự trên tổng thể, từ đó đạt được hiệu quả thẩm mỹ chân chính.

Phòng trưng bày Apollo – Louvre

Các khung tranh trang trí hình vuông, tròn và vòng cung màu vàng trên trần và tường của phòng trưng bày được bố trí theo quy tắc kết nối tuần hoàn, thay đổi theo quy tắc nhất định thống nhất những nội dung riêng biệt được vẽ trong từng mảnh tranh, mang lại cảm giác thẩm mỹ có trật tự cho toàn bộ phòng trưng bày. (Nhiếp ảnh gia Lý Mục)

Đối với những bức tranh lớn gồm nhiều bức tranh nhỏ hợp lại như vậy, từ góc độ mỹ học mà nói thì mỗi bức tranh nhỏ này không thích hợp để trưng bày riêng, chỉ có thể dựa vào nội dung của bức tranh mà lựa chọn viền trang trí hoặc cách phân chia. (Lưu ý: Việc phân bức tranh lớn thành mảnh như trên hoàn toàn khác với hành vi của một số họa sĩ phái hiện đại đương thời, cưỡng ép chia cắt bức tranh bất kể sự sống chết của nó để theo đuổi một ý thức hiện đại nào đó). Thông thường không nên phân mảnh đóng khung để tránh làm hỏng hiệu ứng chỉnh thể của bức tranh lớn. Tuy nhiên, trong hội họa có lúc một số nội dung nhất định cần phải phân thành một số phần, tức là hình dạng và kết cấu tranh trong sáng tác thực tế cũng có ngoại lệ, phần nội dung tranh sẽ được xử lý thêm, chẳng hạn vẽ thêm các khung giả trang trí để chia bức tranh lớn thành những mảnh nhỏ. Suy cho cùng, bức tranh gồm nhiều mảnh ghép lại với nhau sau một thời gian dài dưới tác dụng của các yếu tố như nóng lạnh co giãn, năm tháng lâu dài v.v.. mỗi mảnh ghép ít nhiều sẽ xuất hiện những thay đổi vật lý và nhiều tình huống khác nữa. Như vậy, nếu bức tranh được phân mảnh trong quá trình vẽ, dù trong tương lai có xuất hiện vấn đề gì thì dưới tác dụng chiếu sáng tổng thể cũng sẽ mang đến cho người xem ảo giác sáng tối, trở thành một phần thống nhất với nội dung và hòa hợp với cả bức tranh. Tất nhiên tất cả đều phụ thuộc vào nội dung và hình thức của bức tranh do tác giả tạo ra.

Vòm nhà nguyện Sistine tại Vatican, tranh bích họa, kích thước 1300×3600 cm, do họa sĩ người Ý Michelangelo Buonarroti vẽ từ năm 1508 đến 1512.

Một đặc điểm quan trọng của vẽ tranh bích họa là màu vẽ khô rất nhanh, màu sắc sau khi khô rất khác với màu khi còn ướt, gây bất lợi cho họa sĩ trong việc so sánh và kết nối màu sắc giữa phần khô và phần ướt. Vì vậy, khi vẽ tranh bích họa chỉ có thể vẽ thật nhanh và mỗi lần chỉ vẽ xong được một mảnh nhỏ. Michelangelo đã chắp ghép từng mảnh từng mảnh tranh như thế trong suốt bốn năm để tạo thành bức tranh trần nhà quy mô lớn này. Toàn bộ bức bích họa trên mái vòm Nhà nguyện Sistine đã cho thấy những nỗ lực của một người nghệ sĩ để sáng tạo ra bức tranh trang trí hoành tráng nhất. Ông dựa vào sự phân chia của mái vòm mà chọn dùng kỹ thuật vẽ tranh phân mảnh để sắp xếp không gian cho các bức tranh. Những cây cột trong bức tranh thực chất được vẽ để phân chia không gian. Trên thực tế, theo năm tháng qua đi, mỗi mảnh trong toàn bộ bức tranh đều có những thay đổi khác nhau về màu sắc và cả những thay đổi khác nữa, nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật trang trí phân mảnh trong khi vẽ nên sự biến đổi của mỗi mảnh ghép đã không ảnh hưởng đến toàn bộ bức tranh lớn. Hơn 300 nhân vật trong tranh đại diện cho lý thuyết Tân Plato và chủ đề sinh mệnh trở về với Thần, đây là chuẩn mực của tranh bích họa trang trí trần nhà.

Đáng lưu ý là điều này có liên quan đến tính thống nhất của kết cấu bề mặt và chất liệu trong sáng tác. Bởi vì, hội họa rốt cuộc cũng không phải là làm đồ nội thất, mà bản thân chất liệu còn có yếu tố mang tính thống nhất. Ngày nay, một số người dán báo lên tranh sơn dầu, hiểu sai về tính đa dạng trong thể hiện nghệ thuật, họ cho rằng đó là sự buông bỏ hoàn toàn những hiểu biết về chất liệu hội họa, từ đó đã tạo nên những tác phẩm không ra thể thống gì, điều này rất không hợp lý. Vì vậy, nhất định phải xử lý tổng thể vấn đề chất liệu trong hội hoạ, không thể muốn gì làm nấy, kết cấu bề mặt và chất liệu vẽ tranh cần phải thống nhất.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49539



Ngày đăng: 25-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.