Khái quát về Văn hóa Trung Quốc (Phần 4): Những ngày lễ tết truyền thống của Trung Quốc



Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Chương 6: Những ngày lễ tết truyền thống của Trung Quốc

Tết Nguyên Đán Trung Quốc (1)

Thời cổ đại ở Trung Quốc có một loại quái thú tên là “Niên”, đầu dài sừng nhọn, hung mãnh dị thường. “Niên” sống quanh năm ở sâu dưới đáy biển. Mỗi khi tới giao thừa, nó lại lên bờ ăn súc vật và làm hại con người. Thành thử mỗi khi tới giao thừa, người dân các thôn làng lại dìu già dắt trẻ trốn vào nơi núi sâu để tránh bị “Niên” hại.

Một đêm giao thừa nọ, khi mọi người đều đang vội vàng thu dọn đồ đạc trốn vào núi sâu, thì ở phía Đông thôn có một ông lão tóc bạc đi tới. Ông lão nói với gia đình một bà lão rằng chỉ cần cho ông ở nhà bà một đêm, ông nhất định có thể đuổi “Niên” đi. Mọi người đều không tin, bà lão khuyên ông lên núi tránh đi thì tốt hơn, nhưng ông lão vẫn kiên trì ở lại, mọi người thấy khuyên ông lão không được, liền hối hả lên núi lánh nạn.

Khi quái thú “Niên” chuẩn bị xông vào trong thôn tàn sát bừa bãi như những năm trước, thì đột nhiên có tiếng pháo nổ vang lên. “Niên” toàn thân rủi rẩy, không dám tiến về phía trước nữa, thì ra quái thú “Niên” sợ nhất là màu đỏ, ánh lửa và tiếng nổ. Đúng lúc đó cửa lớn mở rộng, chỉ thấy trong sân có một ông lão trên người khoác chiếc áo lụa màu đỏ đang cười lớn, thú “Niên” sợ quá liền bỏ chạy.

Ngày hôm sau, khi mọi người từ núi sâu quay trở lại thôn, thì phát hiện trong thôn bình yên vô sự. Lúc này mọi người mới bừng tỉnh hiểu ra mọi chuyện, thì ra ông lão tóc bạc chính là Thần Tiên tới giúp con người xua đuổi thú “Niên” đi. Đồng thời mọi người còn phát hiện ra ba loại pháp bảo mà ông lão đầu bạc đã dùng để đuổi “Niên”. Từ đó về sau, mỗi năm vào giao thừa, nhà nhà đều dán câu đối màu đỏ, đốt pháo, thắp đèn sáng rực rỡ và thức đêm để đón chào năm mới. Phong tục này ngày càng được lan truyền rộng rãi và Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Quá Niên (Đón tết) đã trở thành ngày lễ tết truyền thống long trọng nhất của người dân Trung Quốc.

Hằng năm trước khi kết thúc năm cũ, cũng chính là từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp âm lịch, mọi người gọi khoảng thời gian này là “Tiểu Niên”. Mỗi nhà đều phải quét dọn vệ sinh, ngăn nắp sạch sẽ đón chào năm mới.

Ngoài việc quét dọn vệ sinh, mỗi gia đình còn phải chuẩn bị đồ cho ngày Tết như thịt gà, thịt vịt, cá, trái cây, kẹo, v.v. Mỗi nhà còn phải chuẩn bị quà để tặng người thân vào dịp năm mới, còn phải mua quần áo mới cho con trẻ.

Vào đêm giao thừa, cả nhà đoàn tụ quây quần bên nhau. Ở miền Bắc Trung Quốc có tập tục ăn bánh chẻo hay sủi cảo, vì trong tiếng Trung, sủi cảo đọc là “jiao” đồng âm với “Giao”. Hợp và Giao cùng có ý là gặp nhau, vì vậy sủi cảo tượng trưng cho việc đoàn tụ sum vầy. Đồng thời còn có ý là “Canh Tuế Giao Tử”. Canh có nghĩa là thay thế, Tuế là năm, Giao có nghĩa là gặp nhau, Tử là tí thời, giờ Tý. Canh Tuế Giao Tử có nghĩa là năm mới thay thế năm cũ vào giờ Tý.

