Khái quát về Văn hóa Trung Quốc (8): Nho, Thích, Đạo và văn hóa truyền thống Trung Quốc (Phần 1)



Tác giả: Tâm Duyên

[ChanhKien.org]

Chương 10: Nho, Thích, Đạo và văn hóa truyền thống Trung Quốc (Thượng)

Trong hơn 2.500 năm sau thời Xuân Thu, ảnh hưởng sâu sắc nhất đến văn hóa truyền thống Trung Quốc là Nho gia, Thích gia và Đạo gia. Vì vậy thủy tổ của ba gia này: Khổng Tử, Phật Thích Ca Mâu Ni và Lão Tử trong dòng sông dài đằng đẵng của lịch sử vẫn nhận được sự kính ngưỡng và sùng bái lâu dài của hậu nhân.

Không biết là sự trùng hợp của lịch sử hay an bài của Thiên ý, mà Khổng Tử, Phật Thích Ca Mâu Ni và Lão Tử đều xuất hiện vào cùng một thời đại. Năm sinh của Lão Tử không rõ ràng. Ngày 8 tháng 4 năm 566 trước Công nguyên (TCN), Thích Ca Mâu Ni sinh ra tại khu vực là nước Nepal ngày nay. 15 năm sau, tức ngày 27 tháng 8 năm 551 TCN, Khổng Tử ra đời ở Khúc Phụ, Sơn Đông. Văn minh Trung Hoa cũng nhờ có ba vị thánh nhân này mà phát triển rực rỡ.

Khổng Tử – Nho gia – Văn hóa truyền thống Trung Quốc

Năm 551 TCN, Khổng Tử sinh ra tại nước Lỗ. Ông tên Khâu, tự là Trọng Ni, họ Khổng Thị. Nhà Khổng Tử rất nghèo, địa vị xã hội cũng rất thấp. Sau khi lớn lên, ông từng làm Tiểu Lại, là một chức quan nhỏ không có phẩm cấp thời phong kiến. Vì để tuyên truyền chủ trương chính trị của mình, ông dùng phần lớn thời gian cuộc đời dẫn dắt các đệ tử chu du liệt quốc, bôn ba du thuyết các nước. Tuy nhiên chủ trương của ông vẫn luôn không được trọng thị. Tới năm 63 tuổi, Khổng Tử về lại nước Lỗ. Nước Lỗ cuối cùng cũng không trọng dụng Khổng Tử, ông cũng không yêu cầu ra làm quan nữa.

Từ đó về sau, Khổng Tử dốc lòng dạy học, biên soạn điển tịch, trong chín năm tuổi xế chiều này cuối cùng đã xây dựng được Nho học thành một thể hệ tư tưởng. Nổi tiếng nhất là: Khổng Tử đã hoàn thành xong việc biên soạn “Lục Nghệ” gồm “Thi”, “Thư”, “Nhạc”, “Lễ”, “Dịch” và “Xuân Thu”. Trừ “Nhạc” sau này bị thất lạc, các kinh thư còn lại luôn là tài liệu giảng dạy cơ bản của các vương triều hậu thế.

Khổng Tử còn căn cứ vào tài liệu lịch sử của nước Lỗ mà viết nên “Xuân Thu”, bắt đầu từ năm đầu của Lỗ Ẩn Công (năm 722 TCN), kết thúc vào năm thứ 14 của Lỗ Ai Công (năm 481 TCN), bao quát 12 vị quốc quân của nước Lỗ. Lấy nước Lỗ làm trung tâm mà ghi chép, tôn kính tính chính thống của vương thất nhà Chu, lấy sự tích thời Ân Thương làm điều răn, kế thừa truyền thống của nhà Hạ, Thương và Chu, văn từ ngắn gọn súc tích mà ý nghĩa lại uyên thâm. Nước Ngô, nước Sở tự xưng là vương, nhưng trong “Xuân Thu” lại bị hạ xuống xưng là tử tước. Tấn Văn Công cùng chư hầu gặp mặt để liên kết đồng minh, thực tế là triệu Chu Tương Vương tới nhập hội cùng, nhưng trong “Xuân Thu” lại kị húy mà viết rằng: “Chu thiên tử tuần thú đến Hà Dương”. Cứ như vậy mà suy, “Xuân Thu” chính là sử dụng nguyên tắc như vậy mà bình luận về các sự kiện lúc bấy giờ, hậu thế gọi đây là bút pháp “Xuân Thu”.

