Tử ngọc kim sa (7): Thành phần và kết cấu của khoáng tử sa núi Hoàng Long



Tác giả: Ý Văn

[ChanhKien.org]

Đặc tính của tử sa là độc nhất vô nhị, được mệnh danh là “đứng đầu trà cụ”, nội hàm và công nghệ chế tác ấm tử sa là sự kết hợp tâm huyết của người làm ấm, khiến cho ấm tử sa phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ của mọi người, hình thành một môn nghệ thuật thanh nhã mà thâm trầm, sâu lắng, thuần phác. Tính năng độc đáo đặc sắc riêng nhất này khiến cho tử sa trở thành sản phẩm đặc biệt trên thế giới, đó cũng là tinh phẩm nghệ thuật trong kho tàng của dân tộc Trung Hoa.

1. Kết cấu khoáng vật tử sa

Khoáng liệu tử sa không phải hoàn toàn là cát, cũng không phải toàn là bùn. Bằng kính hiển vi ta có thể nhìn thấy trình tự sắp xếp của các phân tử cát tím được xếp theo hình vẩy cá, kết cấu này khác với cấu trúc dạng hạt của đất sét thông thường.

Khoáng liệu tử sa chủ yếu có hai bộ phận lớn là các hạt cát vỡ vụn và khoáng đất sét kết dính. Các hạt cát vỡ nhỏ có thể gọi là “sa”, còn vật kết dính thông thường được gọi là “nê”.

Thành phần chủ yếu của các hạt cát vỡ này là thạch anh, ngoài ra là hàm lượng nhỏ Biotit (còn gọi là Mica đen), Muscovit (Mica trắng), Limonit (một loại quặng sắt) v.v.

Vật kết dính là đất sét có thành phần chủ yếu là cao lanh, ngoài ra là hàm lượng nhất định Hydromica, Cericite, Hematit v.v.

Các hạt cát vỡ thạch anh được phân bố bên trong vật kết dính, thuộc về tầng đáy kết dính. Điều này nói rõ rằng khoáng liệu tử sa có hai loại là bùn trong cát và cát trong bùn.

2. Thành phần hóa học của tử sa

Ảnh: Sơ đồ thành phần hóa học của tử sa (nguồn: internet)

Phân tích thành phần hóa học của tử sa, ta có thể thấy thành phần chủ yếu gồm: silic dioxit, nhôm oxit, sắt(III) oxit. Trong đó silic dioxit (Si02) chiếm khoảng 50% – 60%; tiếp đến là nhôm oxit (Al203) chiếm khoảng 21,2% – 28,8%; sắt(III) oxit (Fe203) chiếm khoảng 8% – 12%.

Ngoài ra, còn có một lượng nhỏ nguyên tố vi lượng như Canxi oxit, Kali oxit, Natri oxit, Mangan oxit, Titan dioxit v.v., tổng hàm lượng những chất này không vượt quá 10%.

3. Kết cấu bên trong của khoáng tử sa

Khoáng Hoàng Long Sơn thuộc về loại phù sa (bùn) trầm tích trong đầm, hồ, hàm lượng sắt phân bố đều, chất sắt đầu tiên bị oxy hóa thành các hạt nhỏ phân bố đều, những hạt nhỏ này hình thành hạt nhân của thể kết tinh, gọi là “tinh hạch”, các hạt nhỏ không ngừng phát triển và tổ hợp thành “thể kết tinh tập hợp”, thể kết tinh tập hợp này khi được sắp xếp theo một trình tự thì chính là khoáng tử sa.

Nguyên tố sắt khi trở thành tinh hạch nếu như có hàm lượng sắt quá thấp sẽ tạo ra việc hiệu suất kết tinh của khoáng liệu sau khi thạch hóa sẽ thấp, chất lượng vật liệu khoáng được xem là đất kém. Nếu hàm lượng sắt quá cao, tinh hạch cũng sẽ tập trung quá dày, khi nung sẽ xuất hiện những vết sắt cháy đen, sắt nóng chảy, những tì vết sắt, cho nên hàm lượng sắt quá nhiều cũng không tốt, thông thường hàm lượng sắt trong khoáng liệu từ 8% đến 35% là có thể dùng được, hàm lượng sắt tốt nhất là từ 18% đến 25%.

Ảnh: Mô phỏng cấu trúc bên trong của hạt tử sa và quá trình tổ hợp nên các thể kết tinh tập hợp (nguồn: internet)

Khoáng liệu Hoàng Long Sơn đại đa số đều được nham hóa đồng đều, kết tinh đầy đủ, cho nên chi phí sàng lọc và luyện chế thấp, nê được luyện ra có chất lượng cao. Ở bất kỳ điểm nào trên bề mặt cũng đều có thể thông với bên trong, ở giữa có thể trữ khí.

Một hạt của một mắt lưới chính là một “thể kết tinh tập hợp”, bên trong thể tập hợp này là “tứ thông bát đạt”, mỗi điểm trên các hạt đều cho khí vào xuất khí ra, giữa các hạt có thể truyền dẫn với nhau, khi bề mặt các hạt lấp kín càng nhỏ, tính truyền dẫn càng tốt, tính thông khí càng tốt.

Ảnh: Sơ đồ sắp xếp sau khi nham hóa và kết tinh đầy đủ của khoáng liệu thuần khiết (nguồn: internet)

Ảnh: Khoáng liệu kém chất lượng và phần lớn những khoáng liệu ngoại sơn có tạp chất nhiều, nham hóa không đều, kết tinh không đầy đủ (nguồn: internet)

Vì sao về tổng thể khoáng liệu ngoại sơn lại không bằng được với khoáng liệu bổn sơn? Bởi vì khoáng liệu ngoại sơn có nhiều tạp chất, nham hóa không đều, kết tinh không đầy đủ. Chi phí sàng lọc và giá thành quá cao, mà rất khó để luyện được loại nê thành phẩm tốt nhất.

4. Sự khác biệt quặng tử sa và quặng gốm thông thường

Tử sa nguyên khoáng không phải là cát cũng không phải là nê, đồ dùng tử sa sau khi nung cũng không phải gốm và không phải là sứ. Tỷ lệ hút nước của tử sa thành phẩm thấp hơn 2%, điều này nói rõ rằng số các lỗ khí của nó nằm ở giữa đồ gốm và đồ sứ.

Từ góc độ thành phần khoáng đến thành phần hóa học cho thấy, tử sa Nghi Hưng thuộc về một loại đất sét, nhưng tử sa Nghi Hưng lại khác với các loại đất sét khác. Đặc thù của nó là có tính cát rất nhiều, trong khi các loại đất sét khác lại có tính bùn mạnh tính cát yếu. Điều này không phải chỉ xét đến thành phần khoáng vật phù sa có chung trong tất cả các loại đất sét, mà tử sa tại Nghi Hưng có các “thể kết tinh tập hợp” đã trải qua quá trình hàng triệu năm kết tinh và phong hóa liên tục, khiến cho đặc tính cát của nó lớn hơn rất nhiều lần so với đất sét thông thường. Đây là kết cấu đặc biệt độc đáo mà riêng mình tử sa mới có.

Ấm Chu nê Tiểu Môi Diêu thuộc Xuyên Phụ (Đường Vận tử sa)

Thành phần đất sét phổ thông = hạt thạch anh + đất sét không có “thể kết tinh tập hợp” + sắt oxit + nguyên tố vi lượng khác.

Thành phần đất tử sa = hạt thạch anh + đất sét có đủ “thể kết tinh tập hợp” + sắt oxit + các nguyên tố vi lượng khác.

Nếu nhiệt độ nung của đất sét phổ thông không đủ cao, thì phôi đất sẽ không thêu kết, sẽ hình thành nên những lỗ khí mở, sẽ bị thấm nước, nhả ra màu đen. Để tránh nước thấm ra ngoài hoặc làm cho bề mặt đạt thẩm mỹ, thông thường người ta sẽ tráng men ở bên ngoài hoặc tráng hai mặt bên trong và bên ngoài.

Bình gốm, bình cát, đồ dùng bằng gốm nếu không được tráng men, trước khi dùng cần phải cho nước cháo vào để đun chưng, nhằm làm cho các lỗ khí lớn bít kín lại, không cho nước thấm qua.

Đất cao lanh dùng để chế tác đồ sứ, sau khi nung kết ở nhiệt độ cao, sẽ bị sứ hóa nên hoàn toàn không có lỗ khí, cho nên gõ vào nghe âm thanh tương đối giòn và sắc.

Cho dù đó là ấm chu nê của Triều Châu, hay là gốm Ni Hưng của Khâm Châu Quảng Tây, hay là gốm tím ở Kiến Thủy Vân Nam cho đến gốm ở Vĩnh Xương Trùng Khánh, hoặc là gốm ở Oanh Ca Đài Loan, thậm chí đất gốm ở các quốc gia khác, thì đều có tính bùn nhiều và cát ít, về cơ bản đều là kéo phôi tay hoặc đúc khuôn ép đổ bùn thành hình. Nguyên liệu thuần tử sa thì không thể dùng phương pháp này, nó sẽ bị gãy hoặc đứt khi kéo, vì thế cần bổ sung thêm đất cao lanh và một số nguyên liệu khác. Tuy nhiên tính thoáng khí sau khi thêu kết ở nhiệt độ cao kém hơn nhiều so với tử sa bổn sơn.

Phương pháp chế tác ấm tử sa truyền thống là “phương pháp tạo hình vỗ thân ống (vỗ thân thùng)”, “phương pháp tạo hình ghép thân ống”, gọi là “phương pháp đúc chân không” (I), cách làm hoàn toàn khác với các phương pháp làm ấm khác, là phương pháp làm ấm dựa trên tính chất của khoáng liệu tử sa. Phương pháp chế tạo ấm tử sa này bảo đảm cho phôi ấm sau khi thêu kết sẽ hình thành nên các “kết cấu lỗ khí kép” (2).

Sự khác nhau giữa tỷ lệ nê (bùn) và sa (cát) quyết định về phương pháp làm ấm, nó cũng quyết định về tính thoáng khí của sản phẩm. Phương pháp đặc thù truyền thống được hình thành dựa trên tính chất của nguyên liệu thô và tính thực tiễn nguyên liệu. Quá trình khoáng hóa và hình thành các “thể kết tinh tập hợp” chính là chỗ khác biệt căn bản nhất giữa tử sa bổn sơn Nghi Hưng và đất sét thông thường.

Ghi chú:

1. Phương pháp tạo hình vỗ thân ống/ vỗ thân thùng: phương pháp làm ấm tử sa này được sáng tạo bởi chuyên gia Thời Đại Bân thời đại nhà Minh, được xếp vào danh sách bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

2. Kết cấu lỗ khí kép: mời quý độc giá đón đọc chi tiết về kết cấu lỗ khí kép tại kỳ sau.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/254907



Ngày đăng: 16-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.