Pháp Luân Đại Pháp: Lợi ích sức khỏe, chống lão hóa và hơn thế nữa



Tác giả: Jingduan Yang, MD; John Nania

[Chanhkien.org]

Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện

Pháp Luân Đại Pháp lần đầu tiên được ông Lý Hồng Chí truyền ra công chúng vào năm 1992. Ông đã đi khắp Trung Quốc để mở các khóa giảng mười ngày, mỗi buổi học bao gồm giảng Pháp từ một đến hai tiếng, cộng với việc dạy năm bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp. Ông đã giới thiệu nó với danh nghĩa khí công, nhưng giảng rằng Pháp Luân Đại Pháp nên được xem là một pháp môn tu luyện toàn diện có nguồn gốc xa xưa. Các pháp môn tu luyện đều nhắm vào việc cải thiện sức khỏe và tố chất thân thể, nhưng mục tiêu chung mà họ đạt được lại vượt lên trên những điều đó: cải biến con người hoàn toàn, cả thể chất, tinh thần lẫn tâm hồn (tính mệnh song tu). Một pháp môn tu luyện chân chính luôn bắt nguồn từ văn hóa cổ đại và được truyền lại một cách toàn vẹn từ thời tiền sử. Pháp Luân Đại Pháp đáp ứng được yêu cầu này, nó đã được truyền thừa từ sư phụ sang đệ tử trong hàng ngàn năm.

Pháp Luân Đại Pháp thấu triệt được ba nguyên lý cấu thành nên nền tảng của nhân loại và vũ trụ. Ba nguyên lý này nằm trong ba chữ “Chân-Thiện-Nhẫn”. Bổn phận của một học viên Pháp Luân Đại Pháp là phải luôn luôn cư xử chiểu theo những nguyên lý này. Là một hệ thống tính mệnh song tu hoàn chỉnh, Pháp Luân Đại Pháp thật ra cũng có những bài tập động tác nhẹ nhàng và thiền định, nhưng chìa khóa của tu luyện chính là mỗi cá nhân phải đề cao tâm tính (hay nhân cách đạo đức) của mình để đồng hóa tối đa với Chân-Thiện-Nhẫn. “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, định nghĩa tâm tính như sau: “Tâm tính bao gồm có đức (‘đức’ là một chủng vật chất), gồm có Nhẫn, gồm có ngộ, gồm có xả, xả bỏ các loại dục vọng và các loại tâm chấp trước trong người thường; còn cả khả năng chịu khổ v.v., gồm các thứ của rất nhiều phương diện. Cần phải đề cao [tất cả] các phương diện tâm tính con người; như vậy chư vị mới có thể thật sự đề cao lên; đó là nguyên nhân then chốt bậc nhất để đề cao công lực…. Hễ tâm tính chư vị đề cao, thì thân thể chư vị sẽ phát sinh biến đổi to lớn; hễ tâm tính chư vị đề cao lên; thì vật chất của thân thể chư vị bảo đảm sẽ biến đổi”. Một khía cạnh chủ yếu của tu luyện tâm tính là phải vứt bỏ các tâm chấp trước. Sư phụ Lý viết: “[Tôi] nói rõ cho chư vị một chân lý: toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người“. Có thể hiểu về các tâm chấp trước rằng chúng không chỉ là những lối suy nghĩ đằng sau các hành vi rõ ràng là sai trái như đam mê vật chất, mà còn là những ham muốn và dục vọng có thể khống chế hoặc làm xáo trộn tư tưởng của con người. Một khía cạnh khác là tự kiểm điểm bản thân (hướng nội) nhằm tìm ra những cách tốt hơn để phù hợp với Chân-Thiện-Nhẫn. Quá trình hướng nội này giúp con người tự nhiên vứt bỏ được những ham muốn, dục vọng và các tâm ích kỷ. Hiểu biết về các nguyên lý sẽ làm tăng nhận thức và mang lại những thay đổi từng bước một mà không cần phải gượng ép. Quyển sách “Chuyển Pháp Luân” đưa ra những chỉ dẫn và ví dụ đóng vai trò như kim chỉ nam. Nhờ đọc sách mà người học sẽ biết được tu luyện như thế nào. Chủ yếu là phải tu luyện tâm tính; các bài công pháp và thiền định cũng rất cần thiết, nhưng chỉ là bổ trợ. Pháp Luân Công có bốn bài công pháp đứng với động tác nhẹ nhàng, chậm rãi. Trong bài Pháp Luân Trang Pháp, hai cánh tay được giữ bất động trong nhiều phút với tư thế ôm bánh xe. Còn trong ba bài còn lại thì hai bàn tay di chuyển theo cơ chế năng lượng (khí cơ) của cơ thể. Theo quan niệm của phương Tây thì những bài công pháp này kẽo dãn và làm cơ thể khỏe mạnh, nhưng mục tiêu thâm sâu hơn chính là để gia trì các khí cơ vô hình này. Bài công pháp thứ năm, ngồi thiền, bắt đầu bằng một vài động tác tay, sau đó là tọa thiền nhập tĩnh. Trong tất cả các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp, tư tưởng phải luôn tỉnh táo (không mơ mơ tỉnh tỉnh), nhưng phải thanh tịnh và không suy nghĩ gì cả. Không có bài công pháp nào trong số này yêu cầu người tập phải vận dụng các kỹ thuật đặc biệt như quán tưởng hoặc tập thở.

