Phỏng vấn nhân vật – Phần 1: Chính Pháp, tu luyện và hôn nhân gia đình



Tác giả: Vương Khánh Phong

[ChanhKien.org]

Bài viết Chính Pháp, tu luyện và hôn nhân gia đình nói về một đệ tử Đại Pháp đã đối đãi và hoá giải những mâu thuẫn trong gia đình như thế nào để bước đi trên con đường tu luyện Chính Pháp.

Phóng viên: Vương Khánh Phong

Người được phỏng vấn: Đệ tử Đại Pháp

Hỏi: Bài phát biểu chia sẻ tâm đắc thể hội tu luyện của anh tại Pháp hội đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các đồng tu, bài phát biểu đó cũng được đăng trên “website Chánh Kiến” ngày hôm sau, ảnh hưởng rất lớn trong các đồng tu, mọi người cảm thấy chúng ta sau khi tu luyện, nhất là sau khi xảy ra cuộc bức hại, rất nhiều gia đình đều chỉ còn một người tu luyện còn người kia thì không. Hầu hết mọi người đều trải qua rất nhiều khổ nạn, chỉ là mức độ khác nhau mà thôi. Rất nhiều đồng tu vô cùng cảm kích khi thấy anh có thể làm tốt về mặt này. Anh đã kể về quá trình tu luyện tâm tính của mình, anh có thể nói cụ thể một chút như kết hôn khi nào, quan hệ tình cảm trước khi kết hôn ra sao không?

Đáp: Vâng. Tôi kết hôn năm 1997, năm đó tôi vừa tốt nghiệp đại học. Trước khi kết hôn tôi và vợ tôi quen biết nhau được bốn năm, tôi đến Mỹ trước, sau đó vợ tôi mới đến. Đến Mỹ, tôi và cô ấy cùng học chung một trường, sau khi tôi tìm được việc làm thì mẹ tôi cũng đến Mỹ. Mẹ tôi nói, là bậc cha mẹ thấy tình cảm của hai chúng tôi khá vững chắc, nên đề xuất chúng tôi tiến tới hôn nhân. Được sự đồng ý của hai gia đình, chúng tôi cảm thấy tình cảm rất tốt đẹp, bố mẹ hai bên đều đồng ý cho chúng tôi kết hôn. Sau khi kết hôn, chúng tôi đã trải qua một giai đoạn gọi là thời kỳ thích ứng, những khác biệt về thói quen sống về mọi phương diện đều dần dần thích nghi, giữa hai chúng tôi không có rào cản trong giao tiếp, tình cảm cũng rất tốt đẹp. Cả hai chưa bao giờ phải che đậy hoặc phải kìm nén suy nghĩ của mình, mọi vấn đề đều đưa ra khá thẳng thắn.

Hỏi: Lúc đó anh đã bắt đầu tu luyện chưa?

Đáp: Khi mới bắt đầu tu luyện, thời gian dành cho tu luyện trong cuộc sống của tôi, nói đúng ra không nhiều như sau này, thực ra trước khi ra nước ngoài một thời gian tôi đã đọc sách Chuyển Pháp Luân và đắc Pháp, bởi vì khi đó tôi không liên lạc với học viên địa phương mà đi luôn. Sau khi ra nước ngoài, xung quanh tôi không có học viên nào, vì lúc đó tôi cũng không biết tu luyện rốt cuộc là gì, tôi chỉ ở nhà thi thoảng mở sách ra xem. Bởi vì về cơ bản tôi có thể tiếp nhận các đạo lý trong sách, nên vô hình trung cũng biết dùng các đạo lý trong sách để nhìn nhận một số sự việc và tự yêu cầu bản thân, nhưng về việc nghiêm khắc yêu cầu bản thân phải học Pháp và tuân theo các yêu cầu của Pháp, thì lúc đó chưa nói đến, luyện công cũng không coi trọng. Tình huống của tôi trong giai đoạn đó cơ bản là vậy.

Hỏi: Đó là năm nào?

