Suy ngẫm về sự phức tạp của thời gian



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp ở Seattle, Mỹ

[Chanhkien.org] Khái niệm thời gian là một vấn đề đơn giản đối với một nhà khoa học hiện đại, nó thường được đại diện bằng đồng hồ, được chia ra 24 giờ trong một ngày. Nhưng có thật là nó đơn giản như vậy không? Thời gian có phải chỉ có một chiều hay không, và liệu sự vĩnh cửu có phải là một phần của thời gian hay không?

Nếu có, thì làm sao để chúng ta hình dung được sự “thiên thu bất tận” trông như thế nào? Đó là một khái niệm mơ hồ, được dùng rất nhiều trong câu nói thông thường như: “Đi đến thiên thu mới tới được nơi”, hoặc là “Làm đến thiên thu mới xong được việc này”. “Tôi không có thời gian để…”. Ngược lại, khi chúng ta đang chán chường thì “thời gian” dường như trôi rất chậm chạp.

Đưa ra một hình ảnh tương tự để minh họa sự “thiên thu bất tận” còn dễ hơn nhiều so với việc mô phỏng “thời gian”. Người ta có thể mường tượng được sự vô hạn như sau: Cứ mỗi 1 triệu năm lại có một chú chim nhỏ bay lên đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, và cứ mỗi lần bay đến nơi thì nó lại gắp đi MỘT hạt cát. Chú chim ấy cứ lặp đi lặp lại việc này cho đến khi toàn bộ ngọn núi cao 8.849,87 mét (29.035 feet) này bị san phẳng. Đủ đến hình dung rằng cần tốn biết bao nhiêu triệu năm mới xong.

Trái lại, khái niệm “thời gian” lại không thể được minh họa bằng ví dụ đơn giản như vậy, và cũng không thể được đại diện bằng cái mà chúng ta gọi là một ngày gồm 24 giờ. Trong một từ điển, thời gian được định nghĩa “là một ý tưởng, là mối liên hệ, là khái niệm chung chung về sự tồn tại liên tục hoặc nối tiếp nhau–quá khứ, hiện tại và tương lai”. Mặc dù vậy, thời gian là một thực thể phức tạp hơn nhiều và không thể được định nghĩa ngắn gọn được. Tác giả của cuốn sách gây chấn động, Chuyển Pháp Luân, đã dùng nhiều cách để diễn tả sự phức tạp của thời gian trong các chiều không gian khác nhau, tại đó thời gian trôi qua nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào đặc điểm và những sự kiện xảy ra tại không gian đó.

Như chúng ta đã biết, vũ trụ này gồm có phần vật chất và còn có các cảnh giới tâm linh. Trên bề mặt thì dường như chúng đã tồn tại sẵn có như vậy rồi và không hề có thời điểm bắt đầu. Nhưng dường như chúng liên tục thay đổi, rồi kết thúc và được tái tạo lại mới, những hoạt động diễn ra trong thời gian ma quỷ đang còn tung hoành đã khiến đạo đức suy đồi và tất cả vật chất trong vũ trụ bị thoái hóa. Nhiều câu chuyện cổ từ ngàn xưa đã kể lại chính xác sự kiện này và đã được vô số cổ thư chứng thực, ngoại trừ một điều rằng hầu hết các học giả không lý giải được nguyên nhân của sự thoái hóa và suy đồi của các hệ thống cũ. Các nhà cổ sinh vật học, khảo cổ học, sử gia và học giả tôn giáo vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân của sự tuyệt chủng của một số loài sinh vật và một số đại lục “mất tích”, và không thể giải thích được sự tồn tại và sự truyền tụng về những hiện tượng khác nhau. Các nhà nghiên cứu này cũng thường phán đoán sai khoảng thời gian mà các hiện tượng xảy ra.

Con người không chỉ phải sống trong trường thời gian vật chất này, mà còn có trách nhiệm sống phù hợp với phần tâm linh của nó. Con người câu thúc bản thân khi sống trong thời-không này như thế nào sẽ quyết định sự tồn tại của họ trong tương lai. Có ai đó đã nói rằng tuổi thật sự của vũ trụ là vô hạn. Chỉ có vị Thần cự đại mới xác định được điều này đúng hay sai. Tuy vậy nếu chúng ta thử suy nghĩ về điều này, rằng nguyên thần của con người là bất diệt, rằng nguyên thần tồn tại đến vô tận, giả sử rằng chúng ta chiểu theo tiêu chuẩn tâm tính mà sống và không mắc phải nguy cơ bị đào thải toàn bộ, thì đó chẳng phải là lý do để chúng ta nỗ lực hết sức nhằm tránh bị tuyệt diệt và đánh mất cơ hội được sống mãi mãi hay sao? Thế nhưng sự sống vĩnh hằng đó chỉ có thể được đảm bảo nếu chúng ta sống chiểu theo các Pháp lý cho phép chúng ta đạt được sự sống vĩnh hằng, đó là những Pháp lý được giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân nhiệm màu.

Qua hàng thế kỷ, các triết gia từ Đông sang Tây đều rất đau đầu với khái niệm “thời gian”. Họ hiểu về thời gian theo những cách khác nhau, nhưng đều có chung quan điểm rằng — “thời gian” gắn liền với sự thay đổi.

Khi xem xét “thời gian” ở một khía cạnh khác, ta thấy thêm được khái niệm về “nhanh và chậm”. Thế nhưng, một thứ có vẻ như chậm chạp ở không gian này có thể cực kỳ nhanh ở một không gian khác. Chúng ta không biết được có bao nhiêu thời-không đang tồn tại, nhưng chúng ta có thể mường tượng được một chút nếu liên tưởng đến tốc độ bay của phi thuyền. Chúng ta thường nghe về thuật ngữ “năm ánh sáng”, một cách tính thời gian của con người, chính là khoảng cách mà ánh sáng di chuyển trong một năm, và bằng 9.461 NGHÌN TỶ km, được dùng làm đơn vị đo khoảng cách trong thiên văn học. Đó là con số ngoài sức tưởng tượng.

Lối suy nghĩ khuôn sáo khiến chúng ta khó mà hiểu được khái niệm “thời gian”. Chúng ta không được xem thời gian là một thứ tuyệt đối, chúng ta không nên mặc định rằng “thời gian” chỉ là một chiều, hay phủ nhận ý tưởng rằng “thời gian chính là một vị thần”, như tác giả của cuốn Chuyển Pháp Luân thần kỳ đã giảng trong một cuốn sách khác của ông. Thời gian không phải là một đơn vị đo chỉ có một chiều không gian và bị chi phối bởi một “khóa chủ” nào đó.

Các văn tịch Do Thái cổ rất quan tâm đến đặc tính của thời gian, chẳng hạn như các tài liệu này cho rằng thời gian liên quan đến thời tiết, các mùa trong năm, mùa vụ, ngày đẹp trời hay xấu trời. Một số người cho rằng thời gian chẳng qua chỉ là quá trình trái đất quay quanh trục, hay sự chuyển động của mặt trăng quanh trái đất, hoặc trái đất quanh mặt trời.

Nhiều xã hội nông nghiệp nguyên thủy chỉ xem thời gian gắn liền với lúc gieo hạt, các mùa trong năm và mùa thu hoạch. Lịch pháp sơ khai của họ căn cứ vào mùa màng và chu kỳ trăng, vốn chỉ là một phần nhỏ của khái niệm “thời gian”. Người Hy Lạp cổ đại cho rằng “thời gian” là một thế lực và có thời điểm họ còn nói rằng “thời gian là môi trường cho các hoạt động cứu rỗi của chư Thần”, đây là bằng chứng cho thấy quan điểm của họ rằng thời gian là một khái niệm trừu tượng, trái ngược với những xã hội nguyên thủy cho rằng “thời gian” là một thứ hữu hình. Stephen Hawking, nhà vũ trụ học của Đại học Cambridge đã đàm luận về hiện tượng “thời gian” trong cuốn “Tóm tắt lịch sử của thời gian” (A Brief History of Time) như sau:

Ngày càng có nhiều người trong xã hội Mỹ hiện đại cảm nhận được rằng chúng ta đang mất dần thời gian. Quan điểm về thời gian của chúng ta có thể thay đổi trong chớp mắt. ‘Thời gian ngừng trôi; thời gian thấm thoát trôi qua; thời gian chầm chậm trôi qua; thời gian đã đi đâu vậy? Tôi cần thêm một chút xíu thời gian; chúng tôi đã có khoảng thời gian thật tuyệt vời; giá như tôi có thời gian’. Chúng ta có thể chọn cách sử dụng thời gian trong cuộc sống, do đó chúng ta phải thật thận trọng với cách sống của mình“. (Trích dẫn bởi Ronnie Littlejohn, giáo sư Triết học, Nashville, Teneessee).

Một cách chủ quan mà nói, thời gian là một khoảng cách mà nó có thể tự thể hiện ra trong ý thức của chúng ta. Một việc hay những sự kiện xung quanh chúng ta dường như “xảy ra trong chớp mắt”, trong khi những sự việc khác lại trông như “kéo dài vô tận”. Một vài cá nhân kể lại rằng trong những khoảnh khắc bị stress, bị tai nạn xe hơi nghiêm trọng, hay trong khi phẫu thuật, trong một trận động đất, toàn bộ cuộc đời của họ “xẹt qua trước mắt” chỉ trong vài giây.

Khi người ta sống có ý nghĩa, sự luân chuyển của thời gian hiện ra rõ ràng hơn và dường như có ích hơn. Khi câu thúc bản thân chiểu theo quy chuẩn đạo đức đúng đắn, chúng ta sẽ không gặp rắc rối với thời gian, vì chúng ta ý thức được rằng thời gian đã được dùng hợp lý. Mặt khác, rất có thể rằng đạo đức suy đồi đã tác động tiêu cực rất lớn đến sự tồn tại của chúng ta. Cụ thể là những dục vọng của phía tà diện, chúng đáp ứng nhanh chóng ham muốn của chúng ta, nhưng có thể hủy hoại cơ hội được sống vĩnh hằng, mang lại cho chúng ta không gì khác ngoài sự đau khổ trong đời này và đời sau.

Nhiều triết gia và hiền triết trong lịch sử đã miêu tả vũ trụ đi qua các chu kỳ thành, trụ, hoại, diệt. Diễn giải rõ ràng, dễ hiểu nhất về căn nguyên của những sự kiện này có thể được đọc thấy trong cuốn Chuyển Pháp Luân, không chỉ là định nghĩa về thời gian, không gian và vũ trụ, mà còn có lý do những sự việc này xảy ra, bởi vì mọi thứ đều tồn tại chiểu theo Pháp của Vũ trụ là Chân-Thiện-Nhẫn.

Dịch từ:

http://pureinsight.org/node/980



Ngày đăng: 12-12-2013

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.