Mở cánh cửa sinh tử, khám phá bí ẩn của linh hồn (Phần 2.1)
[ChanhKien.org]
2. Trường hợp điển hình về trải nghiệm cận tử
Ở phần trước chúng tôi đã nhắc đến, các trường hợp trải nghiệm cận tử có một số đặc điểm chung. Dưới đây chúng tôi sẽ phân loại và đưa ra một số ví dụ điển hình cho mọi người.
2.1 Linh hồn ly thể phiêu đãng trên không trung
Bác sĩ Pim Van Lommel thuộc trung tâm tim mạch của bệnh viện Rijnstate ở Hà Lan là một học giả đương đại nổi tiếng chuyên nghiên cứu về trải nghiệm cận tử. Ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu trải nghiệm cận tử theo hình thức theo dõi (truy dấu vết) kéo dài 8 năm trên 334 bệnh nhân ở độ tuổi từ 26 đến 92 bị nhồi máu cơ tim cấp được cấp cứu thành công trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 1992, đồng thời kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí học thuật có uy tín ở quốc tế “The Lancet” vào tháng 12 năm 2001, gây chấn động giới học thuật.
Điều gây chú ý nhất trong báo cáo nghiên cứu của bác sĩ Lommel là trải nghiệm linh hồn ly thể của một số bệnh nhân. Những trải nghiệm này rất khó để giải thích từ góc độ sinh lý thần kinh, bởi vì khi bệnh nhân kinh qua trải nghiệm cận tử đã được cho là chết lâm sàng, nhịp tim và hô hấp đã ngừng hoạt động, mất sóng điện não, não bộ hoàn toàn rơi vào trạng thái ngừng hoạt động. Nếu tư duy ý thức của con người được sinh ra bởi hoạt động thần kinh của đại não, vậy thì bệnh nhân trong trạng thái chết lâm sàng làm sao có thể độc lập với thân thể, đồng thời có những hoạt động ý thức độc lập với cơ thể, lại còn tỉnh táo, có trật tự như vậy?
Ví dụ như một bệnh nhân 44 tuổi bị đau tim đột phát ngã trên bãi cỏ, sau khi người qua đường nhìn thấy liền gọi xe đưa đến bệnh viện cấp cứu. Lúc đó người này được chẩn đoán là đã chết lâm sàng và các chỉ số y tế cho thấy hy vọng được cứu sống trở lại là rất mong manh. Nhưng bác sĩ Lommel không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục ép tim và hô hấp nhân tạo cho ông ấy. Khi bác sĩ Lommel chuẩn bị làm hô hấp nhân tạo thì phát hiện trong miệng bệnh nhân có chiếc răng giả làm vướng víu, nên đã tháo răng giả trong miệng bệnh nhân ra. Trải qua một tiếng rưỡi cấp cứu, bệnh nhân cuối cùng cũng có nhịp tim và huyết áp, nhưng vẫn trong trạng thái hôn mê. Đợi sau khi tỉnh lại, bệnh nhân vừa gặp được bác sĩ Lommel liền nói với ông, tôi biết chiếc răng giả của mình đang ở đâu. Bác sĩ Lommel đã rất ngạc nhiên. Sau đó bệnh nhân giải thích rằng: “Đúng vậy, khi tôi được đưa đến bệnh viện, ông ở đó và đã lấy răng giả trong miệng của tôi ra, rồi đặt trên một chiếc xe nhỏ. Trên xe có rất nhiều lọ thuốc, phía dưới chiếc xe còn có một ngăn kéo, ông đã để răng giả của tôi đặt trong ngăn kéo đó.”
Bác sĩ Lommel đã vô cùng kinh ngạc, lúc đó bệnh nhân đang ở trong trạng thái hôn mê sâu. Thông qua trò chuyện nhiều hơn, bác sĩ Lommel biết được lúc đó bệnh nhân đang bay lơ lửng trên không trung, nhìn xuống thấy thân thể của mình đang nằm trên giường và các nhân viên y tế đang bận rộn, đồng thời bệnh nhân cố gắng hết sức để giao tiếp với các nhân viên y tế, muốn họ đừng ngừng việc cấp cứu, nhưng dù ông ấy có cố gắng thế nào thì cũng vô ích, không ai có thể nhìn thấy ông trên không trung. Tất cả những chi tiết và cảnh tượng cấp cứu mà bệnh nhân này miêu tả đều ăn khớp với tình huống thực tế lúc đó. Nếu chúng ta coi hoạt động ý thức của bệnh nhân lúc đó quy thành hoạt động thần kinh của não bộ, thì làm thế nào để giải thích việc ông ấy dưới trạng thái đại não không hoạt động lại có thể nhìn thấy tất cả sự việc một cách rõ ràng như vậy?
