Loạt bài tâm đắc về “Yểu điệu thục nữ” (5): Vẻ đẹp của sự cẩn trọng trong lời nói



Tác giả: Hiểu Lăng

[ChanhKien.org]

Vẻ đẹp của sự cẩn trọng trong lời nói. (Nguồn hình: sưu tầm từ internet)

Gần đây, một người bạn thân gọi điện thoại cho tôi, sau khi trải qua một cuộc hôn nhân thất bại cách đây vài năm thì tâm thái của cô ấy có phần tiêu cực và bi quan. Khi bàn tới chuyện chung sống với nửa kia, cô ấy khuyên tôi rằng, phụ nữ cần phải biết “giảo hoạt” và mánh khóe thì mới có thể trở thành người chiến thắng trong hôn nhân. Tôi nghe xong liền mỉm cười nói, phụ nữ phải chung sống thật tốt với nam giới, cần phải biết kiềm chế bản thân, biết giữ đúng khoảng cách và giới hạn trong giao tiếp, mới không bộc phát tình cảm bồng bột dẫn đến tranh chấp. Kỳ thực, thứ phụ nữ thực sự cần không phải là giảo hoạt, mà là sức mạnh của sự mềm mỏng và lý trí. Nói cách khác, phải học được “cẩn ngôn” (sự cẩn trọng trong lời nói).

Quả thực, nếu một người phụ nữ muốn có được hạnh phúc, việc cô ấy có thể nói năng đúng mực hay không là điều rất quan trọng. Đặc biệt là trong gia đình, khi đối mặt với những người quá đỗi thân thuộc, gần gũi với mình, họ có xu hướng trò chuyện thoải mái hơn, không còn câu nệ. Có nhiều người phụ nữ cho rằng nhà là nơi để họ trút hết nỗi lòng, giải tỏa cảm xúc của bản thân. Nhưng tôi nghĩ rằng cần phải bổ sung thêm một câu nữa, nhất định phải cân nhắc, xem xét sức chịu đựng và tâm lý của đối phương. Xin tuyệt đối đừng muốn gì làm nấy, mù quáng nuông chiều bản thân và coi người nhà hoặc bạn đời như thùng rác để trút bỏ những cảm xúc không tốt! Tốt nhất là bạn có thể tìm thêm một vài kênh để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực của mình như đọc những cuốn sách truyền cảm hứng, viết ra những cảm xúc trong nhật ký hoặc blog, cần dùng một loại phương thức chính diện, tích cực để giải thoát bản thân.

Tất nhiên, khi gặp phải một sự việc, hai bên cần kịp thời trao đổi thẳng thắn, nhưng khi bạn đối mặt với người bạn đời của mình, cũng giống như đối diện với người khác, bạn nhất định phải hiểu rằng “nói nhiều không bằng nói ít”. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều đã từng trải qua việc nói ra những lời nói thiếu suy nghĩ, sau đó đã dẫn tới hàng loạt những tác động tiêu cực và đã cảm thấy rất hối hận, phải không? Do đó, tốt nhất là nên thận trọng trong lời nói. Miệng là cánh cửa, cần phải biết đóng lại đúng lúc!

Một nhà hiền triết cổ đại đã từng nói rằng trước khi chuẩn bị nói chuyện, đầu tiên phải vượt qua ba cửa. Ở cửa thứ nhất, trước hết hỏi bản thân: “Những lời này có đúng không, có thật không?” Nếu như đúng, mới có thể qua cửa và tiến đến cửa thứ hai. Ở cửa thứ hai, hiền triết sẽ hỏi: “Những lời này có cần thiết không?” Nếu câu trả lời là có, mới có thể qua cửa và tiến đến cửa thứ ba, ở nơi này, ông ấy sẽ hỏi: “Những lời này có thiện ý không?” Nếu là phải, lời nói mới có thể được nói ra.