Đáp: Đó là trước năm 1997. Sau năm 1997, tôi tìm được việc ở Dallas, khu vực đó cũng có một số học viên vừa đắc Pháp, mọi người tự lập một điểm luyện công, sau khi có điểm luyện công này, tôi bắt đầu tham gia luyện công tập thể vào cuối tuần. Tôi cũng có một quá trình tiến bộ dần. Khi đó mọi người đều luyện công chung vào ngày thứ 7 và chủ nhật, cá nhân tôi cho rằng một tuần tập một lần là đủ rồi, bởi vì thân thể tôi phản ứng cũng rất tốt, nên tôi cảm thấy một lần là đủ rồi, dần dần tôi đi luyện công hai lần, về sau tôi tham gia nhiều hơn các hoạt động tập thể, tôi nghĩ có lẽ môi trường học Pháp luyện công tập thể cũng đang thúc đẩy tôi.

Hỏi: Anh vừa nói anh học ở trường nào?

Đáp: Một thành phố rất gần Dallas, Denton, Đại học Bắc Texas.

Hỏi: Anh nói rằng mới đầu anh không quá xem trọng việc tu luyện, anh đã trải qua một quá trình dần dần nhận biết. Khi bắt đầu xem trọng tu luyện thì anh có hồng Pháp cho vợ mình không?

Đáp: Tất nhiên đối tượng đầu tiên để tôi hồng Pháp chính là cô ấy. Lúc bắt đầu cô ấy cũng không phản đối, còn thỉnh thoảng đến điểm luyện công để luyện, hồng Pháp, tôi không thể nhớ chính xác đó là khi nào. Theo lựa chọn cá nhân, tất nhiên cô ấy có khuynh hướng sống một cuộc sống thoải mái hơn, vì vậy cô ấy không sẵn sàng làm những việc khó nhọc như luyện công, nhưng cô ấy cũng không có bài xích gì nhiều. Mặc dù đã đọc vài lần cuốn sách, nhưng cô ấy chưa bao giờ thực sự muốn học hay luyện công.

Hỏi: Vậy có nghĩa là ma nạn của gia đình anh, bao gồm cả sự phản đối của vợ anh cũng chỉ bắt đầu sau cuộc đàn áp năm 1999? Anh có thể nói cụ thể hơn không?

Đáp: Đúng vậy, cơ bản là sau cuộc đàn áp năm 1999. Vì sau thời điểm đó, cô ấy đã cho tôi cảm giác thấy sự thay đổi rất rõ ràng, cả bố mẹ tôi cũng thay đổi. Trước năm 1999, cha tôi cũng tu luyện, thực ra chính cha tôi là người đầu tiên tu luyện, ông để một cuốn sách ở nhà, thỉnh thoảng tôi xem nó và được tính là đắc Pháp. Sau đó, bố mẹ tôi và tôi không gặp nhau trong hai năm, sau khi đến Mỹ họ thấy được sự thay đổi của tôi, họ cảm thấy tôi thay đổi rất rõ ràng. Mặc dù tôi không tinh tấn lắm, nhưng trong suy nghĩ và hành vi của mình tôi đã vô thức tuân theo những yêu cầu của Đại Pháp, vì vậy gặp ai họ cũng nói rằng con trai chúng tôi tu luyện Pháp Luân Công rất tốt, cùng với hoàn cảnh trong nước có rất nhiều người tu luyện, trong môi trường rộng lớn này và trong mắt họ, tu luyện Pháp Luân Công có lợi ích, vì vậy cha mẹ tôi cũng ủng hộ tôi tu luyện. Nhưng cha mẹ vợ tôi khá thiên về thuyết vô thần hơn, họ có thái độ cố chấp về Đại Pháp nhưng họ cũng không phản đối. Tôi nghĩ bởi vì điều này có liên quan đến môi trường tu luyện trong nước, vì có rất nhiều người đang luyện. Mẹ tôi kể rằng có một thời gian bà làm việc ở Thâm Quyến, hàng ngày bà đi bộ đến nơi làm việc và nhìn thấy mỗi quảng trường bà đi qua đều có rất nhiều người tập luyện, đều là luyện Pháp Luân Công. Sau năm 1999, mọi thứ thay đổi giống như chỉ trong một đêm, tình huống trong nước mặc dù chưa trải qua, nhưng tôi có thể đoán được, những tuyên truyền giả dối rợp trời dậy đất. Cha mẹ vợ tôi lập tức thay đổi thái độ, kịch liệt phản đối việc tôi tu luyện, họ hoàn toàn tiếp nhận tuyên truyền của Trung Cộng, cho rằng Pháp Luân Công không tốt. Cha mẹ tôi cũng lập tức thay đổi thái độ rất nhiều. Sự đàn áp này không chỉ xảy ra ở trong nước, mà ở nước ngoài cũng lập tức cảm thấy. Mặc dù người Hoa ở nước ngoài có nghe nói đến Pháp Luân Công, nhưng đó không phải là chủ đề trò chuyện hàng ngày của họ, họ không có ấn tượng trực tiếp về Pháp Luân Công, nhưng cuộc đàn áp đã khiến Pháp Luân Công trở thành chủ đề nóng trong các cuộc nói chuyện của họ, họ bắt đầu chú ý, mà khi đó mọi thông tin về Pháp Luân Công đều không phải chính diện, tất cả đều là tiêu cực. Vợ tôi trong tình cảnh đó, những thông tin phản đối từ cha mẹ cô ấy, cùng những cảm nhận về sự thay đổi thái độ của người Hoa hải ngoại đối với Pháp Luân Công, đang từ vốn dĩ hàng tuần cùng tôi đến điểm luyện công đầu tiên là không đi luyện nữa, sau đó là không muốn tôi ra ngoài tham gia một số hoạt động, lúc đó sự thay đổi rất lớn nhưng tôi lại không ý thức được thay đổi lớn như vậy.