Ở phương Nam người dân ăn bánh mật, tượng trưng cho một năm mới với cuộc sống ngọt ngào hạnh phúc, từng bước từng bước đi lên. Buổi tối vào 12:00 đêm, cũng chính là lúc năm mới tới, việc đầu tiên mà mỗi nhà làm chính là đốt pháo.

Ngày mùng một, mọi người đều mặc quần áo mới, trước tiên chúc Tết người cao tuổi trong gia đình. Con trẻ chúc Tết người lớn, và còn được nhận tiền mừng tuổi. Mùng hai, mùng ba, mọi người bắt đầu đi thăm họ hàng bè bạn, chúc tết lẫn nhau.

Đường phố trong dịp Tết cũng rất náo nhiệt. Ở một số địa phương trên đường phố còn có các tập tục như tổ chức múa sư tử, múa rồng, dạo chợ hoa, đi hội chùa, hội làng.

Sau Tết Nguyên Tiêu vào ngày rằm tháng giêng thì Tết Nguyên Đán mới thật sự kết thúc.

Tết Nguyên Tiêu

Ngày mười lăm tháng giêng theo âm lịch hàng năm là ngày Tết Nguyên Tiêu truyền thống của Trung Quốc.

Tháng giêng là tháng 1 âm lịch, người xưa gọi ban đêm là “tiêu”, vì vậy gọi ngày mười lăm tháng giêng là Tết Nguyên Tiêu. Đêm ngày mười lăm tháng giêng là đêm trăng tròn đầu tiên trong một năm, cũng là đêm đầu tiên xuân về trên thế gian. Tết Nguyên Tiêu đã sớm xuất hiện vào thời Tây Hán cách đây hơn 2.000 năm trước.

Thời gian diễn ra Tết Nguyên Tiêu trong từng triều đại cũng không giống nhau. Triều Hán một ngày, triều Đường ba ngày, triều Tống dài đến năm ngày, triều Minh treo đèn từ ngày mùng 8 tới 17 mới hạ đèn, kéo dài suốt 10 ngày. Triều Thanh thay đổi chỉ còn bốn đến năm ngày, nhưng nội dung lại có thêm các tiết mục như múa rồng, múa sư tử, đi cà kheo, múa ương ca (một loại ca vũ kịch ở nông thôn miền Bắc Trung Quốc). Hiện nay Tết Nguyên Tiêu chỉ còn diễn ra trong một ngày.

Vào ngày Tết Nguyên Tiêu, mọi người treo rất nhiều đèn với màu sắc rực rỡ để chào mừng. Ngày hôm đó, người dân cũng ra đường dạo phố để ngắm đèn, đoán quẻ trên lồng đèn và ăn chè trôi nước.

Chè trôi nước được làm từ gạo nếp, có loại đặc ruột, có loại có nhân. Nhân có đậu, đường trắng, quả sơn tra hoặc các loại quả khác. Khi ăn có thể nấu, chiên, chưng, luộc đều được. Chè trôi nước còn được gọi là “Thang viên”, có nghĩa là đoàn viên, tượng trưng cho mọi thành viên trong gia đình đều đoàn tụ sum họp, hòa thuận hạnh phúc.

Tết Nguyên Tiêu xuất hiện như thế nào?

Về nguồn gốc của Tết Nguyên Tiêu, có rất nhiều cách nói khác nhau, tuy nhiên nhận thức phổ biến là Tết Nguyên Tiêu được hình thành từ thời nhà Hán.

Tương truyền Tết Nguyên Tiêu là do Hán Văn Đế kỉ niệm sự kiện “Bình Lữ” mà ra. Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang băng hà, con của Lữ Hậu là Lưu Doanh đăng cơ, xưng là Hán Huệ Đế. Huệ Đế bản tính yếu đuối, không quả quyết, đại quyền dần dần rơi vào tay Lữ Hậu. Sau khi Hán Huệ Đế vì lâm bệnh mà chết, Lữ Hậu độc chiếm triều chính, biến thiên hạ của nhà họ Lưu thành thiên hạ của nhà họ Lữ. Các lão thần trong triều và dòng dõi họ Lưu đều oán giận sâu sắc, nhưng đều vì e sợ Lữ Hậu tàn bạo nên phẫn nộ mà không dám nói gì.

Sau khi Lữ Hậu lâm bệnh chết, người nhà họ Lữ hoang mang lo sợ rơi vào cảnh bị hại hoặc bị trừ khử. Vì thế, nên bí mật tập hợp tại nhà của Thượng Tướng quân Lữ Lộc âm mưu làm loạn, hòng triệt để chiếm đoạt giang sơn nhà họ Lưu.

Việc này truyền tới tai Tề vương Lưu Nang thuộc tông thất nhà Hán. Lưu Nang vì để bảo toàn giang sơn nhà họ Lưu, quyết định khởi binh thảo phạt bè lũ họ Lữ. Ông cùng với hai khai quốc lão thần là Chu Bột và Trần Bình trù tính việc tiêu diệt Lữ Lộc. “Chư Lữ Chi Loạn” cuối cùng cũng được bình định triệt để.

Sau khi bình loạn, chúng thần ủng hộ việc lập người con thứ hai của Lưu Bang là Lưu Hằng đăng cơ, xưng là Hán Văn Đế. Mà ngày bình định được phản loạn lại đúng vào ngày mười lăm tháng giêng. Nên từ đó về sau cứ mỗi năm vào đêm ngày mười lăm tháng giêng, Hán Văn Đế lại xuất cung du ngoạn, chung vui cùng người dân, đồng thời đặt cho ngày này là “Tết Nguyên Tiêu”. Từ đó về sau, ngày mười lăm tháng giêng trở thành một ngày hội mừng vui khắp chốn trong dân gian – Ngày “Náo Nguyên Tiêu”.

Sách sử còn ghi lại, vào thời Hán Vũ Đế, Hán thất phải cúng tế một vị Thần gọi là “Thái Nhất” – vị Thần chủ tể của toàn vũ trụ. Hoạt động cúng tế vị “Thái Nhất Thần” này cũng được định vào ngày mười lăm tháng giêng.

Tết Đoan Ngọ

Ngày mùng năm tháng năm âm lịch là ngày lễ tết truyền thống dân gian Trung Quốc – ngày Tết Đoan Ngọ.

Vào thời Chiến Quốc hơn 2.000 năm trước, người Trung Quốc đã bắt đầu mừng Tết Đoan Ngọ. Căn cứ vào nghiên cứu của các chuyên gia, Tết Đoan Ngọ ban đầu là ngày dân tộc Ngô Việt ở phía Nam Trung Quốc thời cổ đại cử hành cúng tế vật tổ (tô tem). Tuy nhiên, thuyết được lưu truyền rộng nhất là thuyết kỷ niệm Khuất Nguyên.

Khuất Nguyên là một vị đại thần của nước Sở thời Xuân Thu, ông cũng là một thi nhân nổi tiếng. Khuất Nguyên vô cùng yêu nước. Khi nước ông bị nước khác công phá, Khuất Nguyên vào ngày mùng năm tháng năm đã nhảy xuống sông tự vẫn. Người nước Sở vô cùng thương tâm, đi dọc bờ sông tìm kiếm thi thể ông. Một số ngư dân đem những đồ ăn như cơm nắm, trứng gà ném xuống sông, nói là để cho cá tôm ăn, sẽ không ăn xác của Khuất Nguyên nữa. Sau này vì e cơm nắm bị giao long dưới sông ăn mất, nên người dân nghĩ ra cách lấy lá cây xoan bọc cơm lại, bên ngoài cột dây lụa màu, đó chính là khởi đầu của món bánh ú.

Sau này, cứ vào ngày mùng năm tháng năm hàng năm, phong tục ăn bánh ú, đua thuyền rồng chính là để kỉ niệm thi nhân ái quốc Khuất Nguyên.

Hiện nay có rất nhiều loại bánh ú với màu sắc khác nhau, có bánh ú nhân táo đỏ, nhân đậu, nhân thịt, nhân dăm bông, nhân lòng đỏ trứng gà và nhiều loại nhân khác.

Phong tục ăn bánh ú trải qua nghìn năm vẫn còn được lưu hành ở Trung Quốc. Hơn nữa còn truyền tới Triều Tiên, Nhật Bản và các nước ở Đông Nam Á.

