Trong nơi u minh có định số: Kỳ nhân dị sĩ biết trước thiên cơ
Tác giả: Lưu Hiểu
[ChanhKien.org]
Bất kể con người có tin hay không nhưng vận mệnh của một người từ khi sinh ra sớm đã được định sẵn dựa trên nhân quả thiện ác từ kiếp trước, trừ phi trong cuộc đời sau này họ làm những việc đại thiện, đại ác, hoặc là bước trên con đường tu hành, thì có lẽ sẽ phát sinh một số cải biến. Có lẽ là vì để giúp thế nhân minh bạch rằng trong nơi u minh hết thảy đều đã có định số, trong u minh hết thảy đều là an bài của Thần, trời cao đã an bài cho một số người có năng lực đặc biệt, làm cho những kỳ nhân dị sĩ này có thể thấu lộ thiên cơ, dùng phương thức dự ngôn tiên tri để dự đoán vận mệnh tương lai. Trong các triều đại lịch sử những kỳ nhân dị sĩ như vậy cũng không phải là hiếm thấy.
Thiết Quan đạo nhân dự ngôn Chu Nguyên Chương nhất thống thiên hạ
Vào cuối thời nhà Nguyên đầu nhà Minh có một vị Đạo sỹ tên là Trương Cảnh Hòa, người ta thường gọi ông là Thiết Quan đạo nhân, đạo thuật của ông cao thâm khó lường. Khi Chu Nguyên Chương tranh bá thiên hạ, từng cho quân sĩ trú chân tại Trừ Dương, Trương Cảnh Hòa tới doanh trại nơi đóng quân nói với Chu Nguyên Chương rằng: “Thiên hạ rối loạn, người không có sứ mệnh thì không dễ dẹp yên thiên hạ, nay xem ra, có lẽ sứ mệnh ấy thuộc về Minh Công”, ý tứ nói rằng Chu Nguyên Chương là người phụng thiên mệnh để dẹp yên thiên hạ. Ông còn nói với Chu Nguyên Chương rằng Chu Nguyên Chương có tướng mạo: “Mắt phượng mày rồng, tướng mạo phi phàm, vô cùng cao quý”.
Chu Nguyên Chương nghe được thì vô cùng vui sướng, bèn đưa Trương Cảnh Hòa vào trong trướng làm quân sư. Mỗi lần trước khi giao chiến với Trần Hữu Lượng, Chu Nguyên Chương đều mời Trương Cảnh Hòa dự đoán vận khí cát hung, lần nào dự đoán cũng đều ứng nghiệm. Trong trận Phàn Dương, Trần Hữu Lượng trúng tên mà chết, hai quân đều không hay biết, sau khi Trương Cảnh Hòa xem vận khí biết được việc ấy liền mật tấu lên Chu Nguyên Chương, đồng thời ông còn viết văn tế và cử người khóc Trần Hữu Lượng, tinh thần quân sĩ phía Trần Hữu Lượng tức khắc hoang mang, cuối cùng nhanh chóng bị đánh bại.
Sau khi Chu Nguyên Chương định đô ở Kim Lăng (Nam Kinh), phàm là mỗi khi có việc quân trọng đại thì đều tham vấn ý kiến của Trương Cảnh Hòa rồi mới quyết định. Chu Nguyên Chương từng đến thăm chùa Kê Minh Sơn, ông cảm thấy ngôi chùa này quá cao, có thể nhìn thấy hết hoàng cung, vì vậy ông muốn phá hủy sơn tự để trùng tu lại, nhưng suy nghĩ ấy ông không để ai biết, ông cũng không nói việc này với Trương Cảnh Hòa. Tuy nhiên, có một hôm, Trương Cảnh Hòa mang sự việc Chu Nguyên Chương muốn phá bỏ chùa nói với các tăng nhân ở chùa Kê Minh Sơn, ông lại còn mách nước cho họ đợi khi nào Chu Nguyên Chương đến thăm chùa thì cản giá cầu xin miễn cho phá chùa, như vậy chùa mới có thể được bảo toàn.
Các tăng nhân biết rõ tài năng của Trương Cảnh Hòa, bèn nhằm lúc Chu Nguyên Chương đến chùa Kê Minh Sơn thì liền xuống núi cách mấy dặm đốt hương, chờ đợi để gặp Chu Nguyên Chương bái kiến và thỉnh cầu. Chu Nguyên Chương trong tâm rất bối rối, khi hỏi ra mới biết là do Trương Cảnh Hòa bày cách cho làm như vậy, vì thế ông càng cho rằng Trương Cảnh Hòa không phải là phàm nhân và cũng bỏ ý định phá chùa.
Trương Cảnh Hòa từng nói với Đại tướng khai quốc Từ Đạt của triều Minh rằng, ông có “Hai xương gò má có sắc đỏ, mắt sáng như lửa” vì thế tương lai sẽ làm quan đến hàng cực phẩm, nhưng đáng tiếc thọ mệnh chỉ được ở mức trung bình. Quả nhiên, sau khi triều Minh được kiến lập, Từ Đạt làm đến chức thừa tướng, nhưng tới 54 tuổi thì qua đời, sau khi tạ thế ông được truy phong Võ Ninh Vương.
Khi Trương Cảnh Hòa dựng lều định cư ở núi Vu Chung, Lương Quốc Công Lam Ngọc từng mang bình rượu ngon tới thăm hỏi ông. Vì Trương Cảnh Hòa vận trang phục giản dị ra nghênh tiếp, nên Lam Ngọc cho rằng Trương Cảnh Hòa ngạo mạn vô lễ, bèn ra câu đối cười nhạo ông. Trương Cảnh Hòa ra câu đối đáp lại, ám chỉ rằng Lam Ngọc tương lai sẽ mưu đồ phản nghịch. Quả nhiên sau này Lam Ngọc vì tội mưu đồ phản nghịch mà bị tru di tam tộc.
Vào một ngày nọ Trương Cảnh Hòa ngã xuống nước mà chết, Chu Nguyên Chương hạ lệnh tìm thi thể ông, nhưng tìm khắp nơi mà không thấy. Không lâu sau, có một lính canh ở Đồng Quan (huyện thuộc tỉnh Thiểm Tây), tấu lên rằng: “Vào ngày đó, tháng đó, đã thấy Thiết quan đạo sỹ mang theo cây trượng xuất quan”. Tính ra thì đó chính là ngày mà ông ngã xuống nước.
Kỳ tăng giỏi sờ xương đoán vận mệnh
Vào giữa triều Minh, ở chùa Bán Đường, Hổ Khâu có vị tăng nhân mù cả hai mắt thường gọi là Thiện Vu Sủy Cốt. “Sủy cốt” còn gọi là “Mạc cốt thuật”, là một thuật loại xem tướng, thông qua việc sờ xương cốt của con người để đoán vận mệnh, căn cứ vào thể trạng cao thấp, lớn nhỏ, dài ngắn mà suy đoán người đó thông minh hay ngu dốt, quý tiện, thọ yểu, bần hàn hay phú quý.
Năm Gia Tĩnh, tiến sĩ Lục Xán có ngoại tổ phụ (ông ngoại) tên là Hồ Công, khi còn nhỏ gia đình dẫn ông đi tìm Sủy Cốt Tăng, sau khi sờ xương Sủy Cốt Tăng nói rằng: “Đứa trẻ này một ngày kia sẽ được đeo đai vàng, nhớ trân quý vinh dự này”. Đeo đai vàng ám chỉ việc tương lai sẽ được làm quan. Hồ Công sau khi lớn lên, quả nhiên thi đỗ tiến sĩ, và làm quan đến chức Tham nghị Sơn Tây.
Còn có một vị đồng hương của Lục Xán là Thạch Ất, vì gia cảnh bần hàn nên phải đi làm thợ dệt thuê, ông cũng dẫn hai người con đi tìm Sủy Cốt Tăng để xem vận mệnh. Sủy Cốt Tăng nói rằng: “Xương cốt của hai đứa trẻ này tương lai sẽ là ông chủ giàu có”. Thạch Ất không dám tin, Sủy Cốt Tăng nhắc nhở ông không nên coi thường hai người con của mình. Những người nghe chuyện cũng không có mấy ai dám tin. Nhưng sự thực đã vượt ngoài suy nghĩ của mọi người. Sau khi hai người con của Thạch gia lớn lên, quả nhiên xây dựng được gia nghiệp, nhiều tiền lắm của, giàu có nổi tiếng cả vùng.
Ngoài ra còn có một người tên là Cung Đại, gia cảnh cũng không đến nỗi nào, chỉ là tướng mạo béo mập, giữa rốn có một nốt ruồi đen to vài thốn. Anh từng nói rằng phúc khí cả cuộc đời anh đều từ đó mà ra. Cung Đại có điểm đặc biệt là hàng ngày khi nói chuyện với những người trong nhà thì rất thích cười lớn. Có một hôm, ở nhà Sủy Cốt Tăng, anh không ngừng cười nói vui vẻ với mọi người, Sủy Cốt Tăng nói với anh: “Anh đừng cười nữa. Năm sau nốt ruồi đen ở rốn anh bị rơi ra, khi đó anh sẽ chết”. Cung Đại nghe thấy vậy, cảm thất rất không vui, nhưng cũng không nói gì. Sau đó khi đi tắm, anh chạm phải nốt ruồi đen, đột nhiên nốt ruồi đen rơi ra. Sau đó mấy hôm, Cung Đại chết.
Tư liệu tham khảo “Canh tỵ biên”
Ngày đăng: 30-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.