Hỏi: Anh có cảm thấy không kịp trở tay không? Vợ anh lo lắng khi anh đi luyện công thậm chí không muốn anh luyện, có phải do cô ấy đã tin vào những lời tuyên truyền dối trá không? Hay cô ấy sợ anh bị Trung Cộng biết được, hoặc không có lợi cho sự nghiệp sau này của cô ấy?

Đáp: Tôi cảm thấy vợ tôi cũng như đa số người dân bình thường đều không suy nghĩ và phân tích một cách sâu sắc, lý trí về vấn đề này, họ dường như rơi vào trạng thái đó ngay lập tức, họ không hề cảm thấy cần phải làm rõ ràng điều này, đối mặt với rất nhiều thông tin tiêu cực và dối trá của Trung Cộng, họ cảm thấy chúng dối trá ở một mức độ nào đó nhưng họ vẫn lẫn lộn mà tin vào nó, ngay cả khi họ tận mắt thấy một số cảm nhận tích cực về Pháp Luân Công trong nước, họ vẫn sẵn sàng ít nhiều tin vào những điều tiêu cực dối trá đó. Từ một góc độ khác, khi đối mặt với cuộc bức hại này, vì lợi ích cá nhân mình đối đầu với Trung Cộng làm gì? Chẳng có chút lợi lộc gì, cho nên mình sao không hạ thấp bản thân một chút, coi như sáng suốt bảo vệ bản thân đi? Kiểu nhận thức này cũng chiếm phần lớn trong thành phần dân chúng. Vì vậy đối với cảm nhận của cô ấy khi đó cá nhân tôi vẫn luôn muốn giải thích cho cô ấy một số đạo lý, nhưng vợ tôi luôn không chịu kiên nhẫn lắng nghe tôi phân tích, cũng có thể cô ấy căn bản không quan tâm ai đúng ai sai, họ chủ yếu chỉ quan tâm cuộc sống của mình thật tốt, logic của họ là không quan trọng ai đúng ai sai, họ cảm thấy bạn có một con đường rõ ràng dễ đi sao bạn không đi, cứ nhất định phải đi vào một con đường vô cùng khó khăn, điều này khiến họ không hiểu nổi.

Hỏi: Xem ra tất cả ma nạn đều do cuộc đàn áp của tà ác. Tôi muốn hỏi một chút, ngày 20 tháng 7 năm 1999, anh có đi đến thủ đô Washington không?

Đáp: Tôi có đi.

Hỏi: Sau khi đến Washington, khi anh trở về tình hình thế nào?

