Bí ẩn cơ thể người: “Công năng thấu thị” dựa trên nghiên cứu cận tâm lý
Tác giả: Ngô Uyên
[Chanhkien.org] “Cận tâm lý học” (parapsychology) đã bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 như một bộ môn tâm lý học thực nghiệm mới. Mục đích của nó là chứng thực thông qua khoa học thực nghiệm về sự tồn tại của các tiềm năng trên cơ thể người và các nhân tố ảnh hưởng đến những tiềm năng này. Tiềm năng cơ thể người còn được gọi là “công năng đặc dị”, và ở phương Tây nó được biết đến với cái tên “hiện tượng Psi”, có nghĩa là “chưa biết”. “Hiện tượng Psi” đã được nghiên cứu theo hai loại chính: tri giác siêu cảm (extrasensory perception) và trạng thái xuất thần (psychokinesis). “Tri giác siêu cảm” là chỉ khả năng có được năng lực tri giác mà không qua các giác quan, bao gồm tha tâm thông hay cảm ứng từ cự ly xa (telepathy), công năng thấu thị hay thiên mục (clairvoyance), công năng dao thị hay nhìn xa (remote viewing), công năng túc mệnh thông hay biết trước tương lai (precognition) và nhớ lại quá khứ (retrocognition). “Trạng thái xuất thần” là chỉ khả năng ảnh hưởng hay thao túng thế giới vật chất bên ngoài mà không cần động tay hay động chân, bao gồm công năng ban vận hay dùng ý niệm di chuyển vật thể (teleportation), dùng ý niệm điều khiển thiết bị điện tử, hoặc thúc đẩy hạt giống nảy mầm, v.v.
Trong hơn 70 năm nghiên cứu thực nghiệm, người ta đã chứng thực được sự tồn tại của những công năng này. Các nhà khoa học đã nhận thức thêm và hiểu rõ hơn rằng những công năng này đều bắt nguồn từ một dạng năng lượng tâm lý bí ẩn, điều mà sinh lý học hiện đại đã công nhận. Để vén bức màn bí ẩn bao phủ các tiềm năng của cơ thể người, người ta phải đột phá những rào cản cố hữu mà khoa học hiện đại dựng nên và thiết lập một cách tiếp cận mới để nhận thức cơ thể người và vũ trụ.
Vào cuối năm 2001, “Nghiên cứu cơ sở về cận tâm lý” (The Fundamental Study of Parapsychology) đã được biên soạn và xuất bản bởi nhà cận tâm lý nổi tiếng, K.R. Rao. Cuốn sách điện tử này đã tổng kết các thí nghiệm trong lĩnh vực cận tâm lý và sau đó phân tích kết quả. Qua tham khảo cuốn sách này, chúng ta có thể thấy được sự tiến bộ trong nghiên cứu lĩnh vực cận tâm lý và cùng nhau thảo luận về các bí ẩn của cơ thể người.
1. Công năng thấu thị: Chuỗi thí nghiệm Pearce-Pratt
Công năng thấu thị (clairvoyance) chỉ khả năng nhìn một đồ vật bị che khuất hoặc được ngăn cách bằng một bức tường (“cách tường khán vật”). Thí nghiệm kinh điển trong lĩnh vực này chính là chuỗi thí nghiệm Pearce-Pratt.
Năm 1934, Tiến sĩ J.B. Rhine thuộc Đại học Duke ở Hoa Kỳ đã thiết kế 5 bộ thẻ được gọi là Thẻ Trắc nghiệm Siêu cảm (Extrasensory Testing Cards). Trên mỗi bộ thẻ là một hình vẽ đơn giản: hình tròn, hình vuông, hình chữ thập, hình sóng nước và hình ngôi sao.
Bằng việc sử dụng 5 bộ thẻ này, ông và cộng sự, Tiến sĩ J.G. Pratt, đã tiến hành một chuỗi thí nghiệm trên một học sinh, H. E. Pearce, Jr., người tuyên bố là có công năng thấu thị.
Các thí nghiệm được tiến hành 34 lần trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm 1933 đến tháng 3 năm 1934. Năm loại thẻ (tổng cộng 25 thẻ) đã được sử dụng vào mỗi lần thí nghiệm. Người được thí nghiệm, Pearce, Jr., ngồi trong một căn phòng nhỏ tại thư viện Đại học Duke, trong khi cộng sự Pratt ngồi trước một chiếc bàn ở tòa nhà cách nơi mà ông có thể thấy Pearce từ 100-200 thước. Trước khi thí nghiệm bắt đầu, Pratt trộn một cách ngẫu nhiên những tấm thẻ và đặt chúng ở phía bên phải chiếc bàn, với mặt thẻ có hình úp xuống. Một cuốn sách cũng được đặt ở giữa chiếc bàn.
