Mở cánh cửa sinh tử, khám phá bí ẩn của linh hồn (Phần 3)



[ChanhKien.org]

3. Phân tích lý thuyết hiện có về trải nghiệm cận tử

Cùng với sự phát triển của công nghệ y tế, ngày càng có nhiều người được cứu sống lại từ cõi chết, từ đó đã có nhiều báo cáo về các trường hợp trải nghiệm cận tử. Cho dù người trải nghiệm cận tử đến từ nền văn hóa nào, sống ở thời đại nào, hoặc tín ngưỡng tôn giáo nào thì nội dung về trải nghiệm cận tử và ảnh hưởng của nó đến bản thân người ấy đều rất giống nhau.

Có người hoài nghi rằng các báo cáo trải nghiệm cận tử là những trải nghiệm cá nhân mang tính chủ quan, rốt cuộc có căn cứ để kiểm chứng hiện tượng này một cách khách quan hay không? Tiến sĩ Kenneth Ring, giáo sư tâm lý học tại Đại học Connecticut đã trả lời như sau: “Dữ liệu khách quan nhất và có thể kiểm chứng được chính là phần trải nghiệm ly thể trong trải nghiệm cận tử. Người ta khi ly thể sẽ nhìn thấy một số sự vật. Những sự vật này chỉ có các nhà khoa học mới có thể điều tra xác minh được”. Ví dụ, một bác sĩ tên Fred Schoonmake, trong thời gian làm trưởng khoa tim mạch tại Bệnh viện Saint Luke’s ở Denver, Colorado, báo cáo về trường hợp nữ bệnh nhân của mình đã trải qua trạng thái ly thể cận tử. Bệnh nhân này là một người mù, nhưng khi linh hồn rời khỏi thân thể đã “nhìn thấy” trong phòng có 14 người. Mặc dù cô không thể phân biệt được màu sắc nhưng khi linh hồn rời khỏi thân thể lại “nhìn thấy” được vật thể, và có thể miêu tả chính xác những sự việc xảy ra trong phòng phẫu thuật. Bác sĩ Schoonmaker nói rằng dường như nữ bệnh nhân này đã thực sự nhìn thấy: Những miêu tả của cô ấy hoàn toàn khớp với thực tế (Trích từ “Phía bên kia của sinh mệnh: khám phá trải nghiệm cận tử”, Evelyn Elsaesser Valarino, 1997, trang 89-90). Những ví dụ như vậy có rất nhiều. Rất nhiều người có trải nghiệm cận tử có thể miêu tả chính xác việc “nhìn thấy” những thứ xung quanh mình trong khi các giác quan của họ không còn hoạt động trong trạng thái chết lâm sàng. Ví dụ trong tác phẩm nghiên cứu của Sabom, M.B “Ký ức về cái chết”, đã ghi chép về một người phụ nữ trẻ người Mỹ, khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u động mạch não đã rơi vào trạng thái chết lâm sàng. Sau ca phẫu thuật, cô đã may mắn được sống lại. Báo cáo cho biết khi cô trong trạng thái tử vong đã trải qua trải nghiệm cận tử một cách sâu sắc, trong đó bao gồm việc trải nghiệm ly thể và nhìn thấy các dụng cụ mà bác sĩ dùng để phẫu thuật cho cô cùng chi tiết trong quá trình họ làm việc. Sau khi chứng thực, tất cả những điều mà cô nhìn thấy hoàn toàn khớp với tình huống thật lúc đó. Do vậy có thể thấy, trải nghiệm linh hồn ly thể là tồn tại khách quan có thể kiểm chứng được, những điều này đã tạo ra cơ sở vững chắc cho việc nghiên cứu trải nghiệm cận tử.

