Mở cánh cửa sinh tử, khám phá bí ẩn của linh hồn – Một ngành khoa học mới đánh dấu bước ngoặt về trải nghiệm cận tử (Phần 1): Lời mở đầu
[ChanhKien.org]
Cuốn sách “Mở cánh cửa sinh tử, khám phá bí ẩn của linh hồn” được tổng hợp từ nhiều hiện tượng trải nghiệm cận tử, đồng thời tác giả sẽ dựa trên trí huệ trong quá trình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp để đưa ra một số lời giải thích đối với hiện tượng này. Hy vọng quyển sách này sẽ giúp ích cho những ai đang tìm kiếm chân lý nhân sinh của đời người.
1. Lời mở đầu
Đời người ngắn ngủi, từ xưa đến nay, bất luận là đế vương khanh tướng, hay là bậc thánh hiền hào kiệt, đều khó tránh khỏi cái chết. Rất nhiều người cho rằng, con người chết giống như ngọn đèn tắt, là chấm dứt hết rồi, tất cả những gì khi còn sống đều trở thành khói mây. Thế nhưng, sự tồn tại của đời người lẽ nào chỉ như giây phút thoáng qua; nhục thể tiêu tan rồi, lẽ nào đồng nghĩa với việc sinh mệnh vĩnh viễn biến mất? Kỳ thực trong thế giới mà chúng ta đang sinh sống này, có quá nhiều hiện tượng và ví dụ nói cho chúng ta biết rằng, con người thực sự có linh hồn, mà linh hồn con người sẽ không tiêu mất sau khi chết, do đó tất cả những gì một người làm lúc sống, từ việc lớn cho tới việc nhỏ, dù tốt hay xấu, cũng đều sẽ mang theo cùng với linh hồn của người đó trong nhiều đời nhiều kiếp. Các bằng chứng cho thấy sự tồn tại của linh hồn là nhiều vô số kể. Trong cuốn sách điện tử này, chúng tôi đã chuẩn bị để cùng mọi người khám phá một nội dung trong vô số hiện tượng và trường hợp, đó là: Trải nghiệm cận tử (Viết tắt là NDE:Near Death Experience).
Rất nhiều người trong đời từng trải qua một lần hoặc thậm chí nhiều lần trải nghiệm thần bí: Nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ, gặp người thân đã qua đời, thậm chí chết đi sống lại, v.v. Trong khi mọi người giữ kín những hiện tượng này, thì những nhà khoa học chính trực và có nhận thức mới mẻ đã lặng lẽ bắt đầu một cuộc nghiên cứu khó khăn nhất trong lịch sử khoa học nhân loại, nhưng lại có ý nghĩa nhất, đó chính là nghiên cứu về trải nghiệm cận tử.
Trải nghiệm cận tử là một hiện tượng khá phổ biến. Ngay từ hơn 2000 năm trước, Plato trong cuốn sách “Cộng hòa” (The Republic) của mình đã viết về hiện tượng trải nghiệm cận tử. Nghiên cứu cho thấy, những người từng trải nghiệm cận tử phân bố tại các khu vực khác nhau trên thế giới, các chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và bối cảnh văn hóa khác nhau. Theo cuộc điều tra của Công ty thống kê Gallup nổi tiếng của Mỹ dự đoán, chỉ tính riêng nước Mỹ thì đến nay có ít nhất 130 triệu người trưởng thành sống khỏe mạnh từng kinh qua trải nghiệm cận tử, nếu tính luôn cả trẻ em, con số này sẽ còn cao hơn. Nghiên cứu của tiến sĩ Kenneth Ring và một số nhà nghiên cứu khác tiết lộ thêm rằng, có khoảng 35% người khi cận kề cái chết có trải nghiệm cận tử. Hiện nay, hiện tượng trải nghiệm cận tử đang ngày càng thu hút các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực. Trong đó rất nhiều đều là học giả sáng giá trong lĩnh vực mà họ đã nghiên cứu. Ngoài tiến sĩ Kenneth Ring của trường đại học Connecticut, còn có Melvin Morse giáo sư của Trường đại học Washington, tiến sĩ Raymond A. Moody của trường đại học Nevada, tiến sĩ Ian Stevenson của trường đại học Virginia, tiến sĩ Linz Audain bác sĩ khoa nội của Đại học George Washington và đồng thời ông cũng là giám đốc điều hành cấp cao của công ty Mandate, tiến sĩ Charles Tart giảng viên Đại học California, v.v. Các bài báo liên quan đến nghiên cứu cận tử không ngừng được công bố trên các tạp chí y khoa có uy tín quốc tế như The Lancet và The Journal of Near Death Studies (Nghiên cứu trải nghiệm cận tử). Năm 1987, theo đề xuất của một số học giả, hiệp hội nghiên cứu trải nghiệm cận tử quốc tế chính thức được thành lập. Có thể nói, sự nghiên cứu đối với lĩnh vực thần bí này của giới khoa học đang trên đà phát triển.
