Tác giả: George Citroner
[ChanhKien.org]
Một nghiên cứu mới cho thấy "vòng phản hồi” (“feedback loops") trên mạng xã hội có thể làm trầm trọng thêm chứng ảo tưởng ở những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
(Ảnh: FabrikaSimf/Shutterstock)
Một nghiên cứu mới cho biết, sử dụng mạng xã hội quá nhiều có liên quan đến việc gia tăng các rối loạn tâm thần liên quan đến chứng ảo tưởng, bao gồm chứng ái kỷ (*) và rối loạn lo âu về ngoại hình, là do các nền tảng trực tuyến đã tạo ra "vòng phản hồi", từ đó làm trầm trọng hơn các niềm tin sai lệch.
Nghiên cứu mới của Đại học Simon Fraser (SFU) cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc sử dụng mạng xã hội nhiều và sự gia tăng của một số rối loạn tâm thần liên quan đến chứng ảo tưởng, chẳng hạn như chứng hoang tưởng, ái kỷ, rối loạn lo âu về ngoại hình và chán ăn.
Bernard Crespi, Giáo sư khoa sinh học và là Chủ tịch nghiên cứu về di truyền học tiến hóa và tâm lý học tại Đại học Simon Fraser University (SFU) của Canada, cho biết trong một tuyên bố tóm tắt về những phát hiện của nghiên cứu: "Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tâm thần, cũng như cách chúng có thể trở nên trầm trọng hơn bởi các nền tảng xã hội trực tuyến".
Gia tăng chứng ảo tưởng
Mới đây, tạp chí “Tâm thần học BMC” (BMC Psychiatry) đã công bố bản đánh giá mới có hệ thống gồm 155 nghiên cứu và bài báo khoa học đã điều tra mối quan hệ giữa mạng xã hội và sức khỏe tâm thần.
Bản đánh giá cho biết các chứng rối loạn ảo tưởng có thể trở nên nặng hơn bởi mạng xã hội. Chúng gồm rối loạn nhân cách ái kỷ, đặc trưng bởi cảm giác vượt trội thái quá; chứng ảo tưởng người khác thích mình, đặc trưng bởi niềm tin sai lầm của một cá nhân rằng có người yêu mình; và rối loạn lo âu về thân thể, đặc trưng bởi sự tập trung ám ảnh vào những khiếm khuyết về ngoại hình.
Crespi cho biết: “Mạng xã hội đang tạo điều kiện cho chứng ảo tưởng dễ dàng nảy sinh và kéo dài do sự hiện diện của các nền tảng và ứng dụng, từ đó trợ giúp cho nguyên nhân gây ra chứng rối loạn, cộng với việc thiếu sự kiểm tra hiệu quả thực tế”.
Những người dễ bị tổn thương có thể gặp rủi ro
Trong khi mạng xã hội có thể tạo ra những cộng đồng hỗ trợ và nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc, Crespi và đồng tác giả nghiên cứu Nancy Yang cho biết chúng cũng có thể gây ra những tác động bất lợi đến những người có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn.
Những người dành quá nhiều thời gian trên mạng internet sẽ sống trong trạng thái tách biệt với các tương tác xã hội ngoài đời thực và điều này khiến họ duy trì hình ảnh bản thân méo mó mà không có thử thách từ thực tế.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng các đặc điểm chung của nhiều nền tảng mạng xã hội, chẳng hạn như tùy chọn biểu thị phiên bản lý tưởng của bản thân, có thể làm trầm trọng thêm chứng ảo tưởng về mặt tinh thần và thể chất. Việc thiếu thách thức đối với chứng ảo tưởng trong không gian mạng internet, so với các giao tiếp trực tiếp, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần.
Khi mọi người tự cô lập mình và chủ yếu giao lưu với nhau qua mạng internet, họ có thể dễ dàng xây dựng một hình ảnh lý tưởng, thường gây ngộ nhận về bản thân. Vì nhân vật được tuyển chọn này không phải đối mặt với thực tế của các giao tiếp trực tiếp, nên nó có thể làm trầm trọng thêm những suy nghĩ ảo tưởng và có tác động xấu đến sức khỏe tinh thần của họ.