Khổng Tử là cá nhân đầu tiên thu nhận học trò dạy học trong lịch sử giáo dục Trung Quốc. Trước ông, việc học tập diễn ra tại quan phủ. Khổng Tử mở ra trường học tư, thu nhận môn đồ rộng khắp, mở rộng đối tượng giáo dục tới người dân bình thường, đưa văn hóa tri thức truyền bá tới dân gian, làm ra cống hiến vĩ đại với giáo dục cổ đại.

Đệ tử theo học Khổng Tử ước chừng có khoảng 3.000 người, trong đó có 72 người tinh thông sáu loại kỹ nghệ là Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Số, Thuật. Còn như những đệ tử được Khổng Tử dạy bảo nhiều phương diện khác nhưng không chính thức ghi vào danh sách lại càng nhiều hơn nữa.

Khổng Tử sau khi qua đời được mai táng bên bờ Tứ Thủy ở phía Bắc Lỗ Thành. Có hơn 100 nhà là những đệ tử của ông và những người dân khác của nước Lỗ, lần lượt tới bên mộ của ông mà ở, cho nên nơi này được gọi là “Khổng lý”. Các thế hệ người dân nước Lỗ truyền lại rằng, mỗi năm đều phải đúng ngày đúng giờ quy định tới trước mộ của Khổng Tử tế bái, mà giới nho sinh cũng đúng thời điểm này đến nơi đây để nghiên cứu và học tập lễ nghi, tiến hành lễ uống rượu và các nghi thức như thi bắn cung.

Khu mộ của Khổng Tử rộng khoảng một khoảnh (tương đương 100 mẫu đất của Trung Quốc, ước chừng 6,67 hécta). Gian nhà chính nơi Khổng Tử từng ở cùng những phòng trong mà đệ tử ở sau này được cải tạo thành miếu, lưu giữ lại những đồ vật mà Khổng Tử từng dùng như y phục, mũ mão, đàn, xe, sách vở, v.v. Một mạch cho tới tận thời nhà Hán, hơn 200 năm chưa từng bị bỏ hoang.

Sau này các đệ tử của Khổng Tử căn cứ theo ngôn hành của ông mà biên soạn thành “Luận ngữ”, đây là tư liệu trực tiếp đáng tin cậy nhất để con người hiện đại chúng ta nhận thức về Khổng Tử. Khổng Tử đã sáng tạo ra một học thuyết hoàn chỉnh lấy “Nhân”, “Lễ, “Trung Dung”, “Giáo” và “Học” làm nội dung chủ yếu, bao quát chính trị, luân lý, đạo đức, giáo dục và các tư tưởng khác, kỳ vọng quy phạm hành vi từ quân vương tới bách tính lê dân. Ông nói cho người ta biết thế nào là Trung Dung, thế nào là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, v.v. đã tạo ra ảnh hưởng to lớn tới lịch sử văn hóa của Trung Quốc và thậm chí cả Đông Nam Á.

Như vậy tư tưởng Nho gia của Khổng Tử bao hàm những nội dung chủ yếu gì?

Một, “Nhân” (仁) là cốt lõi trong tư tưởng học thuyết của Khổng Tử. Khổng Tử đã đề xuất một cách minh xác rằng, “Nhân” tức “ái nhân” (Nhan Uyên), tạm dịch “Nhân” là yêu thương con người. Làm sáng tỏ thêm một bước nữa thì “Phu Nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (Ung dã), tạm dịch là người Nhân là người muốn đứng vững thì giúp người khác đứng vững, muốn thành đạt thì giúp người khác thành đạt. Nếu Nhân thì phải làm được “Kỷ sở bất dục, vật thi vu nhân” (Nhan Uyên), tạm dịch là điều nào mình không muốn người khác làm với mình thì cũng không làm với người khác. Tư tưởng đã này xuyên suốt các phương diện học thuyết tư tưởng của Khổng Tử.