Nghiên cứu về trải nghiệm cận tử (NDE) thời cận đại bắt nguồn từ nhà địa chất học người Thụy Sĩ Albert Heim. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ông bắt đầu nghiên cứu NDE từ một lần trải nghiệm của bản thân mình. Heim thích leo núi, một lần, khi ông đang leo lên dãy núi Alps (hay Anpơ), thì bị một trận cuồng phong thổi rơi xuống vách núi. Trong khoảng khắc đó, một kỳ tích đã xảy ra.
—–
“Dường như, ở trên vũ đài cách tôi một khoảng, tôi nhìn thấy mình xuất hiện với nhiều hình tượng khác nhau và toàn bộ quá khứ của bản thân. Tôi nhìn thấy bản thân mình là vai chính trong vở diễn này. Mỗi sự vật dường như đều bị ánh sáng của thiên đường tô điểm, không còn bi thương và lo âu, tất cả đều tươi đẹp rực rỡ. Ký ức về nỗi khốn khổ mà tôi đã từng chịu đựng hiện ra rất rõ ràng, nhưng nó không làm cho người ta cảm thấy đau buồn. Không có xung đột và mâu thuẫn, xung đột đã chuyển hóa thành yêu thương. Tư tưởng cao thượng và hòa ái ngự trị và thống nhất những ấn tượng đơn độc. Một loại cảm giác tĩnh mịch thần thánh giống như âm nhạc kỳ diệu gột rửa tâm hồn tôi”.
Trải nghiệm đó đã thôi thúc Heim tiến hành nghiên cứu sâu rộng về rất nhiều người đã từng kinh qua trải nghiệm tương tự, bao gồm cả những người lính bị thương trong chiến tranh, từ những công nhân xây dựng rơi từ trên công trình kiến trúc xuống, những ngư dân suýt chết đuối,… Năm 1892, trong luận văn nghiên cứu của mình ông đã nhắc đến: Trong số 30 người bị rơi và may mắn sống sót mà ông khảo sát, thì 95% người nói rằng họ cảm thấy bình tĩnh và hạnh phúc trong quá trình cận kề cái chết. Ông còn phát hiện trải nghiệm của họ là cực kỳ giống nhau: Rất nhiều hoạt động ý thức bay vút qua, năng lực siêu phàm dự đoán trước kết quả, ý thức tiêu tán khắp thời gian, nhanh chóng nhớ lại một đời của mình, nhìn thấy những cảnh tượng mỹ lệ siêu nhiên, nghe được âm nhạc thiên thượng văng vẳng bên tai.
“Không một chút bi thương, cũng không có nỗi sợ hãi có thể xuất hiện khi gặp một chút nguy hiểm… Không có lo lắng tuyệt vọng và thống khổ, chỉ có nghiêm túc, tiếp nhận một cách sâu sắc; tinh thần minh mẫn và hoạt động cao độ”.