Ai có thể tập

Phạm vi tuổi tác của người học có thể từ trẻ em đến người già. Mặc dù người tập xuất thân từ đủ mọi tầng lớp nhưng vẫn có một lượng lớn là bác sĩ, tiến sĩ khoa học hoặc chuyên gia kỹ thuật.

Pháp Luân Đại Pháp chú trọng tu luyện tâm tính, tức là thể chất của những người mới học có thể ở bất kỳ tình trạng nào, thậm chí cả những người bị bại liệt hoặc bị phẫu thuật cắt mất một phần thân thể vẫn tập được. Học viên phải nắm được các nguyên lý của môn học, nhưng những người mù chữ hoặc khiếm thị có thể học qua băng tiếng hoặc băng hình. Vì Pháp Luân Đại Pháp cải biến cả tâm lẫn thân, nên người học phải luôn làm chủ ý thức và không được mang theo chấp trước về bệnh tật. Người bị bệnh tâm thần, hoặc mang bệnh nặng, hoặc bệnh giai đoạn cuối không được khuyến khích tập.

Hiệu quả nâng cao sức khỏe và ngăn lão hóa

Nếu một cá nhân có thể tu luyện chiểu theo các nguyên lý kể trên, chú trọng tâm tính và không màng đến những khổ nạn trên thân thể, thì sẽ nhanh chóng xuất hiện những cải biến lớn, thậm chí rất kỳ diệu. Có rất nhiều câu chuyện về những thay đổi nhanh chóng và toàn diện như vậy. Một ví dụ điển hình là bà Connie Chipkar, 60 tuổi, đã tập Pháp Luân Đại Pháp được 3 năm. Bà đã kể lại những trải nghiệm của mình ở Pháp hội Pháp Luân Đại Pháp Great Lakes [năm 2000] tại Ottawa. Nói về lợi ích sức khỏe, bà kể: “Tôi là bằng chứng sống cho ‘tác dụng phụ’ của tu luyện, mà tôi phải gọi đó là điều kỳ diệu. Tôi bắt đầu học Pháp Luân Đại Pháp năm 57 tuổi, khi đã quá mệt mỏi với cuộc sống này. Tôi cần phải ngủ trưa mỗi ngày. Trong 3 năm qua, tôi trông trẻ trung hơn, các nếp nhăn gần như biến mất và sinh lực không ngừng tăng lên. Tôi ngủ ít hơn trước và cảm thấy yêu đời hơn, mạnh mẽ hơn, minh mẫn hơn và khỏe khoắn chưa từng thấy”. Những chia sẻ về hiệu quả cải thiện sức khỏe và sức sống đều tương đồng. Những hiệu quả tích cực thường thấy gồm: tinh thần minh mẫn và an hòa hơn, giải tỏa căng thẳng, thắt chặt quan hệ giữa người với người, tăng sự tự tin, thoát khỏi các ham muốn, tăng cường sinh lực, giảm nhu cầu thuốc men, chữa vô sinh, diện mạo trẻ trung hơn, và các dấu hiệu cũng như triệu chứng của bệnh tật kinh niên đều biến mất, v.v.