Đáp: Khi đi đến đó tôi cũng không nghĩ quá nhiều, chỉ cảm thấy đã xảy ra tình huống này thì tôi cần phải đi, chia sẻ với học viên khác xong tôi liền đi, cũng không nghĩ ở nhà sẽ chờ đợi tôi thế nào. Khi đó rất nhiều chi tiết tôi không thể nhớ rõ, tôi chỉ nhớ rõ một cuộc điện thoại. Khi đó vợ tôi gọi điện cho tôi, qua ngữ khí nói chuyện tôi cảm thấy cô ấy không được vui, nguyên nhân là cô ấy vừa nói chuyện với cha mẹ cô ấy, và cô ấy cũng không hài lòng vì tôi không chuẩn bị gì mà đã “đột ngột” đi đến Washington như vậy. Cô ấy vốn dĩ không thích tôi ra ngoài làm thỉnh nguyện gì đó, đúng lúc cô ấy lại nhận được cuộc gọi của bố mẹ. Cơn tức giận này tự nhiên trở nên càng sôi sục hơn. Cô ấy liền gọi điện cho tôi, tôi cảm thấy cuộc gọi này là sự khởi đầu cho những bất mãn của cô ấy, ít nhất qua ngữ khí là như vậy, một số chi tiết cụ thể tôi không nhớ rõ.

Hỏi: Khi đó anh đã đi làm được hai năm phải không?

Đáp: Đúng vậy!

Hỏi: Trước đây tôi vẫn luôn không hiểu lắm về anh. Nhưng từ sau cuộc bức hại, sau khi tổ chức một số hoạt động nhiều hơn, tôi cảm thấy những việc ở Dallas thì cần phải tìm anh, bất kể khi nào cần, anh luôn có thể tìm ra phương án. Đó là ấn tượng của tôi về anh. Về sau, tôi nghe nói hộ chiếu của anh có chút vấn đề, vợ anh có thái độ gì?

Đáp: Vào đầu năm 2000, khi tôi đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston để gia hạn hộ chiếu, tôi bị từ chối, vợ tôi tất nhiên càng không hài lòng khi biết điều đó, vì đó dường như là dấu hiệu cho thấy Trung Cộng đã để ý đến tôi. Trước đây, trong tiềm thức cô có thể có cảm giác đang ở nơi “xa xôi”, đó là ở bên này luyện tập thì trong nước cũng không biết, việc tôi bị từ chối hộ chiếu đã cho cô ấy một thông tin rằng Trung Cộng đã để mắt đến tôi. Vì vậy, lúc đó tôi cảm thấy cô ấy rất lo lắng, tôi gián tiếp biết rằng bố mẹ cô ấy cũng đang rất căng thẳng. Đặc biệt là bố mẹ cô ấy, cho đến sau này vợ chồng tôi xảy ra mâu thuẫn suốt mấy năm, bố mẹ cô ấy vẫn luôn canh cánh trong lòng chuyện này, họ cho rằng một người bị chính phủ nhắm đến là gánh nặng mà họ không muốn chịu đựng. Kể cả bố mẹ tôi cũng rất lo lắng về vấn đề này, họ không thể nói rằng họ không cần đứa con trai này nữa, họ chỉ có thể biểu hiện rằng họ vô cùng lo lắng.

Hỏi: Vào thời điểm đó, sau khi hộ chiếu của anh bị từ chối, anh vẫn đi làm ở một công ty, thân phận của anh có vấn đề gì không?

Đáp: Vào thời điểm đó, khi tôi đi làm ở công ty, mọi người đều đăng ký thẻ định cư, công ty chúng tôi dường như làm thủ tục đăng ký thẻ định cư khá nhanh. Khi tôi bị từ chối gia hạn hộ chiếu, việc làm “thẻ xanh” của tôi đã đến bước cuối cùng, có nghĩa là những tài liệu mà chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu tôi nộp đã hoàn thành rồi, chỉ đợi bước cuối cùng cấp thẻ xanh, chỉ mất một khoảng thời gian. Ngay cả khi lãnh sự quán không gia hạn hộ chiếu cho tôi trong thời gian này thì việc cấp thẻ xanh của tôi cũng không bị ảnh hưởng. Vì vậy, cuối cùng tôi đã nhận được thẻ xanh theo thủ tục thông thường, rắc rối duy nhất là họ phải đóng một con dấu vào hộ chiếu Trung Quốc của tôi. Tôi nói với họ rằng tôi không có hộ chiếu để họ đóng dấu vì chính quyền Trung Quốc đang đàn áp tôi và họ đã giữ lại hộ chiếu của tôi. Họ nói rằng nếu tôi không có hộ chiếu, chúng tôi không thể đóng dấu tạm thời cho tôi, nhưng họ vẫn sẽ gửi thẻ chính thức cho tôi sau một thời gian. Do đó, việc cư trú hợp pháp tại Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều nhưng nếu đi du lịch nước ngoài sẽ rất phiền phức, và tất nhiên tôi càng không thể về nước được.