Hai tác giả của cuốn “Đi về phía ánh sáng” (Closer to the Light) là tiến sĩ Melvin Morse thuộc đại học George Washington và Paul Perry cựu tổng biên tập tạp chí “American Health” đã kể lại một trải nghiệm ly thể như sau:
Auger Phil Hart là một cụ già 63 tuổi. Trong khi bà đang chờ được cấy ghép tim, một loại vi rút lây nhiễm nghiêm trọng đã xâm nhập vào hệ tim mạch của bà, làm cho tim bà ngừng đập. Bà lập tức được đưa đến Trung tâm đại học California (University of California Center) để tiến hành phẫu thuật. Cả gia đình bà đều đến bệnh viện, ngoại trừ người con rể của bà phải ở nhà.
Mặc dù ca phẫu thuật rất thuận lợi, nhưng vào lúc rạng sáng 2 giờ 15 phút, quả tim mới cấy ghép của Auger đột nhiên ngừng đập. Nhóm phẫu thuật cấy ghép đã nỗ lực hơn 3 giờ đồng hồ, cuối cùng lại cứu sống bà Auger thêm một lần nữa. Mãi đến khi trời sáng, người nhà bà Auger được thông báo ca phẫu thuật đã thành công, nhưng không được biết các chi tiết khác.
Khi người nhà bà Auger gọi điện báo tin vui cho người con rể. Con rể của bà cũng có tin tức báo cho họ biết. Anh nói anh đã biết tin ca phẫu thuật thành công rồi. Vào buổi sáng lúc 2 giờ 15 phút, khi anh đang ngủ thì phát hiện bà Auger đang đứng ở đầu giường. Bà Auger nói với anh đừng lo lắng, bà sẽ không sao đâu, và yêu cầu anh báo tin này cho con gái bà. Con rể của bà Auger đã ghi lại tin này cùng thời gian lúc đó rồi ngủ thiếp đi.
Sau đó bà Auger tỉnh lại, câu hỏi đầu tiên của bà là: “Mọi người có nhận được tin nhắn của tôi không?”
Paul Perry và Tiến sĩ Melvin Morse đã nghiên cứu kỹ lưỡng trải nghiệm cận tử của bà Auger, phát hiện rằng mỗi chi tiết đều có bằng chứng khách quan, thậm chí còn nhìn thấy mảnh giấy có ghi dòng tin nhắn mà con rể bà Auger đã ghi lại.
“Trải nghiệm linh hồn ly thể” không chỉ có ở người trải qua cận tử, mà còn là trải nghiệm tương tự của một số người khỏe mạnh. Tiến sĩ Charles T. Tart, giáo sư tại Đại học California, đã mô tả một số thí nghiệm có tên gọi là “linh hồn ly thể” được thực hiện ở người khỏe mạnh trong bài báo được đăng tải trên tạp chí học thuật “Nghiên cứu về trải nghiệm cận tử” (Journal of Near Death Studies) năm 1998.
Vào giữa những năm 1960, có một lần cô Z, người trông trẻ cho gia đình ông Charles đã nói với tiến sĩ rằng, từ khi còn nhỏ cô thường thường có cảm giác như “tinh thần” tỉnh táo lại sau một giấc ngủ say, linh hồn rời khỏi thân thể bay lên gần trần nhà, từ đó nhìn xuống thân thể của mình. Loại trải nghiệm rõ ràng này khác với giấc mộng. Lúc đầu cô còn tưởng là hiện tượng bình thường trong giấc ngủ. Sau khi cô nói chuyện này với người khác khoảng 1,2 lần, mới biết được không phải như vậy. Về sau, cô cũng không tùy tiện nhắc tới chuyện này với người khác nữa. Cô nói thỉnh thoảng mình vẫn có loại trải nghiệm này. Tiến sĩ Tart nói với cô rằng vào thời điểm đó có hai giả thuyết liên quan đến “linh hồn ly thể”, một thuyết cho rằng tư tưởng của con người trong một thời gian ngắn đã rời khỏi nhục thân, lý thuyết còn lại thì cho rằng đó hoàn toàn là một loại ảo giác. Tiến sĩ đề nghị rằng cô có thể sử dụng biện pháp sau để phân biệt hai loại giả thuyết đó: Viết mười số từ 1 đến 10 lên mười tờ giấy, lật úp chúng lại rồi đặt vào trong chiếc hộp trên bàn, trước khi đi ngủ chọn ngẫu nhiên một tờ rồi lật ngược chúng nhưng không được nhìn. Nếu khi cô ấy ngủ thực sự trải qua “linh hồn ly thể” thì cô ấy sẽ nhìn vào tờ giấy đó và nhớ kĩ con số viết bên trên. Sáng hôm sau lại kiểm tra con số trong trí nhớ của cô và trên tờ giấy có trùng khớp không. Vài tuần sau đó, khi tiến sĩ Tart gặp lại cô, cô nói rằng cô đã thử bảy lần, và lần nào những con số được ghi nhớ cũng đều chính xác.
