Lợi ích của sách giấy: Vì sao đọc sách in tốt hơn cho não bộ
Tác giả: Eric Kube
[ChanhKien.org]
Khoa học thần kinh cho thấy cách chúng ta đọc – chứ không chỉ nội dung chúng ta đọc – có thể tác động và làm thay đổi căn bản khả năng nhận thức của con người (Ảnh: Shutterstock)
Não bộ khi đọc trên màn hình điện tử không hoạt động giống như khi đọc bằng sách in. Khoa học thần kinh hiện nay cho thấy khi ta chuyển từ lật từng trang sách sang lướt màn hình, đó không chỉ đơn thuần là thay đổi phương thức cho tiện lợi hơn – chúng ta cũng đang thay đổi cách bộ não xử lý và lưu trữ thông tin. Điều này ảnh hưởng đáng kể tới người đọc ở mọi lứa tuổi.
Trẻ em chỉ cần có một cuốn sách trong nhà cũng đã có khả năng đạt chuẩn về kỹ năng đọc viết và làm toán gần gấp đôi so với những trẻ em không có, bất kể về mặt thu nhập, trình độ học vấn của cha mẹ, hay khu vực sinh sống. Ngoài việc giúp trẻ phát triển kĩ năng đọc viết cơ bản, sách giấy còn tạo ra những tương tác quý giá giữa bố mẹ và con cái, giúp trẻ xây dựng các kĩ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức.
Những lợi thế ban đầu này sẽ tích lũy dần theo thời gian. Trẻ em lớn lên trong điều kiện được tiếp cận với sách giấy hoàn thành trung bình nhiều hơn ba năm học so với trẻ không có sách — đủ để tạo ra sự khác biệt giữa việc bước vào đại học hay chỉ dừng lại ở cấp ba.
Đọc là đọc, hay có gì khác nữa không?
Nếu sách giúp não bộ phát triển tốt hơn, một câu hỏi được đặt ra trong thế giới ngày càng số hóa của chúng ta: Liệu cách chúng ta đọc có quan trọng như nội dung chúng ta đọc không?
Khi công nghệ thay đổi môi trường học tập ở nhà và ở trường học, giả thuyết rằng “đọc chỉ là đọc” hiện đang phải đối mặt với sự xem xét cẩn thận của khoa học.
Những phát hiện từ một bài báo phát hành trên tạp chí Tâm lý học Xã hội trong Giáo dục cho thấy trong khi số lượng sách in trong nhà dự đoán chính xác thành tích học tập của trẻ, số lượng sách điện tử lại không cho tương quan tương tự. Kết quả này cho thấy điều mà các nghiên cứu gọi là “hiệu ứng bất lợi của màn hình”.
Hiệu ứng này được nghiệm chứng một cách toàn diện trong một phân tích tổng hợp năm 2024, dựa trên 49 nghiên cứu với sự tham gia của hàng nghìn người đọc từ tiểu học tới đại học. Kết quả cho thấy, những người đọc trên màn hình điện tử thường xuyên đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra đọc hiểu so với những người cùng trang lứa mà đọc cùng một đoạn văn bản trên giấy. Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh rằng lợi ích của việc đọc phụ thuộc, ít nhất một phần, vào chính phương tiện đọc.
Hiệu ứng thôi miên của màn hình điện tử
Tzipi Horowitz-Kraus, phó giáo sư tại Học viện công nghệ Technion Israel và Học viện Kennedy Krieger của Đại học Johns Hopkins, tìm cách làm sáng tỏ các nguyên nhân thần kinh đằng sau “hiệu ứng bất lợi của màn hình”.
Trong một nghiên cứu, Horowitz-Kraus mời 19 trẻ em từ 8 đến 12 tuổi trải qua một buổi chụp cộng hưởng từ MRI, nhằm đánh giá sự kết nối ở các vùng não đảm nhiệm chức năng xử lý và nhận biết ngôn ngữ.
Bà phát hiện rằng trẻ em dành nhiều thời gian đọc sách giấy có sự kết nối tốt hơn giữa các vùng não đảm nhiệm chức năng xử lý và kiểm soát nhận thức. Ngược lại, trẻ em dành nhiều thời gian đọc qua các loại màn hình điện tử cho thấy ít sự liên kết giữa các vùng não này.