Khổng Tử lại chỉ rõ thêm ra rằng “Năng hành ngũ giả vu thiên hạ, vi nhân hĩ”, tạm dịch là có thể làm được năm điều ở trong thiên hạ thì là Nhân vậy. Năm điều này chính là “Cung, khoan, tín, mẫn, huệ”. Bởi vì “Cung tắc bất vũ, khoan tắc đắc chúng, tín tắc nhân nhậm yên, mẫn tắc hữu công, huệ tắc túc dĩ sử nhân” (Dương hóa), tạm dịch là khiêm cung thì không khinh nhờn, khoan dung thì được lòng người, tín thì người ta tin cậy được, mẫn (cán) thì có công, huệ thì đủ (sai) khiến được người. Năm loại phẩm đức này đều được kiến lập trên cơ sở tôn trọng, quan tâm và thông cảm với con người. “Tử dĩ tứ giáo, văn, hành, trung, tín”, chính là học sinh phải học tập bốn phương diện: học vấn, ngôn hành, trung thành, khoan dung và tín nghĩa.

Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh giá trị và tác dụng của “Nhân”. Ông cho rằng, “Nhân” đã là điều mà mỗi cá nhân cần thiết phải tu dưỡng, cũng là nguyên tắc trị quốc bình thiên hạ tất yếu phải tuân theo. Đối với việc thi hành chính trị, ông khởi xướng phải dựa vào sự quan tâm và quý trọng người dân, lấy phương thức giáo hóa để đạt được mục đích an bang trị quốc. Ông đề xuất: “Vi chính dĩ đức, thí như bắc thần cư kì sở nhi chúng tinh cộng chi.” (Vi chính), tạm dịch là cầm chính quyền thì phải có Đức, ví như sao Bắc Đẩu ở nơi cố định để các ngôi sao khác vây quanh vậy. Cái gọi là Đức này, chính là thể hiện tinh thần của “Nhân”.

Trên cơ sở khởi xướng “Nhân” và “Đức”, Khổng Tử đề xuất một loại xã hội lý tưởng “Đại Đồng”, chính là: Ở thời Đại Đạo thực hành thì thiên hạ là của chung, cả thiên hạ đều vì việc công, chọn người hiền năng, coi trọng thành tín, sống trên thuận dưới hòa, người ta không chỉ thương kính với cha mẹ của mình, không chỉ yêu thương con cái mình, người già được nuôi dưỡng trọn đời, người tráng niên có chỗ được sử dụng, con trẻ được chăm sóc tới khi trưởng thành, những người góa bụa cô độc, những người cô đơn mất vợ, những người bệnh tàn phế tật nguyền đều được nuôi dưỡng… Được như vậy thì âm mưu quỷ kế không thịnh hành, bạo loạn trộm cướp không xảy ra, đi ra ngoài không phải đóng cửa, như thế là đại đồng. (Lễ Kí – Lễ Vận). Xã hội đại đồng này, thực tế chính là tinh thần của “Nhân” được thể hiện toàn diện đầy đủ ngoài xã hội.

Lý tưởng “Đại Đồng” khó mà thực hiện được, Khổng Tử lùi một bước đề xuất lý tưởng xã hội “Tiểu Khang”: Xây dựng thành quách, đào hào bảo vệ thành để thêm kiên cố, đặt ra lễ nghi làm kỷ cương dùng để quy phạm quan hệ vua tôi, khiến quan hệ cha con thân mật, anh em hòa thuận, vợ chồng hòa ái, dùng lễ nghi xây dựng các loại chế độ, phân chia ruộng đất và hộ tịch… nhờ đó mà xây dựng lễ nhượng (khiêm cung, thủ lễ, lấy cách cư xử cao đẹp mà nhường nhau) kiểu mẫu theo nghi lễ, làm gương cho bách tính noi theo lễ pháp mà chấp hành… Như thế là Tiểu Khang. Đây là xã hội bước đầu quán triệt được tinh thần của “Nhân”.

Hai, “Lễ” (礼) là một phạm trù quan trọng khác trong học thuyết tư tưởng của Khổng Từ. “Lễ” là một loại quy phạm hành vi xã hội đã tồn tại từ lâu. Khổng Tử cho rằng, tới thời nhà Chu, “Lễ” đã phát triển tới mức độ hoàn mỹ nhất, vì vậy ông sùng bái nhất là Chu Lễ, tức là Lễ của nhà Chu.

Theo cách nhìn của Khổng Tử, “Lễ” là quy phạm hành vi mà mỗi người nhất định phải tuân thủ, từ Thiên tử cho tới thứ dân. Cái “Lễ” của Khổng Tử bao hàm hai phương diện là tinh thần bên trong và hình thức bên ngoài. Cái tinh thần bên trong này đã duy hộ chế độ tông pháp (1) cấp bậc cùng các loại quan hệ luân lý tương ứng đương thời.

Hình thức bên ngoài của “Lễ” bao gồm các lễ tiết nghi thức như tế tự, quân đội, lễ đội mũ, kết hôn, tang sự, mai táng, triều bái kết thân, liên kết đồng minh, v.v. Khổng Tử cho rằng, chú trọng tinh thần bên trong của “Lễ” tất nhiên là quan trọng, nhưng tinh thần bên trong chung quy vẫn cần dựa vào hình thức bên ngoài để thể hiện. Cho nên đối với những lễ tiết nghi thức này, Khổng Tử không chỉ chuyên chú học tập, tự mình thực hành, mà còn yêu cầu các đệ tử nghiêm khắc tuân thủ. Bởi vì tinh thần bên trong của “Lễ” là duy hộ chế độ tông pháp cấp bậc, cho nên còn liên quan tới địa vị danh phận của mỗi cá nhân. Hành vi tuân thủ nghiêm ngặt với danh phận của bản thân chính là giữ “Lễ”, vượt quá danh phận của bản thân chính là trái với “Lễ”. Đề xuất “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, tạm hiểu là vua phải ra vua, quan phải ra quan, cha phải ra cha, con phải ra con. “Lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất,” (lễ nhạc và hiệu lệnh chinh phạt đều ở trong tay thiên tử), không thể “Tự pháp hầu xuất” (ở trong tay vua chư hầu), lại càng không thể “Bồi thần chấp quốc mệnh” (do bề tôi nắm giữ vận mệnh quốc gia). Trong phương diện gia đình thì “Phụ vi tử ẩn, tử vi phụ ẩn”, tạm hiểu là cha che giấu cho con, con che giấu cho cha. (2)

Bởi vậy, Khổng Tử không chỉ đề xuất rõ ràng chủ trương “Chính danh”, mà còn thông qua việc biên soạn “Xuân Thu” mà châm biếm bài xích các chủng các loại hành vi trái lễ đi quá giới hạn.

Ba, Khổng Tử còn đưa ra tư tưởng “Trung dung”.

Tại đây có hai điểm quan trọng: thứ nhất là “Trung”, thứ hai là “Hòa”. Cái “Trung” của Khổng Tử, không phải là thỏa hiệp và nhượng bộ, mà là trong lúc nhận thức và xử lý sự vật khách quan, cần phải làm được “Thích độ” (vừa phải), “Kháp như kì phân” (đúng mực, thích đáng). Mà cơ sở của “Thích độ” và “Kháp như kì phân” chính là bắt nguồn từ thực tế.

Khổng Tử còn đưa ra quan điểm “Hòa vi quý”. “Lễ” vốn là dùng để biểu thị sự khác biệt về cấp bậc trong bối cảnh mọi người có thân phận khác nhau. Nhấn mạnh “Hòa vi quý”, chính là nhấn mạnh sự phối hợp và hài hòa quan hệ khi có sự khác biệt và không cùng cấp bậc này. Đối với tư tưởng “Trung” và “Hòa” này, Khổng Tử chủ trương không chỉ xem nó là một phương pháp nhận thức và xử lý sự vật, mà còn thông qua tu dưỡng và rèn luyện, đưa nó dung nhập vào tính cách và phẩm chất của bản thân, trở thành mỹ đức của con người.

Bốn, Khổng Tử cả đời “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không biết chán, dạy người không biết mệt). Ông trong quá trình dạy học đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú. Tư tưởng “Giáo” và “Học” là bộ phận quan trọng hình thành nên học thuyết tư tưởng của ông.

Khổng Tử nơi nào cũng học, không có vị thầy nào cố định truyền thụ, cả đời khiêm tốn hiếu học. Ông đề xướng “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” (Vi chính), tạm dịch là: biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới thật là biết. Ông còn nói “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kì thiện giả nhi tòng chi, kì bất thiện giả nhi cải chi.” (Thuật nhi), tạm dịch là: trong ba người đi cùng đường, tất có người là thầy của ta, lấy cái thiện của họ mà học, nhìn ra cái bất thiện của họ mà sửa mình. Lại nói “Mẫn nhi hảo học, bất sỉ hạ vấn”, tạm dịch là người minh mẫn hiếu học, không ngại hỏi kẻ dưới. Khổng Tử cũng học tập học sinh của mình, ông đề xướng “Đương nhân, bất nhượng vu sư” (Vệ Linh Công), tạm dịch là: việc nhân đức không nhường ai, làm điều nhân đức thì dẫu là thầy cũng không nhường.

Trong “Bát dật” có đoạn trò chuyện giữa đệ tử Tử Hạ và Khổng Tử như sau:

Tử Hạ: Khéo cười tươi đẹp làm sao, mắt đẹp làm sao, nền trắng vẽ bức tranh tươi đẹp, nói như vậy nghĩa là sao?

Khổng Tử: Phải có nền trắng đẹp trước, sau mới vẽ tranh.

Tử Hạ: Vậy Lễ cũng đứng sau Nhân sao?

Khổng Tử: Trò có thể bàn luận “Thi” với ta được rồi.

Để tổng kết kinh nghiệm học tập của bản thân, ông nói: “Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm, dĩ tư, vô ích, bất như học dã” (Vệ Linh Công), tạm dịch là: ta từng cả ngày không ăn, cả đêm không nghỉ, suy tư, nhưng vô ích, không bằng đi học.

Ông đề xuất học tập phải cố gắng nỗ lực, coi trọng phương pháp học tập. Về vấn đề hình thành tích lũy tri thức, ông nhấn mạnh tính trọng yếu của việc học và cầu, nói rằng tự mình là “Ngã phi sinh nhi tri chi giả, hảo cổ, mẫn dĩ cầu chi giả dã “ (Thuật nhi), tạm dịch là ta sinh ra không phải đã biết tất cả, là do thích đạo cổ xưa, cần mẫn học hỏi mà nên. Ông yêu cầu các đệ tử phải “Phát phấn vong thực”, nghĩa là cố gắng nỗ lực quên ăn, “Học nhi thì tập chi” (học thì phải luyện tập), “Ôn cố nhi tri tân” (ôn lại cái cũ để biết cái mới). Ông nói: “Đa văn, trạch kỳ thiện giả bất nhi tòng chi, đa kiến nhi thức chi, tri chi thứ dã” (Thuật nhi), tạm dịch là nghe nhiều, chọn lấy điều thiện mà làm theo, nhìn nhiều rồi ghi nhớ thành tri thức của mình, biết được như vậy là người có trí rồi. Lại nói: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” (Vi chính), tam dịch là học mà không suy nghĩ thì mất hết, nghĩ mà không học thì nguy hiểm. Một mặt thì yêu cầu suy nghĩ phân tích phải dựa trên cơ sở tìm tòi học tập, mặt khác lại yêu cầu phải học, phải nghe, phải nhìn mọi thứ thêm vào đó là phân tích nghiên cứu, biến thành tri thức của mình, giúp tri thức của mình phong phú, đạt được đề cao. Ông còn nhấn mạnh học kết hợp với hành. Ông nói: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành” (người quân tử không nên nói nhiều mà quan trọng ở hành). Cho rằng chỉ nói mà không làm là điều đáng xấu hổ, “Sỉ cung chi bất đãi dã” (Lý nhân), tạm dịch là sợ sẽ xấu hổ nếu nói mà không làm được. “Quân tử sỉ kì ngôn nhi quá kì hành” (Hiến văn), tạm dịch là quân tử phải biết hổ thẹn vì lời nói quá so với việc làm. Thực tiễn và kinh nghiệm giáo dục của Khổng Tử đã đặt định ra cơ sở hình thành lý luận giáo dục truyền thống của Trung Quốc.

