Trong nơi u minh có định số: Mối duyên kiếp trước giữa Đường Huyền Tông và chùa Hồi Hướng



Tác giả: Hiểu Huy chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Vào những năm cuối thời kì Khai Nguyên, Đường Huyền Tông mơ thấy có người nói với mình: “Hãy mang 500 chiếc khăn tay và 500 áo cà sa đến chùa Hồi Hướng bố thí”. Tỉnh dậy ông hỏi những người xung quanh chùa Hồi Hướng ở đâu, mọi người đều đáp không có chùa nào tên là Hồi Hướng cả. Đường Huyền Tông bèn phái người đi tìm tuyển những tăng nhân có đạo hạnh cao thâm và bảo họ đi thăm dò chùa Hồi Hướng.

Có một vị tăng điên sống lang bạt nay đây mai đó đứng ra ứng tuyển, bảo: “Ta biết chùa Hồi Hướng ở đâu”. Đường Huyền Tông hỏi ông ấy cần bao nhiêu người giúp đỡ, ông đáp: “Chỉ lấy những thứ cần mang theo và một cân hương quý là có thể đi ngay”. Đường Huyền Tông đưa những thứ cần thiết xong, vị tăng điên liền tiến vào núi Chung Nam.

Vị tăng điên đi được hai ngày thì đến một nơi cheo leo hiểm trở trong núi sâu nhưng lại không thấy gì cả. Đột nhiên một tấm bia đá hiện ra trước mặt, ông kinh ngạc thốt lên: “Nơi đây con người không thể đặt chân đến được, sao có thể có thứ này!” Ông thắp ít hương quý mà mình mang theo, từ trưa đến tối không ngừng dập đầu lễ bái cầu xin, khổ sở van nài trước tấm bia. Qua một lúc rất lâu thì có sương mù dâng lên trong thung lũng, dày đặc đến mức khó phân biệt rõ các vật xung quanh. Sau đó màn sương dần tan đi, giữa lưng chừng núi hiện ra tòa kiến trúc cột đỏ tường trắng đẹp lung linh như tranh vẽ. Thêm một lúc nữa thì cảnh vật trở nên rõ ràng hơn, đó là một ngôi chùa đứng sừng sững trong mây, trên cổng có một tấm bảng rất lớn đề hai chữ “Hồi Hướng”. Vị tăng điên rất vui mừng, vội vàng leo lên núi, một lúc sau đã tới cổng chùa.

Bấy giờ trời đang hoàng hôn, từ trong chùa vọng ra tiếng đánh chuông và tiếng tăng chúng niệm Phật. Người gác cổng hỏi thăm ông từ nơi nào tới rồi dẫn ông vào chùa. Đầu tiên ông gặp một vị sư già nói với ông: “Đường hoàng đế vạn phúc” và để ông đi phía sau các vị tăng đến từng phòng để phát khăn tay và các vật dụng khác. Cuối cùng chỉ còn lại một bộ vật dụng, một gian phòng không người ở với chiếc giường trống.

Vị tăng điên nói ra mục đích của mình, người sư già mỉm cười mời ông ngồi xuống, quay sang nói với anh hầu: “Sang gian phòng kia mang cây sáo lại đây”. Anh hầu mang đến cây sáo, vị tăng điên nhìn qua thì phát hiện đó là một cây sáo bằng ngọc. Sư già hỏi: “Ngài đã gặp Hồ tăng bao giờ chưa?” Vị tăng điên đáp: “Đã gặp”. Vị sư già bảo: “Cây sáo ngọc này tạm thời thay thế quân chủ của ngài. Trong nước sẽ có họa loạn, vô số người sẽ phải chết. Tên của cây sáo ngọc này là Ma Diệt Vương. Căn phòng trống kia chính là căn phòng của quân chủ ngài, khi quân chủ của ngài còn ở chùa này, vì ham mê thổi sáo mà bị giáng xuống nhân gian. Đây là cây sáo ông ta thường thổi. Giờ kỳ hạn đã mãn, lập tức trả lại ông ta thôi”.

Hôm sau, sau khi dùng bữa với vị tăng điên, sư già bảo: “Đã đến lúc ngài cần trở về, hãy giao cây sáo ngọc này lại cho quân chủ của ngài. Còn khăn tay và áo cà sa của ông ta, cũng nên để ông ta tự giữ lấy”. Vị tăng điên thi lễ chào từ biệt và được tiểu đồng đưa ra ngoài. Đi được vài bước ông lại thấy mây mù tụ lại tứ phía, đến khi mây mù tản đi thì không thấy chùa Hồi Hướng đâu nữa.

Sau khi vị tăng điên trở về đã mang các món khăn tay, cây sáo… vào cung dâng lên Đường Huyền Tông rồi kể lại toàn bộ sự việc. Huyền Tông nghe xong vô cùng xúc động, cầm cây sáo lên và bắt đầu thổi, cảm giác như thể trước đây ông đã từng thổi cây sáo này.

20 năm sau loạn An Sử xảy ra. “Hồ tăng” mà vị tăng điên từng gặp chính là An Lộc Sơn.

Theo “Dật sử”

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/54536



Ngày đăng: 03-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.