Trang chủ Right arrow Khoa học Right arrow Nhân thể học

Loạt bài “Ý thức đến từ đâu?": (Phần 2) Ý thức con người không chết đi theo nhục thân. Vậy rốt cuộc nó đi đâu?

21-05-2025

Tác giả: Bác sĩ Y khoa và Tiến sĩ Yuhong Dong, Makai Allbert

[ChanhKien.org]

Nhiều chi tiết có thể kiểm chứng từ những người nhận ghép tạng và người có trải nghiệm cận tử đã góp phần định hình các hướng dẫn y khoa, đồng thời hé lộ thêm về bản chất ý thức con người. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)

Đây là phần 2 trong loạt bài “Ý thức đến từ đâu?” (“Where Does Consciousness Come From?”)

Loạt bài này gồm 4 phần, đi sâu vào nghiên cứu của các bác sĩ y khoa nổi tiếng để khám phá những câu hỏi sâu sắc về ý thức, sự tồn tại và những gì có thể nằm ngoài tầm hiểu biết.

“Khi cậu ấy ôm tôi, tôi có thể cảm nhận được con trai mình”, mẹ Jerry hồi tưởng, “Con trai tôi đã ở đó”.

Khi Jerry 16 tháng tuổi, cậu bé bị chết đuối. Tim của Jerry được cấy cho Carter, khi đó 7 tháng tuổi và mắc bệnh tim bẩm sinh. Nhiều năm sau, khi mẹ của Jerry, một bác sĩ tự nhận mình là “người hoài nghi bẩm sinh”, gặp Carter, bà đã ngỡ ngàng trước những điểm tương tự của Carter với con bà. “Carter khi đó đã 6 tuổi”, bà kể lại, “nhưng cậu bé nói chuyện như em bé Jerry và nghịch mũi tôi như Jerry từng làm”.

Mẹ của Carter cũng chứng kiến những hành vi khác thường của con trai mình sau ca ghép tim. “Tôi thấy Carter đi về phía chị ấy”, bà kể lại, ý chỉ mẹ của Jerry. "Thằng bé chưa từng làm vậy. Cháu là một cậu bé rất, rất nhát, nhưng cháu đi về phía chị ấy không khác gì lúc cháu từng chạy về phía tôi khi còn bé. Khi cháu thì thầm ‘Mẹ ơi, không sao đâu’, tôi đã sốc. Cháu gọi chị ấy là mẹ”.

Điều đáng kinh ngạc hơn là phản ứng của Carter với cha của Jerry. “Khi chúng tôi đi nhà thờ cùng nhau, Carter trước đó chưa từng gặp bố của Jerry”, bà giải thích. “Chúng tôi đến hơi muộn và cha của Jerry đang ngồi cùng một nhóm người giữa hội thánh. Carter thả tay tôi ra và chạy ngay tới anh ấy. Cháu ngồi lên đùi anh, ôm anh, và gọi 'Bố ơi'. Chúng tôi đều chết lặng. Làm sao cháu lại biết anh ấy? Sao cháu lại gọi anh ấy là bố?”

Trường hợp của Carter làm dấy lên một nghi vấn về bản chất của ý thức con người: Liệu ý thức có bị giới hạn trong não bộ? Nhiều nghiên cứu y khoa quy mô lớn cho thấy điều ngược lại, ý thức con người có thể còn ngụ trong các cơ quan khác, như trái tim, và thậm chí còn vượt qua ngoài cơ thể trong những trạng thái chuyển tiếp giữa sự sống và cái chết.

Một trái tim mới, một con người mới?

Paul Pearsall, chuyên gia tâm lý thần kinh lâm sàng của Đại học Hawaii, và Gary Schwartz và Linda Russek từ khoa tâm lý và y khoa của Đại học Arizona, Tucson, là những người đầu tiên nghiên cứu trường hợp của Jerry và Carter. (1)

Nghiên cứu trong công trình của họ dựa trên hơn 74 ca ghép tạng, bao gồm 23 ca ghép tim, được Pearsall ghi nhận trong thời gian 10 năm. Ông phát hiện rằng người nhận ghép tạng đôi khi tiếp nhận các đặc điểm của người hiến, bao gồm sở thích, cảm xúc, tính cách, kí ức, và cả những nét đặc trưng cá nhân. Nghiên cứu của Pearsall được tiến hành một cách tỉ mỉ, bao gồm phỏng vấn với người nhận tạng, quan hệ xã hội của họ, và những người thân thiết với người hiến tạng.