Sau đó bác sĩ Tart đã mời cô đến phòng thí nghiệm của ông và tiến hành thử nghiệm trong bốn đêm. Vào mỗi đêm, bác sĩ sử dùng máy điện não đồ (EEG) có thể phân biệt được các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ để tiến hành thử nghiệm với cô, liên tục ghi lại số liệu máy điện não đồ của cô ấy mỗi đêm khi ngủ. Đồng thời, ông còn dùng thiết bị kiểm tra hoạt động của mắt, điện trở của da, nhịp tim, huyết áp, v.v.
Để xác định khi cô có cảm giác ly thể có đúng là “linh hồn ly thể” hay không, bác sĩ đã thực hiện trình tự sau đây:
Mỗi đêm sau khi đợi người tham gia thử nghiệm nằm trên giường và máy đo hiển thị rằng cô sắp ngủ, tiến sĩ đi đến hành lang phòng làm việc, mở một bảng chữ số ngẫu nhiên đã chuẩn bị trước, ném một đồng xu lên bảng và chọn một con số ngẫu nhiên mà đồng xu rơi vào, lập tức ghi lại năm con số đầu tiên lên một mảnh giấy nhỏ. Sau đó đặt tờ giấy vào trong một cái kẹp không trong suốt, rồi trở lại phòng thí nghiệm nơi có người thử nghiệm, rồi đặt tờ giấy lên trên một cái giá trong tình huống người được thử nghiệm không nhìn thấy tờ giấy. Nếu mắt của một người cách mặt đất với độ cao khoảng 2 mét, người đó có thể nhìn thấy rõ ràng nội dung trong tờ giấy. Ngoài cách này ra thì người tham gia không cách nào nhìn thấy tờ giấy. Sau đó bác sĩ bảo người được thử nghiệm đi ngủ, yêu cầu cô nếu xuất hiện hiện tượng “linh hồn ly thể”, hãy cố gắng tỉnh lại ngay và nói cho bác sĩ sau khi kết thúc hiện tượng “linh hồn ly thể”, để ông biết được những gì máy đo ghi lại khi phát sinh hiện tượng “linh hồn ly thể”. Ông cũng yêu cầu cô nếu như linh hồn bay đủ cao, hãy ghi nhớ nội dung trong tờ giấy và sau khi kết thúc hiện tượng này lập tức tỉnh lại và báo cho tiến sĩ biết nội dung.
Trong 4 đêm thử nghiệm, cô Z đã báo cáo tổng cộng 5 lần có cảm giác “linh hồn lơ lửng”, trong đó có 3 lần cô cảm giác dường như bộ phận linh hồn ly thể và có 2 lần trải nghiệm “linh hồn ly thể”. Trong ba đêm đầu tiên, cô Z báo cáo tuy rằng cô thỉnh thoảng có trải nghiệm linh hồn bay lơ lửng hoặc trải nghiệm ly thể, nhưng cô không cách nào khống chế linh hồn để bay lên vị trí đủ cao để nhìn thấy con số trên tờ giấy (con số mỗi đêm đều không giống nhau). Vào đêm thử nghiệm thứ tư, bắt đầu từ 5 giờ 57 phút sáng, điện não đồ hiển thị có lúc giống như giai đoạn đầu của giấc ngủ trong vòng 7 phút, có lúc giống như thức tỉnh trong giây lát. Sau đó cô Z tỉnh dậy và nói với tiến sĩ con số trên tờ giấy là 25132, tiến sĩ ghi lại con số này và chứng thực đây đúng là con số được ghi trên tờ giấy. Mà xác suất ngẫu nhiên đoán trúng một chữ có 5 chữ số là 1/100.000!
Kenneth Ring, giáo sư tâm lý học tại đại học Connecticut, trong cuốn sách nổi tiếng của mình “Hướng tới Omega— Tìm kiếm ý nghĩa của trải nghiệm cận tử” (Heading toward Omega—in Search of the meaning of the Near Dearth Experience) đã kể lại trải nghiệm cận tử của một người phụ nữ 48 tuổi như sau:
Phịch, tôi rời đi, sau đó tôi bay lơ lửng lên trần nhà, khi nhìn xuống dưới, tôi có thể nhìn thấy đầu và mũ của bác sĩ. Tôi có thể phân biệt được bác sĩ chính chữa trị cho mình bởi vì trên mũ của ông có kí hiệu rất đặc thù, cảnh tượng đó rất rõ ràng và sống động. Tôi bị cận thị rất nặng. Người khác có thể nhìn thấy đồ vật ngoài 122 mét, tôi phải đến gần ở khoảng cách 4.5 mét mới có thể nhìn thấy, nên việc này (nhìn thấy ký hiệu đặc thù trên mũ của bác sĩ) khiến tôi rất ngạc nhiên. Họ nối tôi vào một vào một cái máy đặt ở phía sau đầu của tôi, niệm đầu đầu tiên của tôi là: “Trời ạ, tôi có thể nhìn thấy, tôi quả thực không thể tin nổi, tôi có thể nhìn thấy nó”. Tôi có thể đọc được những con số ở trên máy móc, mà chiếc máy này lại ở phía sau đầu của tôi. Tất cả mọi thứ đều rất sáng và rõ ràng, từ chỗ tôi có thể nhìn thấy cái chụp đèn, trên chụp đèn rất bẩn, toàn là bụi bặm. Tôi nhớ lúc đó tôi nghĩ: “Nhất định phải nói chuyện này với các y tá”.
Một trường hợp trải nghiệm cận tử sinh động khác được ghi lại trong cuốn “Đi về phía ánh sáng” của Melvin Morse thuộc đại học George Washington và đồng tác giả Paul Perry cựu tổng biên tập tạp chí American Health: Một phụ nữ tên là Paula 25 tuổi, trong một lần bộc phát bệnh tim, tim cô đã ngừng đập, sau khi cấp cứu cô tỉnh lại, cô miêu tả rằng: Tôi bay lơ lửng trên trần nhà nhìn xuống dưới, có ba y tá đang ở xung quanh cơ thể tôi, có một người sau khi đo mạch cho tôi xong rồi hét lên với hai người còn lại: “Gọi điện thoại cho bác sĩ và chồng của cô ấy”. Bác sĩ lập tức đến. Sau khi kiểm tra sơ bộ xong, bác sĩ nói: “Cô ấy chết rồi”. Tôi bay ra khỏi phòng, đi trong hành lang và nhìn thấy dì của tôi là y tá của của bệnh viện này. Cô ấy đang nói với người khác: “Thật đáng tiếc, Paula đã từng là một người mẹ trẻ tốt”. Tôi thấy rất kỳ lạ là tại sao lại dùng “đã từng là”. Tôi đã cố gắng nói chuyện với họ, nói với họ rằng tôi vẫn còn ở đây, nhưng không cách nào nói chuyện được với họ. Tôi thậm chí còn có thể bay vào một căn phòng khác, tôi nghe thấy một bệnh nhân đang phàn nàn: “Ồn ào quá”. Y tá nói với cô: “Paula ở phòng bên cạnh bệnh rất trầm trọng”. Sau đó tôi bay trở về, nhìn thấy chồng tôi đã đến, anh nói với bác sĩ: “Làm sao tôi có thể nói với các con điều này đây?” Tôi nghĩ tôi thực sự đã chết rồi, niệm đầu thứ hai của tôi không phải là sợ hãi, mà lại cảm thấy đây có thể là một trải nghiệm thú vị, tôi muốn nói với họ: “Tôi đang ở đây khi đó, tôi thậm chí có thể nhìn thấy họ và nghe được họ nói chuyện, nhưng không cách nào nói chuyện với họ, điều này khiến người ta rất chán chường. Khi tôi nhìn thấy họ đang cấp cứu cho tôi, trong phòng trở nên sáng rực, như một cái lồng chụp lớn đầy màu sắc bao phủ lên tôi, ở giữa cái lồng là ánh sáng lấp lánh vô cùng rực rỡ. Tôi biết trung tâm ánh sáng kia chính là nơi tôi muốn đến. Sau đó có vài người bước ra từ ánh sáng, họ không phải là Thượng Đế hay Thiên Sứ mà là những người bình thường giống như tôi. Cuối cùng tôi đã trở về thân thể của mình. Tôi nhìn thấy bác sĩ đang lắc bả vai của tôi gọi lớn: “Paula, Paula, hãy trở lại”. Vào lúc đó tôi đã trở về thân thể và tỉnh lại.
Dịch từ: https://media.zhengjian.org/media/zjbooks/life_gate/02.htm
Ngày đăng: 07-02-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.