Hành trình thời không nghệ thuật (5.2): Lớn và nhỏ
Tác giả: Arnaud
[ChanhKien.org]
“Sự phán xét cuối cùng”. Tranh bích họa (1370 x 1220 cm) do nghệ sĩ người Ý Michelangelo sáng tác từ năm 1534 đến năm 1541, Nhà nguyện Sistine, Vatican.
Hai mươi bốn năm sau khi bức tranh trần của Nhà nguyện Sistine được hoàn thành, Giáo hoàng Paul III, người phản đối cuộc Cải cách tôn giáo, đã ủy quyền cho Michelangelo vẽ một bức bích họa trên bức tường bàn thờ. Michelangelo chọn chủ đề “Sự phán xét cuối cùng” để thể hiện nhận thức của ông về thế giới và Thần.
Chủ đề trung tâm của bức bích họa này thể hiện việc con người liên tục rời bỏ Thần, do ích kỷ, tham lam, thờ ơ, giết chóc và nhiều hành động xấu xa khác mà tích lũy tội nghiệp sâu nặng, dần dần đi vào địa ngục. Nhưng những người thuần chân lương thiện, đạo đức cao thượng, kính phụng Thần linh cuối cùng có thể được Thần từ bi cứu độ, nhờ ủng hộ chính nghĩa mà trong cuộc thẩm phán vào thời mạt thế họ có được cuộc sống vĩnh hằng.
Để giải quyết vấn đề tỷ lệ của các nhân vật thể hiện trong tranh khi ngước nhìn từ dưới lên, Michelangelo đã vẽ các nhân vật ở nửa phần trên trong bức tranh lớn hơn một chút, nửa phần dưới nhỏ hơn một chút để đạt hiệu quả thị giác khi nhìn từ dưới lên. Kỹ thuật này hoàn toàn giống với kỹ thuật truyền thống của người phương Đông khi điêu khắc những tượng Phật và tượng Kim Cương khổng lồ thường phóng to phần đầu và vai, giúp người xem thuận tiện khi ngước nhìn, không bị ảnh hưởng bởi nguyên lý thấu thị xa gần.
Do bức tường có diện tích lớn nên cần phải bố trí khoảng 400 nhân vật, Michelangelo đã áp dụng bố cục gồm các đường ngang và dọc giao nhau tương đối ổn định, đây cũng là điểm đặc sắc của phong cách bố cục thời kỳ Phục Hưng. Trong tranh có rất nhiều nhân vật được vẽ cao hơn đường tầm mắt cùng hợp lại thành nhóm, đồng thời càng lên cao đám đông càng dày đặc, tạo thành sự vận động tương phản theo phương thẳng đứng giữa bên trái thăng lên Thiên đường và bên phải rơi vào hủy diệt. Bức tranh thể hiện sự vận động tuần hoàn, liên kết những người thăng lên và những người sa ngã với người phán xét – chính là người ở vị trí trung tâm điều khiển hoạt động của cả nhóm.
Trong rất nhiều bức tranh khổ lớn, từng nhóm từng đoàn nhân vật là đơn vị cơ bản tổ hợp thành quần thể nhân vật trong tranh, nhìn từ góc rộng, các họa sỹ phân chia các nhân vật trong tranh thành nhiều nhóm nhỏ, sau đó trong mỗi nhóm nhỏ lại miêu tả chi tiết, rõ ràng từng nhân vật, cứ thế lần lượt vẽ toàn bộ bức tranh theo trình tự. Tất nhiên, tùy theo chất liệu hội họa mà đối với các loại tranh khác nhau cần có trình tự cụ thể khác nhau. Ví dụ, trong bức bích họa “Sự phán xét cuối cùng”, màu sắc của bức tranh có sự khác biệt rất lớn khi còn ướt và sau khi khô, gây khó khăn cho họa sỹ trong việc chỉnh sửa và tiếp nối màu sắc. Vì vậy, khi vẽ tranh bích họa chỉ có thể vẽ thật nhanh và hoàn thành một phần nhỏ trong một lần. Một người vốn sinh ra là nhà điêu khắc như Michelangelo không dễ dàng xử lý những vấn đề xuất hiện khi vẽ bằng màu bột, dẫn đến những thiếu sót lớn trong việc kết nối các khối màu trong bức bích họa, cộng thêm sự hao mòn qua hàng trăm năm đã làm cho màu sắc tổng thể của kiệt tác này lộ ra những dấu vết ghép nối rất rõ ràng.
Nghệ thuật rất đa dạng. Không chỉ những bức tranh khổ lớn dài 12 mét mới có thể thể hiện nhiều nhân vật, mà có những tác phẩm dài hơn một mét cũng đạt được như vậy. Cùng thời với Michelangelo ở Ý, ở Đức cũng có trường phái hội họa Danube nắm vững kỹ thuật hội họa của phái tiểu họa phương Bắc, Albrecht Altdorfer – họa sỹ đại diện cho trường phái này đã vẽ ngàn quân vạn mã trên một tấm gỗ rộng chừng một hoặc hai mét vuông.
“Trận chiến của Alexander” (La Bataille d’Alexandre) được vẽ bởi Albrecht Altdorfer năm 1529, 158,4 × 120 cm, hiện bảo tồn tại Bảo tàng Mỹ thuật Munich, Đức.
Tác phẩm này khắc họa khung cảnh vào năm 333 trước Công nguyên, Alexander Đại đế, khi đó mới hơn 20 tuổi, đã đánh bại đại quân Ba Tư tại Issus và truy lùng vua Ba Tư Darius III. (Alexander Đại đế là Alexander III, một vị vua của vương quốc Macedon thời Hy Lạp cổ đại. Ông lấy Macedonia làm quốc gia trung tâm để thống nhất các thành bang của Hy Lạp, đồng thời chinh phục Ba Tư, Ai Cập và các vương quốc châu Á khác, cho đến tận biên giới Ấn Độ. Ông đã dành 13 năm để chinh phục các quốc gia mà châu Âu đương thời gọi là “Thế giới đã biết” (The known world), ông được xem là nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử).
Bức họa chiến tranh này của Altdorfer dùng ngòi bút tinh tế để miêu tả đội hình chiến trận chưa từng có trước đây, cảnh tượng khiến người ta chấn động. Từ phương diện tác giả miêu tả cách bài binh bố trận của binh sỹ hai bên cho thấy bản thân họa sỹ đã từng nghiên cứu về khoa học quân sự và binh pháp. Việc vẽ vô số binh lính và chiến mã trên bức tranh đòi hỏi họa sỹ phải nhẫn nại không ngại khó dày công miêu tả, bức tranh thể hiện trọn vẹn phong cách nghiêm khắc, cẩn trọng của người Đức.
Một phần của bức tranh “Trận chiến của Alexander”, cuộc đối đầu giữa hai đội quân ở phần xa của bức tranh cũng được miêu tả bằng bút pháp tinh tế nhất.
Một phần của bức tranh “Trận chiến của Alexander”, mô tả cảnh vua Ba Tư Darius III bị đánh bại và chạy trốn trên chiến trường.
Sau trận chiến thắng này, Alexander 24 tuổi thuận tiện tiến về phía Nam đánh chiếm Ai Cập. Vào năm 331 trước Công nguyên, trong trận chiến mang tính quyết định tại Gaugamela, ông đã tiêu diệt hoàn toàn một đội quân Ba Tư cực kỳ đông đảo. Sau đó, Alexander dẫn quân vào Babylon và hai thủ đô khác của Ba Tư là Susa và Persepolis. Để đề phòng vua Ba Tư Darius III đầu hàng Alexander, sĩ quan Ba Tư đã ám sát Darius III. Năm 330 trước Công nguyên, Alexander đánh bại người kế vị Darius và chặt đầu ông ta. Sau ba năm chiến đấu, cuối cùng Alexander đã chinh phục được toàn bộ khu vực phía Đông Iran.
Mặc dù với bức tranh này, Altdorfer nhờ vào tâm nhẫn nại phi thường và tài nghệ siêu phàm đã tạo nên một tấm gương bất hủ cho loại tranh “nội dung cực lớn trong kích cỡ nhỏ”, nhưng đối với những họa sỹ bình thường, nếu kích cỡ tranh nhỏ mà lại có nhiều nhân vật bên trong, thì họa sỹ phải đối mặt với khó khăn diện tích dành cho mỗi nhân vật quá nhỏ, không đủ để vẽ. Do vậy, khi vẽ tranh từ đầu đến cuối không tránh khỏi việc phải dùng đầu bút để vẽ những chấm nhỏ li ti, đây là một kỹ thuật rất khó khăn vất vả, nhất là thần kinh của họa sỹ phải rất căng thẳng, vì diện tích rất nhỏ nên không thể phóng túng ngòi bút. Đồng thời, ấn tượng đầu tiên của người xem khi xem các tác phẩm loại này là mới nhìn một lượt sẽ không thể phân biệt rõ các nhân vật, người xem cũng cần phải đeo kính, tiến sát bức tranh để quan sát kỹ hơn. Vì vậy, nếu không phải là họa sỹ có kỹ thuật điêu luyện thì cần thận trọng cân nhắc khi lựa chọn kiểu bố cục này.
Đồng thời, khí thế của bức tranh cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng nhân vật nhiều hay ít trong tranh. Trong lịch sử hội họa vẫn có rất nhiều tác phẩm không dựa vào việc vẽ bao nhiêu nhân vật mà dựa vào khắc họa các chuyển động khác nhau, nếp nhăn trên y phục hoặc đồ vật nhỏ, v.v. mà khiến bức tranh trở nên phong phú; cũng có một số bức tranh tuy có nhiều nhân vật, nhưng kỹ năng, bố cục, tạo hình, màu sắc không tinh mỹ, không trau chuốt, ngược lại khiến người ta cảm thấy đơn điệu chứ đừng nói gì đến khí thế. Người nghệ sỹ phải bỏ nhiều công sức trong quá trình sáng tác, rất gian khổ, nhưng nếu nội dung đã vẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn, cái được chẳng bù cho cái mất, thế thì thật đáng tiếc. Suy cho cùng, hội họa là một môn nghệ thuật, không thể chỉ dựa vào làm việc chăm chỉ mà bỏ qua những yếu tố khác.
Tất nhiên, con người sống trong môi trường tạo thành bởi các tác phẩm nghệ thuật, mà nghệ thuật vốn dĩ rất đa dạng. Hãy thử tưởng tượng, nếu tất cả các tác phẩm đều to lớn vĩ đại thì sẽ không tương xứng với tầm vóc của con người, khiến con người cảm giác không cân đối hài hòa, như đang sống trong đất nước của người khổng lồ. Ngược lại, nếu tất cả đều là những tác phẩm siêu nhỏ, người ta sẽ cảm thấy khó chịu như đang sống ở đất nước của người tí hon. Vì vậy, các tác phẩm nghệ thuật dù lớn hay nhỏ thì đều có giá trị và ý nghĩa tồn tại của chúng.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/49540
Ngày đăng: 13-09-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.