Hỏi: Vậy thì xem ra anh đã rất may mắn, bởi vì khi ấy thân phận của rất nhiều người đã bị ảnh hưởng lớn. Quay trở lại bởi vì anh tham gia các hoạt động Chính Pháp ngày càng nhiều, lúc này vợ anh có gây áp lực rõ rệt với anh không?

Đáp: Theo cảm nhận của tôi, làm một người tu luyện, tôi cũng có một quá trình không ngừng đề cao, điều chỉnh và thay đổi, giống như đã nói trong lần Pháp hội trước, công này vẫn cần luyện, Pháp này vẫn cần tu, vậy thì những hoạt động Chính Pháp tại địa phương vẫn cần phải nỗ lực tham gia, tuy nhiên tôi vẫn chưa ý thức được phải chủ động bước ra giảng chân tướng, thông qua việc giảng chân tướng để áp chế tà ác. Về sau thông qua giao lưu chia sẻ với một số học viên, tôi ý thức được trách nhiệm của mình, bèn hữu ý dành thêm chút thời gian đi giảng chân tướng. Chủ yếu bao gồm hai phương diện, đó là giảng chân tướng cho chính phủ Mỹ và triển hiện vẻ đẹp của Đại Pháp đến người dân Mỹ tại điểm luyện công, thông qua hình thức này để nói về một công pháp tốt như vậy lại đang bị bức hại ở Trung Quốc. Về sắp xếp thời gian, mỗi tuần tôi sẽ chuẩn bị một ít tài liệu, đương nhiên tôi vẫn cần học Pháp luyện công, những việc này nhất định phải làm, công việc hàng ngày sắp xếp kín lịch. Cuối tuần còn phải đi đến một số nơi xa để hồng Pháp, mở lớp dạy công, lại tham gia một số hoạt động tại địa phương, hầu như cuối tuần nào cũng rất bận. Tình trạng này khiến vợ tôi rất không hài lòng, cô ấy vốn không muốn tôi tham gia quá nhiều hoạt động, hy vọng tôi có thể dành nhiều thời gian ở nhà hơn, phản ứng của tôi khi ấy là những việc tôi đang làm này là bắt buộc không thể từ chối. Lúc đầu, tôi cố gắng giải thích những đạo lý này cho vợ tôi rõ nhất có thể, nhưng tôi vẫn luôn không thực sự giải thích được rõ ràng. Bây giờ nghĩ lại cũng do nhiều nguyên nhân và nhân tố cá nhân tôi trong đó, bao gồm cả tâm thái của tôi khi giải thích và nhận thức của tôi đối với Pháp lý, đã giảng rõ khiến đối phương cảm nhận được rõ ràng hay chưa? Nhưng cũng có những khó khăn cụ thể, bởi vì một người không tu luyện sẽ rất khó hiểu được phó xuất của một người tu luyện, cũng không dễ dàng bảo cô ấy cùng tôi chịu đựng cuộc bức hại này. Bởi vì trong mắt người không tu luyện, đối với một người bình thường mà nói, họ muốn sống tốt mỗi ngày. Còn tôi lại dùng thời gian dư thừa để tham gia các hoạt động Pháp Luân Công, khiến cho cuộc sống sinh hoạt gia đình bị ảnh hưởng. Vậy mà cách vợ tôi lựa chọn để thể hiện sự bất mãn với tôi là than vãn với cha mẹ và bạn bè cô ấy, cô ấy cho rằng đây là cách để cô ấy giải khai thống khổ của cô ấy, qua thái độ nói chuyện vốn dĩ tâm tình đã không tốt, tất nhiên cô ấy không thể kể lại những sự việc này bằng thái độ khách quan, qua mô tả của cô ấy, tôi trong mắt người khác vô cùng đáng sợ, chính là căn bản không quan tâm gia đình, bỏ mặc cuộc sống gia đình, bỏ mặc vợ không quan tâm .v.v…. Cô ấy cứ thế kể cho bạn bè cô ấy bao gồm cả bạn bè tôi. Vậy là trong nhóm bạn bè hình thành một ấn tượng là người học Pháp Luân Công không quan tâm đến gia đình, dành tất cả thời gian cho các hoạt động của Pháp Luân Công.