Các nhà nghiên cứu ghi lại một cách tỉ mỉ những quan sát quan trọng của 10 cặp ghép tạng, trong đó các bệnh nhân chia sẻ trải nghiệm của họ trong thay đổi tính cách sau ghép tạng, trong đó có trường hợp của Danielle.

Danielle là một cô gái 18 tuổi, nhận ghép tim của một cậu bé 18 tuổi tên là Paul. Trước ca ghép, Danielle không hề có hứng thú với âm nhạc. Thế nhưng, sau khi mang trong mình trái tim của Paul, cô bỗng nảy sinh một tình yêu mãnh liệt với âm nhạc, cảm thấy một thôi thúc mãnh liệt muốn chơi đàn ghi ta, nhạc cụ mà Paul đã từng chơi.

Khi gặp gia đình của Paul, Danielle kể rằng cô cảm nhận được một mối liên kết đáng kể, và nói: “Cháu biết em ấy [Paul] ngay lập tức”.

Một trường hợp nổi bật khác là Claire Sylvia, tác giả cuốn sách “Hoán đổi trái tim”, một hồi ký về các trải nghiệm của cô sau ca ghép tim. Cô kể rằng mình bỗng nhiên thèm ăn một món ăn bất thường sau ca cấy ghép. Tự nhận mình là một “vũ công quan tâm tới sức khỏe”, nhưng Sylvia đột nhiên lại có một cơn thèm không thể kiểm soát với món gà lắc, món ăn mà trước đây cô không thích. Sau này cô mới biết cơn thèm ăn này tương thích với sở thích của người hiến tim cho mình.

Một nghiên cứu tương tự công bố năm 1992 cho biết trong số 47 bệnh nhân người Úc nhận hiến tạng, 6% ghi nhận những thay đổi đặc biệt trong tính cách sau khi được ghép tim. (2)

Một nghiên cứu năm 2024 đối chiếu giữa các bộ phận khảo sát những thay đổi trong tính cách của 23 người nhận ghép tim so với 24 người nhận ghép các cơ quan khác như thận, phổi và gan. (3)

Nghiên cứu này chỉ ra rằng 89% các bệnh nhân nhận ghép tạng trải qua những thay đổi trong tính cách, mặc dù các tác giả không liên hệ những thay đổi này với đặc điểm của người hiến tạng.

Các kết quả cho thấy 47,8% người ghép tim trải qua ít nhất 4 thay đổi đáng kể trong tính cách, trong khi người ghép các cơ quan khác là 25%.

Một nghiên cứu đối chiếu giữa các bộ phận năm 2024 đã khảo sát 23 bệnh nhân ghép tim (bên trái) và 24 bệnh nhân ghép các cơ quan khác như thận, phổi và gan (bên phải). (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)

Các thay đổi trong tính cách được ghi nhận bao gồm việc chơi hay xem các môn thể thao, thay đổi trong tính khí và đồ ăn.

Các nghiên cứu khác nhau cho thấy các kết quả khác nhau, điều này có thể là do sự khác biệt trong cách tiến hành và phân tích nghiên cứu. Tuy nhiên cũng đáng chỉ ra rằng một vài nghiên cứu không cho thấy sự thay đổi trong tính cách sau khi cấy ghép.

Bộ não của trái tim

Tiến sĩ Mitchell B. Liester, Phó giáo sư lâm sàng tại Khoa Tâm thần, Trường Y – Đại học Colorado, giả thuyết rằng trong quá trình cấy ghép tim, ý thức hoặc kí ức của người hiến được lưu trữ trong tim có thể được chuyển qua người nhận. (4)

Ông chỉ ra rằng những người nhận ghép tạng có thể tiếp nhận các đặc điểm tính cách từ người hiến qua thông qua hiện tượng “ký ức tế bào”, mà ông phân loại thành sáu dạng: biểu sinh học (epigenetic), DNA, RNA, trí nhớ protein, dây thần kinh tim, và năng lượng điện tử.