Ngay khi thí nghiệm bắt đầu, Pratt chọn một tấm thẻ bằng tay phải và đặt nó lên cuốn sách với mặt có hình úp xuống. Cùng lúc đó, Pearce cố gắng đoán xem hình trên chiếc thẻ là gì. Một phút sau, Pratt dùng tay trái để chuyển chiếc thẻ từ cuốn sách sang phía bên trái của chiếc bàn với mặt thẻ úp xuống, và rồi chọn tấm thẻ tiếp theo bằng tay phải. Với mỗi chiếc thẻ được chọn trong vòng một phút, quá trình này tiếp tục cho tới khi 25 chiếc thẻ được lấy hết. Những chiếc thẻ luôn được đảm bảo là úp xuống trong toàn bộ quá trình, và cả Pearce và Pratt đều không thể nhìn thấy các hình vẽ.
Sau khi hoàn thành lượt đầu tiên của thí nghiệm, Pearce sẽ ghi lại đáp án vào một tờ giấy, gói kín trong một phong bì và đưa cho Tiến sĩ Rhine. Pratt cũng ghi lại đáp án mà ông cố gắng đoán rồi đưa riêng nó cho Tiến sĩ Rhine. Tiến sĩ Rhine mở cả hai phong bì và sau đó tiến hành phân tích kết quả thống kê. Pratt và Pearce cũng so sánh kết quả thống kê của Tiến sĩ Rhine với đáp án mà họ tự lưu để xem có sai sót nào không. Toàn bộ quá trình thí nghiệm rất tỉ mỉ, kỹ càng, và kết quả thống kê thu được là rất chính xác.
Phân tích thống kê cho thấy trong 74 lượt thí nghiệm với 1.850 chiếc thẻ được chọn, độ chính xác trong đáp án của Pearce là hơn 30%. Điều này vượt qua xác suất thống kê khi đoán ngẫu nhiên (chỉ là 20%), và mức độ có ý nghĩa lên tới 10-22. Nói thẳng là, đoán ngẫu nhiên mà không có công năng thấu thị thì không bao giờ đạt chính xác đến 30% (Rhine, 1934, 1937). Thí nghiệm này đã được công nhận rộng rãi trong lĩnh vực tâm lý học và Tiến sĩ Rhine cũng được ca ngợi như là cha đẻ của bộ môn cận tâm lý đương đại.
Nhiều nhà khoa học sau đó đã làm lại thí nghiệm này và cũng thu được kết quả tương tự. Điều này đã chứng thực sự tồn tại khách quan của công năng thấu thị. (Russell, 1943).
Tại sao Pearce có thể thấy được vật thể được che khuất từ một cự ly xa như vậy? Vấn đề này, điều mà các nhà khoa học nghĩ rằng thần bí và khó giải thích, có thể được hiểu một cách đơn giản bởi giới tu luyện. Họ cho rằng ở bộ phận phía trước thể tùng quả (pineal body) của cơ thể người đã được trang bị kết cấu hoàn chỉnh của một con mắt người, và y học hiện đại gọi nó là một con mắt thoái hóa. Trên trán người, ở giữa hai lông mày hơi chếch lên trên một chút, có một đường thông kết nối với con mắt này, con mắt ở phía trước thể tùng quả. Nếu một người có thể nhìn trực tiếp bằng con mắt này thông qua đường thông thay vì nhìn bằng con mắt thịt, thì người ấy có thể có sẵn lực xuyên thấu, thậm chí nhìn được những sự vật mà mắt thường nhìn không thấy. Đây là điều mà giới tu luyện gọi là “thiên mục”, hay con mắt thứ ba. Rất có thể Pearce đã dùng thiên mục để nhìn những chiếc thẻ kia. Trong trường hợp này, sẽ không có gì là thần bí khi anh có thể có lực xuyên thấu như vậy.
Tham khảo:
1. Rhine, J. G. Extrasensory Perception. Boston: Boston Society for Psychic Research, 1934.
2. Rhine, J. G. Some basic experiments in Extrasensory Perception-a background, Journal of Parapsychology, 1937,1,70-80.
3. Russell, W. Examination of ESP records for displacement effects. Journal of Parapsychology, 1943,7,104-17.
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/zj/articles/2002/10/2/18751.html
http://pureinsight.org/node/1271
Ngày đăng: 17-04-2011
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.