Tại Trung Quốc, nhiều cuộc khảo sát quy mô lớn đã được thực hiện ở các thành phố lớn nhằm giúp nhà chức trách Trung Quốc đánh giá được môn tập này. Năm 1998, một cuộc khảo sát đã được thực hiện ở trên 200 điểm tập thể dục trong 5 quận của Bắc Kinh. Hơn 12.700 bản câu hỏi được trả lời đầy đủ đã được đem ra phân tích. Phần lớn những người tham gia trả lời (67,5%) trên 50 tuổi và 30,8% trong độ tuổi từ 20 đến 49. Khoảng một nửa số người tham gia (52,6%) đã tập Pháp Luân Đại Pháp từ 1 đến 3 năm, và 49,8% mắc 3 loại bệnh tật. Chỉ có 6,6% số người nói rằng họ khỏe mạnh trước khi bắt đầu học. Tại thời điểm diễn ra khảo sát, 58,5% cho biết họ đã hết bệnh hoàn toàn, 24,9% hồi phục căn bản, và 15,7% hồi phục một phần. Số người cảm thấy tràn đầy sinh lực tăng từ 3,5% đến 55,3% sau khi luyện tập, và 80,3% có cải thiện đáng kể trong sức khỏe tinh thần. Ước tính hàng năm mỗi học viên đã tiết kiệm cho nhà nước 3.270 Nhân dân tệ chi phí y tế (tương đương 10 tháng thu nhập trung bình của một người Trung Quốc vào thời điểm đó). Khảo sát này và các khảo sát tương tự đã khiến một quan chức trong Ủy ban Thể dục Thể thao Quốc gia Trung Quốc phát biểu rằng luyện tập Pháp Luân Đại Phápcó thể tiết kiệm cho mỗi người 1.000 Nhân dân tệ chi phí y tế hàng năm. Nếu 100 triệu người đang luyện tập nó thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 100 tỷ Nhân dân tệ tiền thuốc men” (trích US News & World Report, số ra ngày 22/2/1999).

Các nhà nghiên cứu bộ môn khoa học cơ bản ở Mỹ đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp. Tiến sĩ Phong Lệ Lệ, giáo sư miễn dịch học và sinh học phân tử tại trường Đại học Y Baylor ở Texas đã quan sát tuổi thọ và chức năng của các tế bào bạch cầu, cụ thể là bạch cầu trung tính. Các kết quả sơ bộ cho thấy tuổi thọ trong ống nghiệm của những bạch cầu trung tính lấy từ học viên Pháp Luân Đại Pháp dài gấp 30 lần so với các nhóm thông thường và chúng cũng hoạt động hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Lưu Quốc Hoa, nhà sinh vật học ở U.C. Davis, báo cáo rằng lực co của các tế bào tim được tăng lên 175% sau vài phút tiếp xúc với trường năng lượng phát ra từ các học viên Pháp Luân Đại Pháp trong khi họ tập các bài công pháp. Mặc dù những khảo sát và nghiên cứu này đã cho thấy rõ ràng hiệu quả đối với sức khỏe và chống lão hóa là có thật, nhưng chúng vẫn không vén mở được cơ chế của hiện tượng này.

Hiểu về cơ chế và nguyên lý

Làm sao chúng ta hiểu được những tác động tích cực lên sức khỏe và cơ chế của Pháp Luân Đại Pháp? Từ quan niệm của Tây y hiện đại, chúng ta có thể chấp nhận rằng việc loại bỏ căng thẳng và lối sống không lành mạnh cũng như thói quen xấu có thể làm giảm các nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của bệnh tật, chẳng hạn như bệnh tim mạch, ung thư, chứng tăng huyết áp, các bệnh liên quan đến dưỡng chất và các bệnh lây qua đường tình dục. Nhưng chúng ta không thể hiểu thấu đáo được tại sao nó như thế, và cũng không xác định được cơ chế.

Nhưng xét từ phương diện Trung y truyền thống thì chúng ta lại có thể liễu giải được một chút về cơ chế này. Trước hết, áp lực tinh thần là nguyên nhân căn bản dẫn đến các vấn đề sức khỏe; nó khiến cơ thể dễ bị mầm bệnh bên ngoài tấn công. Trong Pháp Luân Đại Pháp, sự tu luyện tâm tính và thực hành Chân-Thiện-Nhẫn giúp người học luôn vui vẻ và bình an trong tâm hồn, điều này giúp loại bỏ những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tật.

Thứ hai, Trung y giảng rằng “khí” là một dạng năng lượng sống, và chìa khóa để có sức khỏe tốt là phải giữ cho luồng khí luôn sung mãn, thông suốt và không sai lệch. Thứ ba, theo Trung y, kênh năng lượng (hay “kinh mạch”) bị tắc nghẽn sẽ gây ra đau đớn, khối u, và nhiều trạng thái sức khỏe khác. Yếu tố cần thiết để trị bệnh hiệu quả theo Trung y là cần phải giữ cho các đường kinh mạch được thông suốt bằng châm cứu, mát-xa, hoặc tập Thái Cực quyền.

