Loạt bài tâm đắc về “Yểu điệu thục nữ” (2): Vẻ đẹp của sự khiêm nhường



Tác giả: Hiểu Lăng

[ChanhKien.org]

Diên Cát với hoa lan và Dương Quý Phi với hoa mẫu đơn, hoạ sĩ Genki (1747–1797), The Met Museum.

Khi còn đi học, đọc sách, viết văn luôn là sở thích của tôi trong thời gian rảnh rỗi. Sau khi đắc Pháp, tu luyện, tôi dần dần nhận ra rằng nguồn gốc của sự nhạy cảm với ngôn từ và khả năng điều khiển ngôn từ của mình là vì Pháp mà tới. Thế là tôi bắt đầu cầm bút, ghi lại từng chút từng chút một những tâm đắc và cảm ngộ của bản thân trên con đường tu luyện. Nhưng khi viết được nhiều rồi, thấy được một số bài viết của mình được một số trang web hải ngoại lần lượt đăng tải, lại nảy sinh ra một loại tâm lý muốn hiển thị tài hoa của bản thân, muốn được nhiều người hơn nữa công nhận, tán dương. Nhớ lại thời điểm đó tôi còn từng mang theo bài viết mà mình tâm đắc tìm tới một người bạn để được chỉ giáo. Tuy mượn danh nghĩa là nhờ bạn chỉ giáo, nhưng trên thực tế tôi lại mang theo tâm lý muốn khoe khoang. Sau đó, một người bạn khuyên nhủ tôi, cơ điểm viết văn cần phải chính, văn chương không thể viết vì để chứng thực bản thân. Lúc đầu, tôi không coi trọng những lời khuyên đó lắm, nhưng thời gian qua đi, tôi nhận thấy tâm lý cầu “danh” của bản thân ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tôi rất để ý đến những lời bình luận của độc giả hay cư dân mạng, khi được người khác khen ngợi, tôi lập tức cảm thấy hân hoan vui mừng, và không muốn nghe bất kỳ lời phê bình hay những lời không thuận tai nào. Đắm chìm trong sự tự hài lòng của mình, tư duy sáng tác của tôi dường như càng ngày càng chật hẹp, viết tới viết lui đều là những thứ theo phong cách trữ tình “tiểu nữ nhân”.

Sau khi đọc tác phẩm “Tống Thượng Cung – Nữ Luận Ngữ” của hai chị em họ Tống là Nhược Chiêu và Nhược Hoa, mới biết được “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ” của người xưa (Chú thích của người dịch: “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ” là câu nói của Khổng Tử, diễn nghĩa là: “Ta chỉ thuật lại chứ không sáng tác, ta yêu và tin văn hoá cổ”. Ở đây ông khiêm tốn nói mình chỉ thuật lại lời dạy cổ nhân chứ không sáng tạo ra). Thì ra “thuật nhi bất tác” là sự khiêm nhường của cổ nhân. Cuốn sách “Nữ luận ngữ” vốn là tác phẩm của Tống Nhược Chiêu và Tống Nhược Hoa, nhưng trong “Lời tựa” lại viết rằng: “Và thuật lại lời của người khác, như “Nữ Hiếu Kinh” vốn là của người họ Trịnh thời Đường, không dám tự nhận là của mình, mà cũng thuật lại lời của Tào đại gia vậy” (“Tào đại gia” là chỉ Ban Chiêu, nữ sử gia thời Hán, bà được gả cho Tào Thế Thúc). Ý nghĩa của lời đó là, Nhược Chiêu, Nhược Hoa không dám tự nhận là do mình sáng tác, chỉ là thuật lại quan điểm của người đi trước mà thôi.

