Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Có một đặc điểm rất lớn trong cách quản lý của Matsushita Konosuke đó là ông không có chấp trước của cá nhân đối với tiền bạc, nhưng ông lại có thể dùng cái đầu hết sức sáng suốt của mình để quản lý và sử dụng tiền bạc. Ông thường nói rằng, nếu như một công ty mà không biết cách sinh tồn, không có tiền để sản xuất ra sản phẩm, không có cách nào đảm bảo cho thu nhập và công sức bỏ ra của nhân viên, thì đó nhất định là một sai lầm, là biểu hiện của việc không làm hết chức trách và sự bất tài nghiêm trọng của người lãnh đạo. Nếu công ty phá sản phải đóng cửa thì không chỉ nhân viên thất nghiệp, cuộc sống rơi vào khó khăn, mà công ty cũng mất đi năng lực sản xuất sản phẩm và sự đóng góp cho xã hội. Đây là tổn thất đối với tất cả mọi người.
Với ông, làm một người chịu trách nhiệm và một nhà quản lý của công ty, nếu chỉ có tấm lòng rộng lớn và những nhân cách cơ bản thì vẫn chưa đủ, còn cần phải có thể đảm đương trách nhiệm của mình, nếu không bạn chỉ có thể làm tốt việc của mình, không thể trở thành một nhà quản lý thực sự có thể đảm đương trách nhiệm trọng đại.
Ông đối xử với người khác cũng như đối xử với mình, đều bình đẳng không phân biệt. Ông không bao giờ để người khác phải chịu thiệt thòi vì những nhượng bộ quá mức, cũng không mù quáng đáp ứng những yêu cầu nhượng bộ quá mức gây ra tổn hại cho công ty mình. Ông lấy tấm lòng đối đãi với mình để đối đãi với người khác, theo đuổi phương pháp quản lý bằng lý tính, đôi bên cùng có lợi, cùng nhau phát triển bền vững.
Để cứu công ty, đích thân lên Tokyo, tấm lòng yêu thương khiến những nhà buôn cảm động
Con đường sự nghiệp của Konosuke không hề thuận buồm xuôi gió, ông đã trải qua vô số lần sóng, tuy nhiên, ông đều không bao giờ dễ dàng từ bỏ. Sau khi công ty ông sản xuất ra hàng loạt những thiết bị ổ cắm, thuận tiện cho mọi người tự do sử dụng đèn điện hơn, những chiếc ổ cắm điện đã bán rất chạy. Sau đó, ông lại tiếp tục cải tiến sản phẩm, làm cho nó càng trở nên tiện lợi hơn, kết quả là doanh số bán hàng đã tăng lên theo chiều thẳng đứng.
Thời đó, chiếc đèn National Lamp nổi tiếng toàn quốc vẫn chưa xuất hiện, và công ty của Konosuke vẫn thuộc về công ty mô hình nhỏ mới nổi, nên đã thu hút được sự chú ý của những nhà buôn. Yoshida, ông chủ của một đại lý bán buôn đã tìm đến ông và yêu cầu được làm đại lý độc quyền bán hàng cho công ty của ông, còn phía khu vực Tokyo, sẽ để cho đối tác thân cận nhất của ông ấy phụ trách làm đại lý độc quyền khu vực Tokyo. Đồng thời cam kết rằng, họ sẽ chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm. Matsushita chỉ cần tập trung vào việc sản xuất.
Nghe được yêu cầu như vậy, Konosuke cảm thấy rất vui, có người chuyên môn phụ trách bán hàng, ông cũng không cần lo lắng vấn đề đầu ra nữa, có điều hiện tại quy mô công ty của ông chưa đủ lớn, trong khi đó nhu cầu sản lượng sản xuất hàng tháng để đáp ứng cho cả hai nơi chắc chắn sẽ rất lớn, nếu ông không mở rộng nhà máy, thì không có cách nào đáp ứng nhu cầu của hai đại lý phân phối này. Tuy nhiên hiện tại ông không có nhiều tiền như vậy, nên hy vọng rằng đại lý phân phối có thể đưa tiền đặt cọc để mở rộng nhà máy.