Về mặt giải phẫu, hệ thần kinh tim có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với bộ não. Cả hai hệ thống này đều sở hữu cấu trúc vô cùng phức tạp, có chất dẫn truyền thần kinh tương tự nhau, và có khả năng thích nghi theo thời gian. Chính vì những sự giống nhau này mà trái tim còn hay được gọi là bộ não của trái tim.

Theo Trung y, với lịch sử 5.000 năm, cũng có nhìn nhận tương tự: “Trái tim dẫn dắt tâm trí và tinh thần”, cho rằng trái tim cũng là một phần của ý thức con người.

Còn có các giải thích khác cho sự thay đổi tính cách, ví như tác dụng của các loại thuốc ức chế miễn dịch, căng thẳng của ca phẫu thuật, hoặc chỉ đơn thuần là sự trùng hợp ngẫu nhiên về mặt thống kê. Những giả thuyết thay thế này có thể lý giải một vài trường hợp nhưng không đủ để giải thích cho tất cả các trường hợp khi người hiến và người ghép tạng có mức độ tương đồng cao đến mức kinh ngạc. (5)

Tiến sĩ Eben Alexander, từng là bác sĩ giải phẫu thần kinh và giáo sư của trường Y Harvard, nhấn mạnh trong một buổi phỏng vấn với báo The Epoch Times, “Nói rằng ‘tim suy nghĩ’ là hoàn toàn hợp lý”.

Ông cho biết thêm, bó buộc ý thức con người trong trái tim hay bộ não có thể chưa đủ. Các cơ quan nội tạng khác còn đóng vai trò như “một máy thu phát, một bộ lọc”, ông nói. “Thân thể này của chúng ta chỉ là một phương tiện để biểu lộ ý thức”.

Quan điểm của tiến sĩ Alexander gợi nhớ đến tiến sĩ Larry Dossey, cựu phó chánh văn phòng tại Bệnh viện Y thành phố Dallas, người cho rằng ý thức con người không mang tính cục bộ - tức là không giới hạn ở một vị trí cố định như tim hay não. (6)

Tuy nhiên, ngay cả khi tim hay não ngừng hoạt động, ý thức vẫn tồn tại.

Trải nghiệm ly thể

Một câu chuyện đầy hấp dẫn và thuyết phục được ghi nhận bởi cựu bác sĩ tim mạch, tiến sĩ Michael Sabom, kể về một người tên Pam Reynolds (bí danh), 35 tuổi, trải qua một ca phẫu thuật não sau khi bị phình mạch não. (7) Để đảm bảo sự thành công của ca phẫu thuật, toàn bộ máu được rút khỏi não của cô, và ngay cả tim của cô cũng ngừng đập. Trong suốt ca phẫu thuật, không hề có sóng điện não đồ EEG, và não của cô cũng không cho thấy hoạt động gì. Thêm vào đó, cô còn ở trong tình trạng hôn mê sâu, nhiệt độ cơ thể hạ xuống tới 60 độ F (15,55 độ C). Theo các định nghĩa y học, cô hoàn toàn bất tỉnh.

Tuy nhiên, theo lời kể trong cuốn sách “Ánh sáng và Cái chết” mà Sabom viết sau này, không lâu sau khi ca mổ bắt đầu, Pam nghe thấy một tiếng vo ve và cảm thấy như mình đã rời khỏi thân thể, sau đó quan sát cuộc phẫu thuật từ một vị trí thuận lợi như thể cô đang ngồi trên vai bác sĩ phẫu thuật.

Sau cuộc phẫu thuật, cô thuật lại những chi tiết vô cùng sống động. Cô mô tả một cách chính xác các dụng cụ mà bác sĩ phẫu thuật dùng để mở hộp sọ của mình, và có thể kể lại các cuộc trao đổi của đội ngũ y bác sĩ trong phòng mổ. Cô khẳng định mình còn nghe được ca khúc “Hotel California” vang lên, mặc dù một thiết bị có độ ồn 100dB được cắm vào hai tai, khiến não cô hoàn toàn không có một hoạt động nào. Tất cả những quan sát của cô sau đó đã được đội ngũ y bác sĩ xác nhận là đúng sự thật.

Tiến sĩ Pim van Lommel, một bác sĩ tim mạch người Hà Lan, ghi nhận một trường hợp khác tại Hà Lan trên tạp chí The Lancet năm 2001. (8)

Một người đàn ông 44 tuổi bị ngừng tim đột ngột và rơi vào trạng thái hôn mê. Trong lúc cấp cứu, một y tá đã tháo bộ răng giả của anh và đặt nó lên một chiếc xe đẩy gần đó. Sau vài giờ, đội ngũ y bác sĩ đã thành công trong việc khởi động lại tim của anh.

Một tuần trôi qua trước khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh lại. Trong lúc nằm trên giường bệnh, anh thấy các nhân viên y tế đang tìm kiếm gì đó. Trước sự kinh ngạc của mọi người, anh đột nhiên nói, “Cô ấy biết hàm răng giả của tôi ở đâu” và chỉ tay về phía một y tá. Anh kể lại một cách chính xác rằng hàm răng giả được đặt trong một ngăn kéo trượt dưới xe đẩy.

Không phải một trải nghiệm hiếm thấy

Những hiện tượng này, thường được biết đến với tên “trải nghiệm cận tử” (NDEs), được kể lại bởi những người có những trải nghiệm sống động trong trạng thái chết lâm sàng hoặc khi đối mặt với nguy hiểm cận kề cái chết.

Nghiên cứu của tiến sĩ Sam Parnia và đồng nghiệp (9) khảo sát 2060 các ca ngừng tim và phát hiện rằng 9% các bệnh nhân vẫn duy trì ý thức kể cả khi tim họ ngừng đập. Khoảng 1 trong 10 người có trải nghiệm cận tử, cho thấy hiện tượng này không hề hiếm.

Tương tự, tiến sĩ van Lommel ghi nhận 18% trong số 344 bệnh nhân được hồi sức sau khi ngừng tim cũng kể lại những trải nghiệm sống động. (10)

Một trong những điều thường thấy trong các trải nghiệm cận tử là cảm giác “ý thức rời khỏi thân thể”, thường được gọi với tên “trải nghiệm ly thể”.

Những trải nghiệm này được ghi nhận bởi 13% (11) những người có trải nghiệm cận tử trong nghiên cứu của tiến sĩ Parnia và 24% (12) trong nghiên cứu của tiến sĩ van Lommel.

Những người này mô tả cảm giác nhẹ nhàng phiêu đãng bay lên khỏi thân thể và quan sát từng chi tiết xung quanh, rất nhiều trong số đó được kiểm chứng một cách độc lập bởi đội ngũ y bác sĩ, giống như trong trường hợp của Pam.

Cảm nhận được sự tách rời giữa ý thức và thể xác thường được mô tả là trải nghiệm ly thể (OBE – out-of-body experience). Bên trái: OBE do Tiến sĩ Pania báo cáo. Bên phải: OBE do Tiến sĩ van Lommel báo cáo. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)

Chính xác đến khó tin

Bà Janice Holden, người đặt trọng tâm nghiên cứu vào tư vấn các tác động tâm lý của trải nghiệm cận tử, giao tiếp sau khi chết, và các trải nghiệm siêu cá nhân khác, đã tiến hành phỏng vấn với 93 bệnh nhân từng có trải nghiệm cận tử. (13) Bà yêu cầu các bệnh nhân miêu tả quan sát của họ về các sự việc xảy ra xung quanh. Các nhân viên y tế sau đó sẽ kiểm chứng xem những quan sát của họ có chính xác hay không.

Các kết quả cho thấy 95% những quan sát là hoàn toàn chính xác, tức là chúng đều khớp với các sự việc thực được xác nhận bởi nhân viên y tế. Thêm vào đó, 6,5% các quan sát là gần chính xác, tức là những quan sát hầu như là chính xác và chỉ có những sai số nhỏ. Chỉ có 1,1% trong tổng số các quan sát bị cho là không chính xác, và con số này xuất phát từ duy nhất một bệnh nhân trong nghiên cứu.

Tiến sĩ Janice Holden đã phỏng vấn 93 bệnh nhân về trải nghiệm cận tử (NDE) của họ, mà bà gọi là “nhận thức cận tử dường như không mang tính vật lý, nhưng lại có tính xác thực cao”. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)

Tiến sĩ Jeffrey Long, một bác sĩ chuyên khoa xạ trị đang hành nghề tại Kentucky, nghiên cứu trải nghiệm cận tử trong vòng 25 năm. Trong cuốn sách của mình, “Bằng chứng của thế giới bên kia: Khoa học về trải nghiệm cận tử”, ông mô tả một khảo sát với 617 người có trải nghiệm cận tử, trong đó 46,5% có trải nghiệm ly thể. Trong số này, 97,6% các quan sát được kiểm chứng là thật.