Nhưng điều này lại không phủ nhận tầm quan trọng của sự chân thành và thẳng thắn trong giao tiếp. Cho dù người đang nói chuyện với bạn có quyền uy đến đâu thì cũng đừng mỗi ngày đều hành động dựa theo sắc mặt của người khác. Hãy mở rộng nội tâm, trình bày một cách đầy đủ và tinh tế quan điểm của mình, thể hiện con người chân thực của mình trước mặt đối phương và khiến mọi người cảm nhận được sự chân thành và thẳng thắn vô tư của bạn. Nhưng hãy nhớ kỹ! Đừng học nói những lời ngồi lê đôi mách, buôn chuyện. Cẩn trọng trong lời nói và việc làm không nên chỉ là đức tính tốt đẹp của người phụ nữ truyền thống thời xưa. Ngày nay, phạm vi sinh hoạt của hầu hết phụ nữ từ gia đình, xã hội đến nơi làm việc đã được mở rộng hơn trước, mà nhịp sống trong cuộc sống xã hội hiện đại cũng càng ngày càng nhanh hơn. Nhiều người phụ nữ vì những nguyên nhân khác nhau, ví dụ, phụ nữ Đại Lục bị ảnh hưởng bởi quan niệm “văn hóa đảng”, cũng có một số phụ nữ đi làm phải chịu đựng sự căng thẳng, lo lắng do áp lực công việc gây ra, hễ mở miệng là thao thao bất tuyệt, hơn nữa giọng điệu rất khẩn trương, lớn tiếng, điều này khiến việc giao tiếp giữa hai bên tạo thành những chướng ngại tâm lý rất lớn. Vì vậy, việc học “cẩn trọng trong lời nói” là điều đặc biệt cần thiết. Khi người phụ nữ nói ít hơn, nhẹ nhàng hơn và súc tích hơn, bản thân cô ấy không chỉ có được tâm thái thoải mái, bình tĩnh mà còn tránh được tình trạng nói nhiều dễ nói sai, khiến những lời không hay tùy tiện nói ra vô tình làm tổn thương đối phương.

“Lời nói của phụ nữ nên đơn giản và uyển chuyển” (Khuê phạm), khi có điều muốn nói hãy nói thật chậm. “Khi một người phụ nữ nói, cô ấy không cần phải nói lời hùng biện, sắc bén” (Nữ giới). Nên cố gắng biểu đạt bằng giọng điệu bình tĩnh, ôn hòa và dịu dàng, đừng quá thẳng thắn hay cứng nhắc, điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn tâm lý của đối phương và trở thành một người biết lắng nghe, thấu hiểu. Phụ nữ phải học cách suy nghĩ ba lần trước khi nói, nhận ra điều kỳ diệu của sự ẩn nhẫn, làm cho nhân cách của mình trưởng thành và rộng lượng hơn thì mới có thể thực sự giành được thiện cảm và sự tôn trọng của đối phương.

Trong cuốn “Nữ giới” có viết: “Lựa lời mà nói, không nói lời ác, dù là lời tốt cũng phải chọn thời điểm thích hợp mới nói ra, sẽ không khiến người phản cảm, đây mới chính là lời nói của người phụ nữ”. “Không nói lời ác”, nói nhiều lời nói tốt đẹp mới có thể “không khiến người phản cảm”, khiến cho người khác khi sống với bạn trong tâm sẽ vui mừng. Trong “Đệ tử quy” cũng có nói: “Kia nói hay, đây nói dở; không dính mình, chớ rỗi dự”. Không tùy tiện nghị luận nói về chuyện thị phi của người khác, không gièm pha người khác, khắc kỷ phục lễ (tự khắc chế ham muốn cá nhân, khiến ngôn hành cử chỉ hợp lễ), bồi dưỡng, tạo dựng cho bản thân nhân cách hấp dẫn, đoan trang, nho nhã mà khí chất điềm tĩnh, điều này sẽ khiến người khác vui vẻ thoải mái. Có thể thấy cái đẹp thực sự của người phụ nữ nằm ở sự tu luyện nhân cách của tự thân.

Tóm lại, phụ nữ khi nói thì nên lấy ít để thắng nhiều, lấy ít để trở nên đẹp. Thà nói chuyện từ tốn còn hơn cướp lời để nói. Vẻ đẹp của sự cẩn trọng trong lời nói đẹp ở sự chân thành, thẳng thắn, thận trọng mà có mực thước, dũng cảm bộc lộ cảm xúc đúng lúc; vẻ đẹp nằm ở sự thấu hiểu người khác, có thể xem xét đầy đủ cảm nhận và tâm thái của đối phương trước khi nói, đẹp ở sự giỏi kiềm chế bản thân, mà lời nói sau khi ẩn nhẫn sẽ càng thêm sâu sắc, trang nghiêm khiến người ta phải suy nghĩ, có ý vị sâu xa, tự có được vẻ đẹp hàm súc, kín đáo. Nguyện cho những bạn nữ ở trong cuộc sống hàng ngày đều có thể làm được “cẩn trọng trong lời nói”, “chọn lời mà nói”, góp thêm một phần vẻ đẹp tường hòa và trang nghiêm cho thế giới bộn bề này.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/80528



Ngày đăng: 19-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.