Sau khi nói chuyện xong xuôi mọi việc Konosuke đã nhanh chóng cho xây dựng và mở rộng nhà máy, ông mất khoảng bốn tháng và việc xây dựng cũng diễn ra thuận lợi, ban đầu sản lượng hàng tháng là 2000 chiếc, rồi dần dần lên thành 5000 chiếc. Tuy nhiên, đã xảy ra sự việc ngoài ý muốn.
Bởi vì các nhà máy sản xuất sản phẩm tương tự ở khu vực Tokyo liên tục giảm giá, dẫn đến đầu ra những sản phẩm của Matsushita đột nhiên trở nên kém và nhu cầu thị trường giảm xuống đáng kể, các nhà buôn chạy đến chỗ Yoshida yêu cầu phải hạ giá thật mạnh. Yoshida lại chạy đến chỗ Konosuke như thể đang đối mặt với kẻ địch mà kể khổ trong hoảng loạn và hết sức căng thẳng, yêu cầu hủy bỏ hợp đồng.
Mặc dù Konosuke rất ngạc nhiên, nhưng ông vẫn không làm khó Yoshida và đồng ý chấm dứt hợp đồng. Một người bình thường sẽ vì chuyện này mà oán trách Yoshida vì đã để lại trách nhiệm lớn như vậy cho họ, nếu như không bán ra được thì hậu quả khó mà tưởng tượng được. Nhưng Konosuke lại không hề trách móc Yoshida. Sau đó, ông quyết định tự mình nghĩ biện pháp, tìm kiếm đầu ra thị trường, và đã đạt được mức doanh số rất lớn trên 5000 chiếc.
Ông đích thân tìm kiếm hỏi thăm mười mấy nhà buôn ở Osaka, hầu hết họ đều rất vui mừng vì Konosuke với tư cách là nhà sản xuất đã đến tận cửa nhà họ. Họ bày tỏ rằng họ rất vui vì không phải mua hàng từ đại lý độc quyền, những sản phẩm mới rất tốt và họ sẵn sàng bán sản phẩm. Trong đó có một người nói rằng, ông không nên đem quyền bán hàng trao cho một đại lý duy nhất, như vậy sẽ khiến mình bị hạn chế. Sau khi nghe xong ông có cảm thụ sâu sắc và thấy được gợi ý, ông nghĩ mình không thể e sợ phiền phức mà coi nhẹ các nhà buôn khác. Không chỉ có duy nhất một con đường bán hàng.
Sau khi nhận được sự khích lệ, ông đã quyết định đích thân lên Tokyo, đây là lần đầu tiên ông lên kinh đô. Mang theo kỳ vọng của toàn thể nhân viên, sau khi ông gặp mặt bên đại lý độc quyền ở Tokyo, ông đã nói rõ ý định của mình và hy vọng họ không thấy áp lực, ông sẽ nghĩ biện pháp để mở ra con đường tiêu thụ sản phẩm. Quả nhiên, thông qua việc ông đích thân đến gõ cửa, và nói rõ tính năng công dụng của sản phẩm, rất nhiều nhà buôn ở Tokyo cũng rất quan tâm, và họ quyết định sẽ bán sản phẩm của ông.
Lần này, khi các nhà buôn tự nhiên yêu cầu giảm giá, Konosuke đã nói một cách hết sức thành khẩn rằng, ông đã đưa ra mức giá rất phù hợp rồi, không thể giảm giá được nữa, nếu không sẽ có lỗi với những công nhân đã làm việc vất vả cực khổ, Konosuke cảm thấy đau lòng khi các công nhân phải tăng ca làm từ sáng đến tối, và phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết và sức lực để tạo ra sản phẩm, nên ông chân thành nói với họ rằng ông không thể làm những nhân viên của mình thất vọng.