Tết Trung Thu

Ngày mười lăm tháng tám âm lịch hàng năm là ngày Tết Trung Thu truyền thống. Ngày này là vào chính giữa mùa thu của năm, nên được gọi là Trung Thu. Ánh trăng trong ngày mười lăm tháng tám cũng tròn hơn, sáng hơn ngày mười lăm của các tháng khác, vì vậy cũng gọi là “Bát nguyệt tiết”. Vào tối ngày này, mọi người ngắm ánh trăng sáng tỏ, rồi nhớ về người thân đang ở phương xa. Cho nên, Trung Thu còn được gọi là “Tết Đoàn Viên”.

Vào Tết Trung Thu thời cổ đại, mọi người phải tế bái Nguyệt Thần. Lúc tế bái Nguyệt Thần, phải dâng bánh Trung Thu và các loại trái cây như dưa hấu, nho v.v… Tới triều Đường, Tết Trung Thu lại càng được mọi người coi trọng. Trong tối Trung Thu, mọi người từ trong nhà ra ngoài ngắm trăng, thưởng nguyệt. Tới thời Minh Thanh, Tết Trung Thu trở thành một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng của người Trung Quốc.

Liên quan đến Tết Trung Thu còn có một truyền thuyết rất thú vị là: “Thường Nga Bôn Nguyệt”. Nghe nói, vào thời Trung Quốc cổ đại có 10 mặt trời, hoa màu và người dân đều bị nắng chiếu tới chết. Có một vị anh hùng tên Hậu Nghệ đã bắn hạ chín mặt trời, còn nghiêm khắc ra lệnh cho mặt trời cuối cùng còn lại phải lên xuống đúng giờ, tạo phúc cho người dân. Mọi người đều vô cùng tôn kính Hậu Nghệ. Sau đó Hậu Nghệ dạy người dân săn bắn. Hậu Nghệ có một người vợ xinh đẹp thiện lương, tên là Thường Nga.

Sau đó rất nhiều người đến theo học Hậu Nghệ. Trong đó có một người phẩm hạnh không tốt tên là Bồng Mông cũng trà trộn tới học.

Một ngày nọ, Hậu Nghệ đến núi Côn Luân gặp được một vị Thần Tiên, còn được ông ấy tặng cho một túi thuốc bất tử. Nghe nói, uống thuốc này có thể lập tức thăng thiên thành Tiên. Hậu Nghệ đem thuốc bất tử này giao cho Thường Nga cất kỹ. Nhưng Bồng Mông biết được việc này, hắn định ăn trộm thuốc bất tử để tự mình thành Tiên.

Ba ngày sau, Hậu Nghệ ra ngoài săn thú, Bồng Mông giả bộ sinh bệnh nên ở lại. Không lâu sau khi Hậu Nghệ rời đi, Bồng Mông liền uy hiếp đòi Thường Nga giao ra thuốc bất tử. Thường Nga biết rằng bản thân mình không phải là đối thủ của Bồng Mông, liền đem thuốc bất tử một hơi nuốt hết. Thường Nga uống xong thuốc, thân thể lập tức bay lên khỏi mặt đất, thoát ra ngoài cửa sổ mà bay lên trời, bay đến tận mặt trăng vốn là nơi gần nhân gian nhất rồi trở thành Tiên.

Hậu Nghệ về nhà biết chuyện, vô cùng thương tâm, đành bày một án hương ở vườn hoa sau nhà nơi Thường Nga yêu thích, rồi bày lên đó trái cây tươi và những đồ ngọt mà Thường Nga bình thường thích ăn nhất, để tế lễ từ xa cho Thường Nga đang một mình quyến luyến ở Cung Trăng.

Hiện nay mọi người đón Tết Trung Thu, hoạt động chủ yếu nhất là ngắm trăng và ăn bánh Trung Thu. Bánh Trung Thu hình tròn thể hiện sự mong mỏi đoàn viên của người dân.

Đông chí

Đông chí là một Tiết khí rất quan trọng trong âm lịch của Trung Quốc, cũng là một ngày Tết truyền thống. Đến nay vẫn có không ít địa phương còn có các tập tục về Đông chí. Đông chí thường được gọi bằng những tên như “Đông Tiết”, “Trường Chí Tiết”, “Á Tuế”… Vào thời Xuân Thu hơn 2.500 năm trước, Trung Quốc đã dùng thổ khuê (một loại dụng cụ đo bóng nắng) quan sát mặt trời để xác định được Đông chí. Đây là một trong 24 tiết khí được xác định sớm nhất. Thời gian thường là vào ngày 22 hoặc ngày 23 tháng 12 dương lịch hàng năm.

Đông chí là ngày ngắn nhất, đêm dài nhất trong cả năm ở Bắc bán cầu. Qua Đông chí, ngày sẽ ngày một dài hơn. Người xưa với Đông chí có cách nói như thế này: “Âm cực chi chí, dương khí thủy sinh, nhật nam chí, nhật đoản chi chí, nhật ảnh trường chi chí, cố viết “Đông chí”. Tạm dịch là: âm khí cực thịnh, dương khí bắt đầu sinh sôi, Mặt Trời chiếu thẳng vào phía Nam đến cực điểm, ngày ngắn nhất, bóng Mặt Trời dài nhất, nên gọi là “Đông chí”. Sau ngày Đông chí, khí hậu các nơi sẽ tiến vào giai đoạn lạnh nhất, cũng chính là “Tiến cửu” mà mọi người thường nói đến. Dân gian Trung Quốc có cách nói “Lãnh tại tam cửu, nhiệt tại tam phục”, nghĩa là ngày lạnh nhất năm là ngày tam cửu, ngày nóng nhất năm là ngày tam phục. (2)

Tết Đông chí có từ thời nhà Hán, nở rộ vào thời Đường Tống và kéo dài cho tới hôm nay. Trong “Thanh Gia Lục” (Những ghi chép về triều Thanh) thậm chí còn có cách nói “Đông chí đại như niên”, có nghĩa là Đông chí quan trọng như năm mới vậy. Mọi người cho rằng, qua Đông chí, ban ngày càng ngày càng dài hơn, dương khí bắt đầu thăng lên, là khởi đầu sự tuần hoàn của các tiết khí, cũng là một ngày lành, nên chúc mừng. Triều Hán lấy ngày Đông chí làm “Đông tiết”, quan phủ phải cử hành nghi thức chúc mừng tên là “Hạ Đông”, theo lệ là bắt đầu kỳ nghỉ. Trong “Hậu Hán Thư” có ghi chép lại thế này: “Đông chí tiền hậu, quân tử an thân tĩnh thể, bách quan tuyệt sự, bất thính chính, trạch cát thần nhi hậu tỉnh sự”, có nghĩa là “Trước sau ngày Đông chí, hoàng đế nghỉ ngơi an dưỡng thân thể, quan lại ngừng làm việc không nghe chính sự, chọn ngày lành tháng tốt thì sau này sẽ bớt việc rắc rối”. Cho nên trong ngày này triều đình trên dưới đều nghỉ ngơi. Trong “Tấn thư” có ghi chép lại: “Ngụy Tấn Đông chí nhật thụ vạn quốc cập bách liêu xưng hạ… Kì nghi á vu chính đán”. Có nghĩa là “Trong thời Ngụy Tấn ngày Đông chí các quốc gia láng giềng và các quan đều tới chúc mừng… tầm quan trọng của ngày này chỉ sau Lễ Năm mới”. Điều này cho thấy sự coi trọng của người xưa với ngày Đông chí.

Thời Đường Tống, Đông chí là ngày tế trời tế tổ. Hoàng đế trong ngày này phải ra vùng ngoại thành cử hành đại lễ cúng trời, bách tính trong ngày này phải cúng tế phụ mẫu và các bậc bề trên.

Hiện nay ở một số địa phương vẫn còn chúc mừng ngày Đông chí. Ở khu vực phía Bắc có tục tế dê, ăn sủi cảo, ăn mì hoành thánh. Khu vực phía Nam trong ngày này có tập quán ăn Đông chí mễ đoàn (một loại bánh làm từ gạo), ăn Đông chí trường tuyến (một loại mì dài), và ăn thịt chó. Có một số địa phương trong ngày Đông chí còn có tập tục tế trời tế tổ.

Trong quá khứ người Bắc Kinh xưa còn có cách nói “Đông chí hồn đồn hạ chí diện”, có nghĩa là vào ngày Đông chí ăn hồn đồn (hoành thánh), Hạ chí ăn mì. Tương truyền vào triều Hán, tộc Hung Nô ở phương Bắc thường xuyên nhũng nhiễu biên cương, trăm họ không thể sinh sống yên bình. Lúc đó trong bộ lạc Hung Nô có hai thủ lĩnh là Hồn và Đồn, cực kỳ hung bạo. Bách tính căm hận hai người này tới tận xương tủy, bèn lấy bột bọc nhân thịt lại thành hình cái sừng, mượn hai âm “Hồn” và “Đồn”, gọi là hồn đồn. Người dân ăn món này để giải tỏa nỗi hận, cũng mong cầu chiến loạn ngừng lại, có thể được sống những ngày thái bình. Người xưa ban đầu làm món hồn đồn vào ngày Đông chí, đến hôm nay vào ngày Đông chí nhà nhà đều ăn hồn đồn.

“Niết đống nhĩ đóa” là tên thường gọi của việc ăn sủi cảo vào ngày Đông chí của người Hà Nam. Tương truyền Y thánh Nam Dương Trương Trọng Cảnh từng có thời làm quan ở Trường Sa. Ông cáo lão về quê đúng vào ngày đông trời có tuyết lớn, lạnh lẽo thấu xương. Ông thấy hai bên bờ sông Bạch Hà ở Nam Dương người dân không có đủ manh áo che thân, không ít người tai bị đông cứng lại. Trong tâm ông cảm thấy rất khó chịu, liền bảo đệ tử ở Quan Đông Nam Dương dựng lều trị bệnh. Ông lấy thịt dê, ớt cùng một vài vị thuốc trừ hàn cho vào trong nồi nấu chín. Sau đó băm ra thành miếng nhỏ, lấy bột bọc nhân này lại làm thành hình cái tai, rồi đem luộc trong nồi làm thành món “Khư hàn kiều nhĩ thang” (Canh trừ hàn có bánh hình tai). Món canh thuốc này sau đó cấp cho bách tính ăn. Ăn xong, tai của mọi người liền ấm trở lại bình thường. Từ đó về sau, vào mỗi dịp Đông chí người ta lại bắt chước nấu món này để ăn, từ đó hình thành tập tục “Niết đống nhĩ đóa”. Người đời sau gọi món này là “Sủi cảo”, cũng có nơi gọi nó là “Há cảo” hay “Thang diện giảo”. Người người còn truyền rằng ăn sủi cảo vào ngày Đông chí sẽ không cảm thấy lạnh.

Tập tục ăn thịt chó vào ngày Đông chí nghe nói có từ thời Hán. Tương truyền, Hán Cao Tổ Lưu Bang vào ngày Đông chí ăn món thịt chó do Phàn Khoái nấu, cảm thấy hương vị rất ngon, khen ngợi không thôi. Từ đó trong dân gian hình thành tập tục ăn thịt chó vào ngày Đông chí.

Ở vùng sông nước Giang Nam, vào đêm ngày Đông chí người dân có tập tục cả nhà đoàn tụ cùng ăn món cơm gạo nếp đậu đỏ. Tương truyền, có một người tên là Cộng Công, con của hắn bất tài, làm nhiều việc ác, chết vào ngày Đông chí. Sau khi chết biến thành dịch quỷ (quỷ gây bệnh), tiếp tục làm hại bách tính. Tuy nhiên, con dịch quỷ này rất sợ đậu đỏ, cho nên người bấy giờ bèn ăn đậu đỏ vào ngày Đông chí, với mong muốn xua đuổi dịch quỷ, phòng ngừa tai ương và trừ bỏ bệnh tật.

Chú thích của người dịch:

(1) Tết Nguyên Đán của Trung Quốc còn được gọi là Xuân Tiết (春节/春節 – Chūn Jié), đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu mùa xuân mới. Ngoài ra, Tết Nguyên Đán còn thường được gọi là Quá Niên [ăn/đón tết] (过年/過年).

(2) Sau Đông chí chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có quãng thời gian chín ngày, tam cửu có nghĩa là chín ngày của giai đoạn thứ ba. Tương tự thế, phục có nghĩa là quãng thời gian 10 ngày trong mùa hè, tam phục là 10 ngày của giai đoạn thứ ba trong mùa hè.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/37820



Ngày đăng: 12-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.