Những thay đổi ở vỏ não do tiếp xúc với màn hình điện tử bắt đầu sớm và có thể dẫn tới sự kém phát triển ở các khu vực não chịu trách nhiệm cho các xử lý cao cấp hơn như tập trung, ghi nhớ, và kĩ năng xã hội.
“Là các nhà khoa học thần kinh nghiên cứu sự phát triển nhận thức, chúng tôi lo ngại rằng một số năng lực – như khả năng tập trung, xử lý tốc độ và kiểm soát hành vi – sẽ không phát triển đúng cách”, Horowitz-Kraus nói với The Epoch Times, khi nhận xét về tác động của màn hình điện tử trong giai đoạn đầu đời của trẻ.
Một trong những nghiên cứu của bà so sánh hai nhóm tiền tiểu học khi cùng theo dõi một câu chuyện được đọc cho chúng nghe. Một nhóm yêu thích cách kể chuyện truyền thống — người kể chuyện ngồi cùng các em, đọc truyện từ sách giấy, đồng thời tương tác với các em. Nhóm khác xem một video của cùng một câu chuyện, trong đó các trang sách được hiển thị trên màn hình, có kèm lời của cùng người kể chuyện cho nhóm kia.
Sáu tuần sau, những đứa trẻ xem màn hình điện tử thể hiện kém hơn đáng kể trong các bài kiểm tra khả năng tập trung và xuất hiện những thay đổi sóng não tương tự những đứa trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý. Đọc bằng màn hình điện tử — ngay cả ở độ tuổi nhỏ như vậy – cũng khiến trẻ khó tập trung hơn vào những gì chúng đang đọc.
Trẻ em được tham gia các buổi kể chuyện tương tác cho thấy sự cải thiện rõ rệt về khả năng tập trung quan sát sau đó. (Ảnh: The Epoch Times)
Tiếp xúc với màn hình điện tử làm thay đổi hành vi
Các nhà nghiên cứu đưa ra một vài giả thuyết nhằm lý giải những hiệu ứng này.
Tami Katzir, nhà nghiên cứu và giáo sư tại trường Đại học Haifa, cho biết việc đọc bằng màn hình điện tử làm gia tăng “tải trọng nhận thức” – mức độ căng thẳng mà bộ não phải chịu để hoàn thành một công việc.
“Không như phương thức đọc truyền thống, người đọc trên màn hình điện tử phải đồng thời kiểm soát việc đọc hiểu nội dung trong khi di chuyển qua các con chữ, liên tục đưa ra các quyết định về việc lật trang, và duy trì vị trí trong tài liệu”, Katzir nói với The Epoch Times. “Hiệu ứng ‘phân tán sự chú ý’ này có nghĩa là bộ nhớ ngắn hạn của chúng ta phải xử lý rất nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, nguy cơ làm giảm khả năng hiểu sâu sắc nội dung”.
Điều thú vị là, những sự chênh lệch về khả năng tập trung này có thể bắt nguồn từ sự khác biệt trong các chiến lược đọc giữa sách điện tử và sách in.
Hãy thử hình dung bạn đang đọc cuốn tiểu thuyết yêu thích của mình. Đã bao giờ bạn lật lại vài trang sách để xem lại một chi tiết quan trọng chưa? Thói quen tự nhiên khi đọc sách giấy này có thể giải thích tại sao đọc trên giấy vẫn có nhiều lợi thế hơn so với đọc trên màn hình điện tử, như một nghiên cứu phát hành trên tờ Đọc và Viết đã chỉ ra.
Các nhà nghiên cứu đã trang bị cho 50 sinh viên đại học thiết bị theo dõi chuyển động mắt khi họ đọc một bài báo khoa học dài sáu trang. Một nửa đọc theo “cách truyền thống” – trên giấy. Nửa còn lại đọc trên máy tính bảng.
Mặc dù cả hai nhóm cùng dành một khoảng thời gian để đọc giống nhau, nhưng chuyển động mắt của họ lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.
Kết quả theo dõi chuyển động mắt cho thấy nhóm sinh viên đọc bản in trên giấy tiếp cận văn bản một cách cẩn thận – họ thường lướt qua trước để nắm được bức tranh tổng thể, sau đó quay lại đọc kĩ những phần họ quan tâm. Ngược lại, nhóm sinh viên đọc bằng máy tính bảng, di chuyển qua nội dung như những du khách trên một con đường thẳng tắp, hiếm khi quay lại dù gặp những đoạn khó hiểu và phức tạp.