Các nhà buôn nhìn thấy tấm lòng chân thành yêu thương quý trọng nhân viên của ông như vậy, họ đã vô cùng cảm động, ngược lại còn nhanh chóng đồng ý với mức giá thỏa thuận mua bán mà Konosuke đưa ra.
Tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng liều mình vì nhân viên và công ty để mở ra con đường tiêu thụ sản phẩm của ông, đã giúp ông vượt qua được kiếp nạn lần này và bước ra khỏi hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, cũng giúp ông hiểu ra một đạo lý rằng con đường bán hàng không thể chỉ ỷ lại vào một nhà buôn. Khi không có con đường nào có thể đi thì có thể thay đổi cách suy nghĩ, đừng để bị tiêu trầm. Mỗi lần ở trong hoàn cảnh khó khăn, luôn khiến ông trở nên kiên cường hơn và học được thêm những kinh nghiệm quý báu từ trong những gian khổ ma luyện đó.
Từ chối việc đối phương nhượng bộ lợi ích quá mức, đưa ra sự giúp đỡ cứu trợ căn bản
Konosuke rất trân quý công ty và nhân viên của mình, cũng đồng nghĩa là ông rất trân quý người khác.
Vào thời điểm đó, ở Nhật Bản có tập tục và thông lệ được coi là đương nhiên trong các giao dịch mua bán giữa các công ty, chính là bên bán sản phẩm đã sớm có sự chuẩn bị cho việc người mua sẽ yêu cầu giảm giá, một khi người chủ mua hàng đưa ra yêu cầu, thì người bán cũng sẽ đưa ra sự nhượng bộ để mong cho sản phẩm của mình có thể được bán ra thuận lợi. Không ai nêu ra bất kỳ sự nghi ngờ nào đối với phương thức giao dịch như vậy.
Có một hôm, Konosuke tiếp một vị khách muốn bán cho ông một sản phẩm. Ông cũng thuận miệng hỏi một câu rất tự nhiên, anh có thể bán rẻ hơn được bao nhiêu. Đối phương căn cứ theo yêu cầu của Konosuke, nghĩ một lát rồi rất nhanh đưa ra câu trả lời. Yêu cầu của Konosuke vốn là để thử lòng, nhưng bất ngờ đối phương lại đưa ra câu trả lời rất nhanh như vậy, nên ông có chút ngạc nhiên. Trong tâm ông đột nhiên thấy bất an, liệu yêu cầu của mình có quá đáng không, mặc dù rất nhiều khi, việc giao dịch mua bán chính là dựa trên sự đồng thuận của hai bên, bản thân họ đã đồng ý, cũng không thể trách người khác, mọi người đều muốn giành lợi ích cho mình trước tiên. Thế nhưng Konosuke lại không nghĩ như vậy.
Vì để yên tâm nên ông đã hỏi đối phương một câu: “Ngay cả khi các bạn bán ở mức giá hiện tại, thì vẫn có thể kiếm được tiền đấy chứ, hai bên chúng ta nên đều có thể kiếm lời?”
Bất ngờ là đối phương nói một cách dứt khoát với ông rằng, họ chỉ có thua lỗ. Konosuke vừa nghe xong, hết sức ngạc nhiên, không hiểu vì sao họ lại làm như vậy. Đối phương thể hiện sự bất lực, họ lo lắng nếu không làm như vậy, thì mọi người sẽ không mua sản phẩm của họ, hàng tồn kho sẽ không bán ra được, sẽ càng thê thảm hơn.
Sau khi Konosuke biết được đầu đuôi câu chuyện, đã lập tức từ chối mua hàng và nói với đối phương rằng: “Nếu như anh làm như vậy, sau này tôi sẽ không mua hàng của nhà anh nữa”.