Có thể nói, Khổng Tử là người đặt nền móng cho văn hóa truyền thống Trung Quốc. Tư tưởng kể trên của ông đã trở thành một trong những chủ thể văn hóa truyền thống của Trung Quốc đời sau, đối với các phương diện như phương thức tư duy, định hướng giá trị cũng như tâm lý xã hội của người Trung Quốc đều có ảnh hưởng sâu sắc. Lấy “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” làm cơ sở, tư tưởng Nho gia coi trọng tu dưỡng đạo đức của con người, giảng khí tiết, trọng đạo nghĩa, quan tâm tới người khác, đề xướng khoan dung nhẫn nại bình hòa, độ lượng lạc quan, quan tâm tới chỉnh thể lợi ích của quốc gia và nhân dân, coi trọng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Những điều này có ý nghĩa quan trọng với việc đề cao tu dưỡng đạo đức của con người, bảo trì sự hài hòa trong quan hệ xã hội, ổn định xã hội, v.v. Bởi vậy những quốc quân có đạo đức của nhiều triều đại đều tuân theo tư tưởng trị quốc bình thiên hạ của Khổng Tử.

Tư Mã Thiên, sử gia thời Hán đã đánh giá Khổng Tử là: “Thi” trung hữu giá dạng đích thoại: “Tượng cao sơn nhất bàn lệnh nhân chiêm ngưỡng, tượng đại đạo nhất bàn nhượng nhân tuân tuần.” tạm dịch là trong “Thi” có một câu nói như thế này: “Giống như núi cao khiến người khác phải chiêm ngưỡng, giống như Đại Đạo khiến người phải tuân theo.” Từ xưa đến nay, trong thiên hạ từ quân vương cho tới hiền nhân cũng nhiều, khi còn sống thì hiển quý vinh hoa, nhưng tới lúc chết thì cũng chẳng còn gì. Khổng Tử là một người bình dân, những người đọc sách đều tôn ông làm tông sư. Từ thiên tử vương hầu tới người làm lục nghệ trong toàn quốc đều xem học thuyết của Khổng Tử là chuẩn tắc tối cao, vậy có thể nói Khổng Tử là Thánh nhân chí cao vô thượng rồi. Vì vậy, người biết Trung Hoa tất biết Khổng Tử, không biết Khổng Tử thì không thể chân chính hiểu rõ văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Đáng tiếc là tới lịch sử cận đại Trung Quốc, đặc biệt là sau thời Trung Cộng nắm được chính quyền, chẳng e dè gì mà không ngừng phá hoại văn hóa truyền thống Trung Quốc, tư tưởng của Khổng Tử cũng bị phê phán. Những hiện thực xấu xí ở Trung Quốc ngày nay như đạo đức xã hội chẳng còn, nhân tâm không còn như xưa, chính trị hủ bại chính là hậu quả xấu từ sự phá hoại văn hóa truyền thống của Trung Cộng.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/38439

Chú thích:

(1): Quý độc giả có thể tìm hiểu thêm về “chế độ tông pháp” trên trang Wikipedia.

(2): Theo hiểu biết của người dịch “Phụ vi tử ẩn, tử vi phụ ẩn”, có ý là cha và con che giấu lỗi cho nhau là lẽ thường tình vì có tình phụ tử, nên không thể nói là không ngay thẳng. Vậy, lý và tình có khi không nhất trí với nhau mà là quan hệ tư pháp còn chứa đựng mâu thuẫn. Về lý, con làm chứng cha phạm tội là theo lý ngay thẳng, không sai. Nhưng về tình, cha che giấu tội con cũng thường xảy ra. Quan điểm Khổng Tử là phải đem lý và tình thống nhất được với nhau mới phù hợp thực tế thời bấy giờ.



Ngày đăng: 07-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.