Nghiên cứu của Heim dường như trở thành chất xúc tác mạnh mẽ khiến rất nhiều nhà nghiên cứu đã lần tiếp bước ông. Năm 1903, tác giả người Anh F.W.H. Myers đã hoàn thành cuốn sách “Bản chất con người và sự tồn tại của nó khi nhục thể tử vong” (Human personality and its survival of bodily death) gồm hai quyển; năm 1907, James H. (James Hervey) đã xuất bản bài báo “Ảo giác của người đang hấp hối” tại Hoa Kỳ, mang lại sức ảnh hưởng rất lớn. Năm 1926, nhà vật lý học nổi tiếng người Anh William Barrett đã xuất bản cuốn “Ảo giác lúc lâm chung”. Trong thời gian này, nghiên cứu cận tử nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Năm 1959, nhà tâm lý học Karlis Osis thuộc Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ lại tiếp tục nghiên cứu của Albert Heim bằng cách phân tích hàng trăm ghi chép chi tiết về trải nghiệm của bệnh nhân trong quá trình tử vong. Năm 1972, với sự giúp đỡ của E.Haraldsson, một nhà tâm lý học tại Iceland, nhóm nghiên cứu đã vượt qua ranh giới chủng tộc và văn hóa, mở rộng nghiên cứu sang Ấn Độ. Họ hợp tác cùng nhau và xuất bản cuốn sách Thời khắc tử vong (At the Hour of Death, 1972). Osis kết luận:
“Mặc dù nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái mất trí nhớ, bất tỉnh nhưng vẫn có những người ý thức giữ được tỉnh táo đến phút cuối cùng. Họ nói đã ‘nhìn thấy’ kiếp sau và có thể kể lại những trải nghiệm của mình trước lúc lâm chung. Ví dụ: Họ đã nhìn thấy người thân quá cố và linh hồn của bạn bè, nhìn thấy các nhân vật trong tôn giáo và truyện thần thoại, nhìn thấy ánh sáng thần kỳ, màu sắc rực rỡ mỹ lệ và những cảnh vật ở thế giới khác. Những trải nghiệm này rất có sức ảnh hưởng, nó mang lại cho họ sự yên tĩnh, an nhàn và tình cảm tôn giáo. Các bệnh nhân đã trải nghiệm ‘cái chết tốt đẹp’ một cách kỳ lạ, điều này hoàn toàn trái ngược với bóng tối và bi thương mà mọi người thường nghĩ về cái chết”.
Vào những năm 1970, Russell Noyce Jr., giáo sư tâm thần học tại Đại học Iowa và đồng nghiệp Roy Clayty đã cùng nhau nghiên cứu lượng lớn các mô tả về người lúc sắp chết, đồng thời cũng tiến hành nghiên cứu đối với những tường thuật mang tính tự truyện của từng cá nhân, trong nhóm nghiên cứu có cả nhà tâm lý học nổi tiếng, bậc thầy tâm thần học người Thụy Sĩ Karl G. Jung. Năm 1944, do mắc bệnh tim, ông Jung đã có trải nghiệm cận tử, trải nghiệm này đã thay đổi quan điểm nhận thức của ông về nhân loại. Ông viết: “Những gì xảy ra sau khi chết thật huy hoàng sáng lạn, nó khó diễn tả thành lời, đến mức cảm xúc và sức tưởng tượng của chúng ta không thể mô tả được đại khái về chúng”.
Trong khoảng thời gian từ năm 1972 đến năm 1974, tiến sĩ Raymond Moody đã thu thập được 150 trường hợp thực tế trải nghiệm cận tử (NDE), từ đó quy nạp những yếu tố thường gặp nhất của NDE: Nhẹ nhàng rời khỏi thân thể; đi qua một đường hầm tối đen; hướng về một chùm sáng mà bay đi; gặp gỡ những người thân thích; nhớ lại toàn bộ cảnh tượng lúc còn sống; không muốn quay trở lại thân thể; nhìn các thời không rõ ràng một cách phi thường; cảm giác thất vọng sau khi được chữa trị. Năm 1975, cuốn sách “Kiếp sau” (Life After Life) của ông được xuất bản, từ đây nghiên cứu trải nghiệm cận tử bước vào giai đoạn mới.
Những yếu tố được Moody liệt kê ra đều được miêu tả tương tự trong các báo cáo về trải nghiệm cận tử sau này, do đó chứng thực các nghiên cứu của Albert Heim, Karlis Osis, Russell Noyce Jr và Roy Clayty. Sau khi tổng hợp các trường hợp trải nghiệm cận tử, ông Moody đã đề xuất “Trải nghiệm lý tưởng hoặc trải nghiệm hoàn chỉnh dựa trên lý thuyết”, ông đã miêu tả như thế này:
“Một người đang cận kề cái chết, khi đạt đến sự thống khổ cực điểm của nhục thân, anh ấy nghe thấy tuyên bố của bác sĩ rằng bản thân mình đã chết, anh ấy bắt đầu nghe được âm thanh hỗn độn, tiếng chuông ngân hoặc tiếng vo ve, đồng thời cảm thấy mình đang lao nhanh qua một đường hầm đen tối. Sau đó, anh ấy đột nhiên phát hiện mình đã rời khỏi nhục thể, nhưng vẫn đang trong môi trường vật chất trực tiếp (Giải thích của người dịch: môi trường xã hội hiện tại). Anh ấy ở phía xa nhìn thân thể của mình, giống như một người đứng bên ngoài quan sát. Anh ấy quan sát quá trình sống lại của mình từ trên cao, cảm xúc hỗn loạn.
Một lúc sau, anh ấy bình tĩnh lại, dần dần quen thuộc với tình trạng này. Anh chú ý tới bản thân mình vẫn có một “thân thể”, nhưng mà tính cách đặc tính của nó so với anh khác biệt quá nhiều. Thoáng chốc lại xảy ra một số sự việc khác. Anh nhìn thấy linh hồn của người bạn đã chết, một vị Thần ân cần nhiệt tình mà anh chưa bao giờ nhìn thấy trước đây — một sinh mệnh giống như tia chớp — xuất hiện ở trước mặt anh ấy. Sinh mệnh này dùng phương thức phi ngôn ngữ để hỏi anh một vài vấn đề, bảo anh ấy đánh giá cuộc đời của mình, trong nháy mắt, những sự kiện chính trong đời của anh được triển hiện ra. Trong nhất thời, anh ấy phát hiện bản thân mình đang đến gần chướng ngại vật hoặc ranh giới nào đó, điều này hiển nhiên là đại biểu cho ranh giới giữa kiếp này và kiếp sau. Thế nhưng anh ấy biết mình nhất định phải trở lại nhân gian, là vì thời khắc tử vong vẫn chưa tới. Bởi vậy cho đến tận bây giờ anh vẫn cảm thấy hứng thú với trải nghiệm đã xảy ra sau khi chết, anh không muốn quay về nhân gian. Nhưng cho dù thái độ của bản thân anh như thế nào, cuối cùng anh ấy vẫn phải nhập vào thể xác và sống lại.
Moody thận trọng nhấn mạnh: Quá trình của mỗi trường hợp trải nghiệm cận tử đều không phải là hoàn toàn dựa theo phương thức kể trên, nhưng ông bị cuốn hút mê mẩn bởi một số trải nghiệm “giống nhau đến kinh ngạc”. Nghiên cứu của Moody đã mở đầu cho các nhà nghiên cứu trải nghiệm cận tử của thế hệ mới, những người xuất sắc trong số ấy gồm có: Tiến sĩ Kenneth Ring, tiến sĩ Michael Sabom, tiến sĩ Melvin Morse,… Nghiên cứu của họ rút ra các kết luận chủ yếu như sau:
– Không thể nghi ngờ gì nữa, trải nghiệm cận tử từng xảy ra nhiều lần trên thế giới. Trải nghiệm cận tử không chỉ giới hạn ở người trưởng thành, mà còn xảy ra ở trẻ em. Khoảng 35% người cận kề cái chết đều sẽ có trải nghiệm cận tử.
