Thiệu Ung xác thực có công năng tiên tri



Tác giả: Lục Chân

[Chanhkien.org] Du Việt, hiệu Khúc Viên, một giám khảo đại học triều Thanh từng kể lại câu chuyện như sau:

Sách «Khúc Vĩ Cựu Văn» triều Tống ghi lại rằng: Khi Âu Dương Tu làm Tể tướng đương thời, có nghe nói đại danh của Thiệu Nghiêu Phu (Thiệu Ung, tự Nghiêu Phu, hiệu Khang Tiết). Con trai ông là Âu Dương Phỉ, tự Thúc Bật, khi nhậm chức quan trên đường đi qua Lạc Dương. Âu Dương Tu dặn: “Con đến Lạc Dương, có thể tới bái kiến Thiệu tiên sinh”. Âu Dương Thúc Bật vừa đến cửa nhà Thiệu Nghiêu Phu, còn chưa kịp gõ cửa, thì Thiệu Nghiêu Phu đã vội vã xỏ giày ra nghênh tiếp và mời vào nhà rồi. Âu Dương Thúc Bật cảm thấy Thiệu Nghiêu Phu xác thực là có công năng tiên tri tiên liệu. Nên khi hai người ngồi cùng nhau, họ đã đàm đạo suốt cả một ngày.

Thiệu Nghiêu Phu còn chủ động thuật về những người mình từng gặp trong đời, về tri thức sở học của mình, và những việc mình từng làm qua. Khi ấy Âu Dương Thúc Bật không hiểu vì sao Thiệu Nghiêu Phu lại kể chuyện với nội dung chi tiết như vậy, chỉ cảm thấy rất kỳ quái. Sau khi nói một số nội dung nữa, Thiệu Nghiêu Phu còn hỏi Âu Dương Thúc Bật: “Ta giảng những nội dung này, ngài có nhớ nổi hết không?”

Lúc ấy Âu Dương Thúc Bật tuy kính cẩn lắng nghe, nhưng không rõ mục đích Nghiêu Phu tự thuật về mình là gì. Cộng thêm câu hỏi “ngài có nhớ nổi hết không?”, Thúc Bật thấy càng kỳ quái hơn nữa.

Mãi tới những năm Nguyên Phong thời Tống Thần Tông, Thiệu Nghiêu Phu qua đời, triều đình tôn kính phẩm hạnh của Thiệu Nghiêu Phu, nên mới phong hiệu cho ông. Âu Dương Thúc Bật khi ấy đã là Thái Thường Bác sĩ, vì đảm nhận chức trách Bác sĩ, nên quyết định viết sớ đề nghị phong hiệu cho ông, để trình tấu Hoàng thượng. Bấy giờ, Âu Dương Thúc Bật mới đột nhiên tỉnh ngộ: Nguyên nhân Thiệu Nghiêu Phu thuật lại bình sinh cho ông nghe, chính là để giúp ông viết bài sớ này.

Người đời vẫn đem Quách Cảnh Thuần triều Tấn ví như “Thanh Y Thần”. Thiệu Nghiêu Phu và Quách Cảnh Thuần tuy sự tích khác nhau, nhưng về khả năng tiên tri vị lai thì rất giống nhau.

Lại nghe nói khi Tư Mã Quang và Thiệu Nghiêu Phu gặp nhau, hai người từng tản bộ ở bờ Bắc sông Lạc Thủy, thấy có người trong căn nhà. Thiệu Nghiêu Phu chỉ vào mấy ngôi nhà mới xây ở bờ Bắc, nói: “Nhà ba gian này, vào tháng A năm B sẽ bị sụp đổ; nhà ba gian kia, vào tháng C năm D sẽ bị nước lũ cuốn trôi”. Tư Mã Quang trở về nhà, mới đem sự kiện này ghi vào mặt sau của bản thảo. Nhưng thời gian trôi qua, đã quên bẵng đi mất. Có một lần, Tư Mã Quang đi qua bờ Bắc sông Lạc Thủy, bỗng nhiên nhớ lại lời Thiệu Nghiêu Phu từng nói với mình, mới đi xem thử mấy căn nhà kia, thấy đúng là đã biến thành đống gạch vụn rồi. Ông bèn hỏi dò những người đương địa, thì họ đáp lại đúng y như lời dự đoán năm xưa của Thiệu Nghiêu Phu.

Bởi vậy người viết nghĩ rằng: Cả một đời người, anh ta sẽ làm gì, đi tới nơi đâu, kiếm được bao nhiêu tiền, sẽ kết hôn với ai, sẽ mắc bệnh gì, sẽ chết tại nơi nào, hết thảy đều được chư Thần an bài hoàn chỉnh rồi. Cũng như vậy, một căn phòng kia, nó sẽ xây xong vào thời gian nào, sẽ có ai tiến vào đó ở, nhà cửa hưng suy phá hoại thế nào, đều đã được an bài đầy đủ rồi. Do đó các bậc Thánh hiền mới dạy bảo người đời rằng: “Chỉ nỗ lực làm ruộng cày cấy, đừng quan tâm thu hoạch thế nào”, “Việc không thuận, tự xét lấy mình; vui tuổi trời, tùy kỳ tự nhiên”.

“Mệnh lý có lúc rồi sẽ hết, trong mệnh thì chớ có cưỡng cầu”, “Lấy cống hiến làm vui mừng, lấy tham lam làm hổ thẹn”, “Việc ác chớ làm, làm theo chữ Thiện”. Đây đều là các danh ngôn chí lý, rất đáng để chúng ta ghi nhớ trong tâm.

(Truyện theo «Trà hương thất tùng sao» của Du Việt triều Thanh)

Dịch từ:

http://zhengjian.org/zj/articles/2010/5/17/66235.html



Ngày đăng: 07-04-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.