Một số người dùng mạng xã hội có thể có cảm giác hoang tưởng, tin rằng họ luôn bị theo dõi. Cảm giác này có thể nảy sinh từ nội dung được thiết kế riêng mà các thuật toán của mạng xã hội đem tới, gia tăng ảo tưởng rằng có người đang theo dõi họ. Ngoài ra, một số người dùng mạng có thể phát triển chứng ảo tưởng là có người khác thích mình, tin rằng một người có địa vị cao, chẳng hạn như người nổi tiếng, có tình cảm lãng mạn với họ sau khi giao lưu trực tuyến.
Các nhà nghiên cứu đã dựa trên ba nghiên cứu đưa ra kết quả không nhất quán về mối quan hệ giữa chứng ái kỷ và việc sử dụng mạng xã hội.
Ví dụ, một nghiên cứu đã không phát hiện sự khác biệt đáng kể nào về chỉ số ái kỷ giữa những người có tài khoản Facebook và những người không có tài khoản. Tuy nhiên, cũng nghiên cứu đó tiết lộ rằng những người biểu lộ mức ái kỷ cao có khuynh hướng dành hơn ba giờ mỗi ngày trên Facebook và có hơn 300 bạn bè trên Facebook, trái ngược với những người sử dụng Facebook ít hơn một giờ mỗi ngày và có từ 151 đến 300 người bạn.
Các phát hiện cũng cho thấy mặc dù mạng xã hội không có hại về bản chất, nhưng việc quản lý cẩn thận việc sử dụng mạng xã hội là rất quan trọng đối với những người mắc các chứng rối loạn và đặc điểm liên quan đến mức ảo tưởng cao, chẳng hạn như chứng ái kỷ, rối loạn lo âu về ngoại hình, chán ăn, hoang tưởng và rối loạn tâm thần. Những người như vậy "sẽ đặc biệt được hưởng lợi từ việc giảm sử dụng mạng xã hội nhằm giúp giảm bớt tác động tiêu cực của hoạt động này", các nhà nghiên cứu viết.
Họ cũng kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về những đặc điểm cụ thể của mạng xã hội làm gia tăng những ảo tưởng này, cho rằng những cải tiến công nghệ như tính năng giao tiếp bằng mắt, góc nhìn 3D và hình đại diện có thể tăng cường tính chân thực của các giao lưu trực tuyến.
"Vòng phản hồi" làm trầm trọng hơn các niềm tin sai lệch
Tiến sĩ Sanam Hafeez, một nhà tâm lý học về thần kinh và là giám đốc của Comprehend the Mind tại New York nói với The Epoch Times rằng, những người mắc chứng rối loạn tâm lý ảnh hưởng đến nhận thức về bản thân phải chịu rủi ro tâm lý lớn nhất từ việc sử dụng mạng xã hội.
Bà cho biết: "Các miêu tả và vòng phản hồi trên mạng xã hội làm gia tăng niềm tin sai lệch của những cá nhân vốn đã có khuynh hướng ảo tưởng về hình ảnh bản thân".
“Nghiên cứu này cho thấy mạng xã hội gia tăng hình ảnh phù phiếm về bản thân, làm trầm trọng thêm các rối loạn tâm lý này bằng cách phá vỡ khả năng nhận thức thực tế một cách chính xác của cá nhân”.
Bà cho biết nghiên cứu đưa ra những phát hiện về việc mạng xã hội có khuynh hướng làm trầm trọng thêm các chiều hướng hoang tưởng vốn có từ trước thay vì là nguyên nhân gốc rễ của chúng, đồng thời cho thấy sự cần thiết phải đánh giá các tác động của môi trường khi tìm hiểu về sự phát triển của các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Bà Hafeez cho biết: “Nghiên cứu nên được mở rộng để tìm hiểu ảnh hưởng của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần đồng thời phát triển các hệ thống hỗ trợ tốt hơn cho những người dùng đã mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần”.
Các nhà nghiên cứu đã thừa nhận những hạn chế. Không có đủ nghiên cứu về việc sử dụng mạng xã hội trong các tình trạng như tự kỷ, tâm thần phân liệt và rối loạn ăn uống để đưa ra kết luận chắc chắn. Mối liên hệ giữa việc sử dụng internet và bệnh tâm thần cần được nghiên cứu thêm. Ngoài ra, các nghiên cứu trong tương lai nên xem xét các nền tảng mạng xã hội khác nhau ảnh hưởng cụ thể đến các vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhau như thế nào.
Ghi chú:
(*) Chứng ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ái kỷ hay còn gọi là chứng yêu bản thân thái quá là một bệnh lý tâm thần.
Dịch từ: