Mạn đàm về văn hóa Trung Quốc cổ đại (1): Nói từ «Mai Hoa Thi»



Tác giả: Chương Thiên Lượng

[Chanhkien.org] Tác giả «Mai Hoa Thi» là nhà Dịch học thời Bắc Tống, Thiệu Ung. Thiệu Ung, tự Nghiêu Phu, hiệu là Khang Tiết. Tương truyền Thiệu Khang Tiết từng ẩn cư ở rừng núi, khổ tâm nghiên cứu Dịch lý, tuy nhiên thu hoạch được rất ít. Vào trưa một ngày nọ, khi ông đang nằm ngủ, thì nghe thấy tiếng một con chuột chạy tới, tiếng kêu của nó làm phiền ông. Bởi vậy ông cầm cái gối của mình và quăng vào con chuột, kết quả không trúng, nhưng vì gối làm bằng gốm, nên rơi vỡ tan trên sàn nhà. Bên trong đó có một tờ giấy, đại ý nói: “Vào ngày X tháng Y năm Z, cái gối này sẽ bị Thiệu Ung đập vỡ”. Thiệu Ung vô cùng kinh ngạc, bởi vì không chỉ thời gian hoàn toàn chính xác, mà ngay cả tên của ông cũng không sai một ly nào.

Từ manh mối có được từ cái gối, ông đã tìm được người đã viết tờ giấy. Khi gõ cửa, cửa mở ra, trong đó có một người trung niên nói: “Phụ thân tôi qua đời mấy ngày trước rồi, trước lúc lâm chung còn dặn dò hôm nay sẽ có một người tên là Thiệu Ung tới, và dặn tôi đưa quyển sách này cho ông”, nói xong đưa quyển sách ra. Sau khi nghiền ngẫm cuốn sách này, khả năng bói toán của Thiệu Ung trở nên cực kỳ chuẩn xác, không lời nào không ứng nghiệm, đây chính là nguồn gốc của “Mai Hoa dịch số”.

Phương pháp xem quẻ của “Mai Hoa dịch số” là vô cùng đơn giản, người bói chỉ cần căn cứ một tâm, hoặc màu sắc, con số, cũng có thể căn cứ âm thanh, tiết tấu, rất là nhiều loại. Sau khi xem bói, nhân tố cần phải suy xét là rất nhiều, ví như thời thần lúc bốc quẻ, phương vị, trạng thái người bốc quẻ, là đứng, ngồi, là nằm, hay là đi, v.v. Cuối cùng đem những nhân tố này đối ứng với Ngũ hành, lại chiếu theo lý sinh-khắc trong Ngũ hành mà dự đoán cát hung. Thực ra phương pháp toán quái này là “số học” chân chính, các nhân tố khảo sát là tương đương với các biến trong phương trình đại số hiện đại của Tây phương, chẳng qua là một loại thuật số cao cấp, khảo sát các nhân tố tổng hợp của thời-không.

Phương pháp toán quái này thuộc về tiểu đạo của Đạo gia, nhưng cũng là một phương thức tu luyện. Tuy là toán quái nhưng yêu cầu rất nghiêm khắc, đó là trước khi xem quẻ thì tâm phải tĩnh như nước, bài trừ tạp niệm, mục đích là đạt đến tương thông với trời đất. Như vậy, toán quái không chỉ là “kỹ thuật” đơn thuần, mà tâm ngày càng thanh tịnh, tạp niệm ngày càng ít, dần dần đạt tới “Thiên-nhân cảm ứng”, những thứ tính ra mới chính xác được. Thực ra đây chính là vứt bỏ chấp trước danh lợi của con người, đạt đến đạo đức thăng hoa, cũng là thể hiện của nhân tố tu luyện.

Tương truyền, thầy của Thiệu Ung chính là Lý Chi Tài, mà Lý Chi Tài lại là học sinh của Trần Đoàn.

Trần Đoàn là nhân vật mà cả Đạo gia và Nho gia đều khá tôn sùng. Có cố sự nói về Tống Thái Tổ trước khi thống nhất thiên hạ, tức vào thời Ngũ đại thập quốc, chiến tranh liên miên, Trần Đoàn vì thế mà tránh thời loạn thế, ẩn cư trên núi Hoa Sơn. Sau đó Tống Thái Tổ xưng đế, Trần Đoàn vui vẻ cưỡi lừa xuống núi, nói: “Thiên hạ từ nay thái bình rồi”. Truyền thuyết nói Trần Đoàn đặc biệt có tài ngủ, đã ngủ là cả mấy năm không tỉnh dậy. Người ta đều nói ông là vì chán ghét chiến loạn và người đương quyền nên mới lấy ngủ để đạt thanh tịnh. “Tống sử – Liệt truyện”, quyển 216 ghi lại: “Trần Đoàn thích đọc «Kinh Dịch», luôn cầm cuốn sách trong tay, tự đặt hiệu cho mình là Phù Diêu Tử. Ông đã viết 81 chương của «Chỉ Huyền Thiên», dạy về tu luyện và luyện đan”. Từ sự tích mà ông lưu lại, có thể thấy rõ rằng ông là một người tu luyện. Trong bài giảng thứ tám «Chuyển Pháp Luân», ông Lý Hồng Chí từng nói qua: “Đạo gia cũng giảng điều này, đặc biệt là một số Kỳ Môn công pháp giảng ngủ, ngủ một mạch liền mấy chục năm mới xuất định, không tỉnh“. Tôi cảm giác Trần Đoàn chính là người thuộc loại tu luyện phó nguyên thần này.

Loại tu luyện phó nguyên thần này, ngoại trừ ngủ ra, còn có một loại người chuyên uống rượu. Trong bài giảng thứ bảy «Chuyển Pháp Luân», ông Lý Hồng Chí cũng giảng một câu như thế này: “Vì sao có một số [người] tu luyện Đại Đạo phải uống rượu? Vì họ không tu luyện chủ nguyên thần, [rượu] là để đánh mê chủ nguyên thần.” Tôi cảm giác người nổi tiếng nhất thuộc loại này là Lý Bạch, đại thi nhân triều Đường; ông tự xưng là Lý Trích Tiên, “Trích Tiên” ở đây chính là tiên nhân hạ xuống trần.

Lý Bạch nổi tiếng là thích rượu. Ông có bài thơ, viết: “Ngũ hoa mã, thiên kim cừu; Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu” (Ngựa ngũ hoa và áo lông giá nghìn vàng này, Đem ra để gọi đổi lấy rượu ngon). Hơn nữa không say thì không thôi, trong sách «Cảnh thế thông ngôn» tả rằng: “Nghe tiếng rượu ngon Ô Trình ở Hồ Châu, Lý Bạch không quản xa nghìn dặm đến thưởng thức. Tới nơi uống rượu thỏa thích, như bên cạnh không có người vậy, bấy giờ có Già Diệp Tư Mã đi ngang qua, nghe tiếng hát của Lý Bạch, mới hỏi xem đây là người nào. Lý Bạch thuận miệng đáp bốn câu thơ: “Thanh Liên cư sĩ Trích Tiên Nhân, Tửu tứ đào danh tam thập xuân, Hồ Châu Tư Mã hà tu vấn, Kim Túc Như Lai thị hậu thân” (Ta là Thanh Liên cư sĩ hay Trích Tiên Nhân, Rời nơi danh lợi vào quán rượu này đã 30 năm, Họ Tư Mã ở Hồ Châu hà tất phải hỏi, Kim Túc Như Lai ở đằng sau thân ta).

Cho dù là danh hiệu “Thanh Liên cư sĩ” hay là “Trích Tiên Nhân”, thì đều biểu thị nguyên lai sinh mệnh ông không phải đến từ nơi đây. Mẹ Lý Bạch khi sinh ông mộng thấy Thái Bạch Kim Tinh nhập thai, nên Lý Bạch còn được gọi là “Thái Bạch tiên sinh”. Đường Huyền Tông vô cùng sùng tín Lý Bạch, từng hỏi chí hướng Lý Bạch, Lý Bạch đáp: “Thần không cần gì cả, có tiền để uống rượu say cả ngày là đủ rồi”. Tâm đạm bạc danh lợi này thể hiện rất rõ trong thơ của ông, chẳng hạn các bài: “Tương tiến tửu”, “Vọng Lư Sơn bộc bố”, “Mộc du thiên mỗ ngâm lưu biệt”. Không có tâm thái của một người tu luyện thì hoàn toàn không thể viết được như thế.

Một đặc điểm lớn khác của Lý Bạch là uống càng say thì viết thơ càng hoa lệ trào dâng, khí thế hào hùng. Thực ra tôi cảm thấy đúng như điều được giảng trong bài giảng thứ chín «Chuyển Pháp Luân», ấy là phó nguyên thần càng có thể phát huy tác dụng: “Nhưng khi chủ ý thức vừa buông lơi ra, phó ý thức liền đưa những gì nó biết phản ánh lên đại não, bởi vì lúc ở không gian khác nó có thể nhìn thấy bản chất sự vật, như vậy liền làm [tiếp] được, viết [tiếp] được, sáng tác ra được“.

Ban đầu, tôi thấy Trần Đoàn thích ngủ và Lý Bạch thích rượu quả thực là điều quái gở của các cao nhân ẩn sĩ; sau khi học Pháp Luân Đại Pháp, mới biết trong đó bao hàm nội hàm tu luyện siêu việt người thường. Người trong quá khứ, vì không đắc Đại Pháp, rất nhiều đều là tu luyện trong tiểu đạo, phó xuất rất nhiều, tu luyện cũng rất khổ. Tuy trong mắt người thường, họ có vẻ thật đặc biệt, nhưng lý mà họ chứng ngộ cũng không cao hơn người thường bao nhiêu.

Vào thời Xuân Thu, có một người gảy đàn rất nổi tiếng tên là Sư Khoáng, có thể căn cứ âm luật để dự đoán cát hung. Tương truyền Tấn Bình Công nghe nói nước Sở sắp tấn công nước Trịnh, mới lệnh Sư Khoáng xem bói số thắng hay thua. Sư Khoáng gảy dây đàn cầm, hát khúc ca Nam-Bắc khác nhau, sau đó bẩm báo với Tấn Linh Công: “Nước Sở ỷ mạnh hiếp yếu, tất sẽ lãnh thất bại cuối cùng”. Quả nhiên chưa đầy mấy hôm sau, đã có tin truyền lại nước Sở bại trận.

Trong lịch sử ghi lại Sư Khoáng là một người mù, sách «Đông Chu liệt quốc chí» nói ông dùng khói ngải đắng để hun cho mù đôi mắt của mình. Khi ấy tôi thấy đây là sự việc không thể tưởng tượng được. Sau mới minh bạch ông là vì thấy rằng điều nhìn thấy bằng đôi mắt này khiến ông không thể chuyên tâm làm một số việc, nên mới dùng phương pháp khổ sở như vậy để lấy lại tâm thanh tịnh cho mình. Loại ý chí tu luyện ấy y chang nhị tổ Thiền tông Tổ Tuệ chặt tay cầu pháp trước Đạt Ma tổ sư ở Thiếu Lâm Tự, chẳng qua Sư Khoáng là thông qua phương thức “hữu vi” của tiểu đạo để đạt thanh tịnh. Căn bản mà nói, loại cách làm ấy không thể khiến ông đạt thanh tịnh thật sự và tu luyện lên tầng thứ cao, bởi vậy thành tựu của ông chỉ hạn cuộc trong xem bói cát hung mà thôi, “nghe khúc ca dây đàn mà biết được nhã ý”. Tuy trong mắt người thường, ông mang theo bản sự siêu thường, nhưng trong mắt người đã đắc được Đại Pháp, thì họ thấy ông quả thực rất khổ.

Trong «Chuyển Pháp Luân», ông Lý Hồng Chí đã tiết lộ vô số thiên cơ, trình bày rất nhiều đạo lý bao hàm bí ẩn từ hồng quan tới vi quan. Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, quay đầu lại xem văn hóa cổ đại Trung Quốc, thấy rằng nguyên là có nhiều điều rất cổ quái, rất không phù hợp với lý thông thường, kỳ thực đều là quán xuyến nội hàm tu luyện tại các tầng thứ khác nhau. Đứng tại giác độ ấy mà xem xét văn hóa Trung Quốc bác đại tinh thâm, phát hiện thấy rất nhiều nội dung cao thâm huyền bí trở thành hết sức rõ ràng dễ hiểu, nhìn một cái là rõ ngay, đây chính là trí tuệ mà Phật Pháp khai mở.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2002/6/8/16384.html
http://pureinsight.org/node/1092



Ngày đăng: 04-04-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.