“Khi họ kiểm tra những điều mình thấy khi tỉnh dậy từ những sự kiện nguy hiểm đến tính mạng, hầu như chúng luôn chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất”, Tiến sĩ Long, người nghiên cứu hơn 4.000 trường hợp trải nghiệm cận tử, chia sẻ với báo The Epoch Times.

Ông cho biết, những điểm tương đồng, sự nhất quán và độ chính xác được ghi nhận trong các trải nghiệm cận tử nên là cơ sở để chúng ta xem xét các nghiên cứu và hiện tượng này như những cuộc điều tra khoa học chính đáng và đáng tin cậy.

Trong cuốn sách của mình, Sabom nhấn mạnh rằng trước đó ông khá hoài nghi về trải nghiệm cận tử. Ông thậm chí còn công khai phản đối chúng. Tuy nhiên, sau vài năm nghiên cứu chuyên sâu, góc nhìn của ông đã thay đổi.

Khoa học vốn dựa trên nguyên tắc rằng sự thật khách quan được xác lập thông qua những quan sát lặp lại và có thể kiểm chứng. Với hàng ngàn trường hợp đã được ghi nhận, trải nghiệm cận tử xứng đáng nhận được sự quan tâm nghiêm túc từ giới khoa học.

Tiến nhập vào không gian khác

Cùng với trải nghiệm ly thể, nhiều tạp chí y tế và bác sĩ danh tiếng đã ghi nhận các trường hợp du hành vượt khỏi thế giới vật chất của chúng ta.

Trong nghiên cứu của Tiến sĩ van Lommel, 29% người có trải nghiệm cận tử kể rằng ý thức của họ du hành tới các không gian khác và quay trở về với những trải nghiệm sống động (14). Trong khi đó, 7% các đối tượng trong nghiên cứu của Parnia kể rằng dường như họ tiến nhập vào cõi ngoài trần thế (15).

Sự nghiệp của Alexander trải dài hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, trong đó có 15 năm làm việc tại Bệnh viện Brigham and Women’s, Bệnh viện Nhi tại Boston và Trường Y Harvard.

Sáng sớm ngày 10/11/2008, Alexander rơi vào trạng thái hôn mê sâu (16) do một loại viêm màng não cấp do vi khuẩn hiếm gặp. Các bác sĩ nói rằng ông chỉ “còn 2% cơ hội sống sót và không có cơ hội hồi phục”, ông chia sẻ với báo The Epoch Times trong một buổi phỏng vấn.

Mặc dù tình trạng suy yếu nhanh chóng, ông đã tỉnh dậy sau 7 ngày.

Trong thời gian hôn mê, khi sự sống đang thoi thóp, Alexander có một trải nghiệm cực kỳ sống động. Ông kể rằng ông cảm thấy được tái sinh thành một vật chất nguyên thủy, nhầy nhớt, sau đó cưỡi trên một đôi cánh bướm về một “cõi vĩnh hằng hoàn toàn khác biệt, hiện hữu bên ngoài thế giới trần tục này”.

Thế giới mà ông nhìn thấy có vô vàn những đám mây hồng, những sinh vật trắng, trong suốt và lung linh di chuyển theo hình vòng cung trên bầu trời, tạo thành hình cầu vồng, ông chia sẻ với báo The Epoch Times. Trong cuốn sách của mình, “Bằng chứng về Thiên đường: Hành trình của một bác sĩ phẫu thuật thần kinh tới thế giới bên kia”, Alexander đã diễn giải thế giới đó là thiên đường. Ông cũng mô tả cảm giác được bao bọc trong tình yêu của Chúa và sự hiện diện của các thiên thần.

Tiến sĩ Mary C. Neal, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại trường Đại học miền Nam California, kể về một trải nghiệm tương tự trong cuốn sách của mình “Đến Thiên đường và trở về”.