– Tuyệt đại đa số người trải nghiệm cận tử đều nói họ cảm thấy yên tĩnh và vui vẻ, mà không phải là thống khổ hoặc bị dày vò.
– Một số hiện tượng mà người trải nghiệm cận tử nhìn thấy không nhất định là trùng khớp với sự hiểu biết của bản thân anh ấy. Ví dụ, nhà vật lý học William Barrett có ghi chép rằng, một số trẻ em trong lúc trải nghiệm cận tử đã nhìn thấy một số thiên sứ không có cánh nên cảm thấy thất vọng.
– Trải nghiệm cận tử có ảnh hưởng rất lớn đối với đương sự, phần lớn những người này phát sinh sự chuyển biến cực kỳ lớn, tích cực, tâm hồn trở nên phong phú. Một số người vô thần luận sau khi kinh qua trải nghiệm cận tử đã hoàn toàn cải biến nhân sinh quan của bản thân, từ đó về sau trở thành người tín ngưỡng hữu thần luận thành kính.
Điều khiến người ta ngẫm nghĩ sâu hơn là, cũng không phải là tất cả những gì mà người trải nghiệm cận tử nhìn thấy đều là cảnh tượng tốt đẹp khiến người ta hạnh phúc. Có một số người trong trải nghiệm cận tử cũng nhìn thấy một số cảnh tượng đáng sợ. Ví dụ: Trong bài viết “Ấn tượng Thiên đường – 100 câu chuyện truyền miệng của những người sống lại sau khi chết” được đăng trên Minh Huệ Net có ghi chép về trải nghiệm cận tử đáng sợ của một trưởng cục cảnh sát ở Đức tên Stein Heideler. Trong một lần trải nghiệm cận tử ông nhìn thấy bản thân bị rất nhiều linh hồn tham lam xấu xí vây xung quanh, trong đó một linh hồn mở miệng lớn như cái chậu máu nhào tới muốn cắn ông. Còn có một số người khi trải nghiệm cận tử đã nhìn thấy những linh hồn có được kết cục khác nhau chiểu theo những việc làm khi họ còn sống. Những trường hợp trải nghiệm cận tử này khiến người ta vô tình nghĩ đến lời dạy “thiện ác hữu báo” của người Trung Quốc thời xưa.
Hiện tượng “linh hồn ly thể” không chỉ giới hạn trong những người cận kề cái chết, có một số ít người đang trong trạng thái thân thể khỏe mạnh cũng có trải nghiệm tương tự. Hiện tượng “linh hồn ly thể” của những người này càng khiến cho các nghiên cứu về NDE trở nên khả thi hơn khi tiến nhập vào thực nghiệm kiểm chứng. Ví dụ, tiến sĩ Charles Tart của Đại học California từng tiến hành kiểm tra thực nghiệm nghiêm ngặt đối với một phụ nữ tự xưng là thường trải nghiệm trạng thái “linh hồn ly thể”. Ông đặt tờ giấy ghi năm chữ số ngẫu nhiên trên một cái giá cao gần hai mét, yêu cầu người phụ nữ nằm trên giường trong phòng thí nghiệm không cách nào nhìn thấy được. Sau đó ông yêu cầu người được thí nghiệm này tìm cách bay tới chỗ cao kia để nhìn nội dung của tờ giấy, tức là “linh hồn ly thể”. Kết quả của thí nghiệm thực chứng là bà đã nói chính xác năm con số trên tờ giấy sau khi tuyên bố rằng linh hồn của bà ly thể vào đêm thứ tư. Mà xác suất đoán trúng năm con số này là 1/100.000, thí nhiệm chứng thực trên đã minh chứng cho khả năng tồn tại khách quan của trải nghiệm cận tử.