Đối phương từ lúc bắt đầu kinh doanh đến nay, chưa từng gặp qua trường hợp bị từ chối chỉ vì mình đã giảm giá quá mức, điều này khiến họ thấy bị kích động mạnh mẽ và không nhịn được hỏi tại sao lại như vậy.
Konosuke cảm thấy rằng mình đang kiếm lợi trong khi để người khác bị thua lỗ, điều này quá vô lý, do đó ông rất tức giận và đau lòng, kiên quyết từ chối giao dịch “hại người lợi mình” kiểu này. Ông nói rằng, mình không thể nào làm như vậy, lương tâm ông thấy bất an. Thế nhưng, ông suy nghĩ lại, nếu đối phương vì không bán được hàng mà buồn phiền, từ đó ai đưa ra yêu cầu gì cũng đồng ý, thì đây rõ ràng là một tình huống rất tồi tệ. Nếu không mua, thì công ty của họ có thể sẽ bị phá sản phải đóng cửa, ông cũng không nỡ lòng nào nhìn thấy cảnh tượng như vậy. Do vậy, ông đã vượt qua giới hạn của mình, hỏi ra mới biết tình hình kinh doanh của đối phương hiện đang rất bất lợi và thấy được nhiều hoạt động kinh doanh của họ đang tiêu tốn rất nhiều vào chi phí giá vốn.
Từ đó ông đưa ra lời khuyên chân thành và gợi ý cho đối phương, hy vọng công ty họ về cơ bản có thể cải thiện phương pháp kinh doanh, giảm thiểu chi phí sản xuất. Không lâu sau, công ty này đã làm theo lời khuyên của ông, và đã đạt được hiệu quả trong việc giảm chi phí giá vốn xuống thấp, tiết kiệm được rất nhiều chi phí, hoàn toàn thoát khỏi tình trạng bị động.
Đây chính là cách làm của ông, lấy tấm lòng đối đãi với chính mình để đối đãi người khác. Ông yêu quý và bảo vệ nhân viên của mình, hy vọng nhân viên không phí hoài công sức, hy vọng công ty không bị phá sản, thì làm sao ông lại có thể không hiểu cho người khác được chứ? Ông yêu quý và bảo vệ công ty của mình, hiểu được sự gian nan vất vả và những giá trị mà công ty đã bỏ ra, bản thân ông cũng không mong muốn người khác đối xử hà khắc với mình, vậy thì sao ông lại có thể nhẫn tâm làm tổn thương người khác. Đó chính là cái gọi là “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều mà mình không muốn thì không làm cho người khác). Konosuke luôn cố gắng theo đuổi những phẩm chất tốt đẹp, lương thiện của con người, tìm kiếm cơ hội sinh tồn và sự thịnh vượng chung cùng mọi người, đối xử với người khác như thể đối xử với chính mình, không có sự khác biệt. Ông tuyệt đối không làm chuyện có lợi cho mình mà tổn hại đến người khác, cũng sẽ không thừa cơ ép giá người khác.
Sự giúp đỡ của ông đối với người khác, ngay cả là giúp đỡ những người kinh doanh cùng ngành nghề, cũng không phải chỉ một hoặc hai trường hợp, mà ông đã nhiều lần đưa ra những gợi ý và lời khuyên chân thành khi người khác gặp vấn đề về kinh doanh và quản lý. Rất nhiều người vì thế mà vô cùng biết ơn ông. Trong số đó, Kazuo Inamori, một người Nhật Bản khác, cũng được vinh dự gọi là “Thần kinh doanh”, đã từng nhận được những lời gợi ý và chỉ bảo từ phương pháp quản lý kiểu đập nước của Konosuke khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, từ đó đã giúp ông ấy vực dậy trở lại. Ông hết sức khâm phục và biết ơn Konosuke.
Giúp đỡ người khác, cuối cùng cũng chính là giúp đỡ chính mình, nhờ đó ông có thể truyền rộng và kết mối thiện duyên, không ngừng phát triển công ty.