Năm 1999, trong một tai nạn lúc chèo thuyền, Neal bị chết đuối, và ý thức của bà dường như thoát ly khỏi cơ thể, tiến nhập vào một cõi ánh sáng. Tại đó, bà gặp các linh thể và được xem một cuốn phim tua lại những điều mình đã làm trong đời.

“Những chỉ dẫn và tiêu chuẩn cho nghiên cứu về cái chết và gợi nhớ những trải nghiệm về cái chết” (17) của Tiến sĩ Sam Parnia và một đội ngũ chuyên gia y tế, bao gồm các nhà khoa học về thần kinh, chuyên viên điều trị tích cực, bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học từ trường Đại học Harvard, Đại học Baylor, Đại học California, Riverside, và Đại học Virginia, tổng kết rằng các trải nghiệm cận tử thường diễn ra theo một mô thức giống nhau đáng kinh ngạc.

Một hướng dẫn y khoa năm 2022 của Tiến sĩ Sam Parnia và một nhóm chuyên gia y khoa đã tóm tắt NDE có những mô hình tương tự nhau một cách đáng kinh ngạc. 1 - Rời khỏi cơ thể; 2 - Đi đến đích; 3 - Nhìn lại cuộc sống; 4 - Nhà trên thiên đàng; 5 - Quay trở về; 6 - Tái sinh. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)

Một vài nhà khoa học đã đề xuất các giải thích khác (18) cho những trải nghiệm này, như được trình bày trong một bài báo trước (19).

"Phi vật chất"

Cả phẫu thuật cấy ghép tim và các trải nghiệm cận tử đều gợi mở về sự linh hoạt đáng kinh ngạc của ý thức. Ý thức con người giống như một linh thể tự do di chuyển khắp thân thể. Nó có thể ngụ ở tim, ly khai khỏi thân thể, và thậm chí tiến nhập vào những không gian mà mắt người không thể nhìn thấy.

“Giống như cầu vồng, bạn thấy rõ nó là thật, nhưng không thể chạm vào được”, Tiến sĩ Peter Walling từ Trung tâm Y tế Đại học Baylor chia sẻ với báo The Epoch Times.

Tiến sĩ Long chia sẻ rằng nếu con người thực sự nhận thức được những bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của ý thức độc lập với thân thể, “thật dễ để chấp nhận rằng chúng ta vốn là những sinh mệnh vĩnh hằng đang sống tạm trong thân xác nơi trần thế, nhưng bản chất sâu xa hơn của chúng ta là phi vật chất và trong thế giới phi vật chất đó là nơi ý thức ngự trị”.

Dù cho ý thức đi về nơi đâu, nó ắt hẳn phải có một nơi khởi nguồn.

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá nguồn gốc của ý thức con người qua lăng kính nghiên cứu y tế và khoa học.

Quan điểm bày tỏ trong bài viết là ý kiến của cá nhân tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh mọi thảo luận chuyên môn và tranh luận hữu nghị. Để gửi ý kiến của bạn, vui lòng làm theo chỉ dẫn và gửi thông qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Anh:

(1) Changes in heart transplant recipients that parallel the personalities of their donors

(2) Does changing the heart mean changing personality? A retrospective inquiry on 47 heart transplant patients

(3) Personality Changes Associated with Organ Transplants

(4) Personality changes following heart transplantation: The role of cellular memory

(5) Changes in Heart Transplant Recipients That Parallel the Personalities of Their Donors

(6) Transplants, Cellular Memory, and Reincarnation

(7) Can experiences near death furnish evidence of life after death?

(8), (14) Near-death experience in survivors of cardiac arrest: a prospective study in the Netherlands

(9), (11), (15) AWARE—AWAreness during REsuscitation—A prospective study

(10), (12) Near-death experience in survivors of cardiac arrest: a prospective study in the Netherlands

(13) The Handbook of Near-Death Experiences: Thirty Years of Investigation

(16) Near-Death Experiences, The Mind-Body Debate & the Nature of Reality

(17) Guidelines and standards for the study of death and recalled experiences of death––a multidisciplinary consensus statement and proposed future directions

(18), (19) From Blindness to 360-Degree Vision–What 4,000 Near-Death Cases Bring to Light

Dịch từ:

Consciousness Does Not Go to the Grave—So Where Does It Go?

https://www.zhengjian.org/node/295863

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài