Khái quát về Văn hóa Trung Quốc (12): Phượng hoàng tới báo điềm lành



Tác giả: Tử Duyên

[ChanhKien.org]

Tác giả: Đới Hồng, nhà Thanh, trích từ sách “Linh thọ vạn năm, Phượng hoàng tường vân”. (Hình minh họa lấy từ The Epoch Times)

Trung Quốc từ xưa đã lưu truyền rằng “Lân, Phượng, Quy, Long” (Kỳ lân, Phượng hoàng, Rùa, Rồng) là tứ linh. “Rồng” đại diện cho Thiên tử, là linh vật được đàm luận đến nhiều nhất, chứng cứ chứng minh cho sự tồn tại của rồng cũng xác thực nhất. Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về “Phượng hoàng” – linh vật gắn liền với người phụ nữ:

“Khổng Diễn Đồ” có viết: “Phượng, hỏa tinh” (Phượng hoàng là tinh hoa của lửa).

“Mao Thi Sơ” có viết: Phượng hoàng chi tính phi ngô đồng bất thê, phi trúc thực bất thực (Phượng hoàng, không phải cây ngô đồng thì không đậu, không phải quả trúc thì không ăn).

Hứa Thận viết trong “Thuyết văn giải tự” rằng: “Phượng hoàng là chim thần. Xuất hiện ở phương Đông, nơi sinh sống của bậc quân tử, bay lượn khắp bốn phương. Bay qua núi Côn Luân, uống nước ở núi Để Trụ, rửa lông ở sông Nhược Thủy, tối ngủ ở cung điện. Khi xuất hiện thì thiên hạ sẽ thái bình. Chữ Phượng (鳳) gồm chữ “điểu” (鳥) và chữ “phàm” (凡) ghép lại. Phượng hoàng bay thì muôn vàn loài chim sẽ theo sau”.

“Luận Ngữ trích Suy Thánh” có viết: Phượng hoàng có lục tượng, cửu bao. Lục tượng gồm: một là đầu giống trời, hai là mắt giống mặt trời, ba là lưng giống mặt trăng, bốn là cánh giống gió, năm là chân giống đất, sáu là đuôi giống vệt sao. Cửu bao gồm: một là miệng vâng lệnh, hai là tâm độ lượng, ba là tai nghe rõ, bốn là lưỡi co duỗi, năm là màu sắc rực rỡ, sáu là mào xếp nếp, bảy là cựa sắc như móc câu, tám là tiếng kêu vang vọng, chín là bụng có hoa văn. Tiếng hót vui tươi khi bay lượn, hót nhẹ nhàng khi đậu xuống, hót thân thiện vào ban đêm, hót chào mừng vào sáng sớm, hót ngợi ca khi bay cao. Chỉ có người có tâm hồn thanh cao, hiểu được đạo lý mới hiểu ta, mang theo những phẩm chất tốt đẹp đến, nên ta muốn sống ở những nơi thanh bình, xa lánh trần tục, cùng phượng hoàng vui chơi, hưởng thụ sự thanh tao, an lạc.

Theo “Đế Vương thế ký” của Hoàng Phủ Mật: Hoàng đế đang trai giới trong cung điện, ngồi trên đài Huyền Hỗ bên bờ sông Lạc. Bỗng nhiên, có một con chim lớn xuất hiện. Chim có đầu gà, mỏ én, cổ rùa, thân rồng, cánh lân, đuôi cá, hình dáng giống hạc. Toàn thân mang đủ năm màu, ba hình trên lông tạo thành chữ. Chữ trên đầu là “Thuận Đức”, chữ trên lưng là “Tín Nghĩa”, chữ trên ngực là “Nhân Trí”. Không ăn côn trùng sống, không dẫm lên cỏ xanh. Thi thoảng đậu ở vườn phía Đông của Vua, làm tổ trên gác cung điện. Khi ăn uống, nhất định phải tự hát múa, tiếng kêu như sáo trúc.

(Hình minh họa lấy từ Shenyun.com)

Trong “Thi Kinh – Đại Nhã – Quyển A”: Phượng hoàng tung cánh bay, lông vũ rực rỡ muôn màu, đậu ở đâu cũng mang niềm vui.

Trong “Mạnh Tử – Công Tôn Sửu Thượng” viết: Kỳ lân thuộc loài thú, phượng hoàng thuộc loài chim.

Trong “Tả Truyện – Trang Nhị Nhị Niên” viết: Phượng hoàng tung cánh bay, tiếng hót vang vọng.

Trong “Hàn Thi Ngoại Truyền” viết: Phượng trống hót kêu ‘Jī Jī (phiên âm pinyin)’ (即即), phượng mái hót kêu ‘Zú Zú’ (足足). Hót vào buổi tối kêu ‘Gù Cháng’ (固常), hót vào buổi sáng kêu là ‘Fā Míng’ (發鳴), hót vào ban ngày kêu là ‘Bǎo Zhāng’ (保章), hót khi bay lên kêu là ‘Shàng Xíang’ (上翔), hót khi đậu xuống kêu là ‘Guī Chāng’ (歸昌). Trích – Thái Bình Ngự Lãm.

Trong “Tuân Tử Phú” viết: Li long hóa chuồn chuồn, cú mèo hóa phượng hoàng. Tỷ Can bị mổ bụng, Khổng Tử bị giam cầm. Ôi sáng tỏ thay cho trí tuệ của họ!

Tổng hợp lại những ghi chép trong các sách cổ, chúng ta thấy rằng:

“Phượng hoàng” là tên một loài chim trong truyền thuyết tượng trưng cho điềm lành, có ngoại hình giống như: mỏ gà, cổ rắn, hàm én, lưng rùa, đuôi cá, lông ngũ sắc, cao khoảng sáu thước, dáng như con hạc.

Tương truyền rằng đó là loài “chim thần” – vua của các loài chim. Con đực gọi là “Phượng”, con cái gọi là “Hoàng”, thường được gọi chung là “Phượng” hoặc “Phượng Hoàng”(鳳凰). Cũng có thể gọi là “Phượng Hoàng”(鳳皇).

Nó có bản tính cao ngạo, không hòa hợp với đám đông, tuy là loài chim nhưng không ăn sâu bọ, đôi chân tôn quý ấy, chẳng bao giờ dẫm lên cỏ dại trên mặt đất! Nơi đậu xuống phải là cành của cây “ngô đồng”, thức ăn phải là “quả trúc” (chỉ quả của các loại trúc như trúc rừng, hình dạng khá giống lúa mì, có thể chế biến thành bột để ăn, còn được gọi là “trúc mễ”).

Theo chú thích của Hứa Thận trong “Thuyết Văn giải tự”, phượng hoàng đến từ “đất nước quân tử phương Đông”. Vì là phương Đông, lại là đất nước quân tử, nên đương nhiên là nơi đạo đức hưng thịnh! Nghĩ đến thời thượng cổ, ngoài “Thần Châu”, “Trung Thổ” ra, đi đâu có thể tìm được quốc gia như vậy? Có thể thấy phượng hoàng chỉ ở Trung Quốc mới có!

Phượng hoàng có lục tượng, cửu bao. Lục tượng có nghĩa là: đầu giống như trời, mắt giống như mặt trời, lưng giống như mặt trăng, cánh giống như gió, chân giống như đất, đuôi giống vệt sao (tức là ngũ vĩ, còn gọi là ngũ tinh, người Trung Quốc lấy Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh hợp lại với nhau, chúng tương ứng với ngũ hành lần lượt là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ).

Trong “Bão Phác Tử”, người ta mô tả về màu sắc các bộ phận khác nhau trên thân thể phượng hoàng như sau: đầu màu xanh, cổ màu trắng, mỏ màu đỏ, ngực và lưng màu đen, ngón chân và móng vuốt màu vàng.

Loài chim này, con đực và con cái kêu tiếng khác nhau (con đực kêu “ji ji”, con cái kêu “zu zu”, hót cùng nhau thì nghe “cheng cheng”); chúng thích tụ tập thành đàn và những con chim khác thì bay theo sau, số lượng lên đến hàng vạn con; tuy nhiên chúng lại không giỏi bay mà lại sống trong hang (ở cung Đan và hang Phong); chân của chim phượng hoàng rất cao, dáng người như con hạc, đi lại chậm rãi, kiêu ngạo và giỏi nhảy múa.

Trên bộ lông ngũ sắc của chim phượng hoàng ẩn hiện các chữ: đầu hiện lên hai chữ “Thuận Đức”, lưng là một cụm “Tín Nghĩa”, mà trước ngực thì ghi “Nhân Trí”. Có thể thấy việc chúng được người xưa gọi là chim thần, chim cát tường cũng là có nguyên do, bởi vì đức hạnh cao quý của chúng. Khi đến giờ kiếm ăn, chúng nhất định phải tự hát (hót) tự múa, âm thanh mỹ diệu như tiếng tiêu sáo.

Theo “Dịch Lâm” của Tiêu Cống viết: “Phượng hoàng có mười con, chung ổ chung mẹ, vui vẻ bảo vệ nhau”. Lại nói: “Chim phượng hoàng sinh năm con, lớn lên ở Nam Quách”. Có thể thấy gia đình chim phượng hoàng sống tập trung cùng tổ, đau buồn cùng hưởng, vui vẻ bảo vệ lẫn nhau, và dường như còn sinh sản rất nhiều.

Sau đây là một vài câu chuyện liên quan đến phượng hoàng, tôi sẽ dùng lối văn bạch thoại để kể lại cho các bạn:

Trong “Hán Thư” đã ghi lại một sự kiện: Vào năm Nguyên Thủy thứ ba, chim phượng hoàng đã xuất hiện ở Đông Hải. Triều đình đặc biệt cử sứ thần đến lập đền thờ ở đó. Đến thời Hán Tuyên Đế, tại kinh đô đồng thời xuất hiện hai loài chim quý là phượng hoàng và thần tước. Hơn nữa đất trời mưa thuận gió hòa, giải trừ hạn hán kéo dài. Vì vậy, Hoàng đế vui mừng khôn xiết, đại xá thiên hạ, phượng hoàng tụ họp về Thượng Lâm Uyển, Hoàng thượng đã cho xây dựng “Điện Phượng hoàng” để tạ ơn trời đất ban điềm lành.

Trong “Xuân Thu Hợp Thành Đồ” ghi rằng: Hoàng đế ngồi bên bờ sông Lạc, trong một căn phòng đá gọi là “Huyền Hỗ”, cùng với Đại Tư Mã (tên chức vị) Dung Quang và những người khác ngắm cảnh. Bỗng nhiên một con phượng hoàng mỏ ngậm cuộn tranh đặt trước mặt Hoàng đế, ngài bái lạy hai lần rồi mới nhận cuộn tranh.

Sách còn ghi rằng: Vua Nghiêu ngồi trên thuyền ngắm cảnh cùng với Thuấn lúc đó đang nhậm chức Thái úy. Một con phượng hoàng đột nhiên bay đến, mang theo cuộn tranh trao cho vua Nghiêu. Cuộn tranh được đựng trong một chiếc hộp bằng ngọc thạch màu đỏ, dài ba thước, rộng tám tấc, có dây đai bằng ngọc vàng, dây buộc bằng ngọc trắng. Hai đầu được đóng kín, trên nắp có đóng dấu năm chữ “Thiên Xích Đế Phù Ấn”.

Trong “Nghiệp Trung Ký” có viết: Hoàng hậu Thạch Quý Long đang ở trên đài ngắm cảnh thì thấy một tờ chiếu thư bằng giấy ngũ sắc rơi vào miệng con phượng hoàng. Thế là phượng hoàng liền ngậm chiếu thư bay lượn vòng trên không đợi chờ, các thị nữ và người hầu thả xuống dây thừng màu đỏ sậm dài hàng trăm trượng, giống như guồng kéo nước giếng quay lên quay xuống vậy, phượng hoàng mới bay xuống.

Trong “Đông Quan Hán Ký” viết: Năm Kiến Vũ thứ 17, có chim phượng hoàng đến. Nó cao tám, chín thước với bộ lông ngũ sắc. Bay đến bên bờ Dĩnh Xuyên, muôn loài chim từ bốn phương tám hướng quần tụ lại ở đây và vây quanh nó, số lượng nhiều đến mức phủ kín cả một vùng rộng vài mẫu. Đàn chim lưu lại 17 ngày rồi mới bay đi.

Một phần hình của Cuộn tranh “Bách điểu triều Phượng” (Trăm loài chim triều kiến Phượng hoàng), tác giả: Thẩm Thuyên, nhà Thanh. Tranh lụa màu cao 40 cm, dài 1.600 cm. (Hình minh họa lấy từ Chinashj.com)

Trong “Thập Khán Ký” của Vương Tử Niên: Vua Chu Chiêu Vương dùng lông chim phượng xanh làm thành hai chiếc áo choàng lông, một bộ tên là Úc Chất, một bộ tên là Huyên Cơ, có tác dụng giữ ấm cực tốt, thường dùng để chống rét vào mùa đông lạnh giá. Sau đó được truyền lại cho đời sau, đến cuối đời vua Chu Lệ Vương, hoàng thất vẫn rất trân trọng những món đồ này. Sau này, Vua Chu Lệ Vương cai trị độc đoán, bị người dân lưu đày đến đất Trệ, có người may mắn sở hữu hai chiếc “áo choàng lông phượng” này và vô cùng quý trọng chúng. Tương truyền rằng, những người phạm tội tử hình (một trong năm hình phạt thời cổ đại), có thể dùng lông chim phượng xanh để chuộc tội, có thể thoát chết; mà một sợi lông phượng có thể đổi được cả nghìn vàng.

Gần đây, một chiếc bình gốm trắng được khai quật tại di chỉ văn hóa Cao Miếu ở Hồng Giang, Hồ Nam có khắc hình ảnh con phượng hoàng cổ xưa nhất của Trung Quốc, có lịch sử cách đây 7800 năm. Sự xuất hiện của phượng hoàng chắc chắn có liên quan mật thiết đến xã hội nông nghiệp thời cổ đại, có thể nói nó vốn là sản phẩm của việc trồng trọt hoa màu. Hình ảnh phượng hoàng được khai quật ở di chỉ Đại Đường, Trường Sa cách đây 7000 năm, với chim phượng hoàng trong miệng ngậm bông lúa, chính là một minh chứng rất có sức thuyết phục.

Bình gốm trắng có khắc Phượng hoàng nguyên thủy. (Hình minh họa lấy từ: New.qq.com)

Trong tâm trí người dân, phượng hoàng là loài chim may mắn tượng trưng cho sự thái bình thịnh trị. Người xưa tin rằng khi thái bình thịnh thế, phượng hoàng sẽ bay đến. Chữ Phượng (鳳) trong chữ giáp cốt giống với chữ Phong (風), đại biểu cho sự hiện diện khắp nơi và tính linh động như gió; chữ Hoàng (凰) lại là chữ Hoàng đế (皇), mang ý nghĩa cao nhất vĩ đại nhất. Phượng hoàng cũng là biểu tượng của Hoàng tộc Trung Hoa, thường được sử dụng cùng với Rồng, Phượng phụ thuộc vào Rồng, được dùng cho Hoàng hậu và phi tần, “Long Phượng trình tường” (Rồng và Phượng mang đến sự thịnh vượng, may mắn và cát tường) là biểu tượng mang đậm nét đặc sắc nhất của Trung Hoa. Còn “Phượng hoàng vu phi” (đôi chim Phượng hoàng bay lượn), Rồng Phượng kết đôi được dùng để chúc phúc và mong đợi điều tốt lành cho cuộc hôn nhân giữa hai họ. Thực tế, trong thời cổ đại, bất cứ sự vật gì đến tay người Trung Quốc có thể được sử dụng một cách chính đáng, tốt đẹp, đều có thể được tô điểm, mở rộng và phát triển nội hàm cũng như ý nghĩa sâu sắc của nó.

Trích từ “Sơ Học Ký – Quyển 30 – Bộ Điểu”

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/62098



Ngày đăng: 25-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.