Người trải qua linh hồn ly thể nổi tiếng nhất
Trong lịch sử phải kể tới nhà khoa học, nhà triết học và nhà thần học nổi tiếng người Thụy Điển sống tại thế kỷ 18, ông Emanuel Swedenborg. Ông căn cứ theo những cảnh tượng mà bản thân nhìn thấy được trong linh giới khi linh hồn ly thể đi ngao du, lưu lại kiệt tác lớn “Học thuyết thiên đàng” (Heavenly Doctrine), đã miêu tả chi tiết cảnh tượng ông nhìn thấy tại linh giới và những tri thức liên quan tới linh giới mà ông có được khi giao tiếp với các sinh mệnh khác. Tác phẩm của ông có ảnh hưởng quan trọng đối với những gì xảy ra sau này, nó cũng ảnh hưởng đến nhiều người ngày nay. Nhiều học giả nổi tiếng vô cùng sùng bái ông, bao gồm Carl Jung nhà tâm thần học, nhà văn Mỹ nổi tiếng Helen Keller, nhà thơ Mỹ nổi tiếng Emerson, chính trị gia và nhà khoa học người Mỹ Benjamin Franklin, vợ chồng nhà thơ người Anh Browning, nhà thơ nhà văn nổi tiếng người Đức Goethe, nhà triết học và học giả thiền tông người Nhật Suzuki Daisetsu Teitarō, hai tổng thống Mỹ George Washington và Franklin D. Roosevelt cũng chịu ảnh hưởng của kiệt tác này.
Ngày càng xuất hiện nhiều ví dụ thực tế về trải nghiệm cận tử, các thành quả nghiên cứu ngày càng thấu triệt, khiến cho những người luôn hoài nghi không tin càng khó khăn hơn trong việc che giấu sự thật của trải nghiệm cận tử. Nghiên cứu trải nghiệm cận tử tiết lộ cho chúng ta không chỉ đơn thuần là hiện tượng, mà càng quan trọng hơn là phương pháp tư duy và con đường nghiên cứu được biểu thị bằng hiện tượng; nó không chỉ mở ra cho chúng ta cánh cửa thế giới sau khi chết, nhiều hơn là ý thức, sinh hoạt, cánh cửa của sinh mệnh.
Khoa học đang khám phá thế giới bên kia đạt được tiến triển rất lớn, nhưng khi khám phá lĩnh vực của bản thân nhân loại thì lại giống như nhà vật lý học Einstein từng nói: “Vẫn còn đang trong giai đoạn trẻ sơ sinh”, khám phá điều bí ẩn của bản thân nhân loại chắc hẳn sẽ phải trở thành mục tiêu của khoa học tương lai. Đối với những ai theo đuổi chân lý mà nói, ở chỗ khoa học vẫn chưa dám tiến vào, thì tín ngưỡng và dũng khí có vẻ rất trọng yếu. Nhìn chung từ những hiện tượng trải nghiệm cận tử và những người trải nghiệm cận kề cái chết từ đó có được cảm ngộ đối với nhân sinh, hiện tượng trải nghiệm cận tử có lẽ đang ám chỉ linh hồn của chúng ta không hề tiêu biến khi nhục thể của chúng ta tử vong. Vì để có trách nhiệm vĩnh viễn đối với sinh mệnh bản thân, chúng ta nên thiện đãi với bản thân mình và người khác. Giống như Pierre Teilhard de Chardin từng nói: “Có lẽ trong vũ trụ tồn tại một sự vật như là mục đích, thứ đó như là hy vọng và nhân từ, có lẽ trải nghiệm cận tử là lễ vật hoặc manh mối mà Thần đã ban cho nhân loại để khám phá sự bí ẩn của bản thân nhân loại”.
Dịch từ: https://media.zhengjian.org/media/zjbooks/life_gate/01.htm
Tài liệu tham khảo:
1. “Ấn tượng Thiên đường – 100 câu chuyện truyền miệng của những người sống lại sau khi chết”, tháng 1 năm 1999.
2. “Mở cánh cửa sinh tử” của Jean Rithie, tháng 10 năm 1998.
3. http://www. iands. org
4. Charles T. Tart,Journal of Near Death Studies, 17(2) Winter 1998
5. Melvin Morse, Paul Perry, Villard Books, New York,1994, Parting Visions: Uses and Meanings of Pre-Death, Psychic, and Spiritual Experiences
Ngày đăng: 31-01-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.