Cả hai nhóm này sau đó được kiểm tra khả năng hiểu nội dung.
Mặc dù dành cùng một khoảng thời gian để đọc tài liệu, nhưng nhóm đọc trên giấy có kết quả cao hơn 24% về hiểu nội dung. Sự chênh lệch này tương tự sự khác biệt giữa điểm A- và C+ trong một bài kiểm tra.
Người đọc trên giấy có xu hướng lật lại các trang để xem lại nội dung nhiều hơn đáng kể so với người đọc trên màn hình — và điều này diễn ra ở cả sáu trang của bài viết khoa học. (Ảnh: The Epoch Times)
Một phần lý do tạo nên sự khác biệt trong cách đọc này đến từ chính đặc điểm của sách giấy. Katzir cho rằng đọc sách giấy dẫn tới điều bà gọi là “đọc bằng cả cơ thể”.
“Trải nghiệm xúc giác của việc cầm một cuốn sách, cảm nhận khối lượng của nó, và lật các trang sách hỗ trợ trí nhớ không gian và giúp người đọc tạo dựng một bản đồ trí óc của văn bản, hỗ trợ việc hiểu và gợi nhớ thông tin”, bà Katzir nói.
“Màn hình điện tử thường có xu hướng khiến người đọc rơi vào tình trạng mà các nhà nghiên cứu gọi là “hiệu ứng nông cạn”. Thay vì đọc liền mạch, tập trung, chúng ta có xu hướng lướt nhanh giữa các đoạn, quét qua các thông tin một cách bề mặt thay vì đào sâu phân tích nội dung. Điều này khiến khả năng ghi nhớ, đặc biệt là những chi tiết có tính tuần tự, bị suy giảm, vì người đọc thường chỉ nhìn lướt để tìm từ khóa, chứ không thực sự xử lý văn bản một cách kĩ lưỡng”.
Diane Mizrachi, thủ thư nghiên cứu tại trường Đại học California–Los Angeles, thường xuyên chứng kiến tác động của “đọc bằng cả cơ thể” ở cả các sinh viên trong trường lẫn các diễn viên điện ảnh tại Los Angeles.
“Với các diễn viên, họ chia sẻ rằng việc học thuộc vai diễn gắn liền với chuyển động cơ thể và cảm nhận không gian. Chính vì vậy, lý do lớn nhất khiến họ thích sách giấy hơn là vì cảm giác cầm nắm được, tiếp xúc thật với văn bản, với một thứ gì đó cụ thể và hữu hình”, Mizrachi chia sẻ với The Epoch Times.
“Với họ, đó thực sự là quá trình để từng câu chữ thấm vào trong cơ thể và tâm hồn”.
Hướng tới một tương lai tích hợp
Mặc dù với những phát hiện này, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định rằng màn hình điện tử là hoàn toàn có hại — vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định đầy đủ tác động của chúng.
Họa sĩ minh họa Arthur Radebaugh từng hình dung về một tương lai nơi công nghệ sẽ cách mạng hóa giáo dục: Máy tính sẽ trở thành giáo viên, học sinh chỉ cần ấn nút là tiếp thu kiến thức, và màn hình điện tử sẽ thay thế các lớp học. Những dự đoán này nghe có vẻ đầy lạc quan khi ông đưa ra vào những năm 1950, nhưng thực tế hiện nay lại cho thấy một bức tranh phức tạp hơn thế.
Ngày 25/5/1958, ấn bản truyện tranh Chủ Nhật của Arthur Radebaugh, Closer Than We Think.
Tương lai mà Radebaugh từng hình dung đã thực sự đến, nhưng không giống như ông tưởng tượng. Con đường tốt nhất dành cho việc đọc sách không nằm ở việc hoàn toàn số hóa hay chỉ dùng sách giấy, mà là ở cách chúng ta thiết kế trải nghiệm đọc sách một cách có chủ đích, tận dụng lợi thế của từng hình thức. Như Horowitz-Kraus đã nói: “Chúng ta không thể quay ngược lại được nữa — công nghệ đã ở đây rồi. Nhưng chúng ta cũng không thể vứt bỏ những cuốn sách đi được”.
Nguyên văn bài viết tiếng Anh “The Paper Advantage: Why Reading Print Is Better for Your Brain” của báo The Epoch Times.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/295797
Ngày đăng: 28-04-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.