Hai mươi năm trở lại đây, có rất nhiều nghiên cứu khoa học về trải nghiệm cận tử đã được công bố trên các tạp chí học thuật như The Lancet và Journal of Near-Death Studies, những luận án khoa học về lĩnh vực nghiên cứu mới này liên tục được xuất bản, nhưng đa phần những nghiên cứu về trải nghiệm cận tử này đều mang tính hồi tưởng, và chỉ tập trung ở những bệnh nhân từng trải qua điều này. Thông thường, thời gian giữa trải nghiệm thực tế của bệnh nhân và cuộc điều tra của các nhà khoa học cách nhau từ 5 đến 10 năm, do đó rất nhiều yếu tố y học có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm cận tử của bệnh nhân không thể được đo lường chính xác. Để làm rõ vấn để này, bác sĩ Pim Van Lommel thuộc trung tâm tim mạch bệnh viện Rijnstate ở Hà Lan cùng các đồng nghiệp của mình đã tiến hành nghiên cứu theo dõi về trải nghiệm cận tử kéo dài suốt tám năm đối 334 bệnh nhân, thuộc độ tuổi từ 29 đến 92, bị nhồi máu cơ tim cấp được cứu sống thành công trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 1992. Nghiên cứu ghi chép lại chi tiết tình trạng phát bệnh của bệnh nhân, các loại thuốc được sử dụng và các biện pháp chữa trị được áp dụng khi đó, v.v. Vài năm sau, ông lại tiến hành phỏng vấn và kiểm tra những bệnh nhân này để kiểm nghiệm xem họ có bị sai lệch lạc về trí nhớ liên quan đến trải nghiệm khi phát bệnh hay không, bao gồm việc trải nghiệm cận tử. Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Lommel đã được công bố trên tạp chí học thuật quốc tế có uy tín “The Lancet” vào tháng 12 năm 2001.

Những bệnh nhân này đã từng một hoặc nhiều lần bị tuyên bố là chết lâm sàng, sau khi được tạo nhịp tim, hô hấp nhân tạo và điều trị bằng thuốc kịp thời, họ đã phục hồi tri giác. Trong đó có 62 người báo cáo đã kinh qua trải nghiệm cận tử, cụ thể gồm nhận thức bản thân đã chết ở các mức độ khác nhau, xuất hiện cảm xúc vui vẻ và chính diện, linh hồn ly thể, xuyên qua đường hầm, giao tiếp với một loại ánh sáng, quan sát được nhiều màu sắc kỳ lạ và cảnh tượng Thiên đường, gặp gỡ người thân và bạn bè đã qua đời, hồi tưởng lại cuộc đời, hiểu rõ ranh giới của sự sống và cái chết, v.v. Thông qua phân tích so sánh và kiểm tra thống kê một cách nghiêm ngặt, bác sĩ Lommel đã phát hiện ra rằng bệnh nhân trải nghiệm cận tử không có sóng điện não, khi ở trạng thái tử vong cũng không có điện tâm đồ. Đồng thời việc có hay không trải nghiệm cận tử không liên quan gì đến tác dụng của thuốc và yếu tố tâm lý của người bệnh. Độ sâu trong trải nghiệm cận tử cũng không liên quan gì đến bệnh tình của bệnh nhân. Sau khi trải qua trải nghiệm cận tử, hầu hết bệnh nhân đều có những hiểu biết mới về ý nghĩa của sinh mệnh, không còn quá lo lắng về việc mất đi lợi ích vật chất, cũng không còn sợ chết. Loại trải nghiệm này cũng không trôi qua theo thời gian hoặc xảy ra lệch lạc về ký ức thực chất.

Hiện hay rất ít người phủ nhận sự tồn tại của trải nghiệm cận tử, dù cho đó là người tin vào thuyết vô thần. Nhưng về cơ chế hình thành của trải nghiệm cận tử thì đến nay vẫn có nhiều giả thuyết khác nhau, về tổng thể có thể phân thành hai loại chính. Nhưng dù đó là học thuyết nào đi nữa, thì nó phải có thể giải thích được rằng khi đại não không cách nào hoạt động bình thường hoặc dừng hoạt động, thì đại não làm thế nào để xử lý và lưu giữ trải nghiệm cận tử?

3.1. Cách phân tích giải thích thứ nhất

Một số học giả cho rằng trải nghiệm cận tử là ảo giác do hoạt động bất thường của đại não tạo thành, ví dụ như một số hóa chất, chất dẫn truyền thần kinh và hoóc-môn hoặc tình trạng thiếu oxy kích thích lên đại não mà sinh ra. Bằng chứng chủ yếu cho học thuyết này là một số loại thuốc như thuốc gây mê ketamine và axit diethylamide gây ảo giác có thể dẫn đến một số trải nghiệm giống với những yếu tố tạo nên trải nghiệm cận tử, ví dụ như có thể nhìn thấy ánh sáng. Tình trạng đại não thiếu oxy hoặc thừa lượng cacbon dioxit (CO2) đôi khi cũng gây ra một số trải nghiệm tương tự. Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu cho thấy loại học thuyết này không thể trụ vững.

Trước hết, trải nghiệm cận tử xảy ra khi tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng, lúc này không nhất định có hiện tượng thiếu oxy hay hoạt động bất thường của đại não. Chuyên gia ung thư nhi khoa Dianne Komp của đại học Yale, Hoa Kỳ đã báo cáo rất nhiều trẻ em sắp chết đều có trải nghiệm cận tử, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy đại não của những trẻ em này có hoạt động bất thường. Bệnh viện nhi đồng Seattle ở Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra trên 26 bệnh nhi có triệu chứng nặng, 24 người trong số đó đã cảm nhận được ánh sáng tràn đầy sự yêu thương trong trạng thái cận tử và một số trải nghiệm cận tử khác. Đồng thời còn có hơn 100 bệnh nhi được đối chiếu điều tra, tất cả đều bị thiếu oxy não và cho rằng mình sắp chết. Trên thực tế những đứa trẻ này chỉ mắc bệnh nặng chứ chưa đến mức tử vong, kết quả là không một ai có trải nghiệm cận tử.

Khi xảy ra ảo giác do thuốc gây ra, đại não của những người được thử nghiệm thông thường rất tỉnh táo, mà rất nhiều những trải nghiệm cận tử đều xảy ra trong trạng thái vô ý thức. Một số người trải nghiệm cận tử rất gần với cái chết, đến nỗi ghi chép về hoạt động của đại não trên điện não đồ (EEG) là một khoảng trắng, căn bản không có hoạt động của não bộ. Dưới tình huống này, hóa chất không thể nào kích thích đại não sinh ra ảo giác, bởi vì đại não đã dừng hoạt động.

Những nhà khoa học nổi tiếng về trải nghiệm cận tử như tiến sĩ Raymond Moody và tiến sĩ Melvin Moody đã thu thập được nhiều trường hợp trải nghiệm cận tử. Những trải nghiệm trong các trường hợp này không thể có khi người đã chết. Ví dụ một bệnh nhân lên cơn đau tim, điện não đồ (EEG) và điện tâm đồ (ECG) của anh ta là một đường thẳng, nghĩa là đã không còn nhịp tim và hoạt động của não bộ. Sau những nỗ lực cuối cùng của các nhân viên y tế, họ tuyên bố rằng anh ta đã chết, nhưng vài giờ đồng hồ sau, bệnh nhân sống lại và có thể kể lại chính xác các bác sĩ đã cứu sống anh ta như thế nào, hành lang bên ngoài phòng bệnh đã xảy ra chuyện gì, ai đang ngồi ở phòng chờ, v.v. Những điều này không thể do phản ứng hóa học được hình thành trong đại não được, bởi vì những điều này xảy ra sau khi đại não đã dừng hoạt động.

Ngoài ra, ảo giác sinh ra do thuốc và tình trạng thiếu oxy thông thường rất đáng sợ, chứng hoang tưởng, mê man, cùng với sự bóp méo và phủ nhận hiện thực, mà trải nghiệm cận tử lại là bình thản, tĩnh lặng và tỉnh táo hơn khi nhận thức hiện thực. Họ thường đồng thời nhìn thấy hai thế giới khác nhau: Thế giới vật chất này của chúng ta và một thế giới khác mà con người không nhìn thấy. Ví dụ một đứa trẻ bị chết đuối được cứu sống lại đã nhìn thấy trong thế giới của chúng ta các nhân viên y tế đang cố gắng hết sức để cứu mạng cậu, đồng thời ở một thế giới khác, “Thượng Đế đã nắm tay tôi giúp tôi được an toàn”. Những người trải nghiệm cận tử sau khi trải qua ảo giác gây ra bởi thuốc và tình trạng thiếu oxy đều cho rằng hai điều này hoàn toàn không tương đồng và không thể trộn lẫn với nhau.

Có người còn cố gắng phủ nhận tính khách quan của trải nghiệm cận tử từ góc độ tâm lý học. Ví dụ có người đề xuất rằng những miêu tả chính xác về linh hồn ly thể, ngoại trừ tác động sinh lý thần kinh của đại não, chúng còn bị ảnh hưởng bởi ký ức mang tính chọn lọc về những chi tiết chính xác, và những điều bạn biết được trong khoảng thời gian giữa trải nghiệm cận tử và những mô tả về trải nghiệm đó, hoặc có xu hướng kể một câu chuyện hay. Nếu đúng như vậy thì khi ly thể người ta sẽ không nhìn thấy vật thể ẩn giấu trong không gian ba chiều. Trong bài luận văn “nghiên cứu trải nghiệm cận tử” được đăng trên tạp chí vào mùa hè năm 1993, tiến sĩ Kenneth Ring đã báo cáo một trường hợp như sau: Một người phụ nữ trải nghiệm cận tử đã nhìn thấy một chiếc giày màu đỏ trên nóc nhà của bệnh viện khi linh hồn cô ấy ly thể. Sau đó người ta xác thực đã tìm thấy chiếc giày này dựa theo những lời cô kể lại, hơn nữa lại rất trùng khớp với những miêu tả của cô. Chính chiếc giày này đã khiến một vị bác sĩ vốn không tin vào trải nghiệm cận tử của cô lại trở thành người tin tưởng vào điều này. Ngoài ra, một số người sau khi trải nghiệm cận tử lại có được linh cảm (Precognition). Trong cuốn sách “Phía bên kia của cuộc sống, Khám phá hiện tượng trải nghiệm cận tử” của tiến sĩ Elsaesser Valarino, kể về một cô gái trẻ kinh qua trải nghiệm cận tử đã nhìn thấy mình sống cùng với một người đàn ông và hai đứa trẻ. Vài năm sau khi cô bình phục đã kết hôn và sinh con, cô bàng hoàng khi phát hiện rằng cô đã từng nhìn thấy cảnh tượng về chồng và con của cô khi ở trong trạng thái tử vong vào mấy năm trước. Những trường hợp này dùng giả thuyết ảo giác hoàn toàn không thể giải thích được.

3.2. Cách phân tích giải thích thứ hai

Một số chuyên gia nghiên cứu trải nghiệm cận tử cho rằng, trải nghiệm cận tử là những gì mà linh hồn của con người đã trải qua ở một thời không khác, sau đó diễn tả lại những trải nghiệm này thông qua đại não. Tiến sĩ Melvin Morse tin rằng, nghiên cứu về trải nghiệm cận tử sẽ mở cánh cửa giải thích mối liên hệ thần bí giữa bộ não con người và vũ trụ. Ông và một số nhà khoa học khác đã đề xuất rằng ký ức của con người thực ra tồn tại trong “kho thông tin của vũ trụ” ở bên ngoài bộ não con người, mà bộ não con người không chỉ là “một chiếc máy tính” kiểm soát cơ thể của chúng ta, nó còn là một chiếc máy tiếp thu và chuyển hóa thông tin vũ trụ. Ông thậm chí còn đề xuất rằng thùy thái dương phải của não bộ, cấu trúc hồi hải mã và hệ limbic chính là bộ phận phát huy tác dụng này, nó còn được gọi là “điểm Thượng Đế”. Ông giải thích trải nghiệm cận tử là trải nghiệm của linh hồn con người tại một không gian khác, nó được tồn trữ trong “kho thông tin của vũ trụ”, con người thông qua “điểm Thượng Đế” (thùy thái dương phải của đại não, cấu trúc hồi hải mã và hệ limbic) sẽ cảm thụ được những trải nghiệm này, sau đó biểu đạt nó ra.

Học thuyết này có thể giải thích rõ ràng tại sao trải nghiệm cận tử có thể được xử lý và lưu trữ sau khi não bộ đã không thể hoạt động bình thường hoặc dừng hoạt động, bởi vì đó là trải nghiệm ở một không gian khác, tồn trữ ở một không gian khác, mà không phải là tác dụng của đại não bằng thịt này. Loại học thuyết này cũng có thể giải thích rõ các yếu tố cấu thành khác nhau như linh hồn ly thể trong trải nghiệm cận tử, nhìn thấy thế giới Thiên quốc, gặp bạn bè người thân đã khuất, hồi tưởng lại trải nghiệm sống trong quá khứ của bản thân và nhìn thấy những sự việc xảy ra trong tương lai, bởi vì những sự việc này đều tồn tại trong một thời không khác, mà không phải ở trong não của chúng ta.

Loại học thuyết này là có cơ sở lý luận. Các nhà vật lý tại phòng thí nghiệm Los Alamos ở Hoa Kỳ, nơi nổi tiếng với việc phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, và các nhà khoa học thuộc phòng thí nghiệm Quốc gia khám phá khoa học Hoa Kỳ đã đề xuất rằng, tư duy và hành vi của con người là một dạng năng lượng được phóng thích ra ngoài, loại năng lượng này không hề biến mất, mà nó được tồn trữ ở một nơi nào đó trong vũ trụ. Ngay từ 40 năm trước, các nhà vật lý lượng tử, như nhà vật lý học vũ trụ nổi tiếng John Wheeler, một trong những giám đốc của dự án Manhattan và dự án bom hydro chế tạo bom nguyên tử của Hoa Kỳ, và Hugh Everett thuộc trường đại học Princeton đã đề xuất một cách có hệ thống lý thuyết về sự tồn tại của nhiều thời không song song – lý thuyết đa thế giới.

Tuy nhiên học thuyết này vẫn chưa giải thích được toàn diện và đầy đủ về trải nghiệm cận tử, rất nhiều đáp án cho các câu hỏi vẫn còn là ẩn số. Ví dụ như, linh hồn rốt cuộc là gì? Quan hệ giữa nó và nhục thân như thế nào? Hình thức tồn tại của sinh mệnh và vật chất ở không gian khác là gì? v.v.

Dịch từ: https://media.zhengjian.org/media/zjbooks/life_gate/10.htm

Tài liệu tham khảo

1.Blackmore S. Dying to Live: Science and the Near Death Experience, London; Grafton An imprint of Harper Collins Publisher, 1993. P202-204;

2.Near Death Experience in Survivors of Cardiac Arrest: A Prospective Study in the Netherlands. Pim.van.Lommel et al. The Lancet 2001 358.

3.Morse, ML, , Venecia, D. and Milstein, J., 1989, Near Death Experience: A neurophysiological Explainatory Model, Journal of Near Death Studies, 8, 45-53;

4.On the other side of life, Exploring the phenomenon of the Near Death Experience, Elsaesser Valarino , 1997 5.《死亡的记忆》, Sabom, M.B, London, 1982.

6.Where God Lives, Melvin Morse & Paul Perry, HarperCollins Publishers Inc, New York, NY, 2000.



Ngày đăng: 02-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.