Tuy nhiên, khi vợ tôi nói ra quyết định cuối cùng của cô ấy tôi cảm thấy rất bất ngờ, bởi vì dù trong tình huống ấy, chúng tôi cũng không phải mọi thời khắc đều ở trong mâu thuẫn. Chỉ cần không đề cập đến vấn đề mẫn cảm như tham gia hoạt động Đại Pháp, chúng tôi bình thường vẫn yên ổn, hơn nữa rất hoà hợp. Cho dù từ tính cách, cá tính hay chia sẻ tình cảm chúng tôi đều không cố tình đối địch hoặc cố ý kéo dãn khoảng cách, dùng cái gọi là chiến tranh lạnh. Ít nhất là tôi không nghĩ vậy.

Hỏi: Nói cách khác, vợ anh vẫn khá hướng nội và dè dặt. Tôi biết một số gia đình hay cãi vã, tôi biết một đồng tu có vợ rất ghê gớm, anh ấy về sau không dám ra ngoài tham gia các hoạt động.

Đáp: Về tính cách của tôi, trước khi tu luyện tôi có tính cách mạnh mẽ và quyết đoán, tính tình cô ấy dễ tính hơn nên những mâu thuẫn thường do tôi khơi lên. Sau khi tu luyện, đặc biệt là sau năm 1999, tình trạng này đã thay đổi, thường là vợ tôi cảm thấy không hài lòng về việc này việc kia, dẫn đến mâu thuẫn. Một khi đã cãi nhau tất nhiên không phải nói ai sai ai đúng, nhưng ít nhất về mặt khơi mào mâu thuẫn thì chủ yếu do vợ tôi cảm thấy không hài lòng, nhưng không tiến triển đến mức cô ấy dùng những lời nói và hành động thô lỗ với tôi hoặc khăng khăng đòi tôi phải làm thế này thế kia, cô ấy dùng tính cách của mình để thể hiện nó, và nó được thể hiện dưới một hình thức tương tự, nhưng trên thực tế tôi không cảm thấy áp lực quá lớn. Tôi nghĩ đó cũng là do tôi có cá tính mạnh mẽ hơn, tôi đang đi làm và tôi có thu nhập tài chính, cô ấy đang đi học và tôi đang dùng tài chính của tôi để hỗ trợ cô ấy. Về biểu hiện dường như tôi đang hỗ trợ gia đình, vì vậy tôi đoán rằng so với những đồng tu khác có vợ hoặc chồng không tu luyện, mà không thể độc lập về tài chính, điều kiện của họ có lẽ khó khăn hơn.

Hỏi: Vì vậy, ngay cả khi cô ấy bày tỏ sự không hài lòng, anh cũng không bao giờ cảm thấy quá áp lực, cho đến khi cô ấy thông báo quyết định rằng sẽ dọn ra ngoài sống thì anh mới cảm thấy điều đó. Vậy đó là khi nào?

Đáp: Đó là mùa hè năm 2001, tức là trong suốt một năm rưỡi đến hai năm, mâu thuẫn không ngừng nảy sinh và có lúc ngày càng gay gắt, cá nhân tôi luôn cho rằng mâu thuẫn giữa hai người là không thể tránh khỏi, nên tôi đồng ý với điều đó. Vì sao tôi đồng ý? Bởi vì từ góc độ của một người tu luyện vào thời điểm đó, những mâu thuẫn này là bình thường. Khi Đại Pháp bị bức hại, tôi phải bước ra, những việc Đại Pháp nhất định phải làm, đối với người không tu luyện mà nói, không hiểu cũng được, gây rối cũng được, tôi đều thông cảm, ít nhất tôi có thể hiểu được cô ấy, cũng có thể vì cô ấy không hiểu rõ tôi. Tôi nghĩ những can nhiễu như thế này trong tu luyện cũng là điều tất nhiên, bản thân gắng gượng nỗ lực nhiều chút. Ở góc độ vợ chồng, tôi luôn nghĩ những mâu thuẫn này chỉ xuất phát từ cách làm và sự không hài lòng của cô ấy, không đến mức ảnh hưởng đến tình cảm của hai chúng tôi, vì vậy tôi chưa từng hoài nghi nó sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân của chúng tôi, cho đến khi cô ấy đột ngột quyết định dọn ra ngoài ở, lúc ấy đối với tôi là một cú sốc không nhỏ.

Hỏi: Dọn ra ngoài? Dọn đi đâu? Cô ấy khi đó là một học sinh, cũng không có nền tảng tài chính, cô ấy lại có thể dọn ra ngoài ở sao?

Đáp: Sau đó cô ấy nói với tôi rằng sự việc này đã được lên kế hoạch từ trước. Trước đó cô ấy đã về nước hai lần, thực ra cô ấy đã bàn chuyện ly hôn với cha mẹ và chuẩn bị cho việc này, nhưng lúc đó cô ấy chưa làm ngay là bởi nguyên nhân khách quan. Một là cô ấy vẫn chưa đăng ký định cư, hai là vẫn chưa độc lập về tài chính. Vào giữa năm 2001, trong vòng hai ba tháng, những trở ngại này lập tức bị loại bỏ, một là cô ấy đã tốt nghiệp, hai là cô ấy kiếm được việc làm tương đối thuận lợi, thẻ xanh chính thức được cấp. Những điều kiện này đồng thời đã có. Lúc đó, tôi không nhận ra và căn bản không nghĩ đến điều này. Cô ấy đột ngột đề xuất vào thời điểm đó chính vì những lý do này. Sau khi đáp ứng các điều kiện này, cô ấy không chần chừ đề xuất chuyển ra ngoài ngay lập tức.

Hỏi: Đó cũng là một khảo nghiệm, vào mùa hè năm 2001, tôi nhớ rằng vừa hay bang chúng tôi có một chuyến đi SOS.

Đáp: Nói là khảo nghiệm, đó là xét từ góc độ của gia đình tôi. Từ góc độ tu luyện, chuyến đi vào năm 2001 cũng là một sự kiện lớn trong tiến trình Chính Pháp, và chúng ta nhất định phải phối hợp để thực hiện nó. Khi sự kiện này xuất hiện, phản ứng của chúng tôi là học viên các nơi đều sẽ tham gia, học viên Texas chúng tôi có phải tham gia không, sau khi thảo luận với các học viên, tôi cảm thấy khí thế vẫn chưa đủ, bởi vì muốn thành lập một đội cần phải có đủ học viên tham gia, hễ tham gia thì ít nhất cũng mất mười mấy ngày, vậy thì nhiều học viên như vậy liệu có thể xin nghỉ phép được nhiều ngày không. Sau đó, chúng tôi kiểm tra lại tâm thái của chính mình vẫn còn vấn đề, cuối cùng mọi người cảm thấy rằng chúng tôi vẫn phải làm điều này, vì vậy chúng tôi quyết định đi. Sau khi quyết định đi, nhóm chúng tôi chỉ có hai nam, còn lại là nữ. Chính lúc này, vợ tôi đưa ra quyết định, đồng thời cô ấy cũng cho tôi một lựa chọn, đó là nếu tôi không tham gia hoạt động này thì cô ấy có thể cân nhắc lại, tôi nghĩ hoạt động đã được chuẩn bị đến bước này, lại thực sự rất thiếu người, vì vậy tôi vẫn quyết định đi. Bởi vì khi đó tôi thấy rằng, vấn đề của vợ tôi không phải tôi không đi lần này thì có thể giải quyết được, sau này sẽ không xuất hiện nữa, vì mâu thuẫn vẫn luôn tồn tại nên tôi cũng không để tâm nhiều, nên vẫn tham gia chuyến đi SOS.