Sau khi nghiên cứu sâu về “nữ đức” trong văn hóa truyền thống, không khó để nhận thấy rằng, phương diện quan trọng nhất của nữ đức chính là sự khiêm nhường. Trong cuốn “Nữ giới” của Ban Chiêu có giảng: “ti nhược đệ nhất”, “khiêm nhượng cung kính, tiên nhân hậu kỷ, hữu thiện mạc danh, hữu ác mạc từ, nhẫn hàm cấu, thường nhược úy cụ” (Tạm dịch: Khiêm nhượng đặt ở vị trí thứ nhất. Khiêm hạ, nhẫn nhường, đối với người cung kính. Nghĩ cho người khác trước, sau mới đến mình. Làm điều tốt không khoe khoang, làm việc xấu không được thoái thác trách nhiệm. Hàm dưỡng đức nhẫn nhịn. Thường giữ tâm kính sợ, dè dặt cẩn thận).

Suy nghĩ kỹ lại, thấy rằng so với thái độ khiêm tốn “tiên nhân hậu kỷ, hữu thiện mạc danh” của người xưa, xã hội hiện đại đề cao việc tự thể hiện và đề cao bản thân, bộc lộ đầy đủ nhân cách của mình. Con người ngày nay dường như đã quên rằng cái gọi là “sáng tạo” của bản thân thực ra đều bắt nguồn từ sự kế thừa trí huệ của tiền nhân. Đặc biệt là phụ nữ Đại Lục có xu hướng xốc nổi trong cử chỉ, hành vi và cách ứng xử, cao giọng trong lời nói, hơn nữa dường như không hề e sợ. Trên thực tế, những thứ thâm nhập vào trong đó chính là tư tưởng và quan niệm đấu tranh “giả, đại, không” do văn hóa đảng thấm nhuần. Người phụ nữ tỏ ra cao ngạo trong mọi việc, dưới sự dẫn động của tâm lý hiển thị cũng như tâm tranh đấu mà thường không biết dè dặt, kín đáo, lại biểu hiện bản thân quá mức trước công chúng, thì rất dễ khơi dậy tâm tật đố của người khác, từ đó dễ gặp phải những chuyện xấu như bị người khác ác ý phỉ báng và công kích.

Đi theo dấu chân của các bậc thánh hiền cổ đại, tôi bất giác từ nội tâm bắt đầu hướng về phong thái khiêm tốn của các bậc quân tử thời xưa. Khiêm nhường, không phải là phủ định năng lực hay nhân cách của bản thân mà ngược lại đó là một loại tự suy ngẫm và định vị bản thân kiến lập trên sự hiểu biết đúng đắn đối với vũ trụ và bản thân. “Thượng thiện nhược thủy”, nước ở chỗ thấp. Người phụ nữ thực sự khiêm nhường, ôn nhu như nước, cái thiện ở vị trí thấp. Như trong “Đạo Đức Kinh” giảng: “Vi nhi bất tranh”, chính bởi vì không tranh giành, không ngưỡng mộ những thứ hư vinh nên cô ấy mới có thể giành được sự tôn trọng và kính phục của mọi người. Một người phụ nữ khiêm nhường, nội tâm của cô ấy cũng nhất định sẽ có tâm kính úy (kính nể). Tâm kính úy này đến từ sự khám phá và truy tìm những chân lý của vũ trụ, sự ước thúc đức hạnh và tâm tính của bản thân. Nó khiến người phụ nữ tuân theo đạo trung dung, cử chỉ, hành vi càng thêm đúng mực, thận trọng. Như trong “Thượng Thư” giảng: “Tự mãn sẽ dẫn đến tổn thất, khiêm tốn sẽ nhận được lợi ích”.

“Hãy để tôi làm một cây lúa mạch khiêm tốn đi!” Từ trong nội tâm có một âm thanh nói với bản thân như vậy. Làm một người phụ nữ khiêm nhường mới có thể có được một không gian tâm linh thanh nhã và yên bình, cũng sẽ nhờ đó mà nhận được sự tôn trọng và quý mến của mọi người, có được vẻ đẹp của sự khiêm nhường, đẹp ở sự bình hòa, ôn nhu, khiêm tốn và thành thục. Phúc cho người phụ nữ có trí huệ, lấy sự khiêm tốn nhã nhặn làm nền tảng của nhân cách, triển hiện ra trước mọi người là một vẻ đẹp của sự khiêm nhường với những hàm ý sâu lắng.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/78842



Ngày đăng: 07-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.