Các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp giải quyết vấn đề thứ hai và thứ ba bằng cách điều hòa, bổ trợ và tăng cường luồng khí, giúp người tập giữ được sức khỏe tốt thông qua việc khai thông kinh mạch, nhờ đó chữa lành hoặc ngăn chặn nhiều trạng thái không tốt. Trong quá trình tập luyện, học viên không chỉ khai thông toàn bộ kinh mạch mà còn không ngừng nới rộng chúng. Đây là điểm độc đáo của Pháp Luân Đại Pháp mà ông Lý Hồng Chí đã viết trong sách “Chuyển Pháp Luân”: “Cuối cùng làm cho hơn vạn mạch liên kết thành một khối, đạt đến một cảnh giới không mạch không huyệt, toàn bộ thân thể liên kết lại thành một khối… Khi luyện đến bước này, thân thể người ta cơ bản đã được chuyển hoá thành vật chất cao năng lượng“.

Trung y giảng rằng khí có xu hướng suy yếu khi về già, vì vậy gây ra rối loạn chức năng. Thế nhưng làm cách nào để làm chậm, ngưng hẳn, hay thậm chí đảo ngược quá trình này được? Và làm sao để kinh mạch không bị bế tắc? Khi Hoàng Đế hỏi về bí quyết của thuật trường sinh, quan cố vấn Kỳ Bá đã trả lời rằng điểm mấu chốt là phải có “tâm trong sạch và ít ham muốn” (thanh tâm quả dục). Tuy nhiên Trung y hiện đại lại lý giải rất ít tại sao phải như thế và làm cách nào để đạt được “tâm trong sạch và ít ham muốn“. Các nhà phân tích Tây phương cần phải thay đổi quan niệm mới hiểu được Trung y. Tương tự, để hiểu được hiệu quả của Pháp Luân Đại Pháp, người ta phải tiếp cận nó từ một góc độ mới và phải đứng từ trong nguyên lý của nó để hiểu được nó. Các dạng năng lượng và vật chất được giảng trong Pháp Luân Đại Pháp thâm sâu hơn và được cấu thành từ những hạt nhỏ hơn loại năng lượng và vật chất mà Tây y và Trung y biết đến.

Các môn khí công nói chung đều tăng cường và thanh lọc khí. Tuy nhiên Pháp Luân Đại Pháp diễn hóa một loại năng lượng khác gọi là “công”, hay “năng lượng tu luyện”. “Khí” có mặt ở khắp nơi và mọi sinh vật sống đều có khí. Mọi người đều có khí nhưng một điều không thể tránh khỏi là nó sẽ bị tản đi khi về già. Trái lại, “công” chỉ được phát triển trên thân thể của những người tu luyện tâm tính. Tâm tính của một người càng cao thì số lượng và mật độ của công càng lớn.

Những học viên tu luyện tâm tính thật ra đang thay đổi năng lượng và vật chất trong thân thể họ. Qua một thời gian không ngừng tu tâm tính, công sẽ liên tục được tăng trưởng bất chấp tuổi tác. Công là dạng năng lượng có khả năng chống lão hóa và điều chỉnh lại các tế bào và mô hoạt động không đúng đắn. Lưu ý: Công tăng trưởng là nhờ tu luyện tâm tính chứ không phải nhờ năm bài công pháp. Chỉ có tu luyện tâm tính mới đạt được trạng thái “tâm trong sạch ít dục vọng“.

Hiểu sâu hơn về nguyên lý

Các nguyên lý khác nhau cần có hướng tiếp cận khác nhau, lối suy nghĩ khác nhau và thuật ngữ khác nhau. Để hiểu được nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp, người học cần phải đọc một hoặc nhiều sách của Pháp Luân Đại Pháp. “Pháp Luân Công” là cuốn sách giới thiệu sơ lược; còn hệ thống tu luyện hoàn chỉnh lại nằm trong quyển “Chuyển Pháp Luân”, được sao lục từ những bài giảng của ông Lý Hồng Chí ở Trung Quốc trong thập niên 1990 và do đích thân ông biên tập. Phương pháp tối ưu là đọc sách đều đặn mỗi ngày từ đầu đến cuối. Đọc từng phần riêng lẻ, đọc đi đọc lại một đoạn nào đó, hoặc ngừng vài ngày để chiêm nghiệm nội dung sẽ làm phá vỡ tính liên tục của cuốn sách và giảm thiểu đáng kể hoặc đánh mất cơ hội để bạn hiểu được nguyên lý. Đừng mong hiểu được mọi thứ trong lần đọc đầu tiên, nhưng hãy đọc một mạch từ đầu đến cuối với tâm trí cởi mở. Đây là cách duy nhất để có cơ hội hiểu về một nguyên lý mới.

Một phần không thể thiếu của pháp môn này chính là cách thức phổ truyền của nó. Tất cả sách, băng tiếng, băng hình cần thiết để học Pháp Luân Đại Pháp đều có thể đặt mua, tuy vậy chúng cũng được cung cấp miễn phí trên Internet. Những học viên có kinh nghiệm luôn sẵn lòng hướng dẫn người mới tập các bài công pháp và trả lời các câu hỏi. Nguyên tắc của Pháp Luân Đại Pháp yêu cầu học viên không được thu phí hay nhận tặng phẩm dưới bất kỳ hình thức nào trong khi trợ giúp người khác luyện công.

Pháp Luân Đại Pháp là một pháp môn tu luyện tự thân; chủ yếu là tu tâm tính, và nó giữ quan điểm rằng không ai có thể dùng bất cứ phương tiện bên ngoài nào để đề cao tâm tính giùm người khác được. Nó phải là một pháp môn miễn phí, tự tu và tự thúc đẩy bản thân. Người tu luyện tự nhìn vào bản thân mình, nhưng cũng có thể họp nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, thể ngộ và hiểu biết của mình về các kinh văn. Địa điểm của các điểm luyện công và học nhóm kèm với thông tin liên lạc có thể được tìm thấy trên Internet.

Tại sao Pháp Luân Đại Pháp bị bức hại ở Trung Quốc?

Đầu năm 1999, một khảo sát của chính phủ Trung Quốc ước tính có 70 đến 100 triệu người đang theo học Pháp Luân Đại Pháp. Ngày 22 tháng 7 năm 1999, ban lãnh đạo của chế độ cộng sản tuyên bố Pháp Luân Công là bất hợp pháp. Các con số đã nói rõ vấn đề: có quá nhiều người mà Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể áp đặt quyền kiểm soát độc tài được, khiến các lãnh đạo thấy căng thẳng. Bất chấp sự thật rằng trước đó chính phủ đã trao tặng các giải thưởng cho Pháp Luân Đại Pháp; bất chấp sự thật rõ ràng rằng chính phủ đã tiết kiệm được hàng triệu đô-la nhờ giảm chi phí phúc lợi y tế ở Trung Quốc; và bất chấp sự thật rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã trở thành những công nhân gương mẫu, các thành viên tận tụy với gia đình và là những công dân tuân thủ pháp luật.

Ai cũng biết rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc cải thiện sức khỏe rõ rệt và sử dụng các dịch vụ y tế ít hơn mức trung bình. Hầu hết chính phủ các nước đều nhiệt tình quảng bá một pháp môn tu luyện dạy cho hàng chục triệu công dân của họ cách cư xử hòa ái và hợp pháp, đồng thời tiết kiệm chi phí cho ngân sách quốc gia. Trái ngược với cuộc đàn áp tàn bạo mà các học viên phải đối mặt ở Trung Quốc, hàng trăm chính quyền địa phương ở 114 quốc gia và vùng lãnh thổ nơi Pháp Luân Đại Pháp phổ truyền đã trao tặng bằng khen cho Pháp Luân Đại Pháp nhờ khả năng cải thiện sức khỏe và đạo đức mà nó mang lại cho người dân.

Chiến dịch đàn áp vô lương tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc đã khiến cho trăm hàng ngàn học viên khỏe mạnh, hòa ái bị bắt bớ, giam cầm, và/hoặc quản thúc trong các bệnh viện tâm thần. Hơn 3.762 trường hợp tử vong đã được xác nhận, gây ra bởi các màn tra tấn do chính quyền Trung Quốc chỉ đạo. Để biết thêm thông tin về tình hình bức hại ở Trung Quốc, mời truy cập http://vn.minghui.org.

Để biết thêm thông tin về Pháp Luân Đại Pháp hoặc tìm học viên địa phương, xin mời truy cập http://phapluan.org.

Dịch từ:

http://pureinsight.org/node/154



Ngày đăng: 10-09-2014

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.