Hỏi: Nhìn bề ngoài đây chỉ là một mồi lửa, thực tế thì từ năm 1999 đến nay, cô ấy luôn có ý kiến về việc anh ra ngoài tham gia các hoạt động, nhưng nó chưa được khơi mào. Có thể nói như vậy không?

Đáp: Có thể như vậy, cũng có thể nói đây là kết quả cuối cùng của mâu thuẫn liên tiếp. Từ một góc độ khác, nếu như dùng cách nghĩ và cách làm hiện tại để giải quyết vấn đề, kết quả có thể sẽ không như vậy. Khi đó trạng thái tu luyện của tôi chính là như vậy, những gì tôi ngộ được và những gì tôi biết cũng chính là kết quả như vậy.

Hỏi: Tôi nghĩ rằng lúc đó anh có thể làm được như vậy đã là tuyệt vời rồi. Điều đó có nghĩa là khi anh trở về nhà thì cô ấy đã chuyển đi rồi? Anh có định làm gì để cứu vãn cuộc hôn nhân không?

Đáp: Có thể đó là một loại nhân tâm, vợ tôi khi đó làm như vậy, tôi cảm thấy đó là một cú sốc rất lớn, cũng là một vết thương rất lớn, tại sao? Bởi vì trong tâm tôi từ trước giờ không hề tồn tại hai chữ “ly hôn”, sau khi tu luyện đồng hoá Pháp lý, biết được tính nghiêm túc của việc kết hôn, tuy rằng trong cuộc sống vẫn luôn có mâu thuẫn, nhưng tôi biết hôn nhân nên từ đầu đến cuối thủy chung như một. Cho nên khi vợ tôi đột nhiên biểu hiện như vậy, ở một mức độ nào đó, tôi nhìn nhận rằng cô ấy đã làm tổn thương gia đình chúng tôi, khinh thường mối quan hệ hôn nhân mà tôi vô cùng tôn trọng, tôi cảm thấy đó là một đòn giáng rất lớn. Phản ứng của tôi đối với việc này: đó là làm một người tu luyện, đối diện với nó tôi nên thể hiện sự khoan dung, không thể biểu hiện ra tâm thái nào bất hảo, vì vậy tôi thể hiện sự im lặng nhẫn chịu. Sau đó, vợ tôi cũng hỏi tôi tại sao không nói ra suy nghĩ muốn cứu vãn, khi đó cảm nhận đầu tiên của tôi là sự đả kích rất lớn, sau đó cảm thấy bản thân cần phục hồi. Theo quan điểm của cô ấy, cuộc hôn nhân của cô ấy mấy năm gần đây rất đau khổ, cô ấy cảm thấy không còn chút tình cảm nào để duy trì mối quan hệ này. Nhưng cảm nhận của tôi là mỗi lần xảy ra mâu thuẫn trong tâm cũng không có ký ức hay tổn hại nào sâu sắc, tôi cũng không có bất cứ bất mãn nào với vợ, cũng không ý thức được vấn đề tình cảm đôi bên đã động đến gốc rễ, vì vậy yêu cầu của cô ấy đối với hôn nhân khiến cho tôi bị chấn động không nhỏ, cũng cảm nhận được sự tổn hại đối với hôn nhân, đây là nhìn từ góc độ người thường. Từ góc độ người tu luyện, cái tình của tôi lúc đó vẫn còn rất lớn, và đó là một cú sốc. Khi buông cái tâm xuống, tôi bắt đầu nghĩ mình nên làm gì? Vì vậy quá trình đầu tiên là chấp nhận, cố gắng chấp nhận một cách ôn hòa việc mình làm gì sau khi vợ tôi dọn ra ngoài, không phải chỉ chấp nhận là xong. Bước thứ hai, tôi nghĩ xem mình nên cố gắng dùng phương thức nào để làm tốt trách nhiệm với bản thân và vợ mình, còn một số nguyên nhân khác, bao gồm việc nghĩ về vấn đề của bản thân.

Xem tiếp phần 2

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/24182



Ngày đăng: 18-01-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.