Trong nơi u minh có định số: Dự ngôn viết trên thân cá



Tác giả: Đức Huệ

[ChanhKien.org]

Thời cổ đại có những dự ngôn được truyền miệng, có dự ngôn được ghi chép bằng văn tự, hôm nay xin được giới thiệu với mọi người ba dự ngôn được viết trên thân cá.

Theo ghi chép từ Tập Dị Ký đời nhà Đường, ở Kim Châu huyện Tuần Dương (nay là huyện Tuần Dương thành phố An Khang tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), một người dân ở thôn Thuỷ Nam tên là Bách Quân Hoài đã bắt được một con cá lớn dài mấy thước ở hồ Lặc Mạc gần sông Hán. Anh này phát hiện trên thân con cá lại có chữ viết, đó là một bài thơ, viết rằng: “Tam độ quá hải, lưỡng độ thượng Hán. Hành chí Lặc Mạc, mệnh chúc Bách Quân” (nghĩa là Ba lượt bơi qua biển, hai lượt vào sông Hán. Đến hồ Lặc Mạc thì mệnh rơi vào tay Bách Quân). Ngoài ra theo cuốn Linh quái tập của Trương Tiến thời Đường ghi chép, ở quận Ngô (nay là gần Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) một ngư dân tên Trương Hồ Tử từng câu được một con cá lớn ở Thái Hồ. Trên bụng con cá có một bài thơ viết bằng chu sa: “Cửu đăng Long Môn sơn, tam ẩm Thái Hồ thủy. Tất cánh bất thành long, mệnh phụ Trương Hồ Tử” (nghĩa là Chín lần lên núi Long Môn, ba lượt uống nước Thái Hồ. Rốt cuộc cũng chẳng thành rồng được, số mệnh giờ phụ thuộc vào Trương Hồ Tử).

Cả hai bài thơ dự ngôn viết trên thân cá này vào đều được ghi lại trong quyển Toàn Đường Thi – quyển 867 [1] thời nhà Thanh, với tiêu đề lần lượt là “Ngư thân tự” và “Ngư đan chu thư”. Ngoài ra câu thơ “Canh điều Lặc Mạc ngư” trong bài thơ “Trúc chi từ – Ngã ức Kim Châu hảo” của văn nhân triều Thanh Trương Bằng Phi (tự là Phù Cửu, hiệu Bửu Sơn) cũng có nhắc đến sự việc Bách Quân Hoài bắt được cá lớn ở hồ Lặc Mạc.

Trong quyển sách cổ Di kiên chí – Di kiên chí ất quyển – đệ thập thời Nam Tống cũng có ghi lại một câu chuyện tương tự. Mùa xuân năm Thuần Hi thứ tám thời Tống Hiếu Tông (năm 1181) ở huyện Nam Thành phủ Kiến Xương (nay là huyện Nam Thành, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) nhiều ngày trời mưa to khiến nước suối ở đây dâng cao, người dân địa phương bèn giăng lưới bên bờ để bắt cá, nguyên vùng này vốn không có cá lớn, ngay cả con cá lớn nhất bắt được trên sông cũng không nặng quá hai cân. Có một ngư dân trong vùng tên là Dương Thọ Tử ở cảng Chương Sơn giăng lưới, lúc thu lưới không những không cách nào kéo lưới lên được mà còn suýt bị kéo ngược xuống sông, anh bèn hô lớn nhờ người giúp đỡ. Có ba ngư dân vội chạy đến cùng giúp Dương Thọ Tử kéo lưới lên kiểm tra, phát hiện trong lưới có một con cá khổng lồ đang không ngừng giãy giụa, bốn người phải mất rất lâu mới kéo lưới cá lên bờ được, rồi họ dùng chĩa đâm chết con cá, đem cân thử thì thấy con cá nặng những 100 cân. Nhóm người của Dương Thọ Tử quan sát con cá tỉ mỉ thấy trên trán nó có ẩn hiện văn tự màu đỏ thắm, nhưng bốn người đều không biết chữ, đúng lúc ấy có một thư sinh trong vùng đi ngang qua, vị thư sinh giải thích cho bốn người rằng văn tự được viết trên trán cá là ba câu dự ngôn: “Tam độ nhập triều môn, tứ độ tao đại thủy, hạ sao khước phùng Dương Thọ Tử” (nghĩa là Ba lượt gặp triều môn, bốn lần gặp nước lớn, cuối cùng lại gặp Dương Thọ Tử). Ở thôn của Dương Thọ Tử thì người mang họ Dương chiếm nhiều nhất, còn người bắt được con cá to này chính là Dương Thọ Tử, điều này hoàn toàn ứng nghiệm với dự ngôn trên thân cá.

Xem ra ngay cả vận mệnh của cá cũng có định số, vậy thì vận mệnh con người càng được định rõ hơn, nếu vậy ai là người đã lưu lại dự ngôn trên thân cá, ai đã lặng lẽ an bài hết thảy mọi việc? Đáp án duy nhất chính là trong vũ trụ có tồn tại Thần, chính là Thần đã an bài tất cả. Đương nhiên là con người khác với động vật, con người có tư tưởng phức tạp hơn, khi gặp chuyện thì có quyền lựa chọn rất lớn. Nếu như con người lựa chọn cách thông qua làm việc xấu để giành được những thứ lợi ích mà trong mệnh vốn không có như tài phú, địa vị… thì người ấy chính là đang phá hoại an bài của Thần, họ nhất định sẽ phải chịu ác báo.

[1] Xem Toàn Đường Thi ở đây: http://www.xysa.com/quantangshi/t-index.htm

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/252680



Ngày đăng: 21-03-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.